Triển lãm trực tuyến về Năng lượng Mặt trời tại Việt Nam 2020
Với chủ đề “Chuyển đổi trực tuyến với những triển vọng tươi sáng cho sự phát triển của năng lượng mặt trời tại Việt Nam”, triển lãm trực tuyến Năng lượng mặt trời Việt Nam 2020 (Vietnam Solar E-Expo 2020) sẽ diễn ra từ ngày 12/10-10/11/2020.
Triển lãm nhắm tới mục tiêu tạo điều kiện cho các doanh nghiệp ngành năng lượng tiếp cận, giao tiếp với nhau.
Trong bối cảnh hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bị gián đoạn do tác động của dịch Covid-19, được sự ủng hộ của Trung tâm Hỗ trợ chuyển giao công nghệ, Cơ quan Ứng dụng và phát triển công nghệ ( MOST), Tập đoàn Neoventure sẽ tổ chức Triển lãm trực tuyến về Năng lượng mặt trời tại Việt Nam 2020 song song với sự kiện Kỹ thuật số về Năng lượng mặt trời tại châu Á – Thái Bình Dương (APAC), Chương trình hội thảo online và mạng kết hợp trực tuyến 1-1.
Triển lãm Năng lượng mặt trời tại Việt Nam 2020 sẽ cung cấp nền tảng trực tuyến, tạo điều kiện cho các nhà cung cấp công nghệ, nhà sản xuất và người mua trong ngành năng lượng mặt trời tại Việt Nam có thể giao tiếp với nhau. Đặc biệt, sự kiện hy vọng sẽ phá vỡ rào cản giữa trí tưởng tượng và thực tế, đồng thời tạo ra các cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp.
Ngành năng lượng tái tạo, năng lượng mặt trời tại Việt Nam đang được nhiều doanh nghiệp quan tâm.
Triển lãm sẽ được tổ chức từ ngày 12/10 – 10/11/2020, cung cấp nền tảng trực tuyến, tạo điều kiện cho các nhà cung cấp công nghệ, nhà sản xuất và người mua trong ngành năng lượng mặt trời Việt Nam có thể giao tiếp với nhau. Đặc biệt, sự kiện hy vọng sẽ phá vỡ rào cản giữa trí tưởng tượng và thực tế, đồng thời tạo ra nhiều cơ hội kinh doanh.
Sự kiện “Live Day” diễn ra từ ngày 27-28/10/2020, cho phép tất cả người tham dự có thể kết nối và giao tiếp 1-1 với các nhà triển lãm để nhận được phản hồi tức thì và chuyên nghiệp thông qua hộp thư trò chuyện, cuộc gọi âm thanh hoặc cuộc gọi video.
Đối với sự kiện kỹ thuật số về năng lượng mặt trời tại châu Á – Thái Bình Dương 2020 – Chương về ASEAN, với chủ đề tập trung vào khu vực ASEAN (chủ yếu là thị trường Việt Nam, Myanmar và Malaysia) diễn ra từ ngày 17-18/9/2020 sẽ mang đến cho khách tham quan nền tảng kết nối B2B một cách tức thì, hiệu quả và một loạt các cơ hội hiểu biết mới.
Chương về Việt Nam sẽ được bắt đầu từ ngày 20-22/10/2020, tại sự kiện này, các nhà hoạch định chính sách và doanh nghiệp lớn của thị trường năng lượng mặt trời Việt Nam sẽ có những chia sẻ giải thích sâu hơn về các chủ đề nóng trong ngành năng lượng mặt trời Việt Nam như: hiện trạng và dự báo về thị trường, phân tích chính sách, kế hoạch nâng cấp lưới điện, năng lượng mặt trời áp mái và quản lý tài sản cố định, O&M và dự trữ năng lượng.
Video đang HOT
Vietnam Solar E-Expo 2020 sẽ là sự kiện quan trọng, là cơ hội tốt cho các nhà đầu tư, sản xuất, kinh doanh trong nước và quốc tế giới thiệu các dự án, sản phẩm, công nghệ tiến tiến trong lĩnh vực năng lượng mặt trời. Đây cũng là dịp thuận lợi để các bên tìm kiếm đối tác, trao đổi kinh nghiệm, mở rộng phạm vi hợp tác, tiếp cận và ứng dụng công nghệ tiên tiến góp phần phát triển tối ưu khả năng khai thác nguồn năng lượng tái tạo tại Việt Nam.
Thách thức và giải pháp công nghệ trong phát triển ngành năng lượng
Trong giai đoạn vừa qua, ngành năng lượng Việt Nam đã có bước phát triển nhanh, tương đối đồng bộ trong tất cả các phân ngành, lĩnh vực, bám sát định hướng và đạt được nhiều mục tiêu đáng ghi nhận.
Lắp đặt hệ thống điện Mặt Trời áp mái. (Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)
Ngày 17/9, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ đã chủ trì Diễn đàn Công nghệ và Năng lượng Việt Nam 2020 nhằm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và phát triển công nghệ với mục tiêu tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng, đồng thời trao đổi về thách thức và giải pháp công nghệ trong phát triển ngành năng lượng.
Diễn đàn lần này góp phần thúc đẩy thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Tại diễn đàn, đại diện nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp và nhà đầu tư chia sẻ các nội dung liên quan tới chính sách phát triển hạ tầng bền vững và nâng cao nội lực ngành công nghiệp chế tạo, dịch vụ về năng lượng; chuyển dịch cơ cấu năng lượng gắn với phát triển năng lượng bền vững; xu hướng công nghệ trong lĩnh vực năng lượng trên thế giới và khả năng ứng dụng tại Việt Nam; thúc đẩy hợp tác quốc tế và nâng cao năng lực hoạch định chính sách phục vụ phát triển bền vững ngành năng lượng Việt Nam...
Theo ông Lê Hải Đăng, Trưởng ban Chiến lược phát triển Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), trong nghiên cứu phát triển lưới điện thông minh, EVN đã thực hiện các đề án thành phần theo Quyết định 4602/QĐ-BCT ngày 25/11/2016 Bộ Công Thương.
Cụ thể, EVN nghiên cứu mô hình tổ chức các trung tâm điều khiển đóng cắt thiết bị từ xa cho lưới điện của Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia và các Tổng công ty Điện lực; nghiên cứu phát triển công tơ điện tử và hệ thống thu thập số liệu đo đếm từ xa; nghiên cứu phát triển hệ thống SCADA trong hệ thống điện Việt Nam.
Đến tháng 9/2020, EVN đã thiết lập và đưa vào vận hành 61/63 trung tâm điều khiển xa tại các tỉnh, thành phố. Số trạm biến áp điều khiển xa 220kV là 80 (đạt 63,5%), 110kV là 590 (đạt 82%); tỷ lệ công tơ điện tử đạt gần 54%.
Hệ thống SCADA/EMS thuộc Dự án Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia mới vận hành ổn định, hiệu quả từ năm 2016 đến nay; tỷ lệ kết nối gần 96%, tỷ lệ tín hiệu đạt yêu cầu 81%.
Tuy nhiên, đại diện EVN cũng cho rằng hiện điện Mặt Trời phát triển nhanh và cục bộ tại một số địa phương gây khó khăn trong truyền tải công suất. Công suất phát không ổn định, khó dự báo chính xác đòi hỏi hệ thống điện phải có dự phòng điều tần lớn.
Ông Đăng cho hay thời gian tới, cần đẩy nhanh, bổ sung quy hoạch và thực hiện đầu tư lưới điện. Ngoài ra, phải tiến hành thuê tư vấn nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật cần có ứng với các mức độ tăng dần của tỷ trọng năng lượng tái tạo trong hệ thống điện; ứng dụng AGC (tự động điều chỉnh công suất) để khai thác tối đa công suất phát các nguồn năng lượng tái tạo theo khả năng tải của đường dây.
Theo ông Trần Anh Tuấn, Thư ký Hiệp hội Năng lượng thế giới (World Energy Council), phát triển các dạng năng lượng tái tạo (gió, Mặt Trời, hydrogen...) sẽ là xu thế tất yếu của thời đại nhằm tạo ra các nguồn năng lượng sạch, giá rẻ, ổn định và bảo vệ môi trường.
Theo khảo sát, hơn 100 nước trên thế giới đã chọn sử dụng năng lượng hiệu quả là biện pháp có tác động lớn nhất đến việc sử dụng năng lượng vào năm 2040.
Biện pháp sử dụng năng lượng hiệu quả bao gồm các điểm chính như tiết kiệm điện trong sản xuất và trong sinh hoạt; đổi mới công nghệ trong sản xuất để tiết kiệm điện; áp dụng kỹ thuật số/blockchain trong sản xuất, truyền tải và phân phối điện.
Vậy, công nghệ nào sẽ có tác động lớn nhất đến cách sản xuất năng lượng vào năm 2040?
Ông Tuấn cho rằng trước tiên là các thiết bị lưu trữ năng lượng. Các chuyên gia giải thích rằng việc lưu trữ năng lượng sẽ là yếu tố thay đổi cuộc chơi cho ngành năng lượng vào năm 2040. Bởi lẽ, nó có thể xử lý các biến động khác nhau của nhu cầu tiêu thụ điện, đặc biệt là khi có sự thay đổi lớn về nguồn cung. Lưu trữ điện có khả năng làm hài hòa cung và cầu một cách hiệu quả.
Bên cạnh đó, các tấm pin Mặt Trời cải tiến sẽ có tác động lớn nhất đến việc sản xuất năng lượng. Với sự tiến bộ nhanh chóng của khoa học kỹ thuật, các tấm pin Mặt Trời càng ngày càng rẻ hơn và hiệu quả hơn.
Ngoài ra, cũng cần quan tâm đến sự phát triển tự động hóa và các máy móc; hydro sạch, năng lượng gió...
Theo báo cáo tại diễn đàn, trong giai đoạn vừa qua, ngành năng lượng Việt Nam đã có bước phát triển nhanh, tương đối đồng bộ trong tất cả các phân ngành, lĩnh vực, bám sát định hướng và đạt được nhiều mục tiêu đáng ghi nhận. Ngành đã cung cấp năng lượng, đặc biệt là cung cấp điện, cơ bản đáp ứng đủ yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội với chất lượng ngày càng được cải thiện; chỉ số tiếp cận điện năng đứng thứ 27/190 quốc gia, vùng lãnh thổ; điện gió và điện Mặt Trời bắt đầu phát triển với tốc độ cao.
Đồng thời, ngành năng lượng cũng có sự tham gia, huy động được nguồn lực lớn của nhiều thành phần kinh tế, đóng góp rất quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh tại nhiều địa phương và đất nước.
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, ngành năng lượng Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế. Cụ thể là các nguồn cung trong nước không đủ đáp ứng yêu cầu, phải nhập khẩu năng lượng ngày càng lớn; một số chỉ tiêu bảo đảm an ninh năng lượng đang biến động theo chiều hướng bất lợi.
Cơ sở hạ tầng ngành năng lượng còn thiếu và chưa đồng bộ;trình độ công nghệ trong một số lĩnh vực thuộc ngành năng lượng chậm được nâng cao.
Việc nội địa hóa và hỗ trợ thị trường từ các dự án trong ngành năng lượng cho hàng hóa cơ khí chế tạo sản xuất trong nước còn hạn chế...
Theo ông Đinh Thế Phúc,Vụ trưởng Vụ Năng lượng, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, về cơ chế, chính sách, cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế khuyến khích phát triển các nguồn năng lượng tái tạo đảm bảo minh bạch, hài hòa lợi ích kinh tế-xã hội và môi trường; cơ chế hỗ trợ tài chính (cho vay lãi suất ưu đãi...), ưu đãi về thuế để thúc đẩy phát triển năng lượng xanh, sạch.
Song song với đó, về khoa học công nghệ, sẽ phải tiến hành triển khai những chương trình nghiên cứu và phát triển tầm cỡ quốc gia về chuyển đổi năng lượng, năng lượng tái tạo, đồng thời xây dựng các phòng thí nghiệm trọng điểm hoạt động theo cơ chế mở nhằm tạo điều kiện làm việc tốt cho nhiều nhóm nghiên cứu tại các trường đại học và viện nghiên cứu chuyên ngành./.
Đầu tư 3.000 tỷ đồng cho giai đoạn 2 nhà máy điện Mặt Trời ở An Giang Nhà máy điện Mặt Trời Sao Mai có tổng vốn đầu tư gần 6.000 tỷ đồng với tổng công suất phát điện 210 MWp, xây dựng trên diện tích 275ha, được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 2 của Nhà máy điện năng lượng Mặt Trời Sao Mai với công suất 106MWp được triển khai xây dựng cạnh giai đoạn 1 của...