Triều Tiên – Hàn Quốc hội đàm cấp cao
Các quan chức Triều Tiên và Hàn Quốc tiến hành một cuộc hội đàm cấp cao vào ngày 12.2 nhằm tìm kiếm các biện pháp thắt chặt quan hệ mặc cho căng thẳng hai bên leo thang do những cuộc tập trận chung Mỹ – Hàn.
Làng Bàn Môn Điếm nằm ở biên giới Triều Tiên và Hàn Quốc – Ảnh: Reuters
Cuộc hội đàm cấp cao diễn ra tại làng Bàn Môn Điếm nằm ở biên giới Triều Tiên – Hàn Quốc, mặc dù không có nghị trình cụ thể nhưng có mục đích bàn thảo nhiều vấn đề “lớn”, bao gồm kế hoạch tiến hành chương trình đoàn tụ gia đình dự kiến từ ngày 20-25.2 tới, theo AFP.
Phái đoàn Hàn Quốc do ông Kim Kyou-Hyun, một quan chức cấp cao của Hội đồng An ninh quốc gia Hàn Quốc, dẫn đầu.
Ông Kim cho biết mục tiêu của Hàn Quốc trong cuộc hội đàm lần này là đảm bảo chương trình đoàn tụ gia đình diễn ra theo đúng kế hoạch.
Triều Tiên trước đó đã đe dọa hủy thỏa thuận tổ chức chương trình đoàn tụ gia đình với Hàn Quốc nếu Mỹ – Hàn không hủy các cuộc tập trận chung bắt đầu vào ngày 24.2. Bình Nhưỡng tố cáo những cuộc tập trận chung Mỹ – Hàn là diễn tập chiến tranh chống lại Triều Tiên.
Phái đoàn Triều Tiên do ông Won Tong-yon, một quan chức cấp cao Triều Tiên phụ trách về quan hệ liên Triều, đứng đầu.
Cuộc hội đàm diễn ra một ngày trước khi Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đến thăm Hàn Quốc bàn về tình hình Triều Tiên.
Đây là lần đầu tiên Hàn Quốc và Triều Tiên ngồi vào bàn hội đàm cấp cao kể từ năm 2007.
Cuộc hội đàm lần này đồng loạt xuất hiện trên các trang nhất các tờ báo ở Hàn Quốc. Trong khi Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) chỉ đưa tin ngắn gọn một dòng, theo AFP.
Theo AFP, hai miền Triều Tiên về mặt nguyên tắc vẫn đang trong tình trạng chiến tranh vì chiến tranh Triều Tiên chỉ kết thúc bằng một hiệp định đình chiến, chứ không phải hiệp định hòa bình.
Video đang HOT
Theo TNO
Hàn Quốc: 92 tuổi mới có thể gặp con lần đầu
Cuộc đoàn tụ các gia đình bị ly tán sắp tới là cơ hội duy nhất để một cụ ông 92 tuổi ở Hàn Quốc được nhìn mặt đứa con trai của mình lần đầu tiên.
Đối với ông Kang Neung Hwan, một ông lão 92 tuổi sinh sống ở thủ đô Seoul của Hàn Quốc, cơ hội được lần đầu tiên trong đời nhìn thấy mặt đứa con trai của mình nằm cả trong tay nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Ông Kang là người Hàn Quốc già nhất trong số 100 người may mắn trong đợt bốc thăm cho đợt đoàn tụ các gia đình hai miền Triều Tiên bị ly tán trong cuộc chiến tranh gần 61 năm trước đây. Lần cuối cùng cuộc đoàn tụ đầy khắc khoải này được tổ chức là vào năm 2010, và nó sẽ được diễn ra vào ngày 20/2 tới đây nếu như Triều Tiên giữ đúng cam kết của mình.
Con chăm sóc bố trong một cuộc đoàn tụ cảm động
Mắt không rời khỏi túi quà đầy những vitamin, tất, quần lót, kem đánh răng và cả thuốc ho chuẩn bị cho người con trai 62 tuổi của mình, ông Kang tâm sự: "Tôi không thể nghĩ ra điều gì hạnh phúc hơn thế trong cuộc đời mình." Khi nộp đơn đăng ký bốc thăm suất đoàn tụ gia đình ly tán để gặp họ hàng hồi năm ngoái, ông mới biết được rằng người vợ mà mình đã bỏ lại ở Triều Tiên cách đây gần 61 năm khi đó đã mang thai và sinh ra một đứa con trai.
Cuộc đoàn tụ các gia đình ly tán là bước đi quan trọng nhất trong việc cải thiện quan hệ giữa hai miền trong năm nay kể từ khi Triều Tiên đe dọa sẽ tấn công hạt nhân vào Seoul. Triều Tiên thường sử dụng dịp đoàn tụ này như một lá bài để mặc cả, và nhà lãnh đạo Kim Jong-un đang tìm cách đặt điều kiện cho lần đoàn tụ tới đây với việc mở lại một khu du lịch từng đem về cho Triều Tiên hàng trăm triệu đô-la.
Ông Kim Soo Am, một chuyên gia nghiên cứu tại Viện Thống nhất Quốc gia Hàn Quốc ở Seoul nhận định: "Việc đoàn tụ các gia đình bị li tán là dịp để Triều Tiên thăm dò sự nhượng bộ chính trị của Hàn Quốc. Đoàn tụ gia đình trở thành một vấn đề mang nặng tính chính trị hơn là nhân đạo giữa hai nước."
Thỏa thuận về việc tổ chức đoàn tụ cho các gia đình bị ly tán có thể dọn đường cho cuộc gặp gỡ cấp cao lần đầu tiên trong 6 năm nay giữa quan chức hai nước về một loạt các vấn đề chưa được tiết lộ. Bộ Thống nhất Hàn Quốc không nói rõ vấn đề mở lại khu du lịch núi Geumgang có được bàn bạc trong cuộc gặp này hay không.
Khu du lịch núi Geumgang
Việc hàng trăm người đổ về núi Geumgang để gặp gỡ người thân trong gia đình bị ly tán bởi chiến tranh sẽ mang lại khoảnh khắc hồi sinh ngắn ngủi cho một khu du lịch từng thu hút gần 2 triệu du khách Hàn Quốc trước khi bị đóng cửa vào năm 2008 khi một binh sĩ Triều Tiên bắn chết một du khách. Kim Jong-un đã kêu gọi 2 nước tổ chức hội nghị tại núi Geumgang vào ngày 24/1, nơi ông đưa ra đề nghị tổ chức cuộc đoàn tụ.
Khu du lịch núi Geumgang từng thu hút 2 triệu du khách Hàn Quốc
Khu du lịch núi Geumgang là sản phẩm của người sáng lập tập đoàn Hyundai Chung Ju Yung, một người gốc Triều Tiên chạy nạn tới Hàn Quốc và đã dành phần lớn cuộc đời mình để hòa giải dân tộc. Ông đã lập nên tập đoàn Hyundai Asan để thúc đẩy hợp tác với Triều Tiên và đã nhất trí chi 1 tỉ USD cho Bình Nhưỡng để xây dựng khu du lịch này. Tuy nhiên sau này mức phí này được hạ xuống và được tính toán dựa trên số lượng du khách.
Sau cuộc gặp giữa quan chức hai nước vào ngày 24/1, cổ phiếu của công ty Hyundai Merchant Marine, cổ đông lớn nhất của Hyundai Asan đã tăng lên 12%.
Tuy nhiên nhà lãnh đạo Kim Jong-un lại thể hiện động cơ chính trị đằng sau cuộc đoàn tụ này khi yêu cầu Mỹ và Hàn Quốc phải hủy bỏ cuộc tập trận chung thường niên dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 24/2 tới đây. Hồi tháng 9 năm ngoái, ông đã hủy bỏ kế hoạch tổ chức đoàn tụ chỉ 4 ngày trước khi nó diễn ra và cáo buộc Hàn Quốc "cản trở hòa giải".
Nỗi khắc khoải đoàn tụ
Nạn nhân của những toan tính chính trị giữa hai quốc gia vẫn đang trong tình trạng chiến tranh về mặt kỹ thuật này chính là những con người bị ly tán và đang ngày một già yếu hơn. Theo quy định của luật pháp Hàn Quốc và Triều Tiên, người dân hai nước bị cấm liên lạc với họ hàng thân thích ở nước kia, thế nên các cuộc đoàn tụ này gần như là dịp duy nhất để họ có thể gặp gỡ và trao đổi tin tức với những người thân yêu.
Quan chức Hàn Quốc và Triều Tiên gặp gỡ để bàn về vấn đề đoàn tụ
Hôm 27/1, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye đã lên tiếng: "Những con người này không thể đợi lâu hơn được nữa, bởi phần lớn trong số họ đã quá già yếu, và nỗi đau đã khắc sâu trong tim họ suốt 60n năm chờ đợi khắc khoải kia."
Gần 130.000 người Hàn Quốc đã nộp đơn xin được đoàn tụ gia đình kể từ năm 1988, và khoảng 57.000 trong số họ đã qua đời mà chưa được gặp người thân, trong khi hơn một nửa số người còn lại đã quá bát tuần.
Bốc thăm để đoàn tụ
Hồi tháng 9, một ông lão Hàn Quốc 91 tuổi dự kiến sẽ tham gia cuộc đoàn tụ này đã qua đời chỉ chưa đầy một tuần trước khi có cơ hội được gặp gia đình thân yêu của mình. Đó cũng chính là cuộc đoàn tụ bị ông Kim Jong-un hủy bỏ.
Bà Yu Seon Bi 80 tuổi đã vượt qua hai vòng bốc thăm ngẫu nhiên bằng máy tính hồi năm ngoái để lọt vào danh sách những người được đoàn tụ với gia đình ở Triều Tiên. Với đối tượng đoàn tụ là chị gái và em trai, bà Yu được ưu tiên hơn trong cuộc bốc thăm này so với những người muốn đoàn tụ với họ hàng xa hơn như cô dì chú bác hay cháu chắt.
Hàng ngàn người đang ngày càng già yếu trong nỗi khắc khoải đoàn tụ
Trong cuộc gặp với một quan chức Chữ Thập Đỏ tại nhà để bàn về chuyến đi, bà Yu đã không ngăn nổi nước mắt khi nghe đến địa danh quê nhà ở Triều Tiên.
Đưa bàn tay nhăn nheo run rẩy cầm cuốn lịch trình đoàn tụ 6 ngày của hội Chữ Thập Đỏ, bà Yu nghẹn ngào: "Tôi không biết mình còn có thể nhận ra chị em của mình nữa không."
Theo lịch trình, các gia đình tham dự cuộc đoàn tụ sẽ có một bữa tiệc và sẽ có thời gian hàn huyên tâm sự riêng với người thân của mình. Tuy nhiên 6 ngày đoàn tụ sẽ trôi qua vô cùng nhanh chóng, và khi những con người đã hơn 80 tuổi này lên xe trở về Hàn Quốc, người ta sẽ thấy vô vàn giọt nước mắt trên những gò má nhăn nheo khi chiếc xe bus xa dần.
Những giọt nước mắt sau khi đoàn tụ
Ông Kwak Keum Joo, một giáo sư tâm lý tại Đại học Quốc gia Seoul nhận định: "Họ lại phải xa nhau sau một thời gian đoàn tụ quá ngắn ngủi, điều đó có thể dẫn đến cảm giác giận dữ, đau đớn và tuyệt vọng." Hiện chính phủ Hàn Quốc vẫn chưa có bất cứ chương trình hỗ trợ tâm lý hậu đoàn tụ nào cho những con người tội nghiệp này.
Ông cụ Kang cho biết ông cũng rất lo lắng về những cảm giác đó sau khi đoàn tụ với đứa con trai của mình, nhưng ông vẫn quả quyết: "Nếu tôi có thể gặp lại gia đình mình chỉ trong một ngày hay một giờ thôi, tôi cũng cảm thấy mãn nguyện lắm rồi và có thể thanh thản nhắm mắt."
Theo Khampha
Cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn chồng chéo với chương trình đoàn tụ gia đình Ngày 10.2, Hàn Quốc và Mỹ khẳng định hai nước sẽ bắt đầu các cuộc tập trận chung thường niên vào ngày 24.2, chồng chéo với chương trình đoàn tụ gia đình hai miền Triều Tiên dự kiến vào ngày 20 - 25.2. Triều Tiên đã dọa sẽ hủy chương trình này nếu Mỹ - Hàn không ngừng các cuộc tập trận chung....