Triển vọng giải quyết tranh chấp ảm đạm sau cuộc gặp của lãnh đạo Nga – Nhật
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm nay 16/12 kết thúc chuyến công du kéo dài 2 ngày tới Nhật Bản với hàng chục thỏa thuận được ký kết, song hai nước vẫn chưa đạt được bước tiến đáng kể nào trong việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ vốn gây nhiều trở ngại cho quan hệ song phương suốt 70 năm qua.
Tổng thống Vladimir Putin (trái) và Thủ tướng Shinzo Abe trong cuộc hội đàm hôm nay 16/12 (Ảnh: Reuters)
Reuters dẫn nguồn tin từ các quan chức Nga cho biết có tất cả 68 thỏa thuận đã được Nga và Nhật Bản ký kết trong chuyến công du tới quốc gia Đông Bắc Á lần này của Tổng thống Putin, bao gồm nhiều thỏa thuận về lĩnh vực năng lượng. Trong khi đó, truyền thông Nhật Bản đưa tin Tokyo được kỳ vọng sẽ cung cấp gói hỗ trợ kinh tế trị giá khoảng 300 tỷ yên (2, 5 tỷ USD), bao gồm các dự án trong những lĩnh vực như khai thác mỏ và các khoản vay cho các hoạt động khai thác khí tự nhiên cũng như phát triển kinh tế ở khu vực Viễn Đông của Nga.
Trong các thỏa thuận được ký kết giữa doanh nghiệp hai nước, tập đoàn dầu khí khổng lồ Gazprom của Nga đã ký các thỏa thuận hợp tác chiến lược với hai tập đoàn lớn của Nhật Bản là Mitsui & Co và Mitsubishi. Ngoài ra, Quỹ Đầu tư trực tiếp của Nga và Ngân hàng Hợp tác quốc tế của Nhật Bản cũng đã ký một bản ghi nhớ chung, thành lập một quỹ đầu tư trị giá 1 tỷ USD để thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa hai nước.
Video đang HOT
Trong chuyến thăm Nhật Bản lần này, Tổng thống Putin nói rằng hợp tác kinh tế sẽ tạo nền tảng cho mối quan hệ gần gũi hơn giữa hai nước. “Tôi tin rằng hợp tác chung trong lĩnh vực kinh tế sẽ giúp xây dựng nền tảng cần thiết để thúc đẩy một mối quan hệ trở thành đối tác thực sự”, nhà lãnh đạo Nga phát biểu tại Tokyo trước khi bắt đầu ngày làm việc thứ hai tại Nhật Bản. Theo ông chủ Điện Kremlin, phát triển quan hệ kinh tế là một cách giúp xây dựng lòng tin, và khi sự tin cậy đã được hình thành thì hai nước có thể giải quyết các vấn đề khác còn tồn đọng.
Gặt hái được nhiều “trái ngọt” trong lĩnh vực kinh tế song cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo không đưa đến bước đột phá mới trong việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ liên quan đến 4 hòn đảo hiện do Nga kiểm soát và gọi là quần đảo Nam Kuril còn Nhật Bản gọi là Vùng lãnh thổ phía Bắc. Hai nước đến nay vẫn chưa thể ký kết hiệp ước hòa bình từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2 vì những tranh chấp trên.
Mặc dù đã trao đổi “thẳng thắn” về các vấn đề trong quan hệ song phương nhưng hai nhà lãnh đạo vẫn thông báo rằng họ không đạt được sự chuyển biến đặc biệt nào trong lộ trình ký kết hiệp ước hòa bình. Trong cuộc hội đàm ngày 15/12 tại khu nghỉ dưỡng suối nước nóng ở thành phố Nagato, tỉnh Yamaguchi, tây nam Nhật Bản, cả Thủ tướng Abe và Tổng thống Putin đều nhất trí về tầm quan trọng của việc nối lại các cuộc đối thoại an ninh. Ngoài ra, hai bên cũng thống nhất về hợp tác kinh tế chung giữa hai nước trên các đảo tranh chấp.
Trợ lý kinh tế của Điện Kremlin Yuri Ushakov cho biết hai bên sẽ ra tuyên bố chung về hoạt động hợp tác kinh tế Nga – Nhật tại các đảo tranh chấp hôm nay 16/12, và các hoạt động này sẽ dựa trên luật Nga. Tuy nhiên, một phát ngôn viên của Nhật Bản lại nhấn mạnh rằng bất kỳ hoạt động chung nào cũng không được tách rời lập trường pháp lý của nước này, đồng nghĩa với việc Moscow phải thừa nhận chủ quyền của Tokyo ở 4 đảo tranh chấp trên.
Thành Đạt
Theo Dantri
Ẩn ý đằng sau món quà Thủ tướng Nhật Bản tặng Tổng thống Putin
Nhân chuyến thăm của Tổng thống Vladimir Putin tới Nhật Bản, Thủ tướng Shinzo Abe ngày 15/12 đã tặng nhà lãnh đạo Nga bản sao của một bức tranh đặc biệt, trong đó vẽ lại chuyến thăm của một đô đốc hải quân Nga tới quốc gia Đông Bắc Á để ký hiệp ước được cho là mở ra quan hệ chính thức giữa hai nước.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (phải) bắt tay Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc gặp tại Nagato hôm 15/12 (Ảnh: Reuters)
Theo RT, món quà mà Thủ tướng Shinzo Abe, với tư cách là lãnh đạo nước chủ nhà, tặng Tổng thống Vladimir Putin khi ông có chuyến công du chính thức tới Nhật Bản là một vật phẩm đặc biệt. Đây là bản sao cao cấp, được Tập đoàn Fuji Xerox xử lý bằng công nghệ laser, của bức tranh có tên gọi "Chuyến đi của Putyatin" - tác phẩm nghệ thuật hàm chứa cả một câu chuyện lịch sử lâu đời với ý nghĩa sâu sắc đối với quan hệ song phương Nga - Nhật Bản.
Vào năm 1855, Đô đốc Hải quân Nga Yevfimy Putyatin (1803-1883) đã gặp gỡ một quan chức đại diện cho phía Nhật Bản là Toshikara Kawazi. Cuộc gặp mặt diễn ra tại thành phố Shimoda của Nhật Bản và kết thúc bằng việc ký kết Hiệp ước Shimoda vào ngày 7/2/1855. Giới sử gia coi hiệp ước này là văn kiện mở đầu quan hệ ngoại giao chính thức giữa Nga với Nhật Bản.
Hiệp ước này cũng lần đầu tiên vạch ra đường biên giới giữa Nga và Nhật Bản, trong đó xác nhận chủ quyền của Nhật Bản đối với các đảo Kunashiri, Etorofu, Shikotan và quần đảo Habomai. Tuy nhiên, các đảo này đã bị Liên Xô chiếm đóng trong Chiến tranh thế giới thứ 2 và hiện nằm dưới quyền kiểm soát của Nga với tên gọi quần đảo Nam Kuril, trong khi Nhật Bản vẫn tuyên bố chủ quyền và gọi đây là Vùng lãnh thổ phía Bắc. Đây cũng là nguyên nhân dẫn tới căng thẳng trong quan hệ Nga - Nhật suốt 70 năm qua, khiến hai nước đến nay vẫn chưa thể ký kết một hiệp ước hòa bình sau Chiến tranh thế giới thứ 2.
Theo Japan Times, bằng việc trao tặng món quà này cho Tổng thống Putin khi hai nhà lãnh đạo hội đàm tại Nagato, thuộc tỉnh Yamaguchi - quê nhà của ông Abe, Thủ tướng Nhật Bản rõ ràng muốn thể hiện quyết tâm của ông trong việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ kéo dài suốt 7 thập niên giữa hai nước. Đây cũng là chủ đề trọng tâm trong chương trình nghị sự của Tổng thống Putin khi ông tới Nhật Bản với mong muốn bình thường hóa hoàn toàn quan hệ song phương.
Về phần mình, Tổng thống Putin cũng trao tặng Thủ tướng Abe hai món quà, gồm một ấm trà samovar truyền thống của Nga được chế tác từ năm 1870 và một bức tranh sơn dầu. Ông chủ Điện Kremlin cũng tham dự bữa tiệc với Thủ tướng Nhật vào tối qua. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một tổng thống Nga tới Nhật Bản từ năm 2005.
Thành Đạt
Theo Dantri
Philippines tạm gác tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay ngày 15/12 cho biết nước này đang tạm gác các tranh chấp chủ quyền lãnh thổ trên Biển Đông với Trung Quốc xuống vị trí thứ yếu. Thay vào đó, Manila ưu tiên cải thiện mối quan hệ với Bắc Kinh trên các lĩnh vực khác như thương mại và chính trị. Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay (Ảnh:...