Triệt phá tổ chức tội phạm núp bóng doanh nghiệp
Núp bóng doanh nghiệp, Lê Công Minh, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần tập đoàn Minh Trí đã “giật dây” đàn em o ép các doanh nghiệp đối thủ để tranh thầu.
Lo sợ hành vi phạm tội bị phát hiện, Minh còn chỉ đạo đàn em liên lạc, gây sức ép về mọi mặt đối với các cơ quan chức năng có liên quan và cán bộ tham gia phá án; đồng thời chỉ đạo các nhân viên kế toán thân cận tìm cách xóa mọi dấu vết phạm tội… Tuy nhiên, cuối cùng Minh vẫn không thoát khỏi lưới pháp luật.
Sử dụng đàn em o ép doanh nghiệp đối thủ để thắng thầu
Nhắc đến Lê Công Minh (sinh năm 1980, trú tại Bảo Lộc 1, phường Thanh Châu, TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam, biệt danh Minh “Cuti”) – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần tập đoàn Minh Trí (gọi tắt là Công ty Minh Trí), địa chỉ tại số 6, đường Nguyễn Thị Định, phường Thanh Châu, TP. Phủ Lý, tỉnh Hà Nam, người dân và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nhiều người biết đến. Lê Công Minh là đối tượng hình sự “cộm cán”, có nhiều tiền án, tiền sự với nhiều mối quan hệ xã hội phức tạp; trong hoạt động sản xuất kinh doanh, thông qua các hoạt động “xã hội đen” để o ép, đe dọa các doanh nghiệp…, đây là một dạng hoạt động của tội phạm núp bóng doanh nghiệp.
Cán bộ điều tra lấy lời khai đối tượng Lê Công Minh.
Không giống với anh trai của mình – một đối tượng hình sự bị bắn tử vong trong một vụ trọng án từng gây xôn xao dư luận cả nước cách đây không lâu, trong công việc Lê Công Minh rất thận trọng, dùng nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi để phục vụ mục đích kiếm tiền. Minh thành lập công ty với mục đích tham gia vào các dự án, các gói thầu. Núp bóng dưới vỏ bọc của một doanh nhân thành đạt, Minh đứng sau điều hành, “giật dây” toàn bộ hoạt động của đám đàn em. Đàn em của Minh chủ yếu là các đối tượng có tiền án, tiền sự với lý lịch bất hảo. Trong các phi vụ, Minh không trực tiếp ra mặt mà thông qua đám đàn em thân tín o ép, đe dọa các doanh nghiệp đối thủ để thắng thầu, tranh giành hợp đồng kinh tế cung cấp vật liệu xây dựng, khai thác đá, san lấp mặt bằng cho các dự án trên địa bàn tỉnh Hà Nam. Trong trường hợp bị phát hiện thì đám đàn em sẵn sàng đứng ra nhận tội… Hoạt động của Minh và các đối tượng đã gây dư luận rất xấu trong doanh nghiệp, đặc biệt là sự bức xúc của cán bộ, đảng viên và nhân dân.
“Cần nhanh chóng nắm bắt hoạt động của Minh và đồng bọn; không để các đối tượng hoạt động lộng hành, coi thường pháp luật…”, đó là yêu cầu của Đại tá Tô Anh Dũng, Giám đốc Công an tỉnh Hà Nam đặt ra cho lãnh đạo và cán bộ, chiến sĩ hai đơn vị nghiệp vụ là Phòng An ninh kinh tế và Phòng An ninh điều tra (ANĐT) Công an tỉnh Hà Nam. “Đối tượng dù có hoạt động tinh vi đến đâu cũng bộc lộ những sơ hở. Điều quan trọng nhất là phải tìm ra được “gót chân Asin” của anh ta”. Từ gợi mở của đồng chí Giám đốc Công an tỉnh Hà Nam và Phó Giám đốc Công an tỉnh phụ trách an ninh, các trinh sát Phòng An ninh kinh tế đã nhanh chóng vào cuộc.
Video đang HOT
Quá trình thu thập tài liệu, nắm bắt thông tin, các trinh sát Phòng An ninh kinh tế phát hiện một số doanh nghiệp đăng ký kinh doanh trên địa bàn tỉnh Hà Nam nhưng không có hoạt động sản xuất, kinh doanh thực tế. Các doanh nghiệp này có dấu hiệu móc nối với một số doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực khai thác nguyên, vật liệu xây dựng, san lấp mặt bằng các công trình trên địa bàn để mua bán hóa đơn giá trị gia tăng nhằm hợp thức hóa đầu vào, có dấu hiệu của việc trốn thuế và khai thác tài nguyên đá, cát trái phép. Trước tình hình trên, Phòng An ninh kinh tế đã báo cáo Ban Giám đốc Công an tỉnh để xác lập chuyên án đấu tranh.
Quá trình đấu tranh chuyên án, xác định Công ty TNHH Thương mại dịch vụ xuất nhập khẩu 268 Group (gọi tắt là Công ty 268), trụ sở tại ngõ 36, đường Trần Văn Chuông, phường Lê Hồng Phong, TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam do Nguyễn Thị Kim Oanh (SN 1986, trú tại đường Lê Công Thanh, phường Hai Bà Trưng, TP Phủ Lý) làm giám đốc có quan hệ móc nối để mua hóa đơn giá trị gia tăng của các công ty ngoại tỉnh, sau đó bán lại cho 7 công ty trên địa bàn tỉnh Hà Nam, trong đó có Công ty Minh Trí của Lê Công Minh. Đặc biệt, các cán bộ điều tra đã gặp gỡ không ít các doanh nghiệp đã từng bị đám “đàn em” của Minh đe dọa, gây sức ép. Trong số đó có những trường hợp dù đã trúng thầu nhưng vẫn phải miễn cưỡng “đưa lại” các dự án cho công ty của Minh; một số trường hợp bị ép buộc phải bỏ thầu với giá thấp hơn, theo yêu cầu của các đối tượng trong ổ nhóm của Minh. Các nạn nhân đều rất bức xúc trước hành vi ngang ngược của đám “đàn em” của Minh nhưng vì bị các đối tượng đe dọa nên đành “ngậm bồ hòn làm ngọt”…
Đối tượng Lê Công Minh tại Cơ quan Công an.
Thủ đoạn trốn thuế, trục lợi ngân sách
Quá trình thu thập tài liệu chứng cứ, các trinh sát đã có được những thông tin rất quan trọng về hoạt động của Công ty 268 do Nguyễn Thị Kim Oanh làm giám đốc. Công ty này đã bán hóa đơn giá trị gia tăng khống cho doanh nghiệp của Lê Công Minh và một số doanh nghiệp khác.
Cụ thể, từ khi thành lập ngày 5/10/2021 đến nay, Công ty 268 không hề có hoạt động kinh doanh thực tế nào mà chỉ thực hiện mua, bán hóa đơn giá trị gia tăng trái phép, ghi khống nội dung hóa đơn nhưng không có hàng hóa, dịch vụ thực tế. Cụ thể, từ tháng 1 đến hết tháng 12/2022, dưới danh nghĩa Công ty 268, bằng thủ đoạn mua các hóa đơn đầu vào của một số công ty “ma” trên địa bàn tỉnh Nam Định (các công ty được thành lập để xuất hóa đơn giá trị gia tăng mà không có hoạt động sản xuất kinh doanh thực tế, không có hóa đơn đầu vào, không khai báo thuế), Nguyễn Thị Kim Oanh đã xuất bán trái phép 59 hóa đơn giá trị gia tăng cho 7 công ty, trong đó có Công ty Minh Trí của Lê Công Minh.
Trước tính chất phức tạp và vi phạm nghiêm trọng của các công ty trên, để kịp thời ngăn chặn không cho các đối tượng có thời gian tiêu hủy chứng cứ, hợp thức hóa hành vi vi phạm, ban chuyên án đã quyết định khẩn trương phá án. Trong ngày 17 và 18/5, Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Hà Nam đã thực hiện lệnh bắt và khám xét khẩn cấp đối với Nguyễn Thị Kim Oanh và Lê Công Minh, thu giữ nhiều tang vật, tài liệu liên quan phục vụ quá trình điều tra.
Mở rộng điều tra, Cơ quan ANĐT xác định Trần văn Chương (SN 1969, trú tại thị trấn Xuân Trường, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định) là người đã bán 58 hóa đơn giá trị gia tăng khống của 13 công ty có đăng ký sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh Nam Định cho Oanh. Chương khai mua số hóa đơn trên qua 3 người môi giới. Mỗi khi Oanh có nhu cầu mua hóa đơn giá trị gia tăng thì sẽ nhắn tin về số lượng hàng hóa và đơn giá vào Zalo cho Chương. Chương gửi toàn bộ thông tin này cho các đối tượng môi giới. Sau khi những người này hoàn tất hóa đơn thì sẽ gửi cho Chương qua Zalo và Chương sẽ gửi lại cho Oanh.
Đến ngày 10/8, Cơ quan ANĐT đã xác định: Từ tháng 1 đến tháng 12/2022, Công ty 268 do Oanh làm giám đốc đã mua 53 hóa đơn giá trị gia tăng đầu vào của các công ty “ma” trên địa bàn tỉnh Nam Định, với tổng số tiền ghi trên hóa đơn gần 82 tỷ đồng. Sau đó, Oanh chỉ đạo Trần Thị Thanh Nhàn (kế toán Công ty 268) hoàn thiện hồ sơ, thủ tục và xuất bán 50 hóa đơn giá trị gia tăng cho công ty của Minh và các công ty khác với tổng tiền ghi trên hóa đơn là hơn 70 tỷ đồng.
Căn cứ các tài liệu thu thập được, Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Hà Nam đã ra quyết định khởi tố bị can đối với 7 trường hợp về các tội danh “Mua bán trái phép hóa đơn”, “Trốn thuế” gồm: Nguyễn Thị Kim Oanh; Lê Công Minh; Trần Văn Chương và Trần Thị Sinh (SN 1974, trú tại Kim Bình, Phủ Lý, Hà Nam) – Phó Giám đốc Công ty TNHH Thanh Tuyền; Nguyễn Thị Phấn (SN 1989, trú tại Liêm Cần, Thanh Liêm, Hà Nam) – kế toán Công ty Minh Trí, đã nghỉ việc; Nguyễn Thị Tú (SN 1985, trú tại Liêm Chung, Phủ Lý, Hà Nam) – kế toán Công ty Minh Trí; Trần Thị Thanh Nhàn (SN 1980, trú tại Phúc La, Hà Đông, Hà Nội) – kế toán Công ty 268.
Cơ quan điều tra tống đạt lệnh khám xét khẩn cấp nơi ở và nơi làm việc của đối tượng Lê Công Minh.
Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo Công an tỉnh Hà Nam cho biết, từ thực tiễn đấu tranh chuyên án trên, cơ quan điều tra nhận thấy trong chuyên án này, đa số các đối tượng đều là những người có trình độ học vấn cao, có chuyên môn, nghiệp vụ về kế toán, tài chính, đặc biệt về lĩnh vực hóa đơn, thuế. Các đối tượng đã lợi dụng những kẽ hở trong Luật Quản lý thuế, Luật Doanh nghiệp để thành lập các công ty “ma” với mục đích mua bán hóa đơn, nhằm hợp thức hóa hàng hóa đầu vào để làm tăng tiền thuế giá trị gia tăng được khấu trừ và giảm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp để trốn thuế, gây thiệt hại nhiều tỷ đồng cho ngân sách nhà nước.
Đặc biệt, trong số đối tượng bị khởi tố, Lê Công Minh là đối tượng hình sự cộm cán, từng có tiền án. Để thực hiện hành vi phạm tội của mình, ngoài tập hợp các đối tượng xã hội dưới tay, Minh còn thuê đội ngũ giám đốc, kế toán có trình độ chuyên môn cao về các lĩnh vực thuế, tài chính để hợp thức hóa sổ sách, chứng từ, gây rất nhiều khó khăn cho quá trình thu thập tài liệu chứng minh hành vi phạm tội của hắn. Song, dưới sự chỉ đạo quyết liệt, chặt chẽ, linh hoạt của Ban Giám đốc Công an tỉnh Hà Nam, bằng các biện pháp nghiệp vụ và tinh thần kiên quyết đấu tranh với tội phạm, Cơ quan ANĐT đã thu thập, củng cố tài liệu chứng cứ và ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Lê Công Minh và đồng bọn. Hiện, Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Hà Nam đang tiếp tục đấu tranh mở rộng, củng cố tài liệu, chứng cứ về các hành vi trốn thuế, khai thác tài nguyên trái phép và các hành vi vi phạm của nhóm đối tượng do Minh cầm đầu.
Việc Công an tỉnh Hà Nam đấu tranh, bắt giữ thành công đối tượng Lê Công Minh đã tạo lòng tin trong quần chúng nhân dân đối với lực lượng Công an và sự nghiêm minh của pháp luật; góp phần đảm bảo an ninh, trật tự, giữ gìn sự bình yên cho nhân dân.
Làm rõ hacker đánh sập hàng loạt website của cơ quan, trường học
Ngày 10/10, Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết, đang làm việc với đối tượng "đánh sập" hàng chục website của các cơ quan, doanh nghiệp, trường học.
Đó là Y'H.B (18 tuổi, trú xã Ea Na, huyện Krông Ana, Đắk Lắk).
Trước đó, website của nhiều cơ quan, trường học trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk bị đánh sập. Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã vào cuộc xác minh.
Y'H.B. đã "đánh sập" website của nhiều cơ quan, doanh nghiệp, trường học trong và ngoài tỉnh Đắk Lắk
Sau một thời gian lần theo các dấu vết, Cơ quan công an đã làm rõ đối tượng tấn công các website trên là Y'H.B. Tại Cơ quan công an, thanh niên này khai nhận nghỉ học từ năm lớp 9. Năm lớp 7, vì tò mò nên Y'H.B lên mạng học cách đánh sập các website. Sau khi đánh sập thành công các website, Y'H.B quay lại rồi phát lên mạng xã hội để khoe thành tích. Nếu bạn bètrên mạng xã hội hỏi mua phần mềm và cách thức thực hiện, thanh niên này sẽ bán kiếm tiền.
Bước đầu, công an đã làm rõ, từ tháng 9/2021 đến nay, Y'H.B. đã hơn 20 lần đánh sập website của nhiều cơ quan, doanh nghiệp, trường học trong và ngoài tỉnh Đắk Lắk.
Đấu tranh mạnh với tội phạm về môi trường Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Bình Dương phát hiện nhiều vụ chôn lấp chất thải nguy hại với quy mô lớn do các doanh nghiệp, cơ sở thực hiện. Những cách làm ăn theo kiểu tàn phá môi trường này không chỉ thể hiện ý thức kém trong việc chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi...