Triệu chứng phổ biến ở người nhiễm SARS-CoV-2 tại Việt Nam
Theo Phó giáo sư, tiến sĩ Đỗ Duy Cường, người nhiễm SARS-CoV-2 thường có triệu chứng sốt, ho, khó thở và mất khả năng ngửi.
Triệu chứng của bệnh nhân Covid-19 khá tương đồng với những người mắc bệnh lý viêm đường hô hấp thông thường khác. Vậy làm thế nào để tránh bỏ lọt bệnh nhân Covid-19 khi thăm khám lâm sàng?
Phó giáo sư, tiến sĩ Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, đã phân tích về vấn đề này trong buổi tập huấn cho các nhân viên y tế về “Tăng cường biện pháp phòng, kiểm soát lây nhiễm Covid-19 trong cơ sở khám chữa bệnh”.
Dấu hiệu
Phó giáo sư Cường giải thích virus tấn công trực tiếp tế bào phổi và niêm mạc (mắt, mũi họng, tiêu hóa) vào máu, tới các cơ quan, nội mạc mao mạch.
Ở trong máu, virus tấn công trực tiếp tế bào lympho. SARS-CoV-2 tấn công vào hầu hết cơ quan trong cơ thể. Do đó, ngoài biểu hiện ho, sốt, bệnh nhân còn gặp phải triệu chứng đau cơ, mệt mỏi, tiêu chảy.
Theo số liệu từ Cục Y tế Dự phòng đánh giá trên 240 bệnh nhân mắc Covid-19 trong đợt dịch mới bùng phát, 71,31% không có triệu chứng.
Số còn lại gặp các triệu chứng như sốt (28,31%), ho (21,02%), mệt mỏi, đau người (12,22%), rát họng (9,66%), khó thở/tức ngực (5,68%) và sổ mũi (1,7%).
Phân tích số liệu này, Phó giáo sư Cường đánh giá triệu chứng sổ mũi chiếm tỷ lệ nhỏ ở các bệnh nhân mắc Covid-19 tại Việt Nam. Do đó, chúng ta cần có sự phân biệt nó với người nhiễm nCoV và bệnh lý đường hô hấp thông thường khác. Các triệu chứng điển hình bệnh nhân Covid-19 ở Việt Nam thường gặp là sốt, ho, khó thở, mất khả năng ngửi.
Video đang HOT
Mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 tại Chí Linh, Hải Dương. Ảnh: Thạch Thảo.
Triệu chứng thay đổi rất nhanh
Ở các bệnh nhân có triệu chứng nhẹ, sốt chiếm đa số với 80-90%. Trong khi đó, các biểu hiện lâm sàng khác là ho khan (60-80%), khó thở (50-80%), mệt mỏi (30-40%), ỉa chảy (20-40%), đau đầu (25%), đau họng, đau cơ, chảy nước mũi (7%) và mất khứu giác, vị giác…
Bệnh nhân nặng sẽ gặp phải tình trạng suy hô hấp, có thể kèm theo triệu chứng cơ quan khác. Trường hợp nguy kịch sẽ phải thở máy xâm nhập, lọc máu, can thiệp ECMO.
Đặc điểm tổn thương phổi của bệnh nhân Covid-19 khó tiên đoán, xác định vì rất đa dạng, thường ở hai bên phổi, lan tỏa ngoại biên với những kính mờ, khối đông đặc, dễ nhầm với tổn thương do vi khuẩn gây ra.
Đặc biệt, Phó giáo sư Cường lưu ý các triệu chứng có thể thay đổi rất nhanh, trở nặng từ tuần thứ 2 trở đi, tỷ lệ tử vong từ 2-25% (theo lãnh thổ và tuổi). Thời gian tử vong thường xảy ra sau 2-8 tuần mắc bệnh.
Ngoài ra, bệnh nhân Covid-19 trên thế giới còn gặp các triệu chứng lâm sàng khác về tiêu hóa (mất khứu giác, bụng chướng, đau bụng, tiêu chảy…), thần kinh (nhồi máu não, viêm não, liệt), suy gan, tổn thương thận, tổn thương da, chi khác… Đây là cơ sở để chúng ta lưu ý, phát hiện sớm người nhiễm SARS-CoV-2.
Theo bác sĩ Cường, người nhiễm SARS-CoV-2 thường bị nhầm lẫn với nhiều bệnh lý khác. Ở dạng nhẹ, các bệnh nhân nhiễm cúm, rhinovirus, myxovirus, adenovirus, cảm lạnh do coronavirus thông thường cũng có triệu chứng tương tự. Bệnh nhân nặng cũng có thể xuất phát từ viêm phổi do cúm (H1N1, H5N1, H7N9), MERS, các vi khuẩn không điển hình.
Do đó, mọi trường hợp nghi ngờ, có sốt hoặc viêm đường hô hấp cấp tính không lý giải được bằng nguyên nhân khác; có yếu tố dịch tễ, tiếp xúc gần các bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2, cần được xét nghiệm để sàng lọc, tránh bỏ sót bệnh nhân.
Bộ Y tế yêu cầu toàn bộ nhân viên y tế cả nước xét nghiệm Covid-19
Bộ Y tế yêu cầu tất cả cơ sở y tế khẩn trương lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 với toàn bộ nhân viên y tế.
Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn vừa ký công điện về việc tăng cường quyết liệt các biện pháp phòng, kiểm soát lây nhiễm Covid-19 trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Bộ Y tế cho biết, sau 57 ngày không có dịch trong cộng đồng, từ ngày 27/1, tại Hải Dương, Quảng Ninh đã phát hiện ổ dịch mới trong cộng đồng. Những trường hợp ở Hải Dương có liên quan đến một trường hợp được khẳng định tại Nhật Bản đã nhiễm chủng virus biến thể "siêu lây nhiễm" B.1.1.7.
Trước diễn biến hết sức nghiêm trọng của dịch Covid-19, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành chỉ đạo các đơn vị trực thuộc khẩn trương thực hiện 5 nội dung:
1. Giám đốc các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khẩn trương, duy trì và siết chặt công tác sàng lọc, phân luồng; đánh giá lại theo Bộ tiêu chí bệnh viện an toàn và Bộ tiêu chí phòng khám an toàn phòng chống dịch Covid-19.
Nhân viên y tế tại Bệnh viện Bạch Mai được lấy mẫu xét nghiệm đồng loạt vào tháng 4/2020. Ảnh: Đoàn Bổng
Toàn bộ các cơ sở y tế cập nhật kết quả trên phần mềm trực tuyến, khắc phục ngay các vấn đề tồn tại và tiếp tục rà soát, củng cố thực hiện thật nghiêm các quy định về các biện pháp phòng và kiểm soát lây nhiễm dịch bệnh. Nghiêm túc triển khai "Thông điệp 5K"; giao thủ trưởng đơn vị thực hiện xử phạt người không đeo khẩu trang.
2. Triển khai quyết liệt các biện pháp để bảo vệ lực lượng tuyến đầu chống dịch là nhân viên y tế, tuyệt đối không để lây nhiễm.
Cung cấp đầy đủ trang thiết bị phòng hộ cá nhân, kiểm soát nhiễm khuẩn cho nhân viên y tế. Rà soát lại máy thở và các trang thiết bị khác, cơ số thuốc, vật tư phục vụ công tác phòng chống dịch.
Phối hợp với cơ quan Kiểm soát bệnh dịch các tỉnh (CDC) hoặc các bệnh viện có khả năng xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật Realtime RT-PCR để khẩn trương lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ nhân viên y tế (xem xét áp dụng phương pháp gộp mẫu).
3. Các cơ sở y tế thực hiện việc kê đơn, cấp phát thuốc điều trị các bệnh mạn tính với thời gian dài hơn cho tất cả các bệnh nhân (tối đa 3 tháng).
4. Chỉ định xét nghiệm sớm SARS-CoV-2 đối với người bệnh để phát hiện sớm và ngăn ngừa, cách ly triệt để, tuyệt đối không để dịch Covid-19 lây lan trong các bệnh viện; lấy mẫu xét nghiệm ngẫu nhiên người bệnh nội trú trong bệnh viện, ưu tiên các đối tượng có nguy cơ cao (áp dụng phương pháp gộp mẫu phù hợp với đánh giá nguy cơ).
5. Đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn các tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh và đồng bằng sông Hồng:
- Tổ chức điều trị, phân luồng người bệnh nặng và không có diễn biến nặng, chuyển tuyến trong trường hợp cần thiết.
- Nâng cấp độ công tác phòng, chống dịch Covid-19 ở mức cao nhất.
- Cho lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ người bệnh tại các khoa cấp cứu, hồi sức cấp cứu, hồi sức tích cực và ngẫu nhiên người bệnh nội trú từ 30% trở lên của các khoa còn lại để phát hiện sớm các nguy cơ dịch bệnh (có thể áp dụng phương pháp gộp mẫu phù hợp với đánh giá nguy cơ).
Các địa phương rà soát và báo cáo thường xuyên về Tiểu ban điều trị (Cục Quản lý Khám, chữa bệnh). Nếu có khó khăn cần đề xuất cần chi viện, giúp đỡ từ tuyến trên.
Trong 2 ngày qua, Bộ Y tế đã công bố 93 ca Covid-19 trong cộng đồng tại Hải Dương, Quảng Ninh, Hà Nội, Hải Phòng và Bắc Ninh.
Nữ giáo sư cả đời nghiên cứu vaccine Giáo sư, tiến sĩ Huỳnh Thị Phương Liên là người mang công nghệ sản xuất vaccine viêm não Nhật Bản về Việt Nam, nhận danh hiệu Anh hùng lao động chiều 19/1. Giáo sư, tiến sĩ Huỳnh Thị Phương Liên, 81 tuổi, đã có 112 công trình khoa học công bố trên các tạp chí khoa học trong và ngoài nước, tham gia...