Triều Tiên đòi Liên Hiệp Quốc ‘xử’ Mỹ vi phạm nhân quyền
Triều Tiên chỉ trích Mỹ lấy cớ giải quyết vấn đề nhân quyền để âm mưu xâm lược quân sự, đồng thời Bình Nhưỡng đòi Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc “xử tội” Mỹ vi phạm quyền con người bằng việc sử dụng nhiều cách “tra tấn vô nhân đạo”, theo AFP ngày 10.12.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un – Ảnh: Reuters
Phản ứng trước những tài liệu được Thượng viện Mỹ công bố mới đây về hoạt động giam giữ, thẩm vấn và tra tấn của cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đối với các nghi phạm al-Qaeda, Bình Nhưỡng cho rằng đây sẽ là “bài toán khó” thách thức sự công bằng của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA), theo AFP.
Ngoài những tài liệu nêu trên, Triều tiên còn đề cập tới việc nhiều người da đen liên tục bị cảnh sát da trắng giết hại ở Mỹ thời gian gần đây, coi đó là một hành động “đê hèn, trái ngược với những tuyên bố nhân quyền của Washington”, theo AFP.
Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA ngày 9.12 đăng tải các tuyên bố của một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Triều Tiên về vấn đề này. AFP nhận định các tuyên bố này nằm trong một loạt các nỗ lực của Bình Nhưỡng nhằm “đá quả bóng nhân quyền” về phía Mỹ.
Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Triều Tiên cho rằng làm ngơ các vấn đề của Mỹ trong khi liên tục bàn luận về nhân quyền Triều Tiên sẽ là minh chứng cho thấy HĐBA chỉ là “công cụ khốn khổ cho âm mưu chuyên quyền của một thành viên thường trực”, theo AFP.
Trấn nước, hình thức thẩm vấn bị Liên Hiệp Quốc liệt vào danh sách “tra tấn”. – Ảnh: Reuters
Phát ngôn viên này khẳng định, Mỹ đang một lần nữa lợi dụng HĐBA, vội vàng đưa vấn đề nhân quyền của Triều Tiên lên HĐBA, bỏ qua các thủ tục cần thiết tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc. Theo Bình Nhưỡng, Mỹ làm vậy vì lo sợ sự “gian lận chính trị” của mình sẽ phải đối mặt với sự phản đối và lên án của người dân trên toàn thế giới, theo KCNA.
Video đang HOT
Bình Nhưỡng cho rằng, vấn đề nhân quyền đã có Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc và các tổ chức chuyên trách, nhưng Mỹ liên tục gây sức ép với âm mưu tạo ra cái cớ cho một cuộc xâm lược quân sự đối với Triều Tiên, theo KCNA.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Triều Tiên viện dẫn việc Washington dựa vào báo cáo sai lệch của Bộ Ngoại giao Mỹ về Iraq, vượt mặt Liên Hiệp Quốc, đưa ra cái cơ rằng Iraq sở hữu và phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt để phát động cuộc chiến ở quốc gia Tây Nam Á này vào năm 2003.
Phát ngôn viên này cho biết, hồi tháng 7, Chính phủ Triều Tiên đã đề nghị HĐBA triệu tập họp khẩn về các cuộc tập trận chung Mỹ – Hàn, yêu cầu chấm dứt các cuộc tập trận này, tuy nhiên HĐBA đã tránh né vấn đề và không hề phản hồi. Bình Nhưỡng cho rằng việc Mỹ – Hàn tập trận chung đặt ra mối đe dọa trực tiếp đối với hòa bình và an ninh quốc tế, vậy mà HĐBA lại không quan tâm, theo KCNA.
Binh sĩ Mỹ trong cuộc chiến ở Iraq năm 2003 – Ảnh: AFP
Lại bàn về vấn đề nhân quyền, Bình Nhưỡng cho rằng nếu HĐBA cố tình mang vấn đề nhân quyền của Triều Tiên ra thảo luận dưới áp lực của Mỹ và các đồng minh thì đó sẽ là biểu hiện rõ nhất của việc phân biệt đối xử.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Triều Tiên khẳng định HĐBA thảo luận vấn đề nhân quyền Triều Tiên dựa trên các tài liệu giả mạo. Và báo cáo do Ủy ban điều tra về tình hình nhân quyền ở Triều Tiên thì đầy rẫy những định kiến và dối trá, theo KCNA.
Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã cân nhắc một giải pháp cho vấn đề nhân quyền ở Triều Tiên do Nhật Bản và EU soạn thảo, trong đó yêu cầu đưa nhà lãnh đạo Kim Jong-un ra Tòa án hình sự Quốc tế (ICC), theo AFP.
Bình Nhưỡng đã ngay lập tức bác bỏ đòi hỏi này, cho rằng đây là âm mưu của Mỹ nhằm hạ bệ uy tín của Kim Jong-un. Trong khi đó, Nga và Trung Quốc, 2 thành viên thường trực của HĐBA, đã lên tiếng bảo vệ Triều Tiên trong vấn đề nhân quyền.
Dự kiến, HĐBA sẽ tiếp tục có một cuộc họp vào tháng này để bàn về vấn đề nhân quyền của Triều Tiên.
Ngọc Mai – Hữu Đạt
Theo Thanhnien
LHQ yêu cầu Mỹ xem lại luật cho cảnh sát dùng vũ lực
Các nhà nhân quyền Liên Hiệp Quốc yêu cầu những cơ quan thực thi pháp luật của Mỹ ngừng phân biệt chủng tộc và xem lại luật cho cảnh sát sử dụng vũ lực gây chết người, theo Reuters.
Những người biểu tình nằm xuống ở ga Grand Central, New York - Ảnh: AFP
Các chuyên gia phát biểu ngày 5.12, rằng họ lấy làm tiếc khi bồi thẩm đoàn Mỹ đã thất bại trong hai trường hợp truy tố cảnh sát giết chết hai thanh niên da màu là Michael Brown ở Ferguson, Missouri và Eric Garner ở New York; gây ra các cuộc biểu tình lớn trên cả nước.
"Tôi lo ngại về những quyết định của bồi thẩm đoàn và các chứng cứ vẫn còn mâu thuẫn trong cả hai vụ việc trên", Rita Izsak, đặc phái viên của Liên Hiệp Quốc về vấn đề dân tộc thiểu số cho biết.
"Các quyết định của tòa để lại một câu hỏi lớn về tính hợp pháp cho các trường hợp sử dụng vũ lực đối với cộng đồng Mỹ gốc Phi hoặc các cộng đồng thiểu số khác", Rita Izsak nói thêm.
Ông Mutuma Ruteere, đặc phái viên Liên Hiệp Quốc về nạn phân biệt chủng tộc thời hiện đại cáo buộc rằng vụ việc trên là bằng chứng rõ ràng của phân biệt chủng tộc. Ông nói "phải diệt tận gốc những hành động này"
Luật pháp quốc tế cho phép sử dụng vũ lực gây chết người khi thật sự cần thiết để tự vệ, theo ông Christof Heyns, một đặc phái viên khác của Liên Hiệp Quốc.
"Nhiều tiểu bang của Mỹ đang sử dụng luật này rất dễ dãi vì nhiều trường hợp không cần thiết phải sử dụng vũ lực. Cho nên, cần nhìn nhận lại vấn đề một cách hệ thống và toàn diện như loại vũ khí được sử dụng, các khóa tập huấn cảnh sát và việc gắn camera trên người cảnh sát để làm bằng chứng giải trình", Heyns phát biểu.
Cảnh sát tuần hành trong cuộc biểu tình ở Ferguson ngày 18.8 - Ảnh: AFP
Bộ trưởng Bộ tư pháp Mỹ Eric Holder đã cân nhắc nhiều về quyền dân sự trong vụ nổ súng tại Missouri và hứa sẽ điều tra về vụ việc ở New York.
Vào thứ năm 4.12 bồi thẩm đoàn New York đã ra phán quyết không buộc tội cảnh sát da trắng Pantaleo gây ra cái chết của người đàn ông da màu Eric Garner hồi tháng 7 vừa qua.
Trong khi các vụ biểu tình liên quan đến trường hợp thanh niên da màu Michael Brown vẫn chưa lắng dịu thì phán quyết mới này càng khiến chính quyền Washington lo lắng.
Tổng thống Obama cho rằng vụ việc lần này sẽ càng khiến cả nước Mỹ quan tâm hơn những vấn đề của cộng đồng da màu và phải có những cải cách tư pháp để minh bạch hoá quá trình thực thi nhiệm vụ.
Huỳnh Mai
Theo Thanhnien
Vấn đề Triều Tiên vào chương trình nghị sự Liên Hiệp Quốc Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc hôm nay đã quyết định đưa vấn đề nhân quyền của Triều Tiên vào chương trình nghị sự, đây là điều mà Bắc Kinh hay Moscow cũng không có quyền ngăn trở, theo Reuters ngày 6.12. Nga và Trung Quốc không thể ngăn cản việc Hội đồng bảo an đưa vấn đề Triều Tiên vào chương...