Triệt “bè nhóm tham nhũng” Chu Vĩnh Khang
Thêm 2 cựu quan chức cấp cao, nguyên là lãnh đạo của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC), thuộc vây cánh của “bè nhóm tham nhũng” Chu Vĩnh Khang, đã bị đưa ra tòa trong chiến dịch chống tham nhũng “đả hổ, diệt ruồi” tại Trung Quốc.
Ông Đào Ngọc Xuân và Tưởng Khiết Mẫn từng là cánh tay đắc lực
của Chu Vĩnh Khang đang bị xử về tội tham nhũng
Tòa án nhân dân thành phố Chu Hải thuộc tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc đang tiến hành xét xử cựu Tổng Giám đốc chi nhánh của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) Đào Ngọc Xuân. Cựu quan chức cấp cao từng là thuộc cấp tin cẩn của cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Chu Vĩnh Khang này bị đưa ra tòa xét xử với hàng loạt tội danh tham nhũng như hối lộ, biển thủ và gây thiệt hại lớn cho Nhà nước.
Đào Ngọc Xuân từng giữ chức Tổng giám đốc của 4 công ty thuộc CNPC từ năm 2002-2011, trong đó 3 công ty có trụ sở tại Thâm Quyến (tỉnh Quảng Đông) và 1 công ty ở Thanh Đảo (tỉnh Sơn Đông). Lợi dụng các chức vụ này, Đào Ngọc Xuân đã nhận hối lộ bằng tiền hoặc tài sản để có được những lợi ích bất hợp pháp cho các công ty của người thân và bạn bè.
Theo cáo buộc của công tố viên tại tòa, Đào Ngọc Xuân đã nhận hối lộ, biển thủ tài sản công lên tới 52 triệu nhân dân tệ (khoảng 8,4 triệu USD) và gây thất thoát cho Nhà nước 261 triệu nhân dân tệ. Không chỉ vậy, lợi dụng vị thế của mình, Đào Ngọc Xuân còn giúp các công ty của người thân và bạn bè thu được những khoản lợi bất chính.
Video đang HOT
Trong khi Đào Ngọc Xuân ra tòa tại thành phố Chu Hải thì cựu Chủ tịch CNPC Tưởng Khiết Mẫn, người một thời được xem là cánh tay phải của Chu Vĩnh Khang, cũng phải hầu tòa án ở thành phố Hàm Giang (tỉnh Hồ Bắc) ngày 13-4 vì tội tham nhũng. Các công tố viên cáo buộc ông Tưởng Khiết Mẫn đã lạm dụng vị trí cấp cao trong CNPC từ năm 2004-2013 để lấy tiền hối lộ và khối tài sản mà cựu quan chức này và gia đình ông ta sở hữu có giá trị “vượt xa” tài sản có trên thực tế.
Không phải ngẫu nhiên mà 2 cựu quan chức của CNPC, đồng thời là thuộc hạ thân tín của ông Chu Vĩnh Khang lại bị đưa ra xét xử trong cùng thời điểm. Ông Chu Vĩnh Khang từng nhiều năm làm lãnh đạo tại CNPC, nơi được xem là cơ sở, bệ phóng để đưa nhân vật này leo lên tới “đỉnh cao quyền lực” của bản thân là Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị kiêm Bí thư Ủy ban Chính pháp Trung ương (chức vụ giám sát các lực lượng an ninh và các cơ quan thực thi pháp luật của Trung Quốc), Bộ trưởng Công an.
Chỗ dựa quyền lực trong những năm đương chức của ông Chu Vĩnh Khang trước khi bị bắt giữ để điều tra về tội tham nhũng dựa trên 3 “trụ cột” chính là phái Sơn Tây, phái Thư ký và phái Dầu khí gồm các thuộc hạ là quan chức cấp cao xuất phát từ tỉnh Sơn Tây, nhóm Thư ký và lĩnh vực dầu khí. Nếu như các “thành viên” 2 phái Thư ký và Sơn Tây như cựu Phó Bí thư Tỉnh ủy kiêm Phó Tỉnh trưởng Tứ Xuyên Quách Vĩnh Tường, cựu Chủ tịch Chính Hiệp tỉnh Tứ Xuyên Lý Sùng Hỷ, cựu Phó Tỉnh trưởng Hải Nam Ký Văn Lâm, cựu Thứ trưởng Bộ Công an Lý Đông Sinh, cựu Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Lệnh Kế Hoạch… đều đã bị điều tra, bắt giữ hay ra tòa thì nhóm quan chức xuất thân từ ngành dầu khí nay cũng chịu chung số phận.
Với việc bắt giữ và đưa ra xét xử tất cả những quan chức từng “dính chàm” cùng với “con hổ” cỡ bự Chu Vĩnh Khang, chiến dịch chống tham nhũng tại Trung Quốc đang đào tận gốc, trốc tận rễ “bè nhóm tham nhũng” này.
Theo_An ninh thủ đô
Truyền thông Trung Quốc: Không có chuyện đối xử đặc biệt với Chu Vĩnh Khang
Các công tố viên Trung Quốc cần tới 2 tháng để chuẩn bị cho phiên tòa xét xử cựu ủy viên thường vụ Bộ chính trị Chu Vĩnh Khang, nhưng ông này sẽ không được đối xử đặc biệt dù từng nắm giữ chức vụ cao, truyền thông nhà nước Trung Quốc ngày 9/4 đưa tin.
Cựu ủy viên thường vụ Bộ chính trị Chu Vĩnh Khang (Ảnh: ibtimes)
Ông Chu Vĩnh Khang, 72 tuổi, là quan chức cấp cao nhất của Trung Quốc "sa lưới" trong chiến dịch chống tham nhũng kể từ khi đảng Cộng sản Trung Quốc lên nắm quyền năm 1949. Quyết định truy tố ông Chu đã cho thấy cam kết của Chủ tịch Tập Cận Bình nhằm chiến đấu với tham nhũng ở các cấp cao nhất.
Hồi tuần trước, các công tố viên đã buộc tội ông Chu nhận hối lộ, lạm dụng quyền lực, cố ý tiết lộ các bí mật nhà nước, mở đường cho một phiên tòa xét xử ông này.
"Dự kiến phải mất 1 hoặc 2 tháng để các công tố viên chuẩn bị", hãng thông tấn chính thức China Daily đưa tin, nhưng không cho biết chi tiết.
Ông Chu sẽ bị xét xét xử tại Thiên Tân, một thành phố lớn ở đông bắc thủ đô Bắc Kinh. Các phiên tòa tham nhũng cấp cao tại Trung Quốc thường được tiến hành tại các thành phố không có liên quan tới bị cáo nhằm đảm bảo tính công bằng.
Truyền thông nhà nước hồi tháng trước cho hay giới chức có thể mở một "phiên tòa công khai" để chứng tỏ sự minh bạch.
Tuy nhiên, các chuyên gia pháp lý cho rằng ông Chu có thể tiết lộ các bí mật nhà nước nên phần đó của phiên tòa nhiều khả năng sẽ bị xử kín.
Giới chức tòa án sẽ xem phiên tòa là "một vụ phạm tội bình thường và sẽ không cho phép ông Chu được hưởng các ngoại lệ", China Dailydẫn lời một quan chức giấu tên tại Tòa án nhân dân tối cao.
Theo tờ báo, ông Chu có thể kháng án lên một tòa án cấp cao hơn tại Thiên Tân nếu ông không đồng tình với phán quyết của Tòa án Nhân dân trung cấp số 1 tại Thiên Tân.
Đoàn công tố có thể do ông Bian Xuewen dẫn đầu. Ông Bian đã tham gia vào vụ xét xử cựu bí thư Thượng Hải Chen Liangyu, người bị kết án 18 năm tù về tội tham nhũng hồi năm 2008.
"Cơ quan kiểm sát Thiên Thân đã được giao nhiệm vụ chịu trách nhiệm vụ xét xử vì giới chức tòa án hàng đầu tại Bắc Kinh muốn một cơ quan kiểm soát cấp tỉnh với các công tố viên nhiều kinh nghiệm và một tòa án có các thiết bị tiên tiến và khả năng thích ứng với truyền thông",China Daily viết.
Phiên tòa của ông Chu cũng sẽ là hình mẫu cho các vụ xét xử tham nhũng khác trong tương lai, tờ báo nói thêm.
Ông Chu từng là một thành viên của Bộ chính trị và giữ chức Bộ trưởng công an cho tới khi nghỉ hưu năm 2012.
An Bình
Theo Dantri
7 sự kiện quốc tế nổi bật tuần qua Iran và nhóm P5 1 đạt được thỏa thuận khung về vấn đề hạt nhân Tehran và cuộc thảm sát khiến 148 người thiệt mạng tại trường đại học ở Kenya là hai trong số những sự kiện quốc tế nổi bật tuần qua. 1. Iran và nhóm P5 1 đạt thỏa thuận khung về vấn đề hạt nhân Tehran Trưởng các phái...