Triệt phá đường dây mang thai hộ 300 triệu đồng, đưa sang Trung Quốc sinh nở
Sau lời đề nghị của một bác sĩ khoa Sản ở Trung Quốc, Ba trở về nước và tìm người mang thai hộ với giá 300 triệu đồng/ca thành công.
Ngày 23/10, Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết, Công an TP Hạ Long vừa triệt phá đường dây mang thai hộ quy mô lớn rồi đưa người sang Trung Quốc sinh nở.
Tài liệu điều tra ban đầu cho thấy, theo phản ánh của người dân, vài tháng gần đây tại phòng 501, chung cư mini Cao Thắng (phường Cao Thắng, TP Hạ Long, Quảng Ninh) thường xuyên có nhóm phụ nữ chung sống. Họ ít khi ra ngoài, hạn chế tiếp xúc với người khác, giọng nói đậm chất vùng miền xa xôi, một số người đang mang bầu…
Công an TP Hạ Long phối hợp với đơn vị nghiệp vụ kiểm tra hành chính căn phòng trên. Tại đây, lực lượng công an phát hiện Trần Thị Ba (SN 1991, thường trú phường Cao Thắng) và 8 phụ nữ khác (trong đó có 3 phụ nữ đang mang thai) cùng chung sống. Họ không đăng ký tạm trú tạm vắng, có nhiều biểu hiện nghi vấn.
Những người phụ nữ mang thai hộ tại cơ quan công an.
Tại cơ quan công an, Ba khai nhận đang chăm nuôi 8 phụ nữ (3 người đã mang thai và 5 người chuẩn bị cấy ghép phôi) để thực hiện các bước trong đường dây mang thai hộ nhằm mục đích thương mại.
8 người này hầu hết đến từ những vùng quê, gia cảnh khó khăn, nợ nần đeo bám… Họ tham gia vào đường dây mang thai hộ với lời hứa sẽ nhận được 250-270 triệu đồng nếu sinh nở thành công.
Công an tạm thời bàn giao những người này về Trung tâm công tác xã hội tỉnh Quảng Ninh để được chăm sóc, tư vấn sức khỏe.
Mở rộng điều tra, Cơ quan CSĐT Công an TP Hạ Long bắt tiếp Vũ Nga Linh (SN 1988, trú tại phường Cẩm Thạch, TP Cẩm Phả, Quảng Ninh), là người liên quan đến đường dây mang thai hộ nói trên.
Vũ Nga Linh có vai trò đăng bài trên mạng xã hội tuyển người mang thai hộ.
Video đang HOT
Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Ninh ra quyết định khởi tố vụ án, bị can, tạm giam đối với Trần Thị Ba về tội Tổ chức mang thai hộ nhằm mục đích thương mại. Đồng thời Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Ninh tạm giữ hình sự đối với Vũ Nga Linh để tiếp tục điều tra.
Qua đấu tranh khai thác, Trần Thị Ba khai nhận, năm 2010, Ba sang Trung Quốc vừa học vừa làm, sau đó làm điều dưỡng tại Bệnh viện Bà mẹ và Trẻ em Thẩm Quyến. Năm 2016, một bác sĩ khoa Sản đề nghị Ba tìm người mang thai hộ với mục đích giúp đỡ những cặp vợ chồng hiếm muộn.
Năm 2017, Ba về Việt Nam và tạm trú tại TP Hạ Long, với mục đích tìm người mang thai hộ. Đến tháng 9/2018, qua kết nối mạng xã hội với nick Thanh Vân (tên thật là Vũ Nga Linh), Ba được giới thiệu 2 người phụ nữ có thể mang thai hộ. 2 ca cấy ghép phôi thai tại Campuchia, dưỡng thai tại Quảng Ninh và đưa sang Trung Quốc sinh nở thành công, Ba nhận được 60 triệu đồng thù lao từ các “đối tác” bên Trung Quốc.
Trong năm 2018, Ba tìm thêm được 6 người phụ nữ nữa nhưng cả 6 người này đều không thành công, trong đó 2 người không đủ sức khỏe, 4 người cấy ghép phôi nhưng không đậu thai.
Những người mang thai hộ được Ba đưa từ sân bay Nội Bài qua Campuchia, mỗi chuyến đi cấy ghép phôi thai thường từ 9 đến 11 ngày. Khi cấy ghép xong, Ba lại dẫn những người này về Quảng Ninh dưỡng thai tại một nhà trọ. Các chi phí ăn ở, khám thai định kỳ đều do nhóm người bên Trung Quốc chuyển về.
Đến gần kỳ sinh nở, Ba đưa người mang thai hộ bằng đường bộ (thủ tục xuất cảnh hợp pháp) sang Trung Quốc, sau khi sinh xong lại đưa về Việt Nam. Mỗi ca sinh nở thành công, người mang thai hộ sẽ được nhận 270 triệu đồng, Ba được 30 triệu đồng.
Tại cơ quan điều tra, Trần Thị Ba khai nhận toàn bộ hành vi của mình.
Giúp sức tích cực cho Trần Thị Ba tìm được người mang thai hộ là Vũ Nga Linh. Từ năm 2017, Linh tham gia nhóm mang thai hộ trên mạng xã hội Facebook, sau đó đăng các bài tuyển người. Nhiều người liên hệ với Linh. Trong số đó có 8 người được Linh mua vé máy bay ra Hà Nội khám sức khỏe, 4 người đủ điều kiện được Linh đưa về Hạ Long gặp Ba. Số tiền mà Linh đưa ra thỏa thuận với những người mang thai hộ là 250 triệu đồng/người (nếu thành công).
Tại cơ quan điều tra, Linh khai nhận, ban đầu Linh cũng có ý định trực tiếp mang thai hộ, nhưng sau khám sức khỏe thì không đạt yêu cầu. Vì hoàn cảnh khó khăn nên Linh đăng bài tuyển người. Số tiền Linh nhận được từ 4 ca mang thai hộ thành công là 80 triệu đồng.
Trung tá Trịnh Ngọc Thanh, Đội trưởng Đội điều tra tổng hợp, Công an TP Hạ Long cho biết, hành vi trên không chỉ vi phạm pháp luật mà còn để lại nhiều hệ lụy, nhất là vấn đề liên quan đến sức khỏe sau này của thai phụ cũng như ảnh hưởng đến đạo đức xã hội.
“Để ngăn chặn tình trạng trên chúng ta cần tăng cường tuyên truyền cho mọi người nâng cao nhận thức, không tham gia vào hoạt động mang thai hộ vì mục đích thương mại. Đồng thời, lực lượng chức năng xử lý kiên quyết những người cầm đầu nhằm mục đích răn đe”, Trung tá Trịnh Ngọc Thanh nhấn mạnh.
NGUYỄN HUỆ – MINH KHANG
Theo VTC
"Nữ quái" tổ chức môi giới "đẻ thuê" giá gần nửa tỷ đồng bị bắt như thế nào?
Phạm Thị Kim Dung cầm đầu tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại, vừa bị Công an quận Đống Đa, Hà Nội phát hiện, bắt giữ.
Từ năm 2018 đến nay, đối tượng đã móc nối, tổ chức nhận "đẻ thuê" cho 6 trường hợp với giá gần nửa tỷ đồng trên một "phi vụ"...
Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an quận Đống Đa, Hà Nội đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Phạm Thị Kim Dung (SN 1988; trú tại xã Lạc Đạo, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) về hành vi Tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại.
Dấu hiệu bất thường trong bệnh viện
Theo tài liệu của Công an quận Đống Đa, đầu tháng 6-2019, đơn vị tiếp nhận tin báo của người dân về việc phát hiện trường hợp có dấu hiệu tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại tại Bệnh viện Bảo Sơn, ở phố Nguyễn Chí Thanh, phường Láng Thượng, quận Đống Đa.
Đối tượng Phạm Thị Kim Dung
Ngay khi tiếp nhận tin báo, Ban chỉ huy Công an quận Đống Đa đã chỉ đạo Đội Điều tra tổng hợp chủ trì xác lập chuyên án, phối hợp với Đội Hướng dẫn, điều tra tội phạm có yếu tố nước ngoài, Phòng Cảnh sát hình sự Công an thành phố và Công an phường Láng Thượng tổ chức điều tra, làm rõ.
Bằng các biện pháp nghiệp vụ, cơ quan công an xác định, đối tượng chính trong đường dây tổ chức "đẻ thuê" này là Phạm Thị Kim Dung, có 1 tiền án về tội trộm cắp tài sản và hiện đang mang thai.
Căn cứ các tài liệu, chứng cứ, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an quận Đống Đa đã bắt giữ Phạm Thị Kim Dung. Tại cơ quan công an, đối tượng liên tục quanh co chối tội. Tuy nhiên, bằng các tài liệu, chứng cứ xác thực, Dung đã nhận tội và khai nhận toàn bộ vụ việc.
Dung thường xuyên loanh quanh ở khu vực cổng các bệnh viện phụ sản, phòng khám hiếm muộn, nên đối tượng biết nhiều gia đình gặp khó khăn trong việc sinh sản và có nhu cầu tìm người mang thai hộ.
Dung đã vào các trang mạng xã hội, đăng vào các hội nhóm để tìm người nhận "đẻ thuê". Những người phụ nữ được Dung chọn phải có sức khỏe, hoàn cảnh khó khăn, cần tiền gấp để giải quyết công việc và thường là người ở các vùng sâu, vùng xa.
Tháng 4-2018, một người phụ nữ tên H (là Việt kiều Đức), gặp khó khăn trong việc sinh con, nên đã liên hệ với Dung tìm người mang thai hộ. Dung đồng ý và ra giá 400 triệu đồng. Trong đó, Dung chi trả cho người mang thai hộ 200 triệu đồng, số tiền còn lại đối tượng dùng để chi cho việc khám, nuôi dưỡng người mang thai và hưởng lợi.
Hai bên nhất trí với thỏa thuận và đến tháng 7-2018, Dung nhận phôi thai của vợ chồng chị H đến một bệnh viện thực hiện việc cấy phôi vào tử cung của người nhận "đẻ thuê". Sau đó, Dung đưa người phụ nữ này về chăm sóc đến khi sinh nở và bàn giao đứa trẻ cho chị H.
Tuy nhiên, trong quá trình đến bệnh viện Bảo Sơn để làm các thủ tục rút hồ sơ sinh đẻ, phục vụ cho việc đưa con về Đức, chị H bị phát hiện... Từ đầu mối này, cơ quan công an nhanh chóng lần ra đối tượng chính trong vụ việc chính là Dung.
Ngoài vụ môi giới "đẻ thuê" này, Dung khai còn tổ chức mang thai hộ để hưởng lợi cho 5 trường hợp khác. Tổng số tiền Dung hưởng lợi từ việc chức mang thai hộ khoảng 70 triệu đồng.
Cần tuân thủ pháp luật
Theo Trung tá Phan Anh Tú, Đội trưởng Đội Điều tra tổng hợp, Công an quận Đống Đa, vụ việc trên cho thấy, diễn biến hoạt động của loại tội phạm môi giới đẻ thuê luôn tiềm ẩn phức tạp.
Các đối tượng nắm được nhiều gia đình hiếm muộn, có nhu cầu mang thai hộ. Trong khi đó, hành lang pháp lý cho phép việc mang thai hộ với mục đích nhân đạo. Lợi dụng những yếu tố này, các đường dây môi giới và tổ chức đẻ thuê đã được hình thành một cách tinh vi, dưới vỏ bọc là những "bộ hồ sơ hợp pháp".
Tuy nhiên, hành vi của đối tượng có nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển tự nhiên của dân số, gây hệ lụy lâu dài đến nòi giống, huyết thống, ảnh hưởng đến sức khỏe người mang thai, trẻ sơ sinh và ảnh hưởng đến công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực y tế.
Chính vì vậy, thông qua vụ việc này, cơ quan công an khuyến cáo những gia đình có nhu cầu chính đáng về việc mang thai hộ với mục đích nhân đạo, cần tìm đến cơ sở uy tín được cấp phép, để thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
Theo anninhthudo
Vụ bào thai giá 300 triệu đồng: Về đâu những bào thai "vô chủ"? 8 người phụ nữ ngồi co cụm trong căn phòng thuộc Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Quảng Ninh với nét mặt u buồn khi nhắc về tương lai sắp tới. Họ hầu hết đến từ những vùng quê, gia cảnh khó khăn, nợ nần đeo bám... để rồi bất đắc dĩ phải tham gia vào đường dây mang thai hộ, với...