Triệt phá nhóm mua bán trẻ sơ sinh ở Bình Dương
Sau hơn 2 tháng liên tục theo dõi, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an tỉnh Bình Dương đã triệt phá thành công đường dây mua bán trẻ sơ sinh do Nguyễn Thị Ngọc Như cầm đầu.
Bước đầu xác định đường dây mua bán trẻ em này đã thực hiện trót lọt 31 vụ mua bán trẻ sơ sinh, thu lợi bất chính hàng trăm triệu đồng.
Lần theo dấu vết tội phạm
Đầu tháng 7/2022, các trinh sát Đội 3, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an tỉnh Bình Dương phát hiện tại Bệnh viện Phụ sản nhi Bình Dương xuất hiện một phụ nữ có nhiều biểu hiện nghi vấn. Một số người thường gọi đối tượng này là Trúc, nhưng không rõ nhân thân, lai lịch, thường xuyên tiếp cận nhân viên, y tá, điều dưỡng của bệnh viện phụ sản này một cách lén lút. Nhận thấy những cuộc gặp gỡ chớp nhoáng này không bình thường, các trinh sát nhanh chóng xác định người phụ nữ tên Trúc ấy là Nguyễn Thị Ngọc Như, sinh năm 1993, ngụ tại 39/9 Bến Cát, tổ 7, phường Phước Bình, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh.
Nguyễn Thị Ngọc Như bị bắt quả tang khi đang thực hiện giao dịch mua bán trẻ sơ sinh.
Như thường sử dụng 3 tài khoản Zalo và 4 tài khoản Facebook kết nối, tham gia nhiều nhóm “kín” trên các trang mạng xã hội về việc cho, tặng con nuôi. Sau khi biết có rất nhiều cặp vợ chồng không có khả năng sinh nở, muốn tìm kiếm xin con nuôi về cho đỡ hiu quạnh, Như tìm cách móc nối với một số y tá, điều dưỡng của Bệnh viện Phụ sản nhi Bình Dương để nắm thông tin và chủ động tìm những phụ nữ đang mang thai đến thăm khám hoặc những người phụ nữ mới sinh con tại bệnh viện nhưng không có nhu cầu nuôi con (vì lý do hoàn cảnh, lý do lầm lỡ, lý do kinh tế gia đình…). Trong mỗi lần tiếp cận, Như đều đặt vấn đề với các sản phụ xin được nhận nuôi những bé mới sinh hoặc chuẩn bị sinh, trường hợp sản phụ còn nấn ná không nỡ rời xa “khúc ruột” của mình thì Như dùng lời ngon ngọt vỗ về và sẽ bồi dưỡng cho mẹ bé một số tiền. Nếu được các sản phụ đồng ý, Như cập nhật thông tin cá nhân, chụp ảnh những đứa trẻ đăng trên trang cá nhân, trong hội nhóm kín để tìm những người mua với danh nghĩa là “ xe duyên cho các bé” nhưng bản chất của sự việc là Như sẽ bán cho những người muốn mua bé với nhiều mức giá khác nhau và sẵn sàng hợp thức hóa giấy tờ cho người mua khi có nhu cầu.
Đang trong quá trình thu thập thêm chứng cứ, tài liệu để “hốt trọn ổ” thì vào ngày 15/8/2022, Ban chỉ huy Phòng nắm được thông tin Nguyễn Thị Ngọc Như sẽ thực hiện giao dịch mua bán một bé trai mới đẻ với đối tượng không rõ danh tính trên địa bàn vùng giáp ranh Bình Dương – Tây Ninh – Bình Phước. Đúng như dự tính, 14h25′ ngày 16/8 các trinh sát đã bắt quả tang đối tượng cầm đầu đường dây phạm tội này đang thực hiện hành vi mua bán trẻ em với một phụ nữ khác. Tại hiện trường, trinh sát thu giữ nhiều giấy tờ (sau giám định là giả) liên quan đến hành vi mua bán trẻ em và đưa bé trai 7 tháng tuổi về chăm sóc, chờ làm thủ tục gửi đến đơn vị chức năng của sở y tế nuôi dưỡng.
Đối diện với điều tra viên, mặc dù cô gái kia đã khai tên là Nguyễn Thị Mai, sinh năm 1997 tại huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang và do không đủ điều kiện kinh tế để nuôi dưỡng nên đã cắn răng thông qua Như bán đứa con trai 7 tháng tuổi cho người khác lấy tiền trang trải cuộc sống, nhưng Như lại cho rằng mình không phạm tội, mà chỉ giúp người phụ nữa có hoàn cảnh khó khăn tặng con cho một người khác có điều kiện hơn để nuôi dưỡng tốt hơn.
Khai thác nhanh đối tượng Nguyễn Thị Ngọc Như và hiện trường vụ bắt giữ đối tượng.
Ngay sau khi bắt quả tang Như và chứng minh đối tượng này cầm đầu đường dây mua bán trẻ em, các tổ công tác lập tức nhận được lệnh lên đường đến những địa phương đã được định sẵn để truy bắt những đối tượng là các mắt xích trong đường dây. Với quyết tâm cao độ, đến ngày 19/8, trinh sát đã tóm được Chu Thị Cúc Phương (Loan), sinh năm 1982 tại tỉnh Khánh Hòa và Nguyễn Thị Thùy Dương (Gấm), sinh năm 2001 tại tỉnh Bạc Liêu, cả hai cùng thường trú tại thôn 10, xã Nam Bình, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông. Tại đây, trinh sát thu giữ nhiều giấy tờ liên quan đến hoạt động mua bán trẻ em và phát hiện 4 bà mẹ bầu đang chờ đến ngày sinh.
Khai thác nhanh từ các đối tượng, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an tỉnh Bình Dương quyết định tiếp tục truy xét mở rộng và bắt 4 đối tượng có hành vi bán con mới đẻ gồm: Nguyễn Thị Kim Loan, sinh năm 1989, ngụ xã Tiên Thuận, huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh; Lê Thị Ngọc Thắm, sinh năm 2000, ngụ thị trấn Tân Hưng, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An (đối tượng nghiện ma túy trong diện quản lý của địa phương); Nguyễn Thị Ngọc Mai, sinh năm 1997, ngụ xã Tân Hào, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre và Châu Gia Hân, sinh năm 2004, ngụ xã Mỹ Hiệp, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.
Lập “dịch vụ” nuôi đẻ, bán cả con ruột
Trước loạt chứng cứ không thể chối cãi, Nguyễn Thị Ngọc Như khai nhận, trước đây do túng quẫn, Như đã đem bán đứa con do chính mình đẻ ra cho một người không quen biết, đồng thời, theo đề nghị của người mua, Như đã tìm đến một đối tượng chuyên làm giấy tờ, con dấu giả các tổ chức, cơ quan nhờ hoàn tất bộ hồ sơ cho tặng con nuôi cùng giấy khai sinh với cam kết không đòi lại hoặc làm tiền đối với người được cho tặng. Nhận thấy việc này dễ kiếm tiền, Như bỏ thời gian tìm hiểu cả thực tế ngoài đời lẫn trên mạng xã hội. Phát hiện trên mạng có nhiều hội nhóm kín chuyên về trao đổi, mua bán trẻ em, Như lập tức tham gia rồi lập nhiều tài khoản Zalo, Facebook giới thiệu là người chuyên “gả” những trẻ em sơ sinh khỏe mạnh nhưng do mẹ chúng không có điều kiện nuôi dưỡng cho những người muốn nhận con nuôi có kèm theo hồ sơ giấy tờ đầy đủ, và tùy ý trả thù lao bao nhiêu cũng được. Khi có nhiều người muốn đặt mua trẻ sơ sinh về nuôi (dưới vỏ bọc con nuôi), Như dành gần như toàn bộ thời gian trong ngày đến các bệnh viện phụ sản, phòng khám thai tư nhân hoạt động trên địa bàn Bình Dương, TP Hồ Chí Minh tìm nhiều lý do tiếp cận những nhân viên trong bệnh viện để lấy thông tin.
Ngay khi được cung cấp, Như chủ động tìm những phụ nữ đang mang thai đến khám để đặt vấn đề xin nuôi hoặc mua lại những bé mới sinh, chuẩn bị sinh và đề nghị bồi dưỡng lại cho mẹ bé một số tiền dao động từ 20-40 triệu đồng/1 bé. Sau khi thỏa thuận, đối tượng sẽ tìm người mua để bán lại các bé với giá 35-60 triệu đồng/1 bé và thu lợi bất chính từ số tiền chên lệch, kèm theo là các giấy tờ giả (giấy chứng sinh, giấy xác nhận AND, giấy khai sinh… được bán với giá 30-40 triệu đồng/1 bộ) nhằm hợp thức hóa nguồn gốc các bé cho những người mua (nếu khách mua có nhu cầu). Quá trình mua bán diễn ra nhanh chóng và bản thân Như hoàn toàn không quan tâm đến mục đích của người mua (các bé sau khi bán có thể được nuôi dưỡng, bị bán sang Trung Quốc…). Cho đến thời điểm bị bắt, Như đã thực hiện 5 vụ mua bán trẻ sơ sinh và giới thiệu cho đồng bọn bán nhiều trẻ khác nhưng không nhớ rõ con số cụ thể, thu lợi bất chính hàng trăm triệu đồng.
Cũng như Nguyễn Thị Ngọc Như, Nguyễn Thị Thùy Dương (Gấm) tuy tuổi đời còn rất trẻ, nhưng do thiếu kinh nghiệm sống, Dương đã trao thân cho một gã “Sở Khanh” nghiện hút ma túy và khi cô mang thai thì hắn lặn mất tăm, trong khi cô không biết địa chỉ gia đình hắn ở đâu để tìm đến đòi quyền lợi.
Các đối tượng Như, Phương, Dương.
Không có điều kiện chăm sóc, lại sợ cha mẹ la rầy, lo bà con xóm giềng lời ra tiếng vào nên khi vừa sinh con, Dương lập tức liên hệ trên hội, nhóm kín và bán cho một người không quen biết làm con nuôi rồi trở về quê như không có chuyện gì xảy ra. Tuy nhiên, do vẫn có tư tưởng không muốn lao động chân tay nên trở về quê chưa được bao lâu thì cô ta lại tiếp tục lao vào con đường tội lỗi là môi giới mua bán trẻ sơ sinh và cho đến khi bị bắt, Dương đã thực hiện thành công 2 vụ. Riêng Chu Thị Cúc Phương, ngoài lần bán chính đứa con đẻ của mình và môi giới mua bán nhiều đứa trẻ khác, cô ta còn biến căn nhà của mình ở thôn 10, xã Nam Bình, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông thành địa điểm “dịch vụ nuôi đẻ”.
Theo đó, trong quá trình tiếp cận những bà bầu không có điều kiện nuôi con hoặc lỡ lầm muốn bán con, nhưng lại không muốn để cho gia đình, họ hàng, bạn bè biết thì Phương sẽ tập hợp tại nhà của mình để nuôi, chờ đến ngày sinh nở. Trong thời gian chờ đợi, Phương sẽ đăng quảng cáo trên các hội, nhóm kín tìm người mua với giá hợp lý và đến khi mẹ bầu sinh con thì nhờ Như làm giúp hồ sơ, giấy tờ giả trước khi giao cho người mua để nhận tiền và hưởng hoa hồng. Cho đến thời điểm bị bắt, Phương đã thực hiện giao dịch mua bán 24 trẻ sơ sinh, ngoài ra vẫn đang nuôi 4 mẹ bầu khác trong nhà chờ ngày đứa trẻ ra đời thì mang bán.
Theo Đại tá Trịnh Ngọc Quyên – Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương, đây là loại hình tội phạm mới, hết sức tinh vi, liều lĩnh, xảo quyệt. Tính vô nhân đạo của loại hình tội phạm này còn thể hiện ở việc bán chính con ruột của mình nên nếu không ngăn chặn kịp thời sẽ để lại hậu quả rất lớn về mặt xã hội bởi có nhiều vấn đề liên quan. Công an tỉnh Bình Dương cũng gửi thông điệp tới những gia đình hiếm muộn hãy tìm hiểu rõ pháp luật trước khi muốn tiếp nhận con nuôi nhằm tránh bị các đối tượng lợi dụng thực hiện mua bán trẻ em bất hợp pháp và tránh tiếp tay cho hành vi phạm tội. Đối với cả người muốn tặng con và muốn nhận con nuôi thì tốt nhất hãy tìm đến các trung tâm bảo trợ xã hội có giấy phép hoạt động để gửi gắm niềm tin…
Đường dây buôn lậu 200 triệu lít xăng dầu: Bị cáo xin lại... 2 tỉ đồng
Quá trình điều tra, bị cáo Trần Thị Thanh Vân, Giám đốc công ty Vân Trúc (Bình Dương) đã nộp 20 tỉ đồng để khắc phục hậu quả.
Bây giờ biết số tiền thu lợi bất chính từ buôn lậu xăng ít hơn (17,9 tỉ đồng) nên bị cáo muốn xin lại số tiền đã nộp dư 2 tỉ đồng
Sáng 4.11, phiên tòa xét xử 74 bị cáo trong đường dây buôn lậu 200 triệu lít xăng dầu tiếp tục diễn ra với phần xét hỏi bị cáo Trần Thị Thanh Vân, Giám đốc Công ty Vân Trúc (Bình Dương).
Bị cáo Trần Thị Thanh Vân tại tòa. Ảnh LÊ LÂM
Theo cáo trạng, năm 2006, bị cáo Vân cùng chồng là Lê Thanh Tú thành lập Công ty Vân Trúc với ngành nghề kinh doanh là xăng dầu, trụ sở tại TP.Thuận An (Bình Dương).
Cuối 2019, "ông trùm" Phan Thanh Hữu (bị cáo cầm đầu đường dây buôn lậu 200 triệu lít xăng) đến Bình Dương đặt vấn đề bán xăng nhập lậu cho vợ chồng Vân với giá thấp hơn giá bán lẻ trên thị trường là 3.000 đồng/lít, vợ chồng Vân đồng ý.
Cáo trạng cáo buộc, từ tháng 3.2020 đến tháng 2.2021, vợ chồng Vân đã mua tổng cộng 35 triệu lít xăng lậu, thu lợi bất chính 17,9 tỉ đồng. Quá trình điều tra, bị cáo Vân đã tự nguyện nộp 20 tỉ đồng để khắc phục hậu quả.
Tại tòa, bị cáo Vân thừa nhận cáo trạng truy tố là đúng. "Bị cáo Hữu nói sẽ làm hợp đồng mua bán xăng dầu, nếu cần hóa đơn thì bị cáo Hữu cũng xuất hóa đơn cho", bị cáo Vân Khai.
Lúc đó bị cáo nhận thức nguồn gốc xăng đó như thế nào? Tòa hỏi. "Bị cáo cũng nhận thức nguồn xăng này là không chính thống", bị cáo Vân trả lời.
Bị cáo Vân xin Tòa xem xét cho bị cáo xin lại số tiền dư (2 tỉ đồng) đã nộp để khắc phục hậu quả. Lúc này chủ tọa đã hỏi: "Vì sao lúc đó nộp nhiều vậy, hay thấy lời quá tính không nổi ?". Bị cáo Vân phân trần: "Buôn bán khi lời khi lỗ, tại lúc đó chưa tính được nguồn lợi bất chính nên nộp như vậy, nếu thiếu bị cáo cũng nộp thêm. Giờ xin tòa cho nhận lại số tiền nộp dư 2 tỉ đồng đó".
Hé lộ "liên minh" trong đường dây buôn lậu 200 triệu lít xăng dầu
Ngoài ra, bị cáo Vân còn cho rằng trong 4 chiếc tàu bị thu giữ, có 1 chiếc tàu không có tham gia vận chuyển xăng lậu nên đề nghị được trả lại.
Trong sáng 4.11, ngoài bị cáo Vân, phiên tòa cũng tiến hành xét hỏi đối với bị cáo Lê Thanh Tú (chồng bị cáo Vân) để làm rõ hành vi buôn lậu xăng.
Tiếp cận phụ nữ "trót dại" mua trẻ sơ sinh rồi bán cho các đường dây buôn người Ngày 2/11, Công an tỉnh Bình Dương cho biết vừa khám phá đường dây mua bán trẻ sơ sinh đặc biệt lớn, hoạt động liên tỉnh với nhiều đối tượng tham gia và đã mua bán trót lọt 31 trẻ sơ sinh. Theo lãnh đạo Phòng CSHS, Công an tỉnh Bình Dương cho biết, qua công tác nắm tình hình, đầu tháng 7/2022,...