Triều Tiên: Cựu tình báo viên tiết lộ âm mưu đảo chính
Một đơn vị quân đội đã từng lên kế hoạch nã tên lửa vào thủ đô Bình Nhưỡng.
Ngày 3/4, tờ Telegraph của Anh dẫn lời một cựu sĩ quan tình báo Triều Tiên đào tẩu sang phương Tây kể về những biến cố ghê gớm bên trong chế độ Triều Tiên với rất nhiều những âm mưu đảo chính và ám sát.
Viên cựu sĩ quan tình báo này đã kể về những âm mưu ám sát nhắm vào cố Chủ tịch Kim Jong-il, người vừa qua đời cách đây 3 năm, khiến bộ máy an ninh của Triều Tiên phải đưa ra vô vàn biện pháp để chống lại những âm mưu cả có thật và tưởng tượng.
Người đàn ông được gọi bằng mật danh “K” này cho biết chính ông đã nắm được thông tin về 2 vụ ám sát hụt Chủ tịch Kim Jong-il, người lãnh đạo Triều Tiên từ năm 1994 tới tháng 12/2011.
Các nhân viên an ninh của Triều Tiên luôn đề cao cảnh giác
Trong âm mưu ám sát đầu tiên, một tay súng đơn độc trang bị súng tự động đã tìm cách bắn hạ ông Kim, song người này đã bị bắt giữ trước khi kịp nổ súng. Còn trong một vụ khác, tên sát thủ lái một chiếc xe tải 20 tấn lao thẳng vào đoàn xe chở ông Kim, tuy nhiên chiếc xe limousine của ông đã không hề hấn gì.
Ông K cũng nhắc đến chi tiết về 2 âm mưu đảo chính nhằm lật đổ chế độ ở Triều Tiên, đặc biệt là trong giới sĩ quan cấp cao từng được huấn luyện, đào tạo ở Liên Xô.
K mô tả việc các sĩ quan Triều Tiên từng học ở học viện quân sự Frunze (Liên Xô) được tình báo Nga thuyết phục cung cấp thông tin mật về tình hình Triều Tiên cho Kremlin.
Trong một âm mưu táo bạo, một nhóm sĩ quan với hy vọng sẽ lôi kéo được Nga can thiệp vào Triều Tiên đã lên kế hoạch đánh bom lãnh sự quán Nga ở thành phố Chonjin. Trong một biến cố khác, một đơn vị quân đội đóng quân ở phía đông đã định phóng tên lửa vào các mục tiêu then chốt ở thủ đô Bình Nhưỡng. Ông K cho biết cả hai âm mưu này đều bị phá trước khi diễn ra.
Telegraph cho biết họ không thể kiểm chứng một cách độc lập lời kể của ông K, song nhiều nguồn tin khác cũng phần nào khẳng định tính xác thực của câu chuyện này.
Video đang HOT
Các nhà quan sát tình hình Triều Tiên cho biết vào năm 1994, một nhóm sĩ quan Triều Tiên từng học ở Nga đã bị an ninh Triều Tiên bao vây và bỏ tù trong một vụ việc được gọi là “Biến cố Frunze”.
Sau đó vào năm 1997, vì những lý do bí ẩn, Triều Tiên đã điều binh sĩ tới sở chỉ huy của Lữ đoàn 6 đóng quân ở miền đông nước này, dẫn tới một cuộc đấu súng dữ dội, và sau đó nhiều sĩ quan cấp cao bị bắt giữ. Lữ đoàn này sau đó đã bị giải tán.
Cố Chủ tịch Kim Jong-il từng 2 lần bị ám sát hụt?
Đào tẩu khỏi Triều Tiên vào năm 2005, ông K kể rằng ngay cả các quan chức chính phủ và tướng lĩnh cấp cao của quân đội vẫn thường xuyên bị các tình báo viên giám sát dưới danh nghĩa là tài xế hay người giúp việc, và các hoạt động của họ đều đặn được báo cáo lên Lãnh tụ Tối cao mỗi tuần.
Theo ông K, các quan chức an ninh ở Bình Nhưỡng luôn nghi ngờ mọi thứ, đến nỗi việc một gánh xiếc bị cháy chỉ một ngày trước sinh nhật của Kim Jong-il cũng bị cho là một cuộc biểu tình.
Cựu quan chức tình báo này cho biết sau 2 lần bị ám sát hụt, nhà lãnh đạo Kim Jong-il trở nên sợ hãi nhiều thứ, và phương tiện di chuyển ưa thích của ông này là một chiếc tàu hỏa bọc thép riêng.
Ông K kể lại một vụ việc để minh họa cho tính cảnh giác cao độ của nhà lãnh đạo Kim Jong-il. Một lần ông Kim đang trò chuyện với các quan chức cấp cao bên trong một tòa nhà của đảng Lao động Triều Tiên thì bất ngờ điện tắt phụt. Ngay lập tức, các vệ sĩ của ông Kim đè tất cả các quan chức xuống đất và đứng vây quanh nhà lãnh đạo của mình.
Ông Andrei Lankov, một chuyên gia về Triều Tiên tại Đại học Kookmin ở Hàn Quốc cho biết: “Tôi vẫn nghi ngờ tính xác thực của câu chuyện này trừ phi có các bằng chứng thuyết phục. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là các âm mưu đảo chính hay ám sát ở Triều Tiên không xảy ra.”
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un tới thăm một đơn vị quân đội Triều Tiên
Không giống như phần lớn những người Triều Tiên đào tẩu khác vốn thích sống lặng lẽ và luôn lo lắng, ông K có một vẻ ngoài vạm vỡ và rất sôi nổi. Ông cho biết ông không có nhiều thông tin về nhà lãnh đạo Kim Jong-un hiện nay, tuy nhiên ông cho rằng nhà lãnh đạo này sẽ rất khó ám sát.
Ông nói: “Bất cứ ai đến gặp nhà lãnh đạo tối cao đều bị khám xét rất kỹ lưỡng. Tất cả mọi người, kể cả các thành viên trong gia đình.”
Trong những lần xuất hiện trước công chúng, nhà lãnh đạo Kim Jong-un luôn được ba vòng an ninh bao bọc với rất nhiều cận vệ, đặc vụ và cảnh sát, và những địa điểm mà ông tới thăm thường được cẩn thận kiểm tra từ trước.
Theo Xahoi
Máy bay do thám Triều Tiên chỉ là "đồ chơi"?
Nhiều công nghệ vũ khí của Triều Tiên từng được coi là tân tiến cách đây 50 năm.
Ngày 1/4, các chuyên gia quốc tế cho rằng máy bay do thám không người lái của Triều Tiên bị rơi ở Hàn Quốc trong trận đấu pháo hôm 31/3 chỉ là một món "đồ chơi" và không thể hiện bước nhảy vọt trong công nghệ quân sự của Triều Tiên.
Theo đó, chiếc máy bay không người lái của Triều Tiên bị rơi trên đảo Baengnyeong được nhìn nhận như một "chiếc máy bay mô hình được gắn camera". Chiếc máy bay này bị rơi sau khi Triều Tiên và Hàn Quốc nã hơn 800 quả đạn pháo vào vùng biển của nhau hôm thứ Hai. Nó có hình dáng tương tự như một chiếc máy bay khác bị rơi ở thị trấn biên giới Paju hôm 24/3.
Máy bay do thám Triều Tiên rơi trên đảo Baengnyeong của Hàn Quốc
Dựa vào những thông tin hiếm hoi từ các cuộc duyệt binh công khai của Triều Tiên, các chuyên gia tin rằng Bình Nhưỡng đang sở hữu nhiều loại máy bay không người lái lớn hơn. Tuy nhiên, cũng giống như các loại trang bị vũ khí khác của quân đội nước này, chúng đều đã qua thời huy hoàng và giờ đây bị các quốc gia phương Tây coi là "đồ cổ".
Ông Joseph S. Bermudez, người đồng sáng lập công ty phân tích tình báo AllSource Analysis ở Mỹ cho rằng Triều Tiên đã chế tạo máy bay do thám không người lái dựa trên công nghệ cũ của phương Tây và được xuất khẩu qua các quốc gia như Syria.
Ông nói: "Triều Tiên đã sở hữu máy bay không người lái nhiều năm nay. Chiếc máy bay do thám này có vẻ như đã được điều chỉnh lại thân và gắn thêm camera, không khác gì một máy bay mô hình gắn camera."
Ông Paul Schulte, một giảng viên tại Đại học Kings London cũng có cùng nhận định: "Chiếc máy bay này nhỏ đến mức không thể của ai khác ngoài Triều Tiên."
Điều khó khăn trong việc xác nhận nguồn gốc của chiếc máy bay do thám này là người ta biết quá ít về năng lực quân sự của Triều Tiên, nơi được coi là "hố đen tình báo" đối với Mỹ và phương Tây.
Người ta ước tính Bình Nhưỡng chi khoảng 20-30% GDP cho ngân sách quốc phòng, tuy nhiên một báo cáo của Lầu Năm Góc tại Quốc hội hồi tháng trước cho biết quân đội Triều Tiên đang gặp nhiều khó khăn nghiêm trọng vì "thiếu hụt nguồn lực và các khí tài ngày càng cũ kỹ".
Tuy nhiên, tiến sĩ James Hoare tại Trung tâm Nghiên cứu Triều Tiên tại Đại học London cho rằng một số công nghệ của Triều Tiên từng được coi là "tân tiến", nhưng thời kỳ đó đã qua cách đây hơn 50 năm.
Ông nói: "Phần lớn khí tài của Triều Tiên hiện nay đều đã lạc hậu, chủ yếu có từ thời Thế Chiến II. Triều Tiên chú trọng rất lớn vào tinh thần chiến đấu vì họ không còn thứ gì khác đáng kể."
Triều Tiên khoe máy bay không người lái trong một cuộc duyệt binh
Triều Tiên lần đầu tiên khoe máy bay không người lái là trong một cuộc duyệt binh hồi tháng Ba năm ngoái. Họ sử dụng máy bay không người lái làm mục tiêu tập bắn cho tên lửa phòng không và tuyên bố rằng những máy bay này cũng có thể biến thành một vũ khí chính xác lao vào mục tiêu.
Lầu Năm Góc cho rằng chiếc máy bay do thám bị rơi hôm thứ Hai được dựa trên nguyên mẫu của máy bay MQM-107 Streaker, một loại máy bay không người lái được Mỹ sử dụng làm bia tập bắn cho tên lửa vào thập niên 1980.
Ông Schulte nhận định: "Những máy bay này đã bị coi là đồ cổ. Chúng được sử dụng ở Mỹ vào năm 1984 và sau đó được đưa vào viện bảo tàng năm 1990." Cũng theo ông Schulte, những máy bay kiểu này không có khả năng mang theo vũ khí.
Ngoài ra, hãng tin Yonhap cũng xác nhận rằng Triều Tiên cũng đã sử dụng máy bay do thám D-4 của Trung Quốc, một loại "đồ cổ" từng được quân đội Trung Quốc sử dụng vào năm 1983.
Theo Khampha
Triều Tiên: Tổng thống Hàn Quốc là "bà cô lập dị" Sau khi đấu pháo trên biển, hai nước quay sang đấu khẩu với nhau quyết liệt. Một ngày sau khi đấu pháo với nhau trên vùng biển biên giới, Triều Tiên và Hàn Quốc bắt đầu quay sang đấu khẩu quyết liệt với nhau, và Bình Nhưỡng kiên quyết bác bỏ chương trình thương lượng đầy tham vọng của Tổng thống Hàn Quốc...