Triển khai vaccine Covid-19: Bài toán ’sinh tử’ của Tổng thống Mỹ Biden
Kế hoạch của Tổng thống Mỹ Joe Biden nhằm dập tắt đại dịch Covid-19 được xây dựng toàn diện, với các mục tiêu và ưu tiên rõ ràng. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện không hề dễ dàng.
Kế hoạch của Tổng thống Mỹ Biden nhằm dập tắt đại dịch Covid-19 và thúc đẩy phục hồi kinh tế được xây dựng tỉ mỉ và toàn diện, với các mục tiêu và ưu tiên rõ ràng những vẫn chờ đợi nhiều thách thức. (Nguồn: Getty Images)
Khi đối mặt với cuộc khủng hoảng Covid-19, Tổng thống Mỹ Joe Biden chắc chắn sẽ tránh vấp phải những sai lầm của người tiền nhiệm, đặc biệt là ông sẽ lưu ý đến lời khuyên của các chuyên gia khoa học.
Tuy nhiên, trừ khi ông Biden cũng có đủ chuyên môn về quản lý, vận hành và hậu cần, nếu không thậm chí những kế hoạch tốt nhất của ông cũng có thể sẽ thất bại.
Đại dịch đã gây ra ảnh hưởng sâu rộng. Tháng 10/2020, hai nhà kinh tế học Lawrence H.Summers và David M.Cutler đã ước tính rằng phí tổn tài chính lũy kế (gồm cả phần sản lượng bị mất và suy giảm sức khỏe) ở Mỹ vượt 16.000 tỷ USD – khoảng 90% GDP hàng năm.
Đối với một gia đình 4 thành viên, thiệt hại ước tính lên đến gần 200.000 USD – gồm cả thu nhập và chi phí cho cuộc sống kém lành mạnh hơn.
Tuy nhiên, những chi phí đó không được chia đều. Nhóm 50% những người ở tầng dưới cùng của phân phối thu nhập và của cải phải chịu nhiều thiệt hại nhất, làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng kinh tế vốn dĩ đã ở mức cao.
Hơn nữa, đại dịch đã gây ra một cú sốc đối với nền giáo dục, nhất là với thanh thiếu niên. Vẫn chưa đánh giá được hậu quả dài hạn của việc đóng cửa trường học và phương pháp học từ xa đối với nhận thức và sự phát triển về mặt xã hội của thanh thiếu niên. Tuy nhiên, có thể khẳng định chắc chắn rằng sự gián đoạn này càng kéo dài, thì tình trạng này càng nghiêm trọng.
Khoản đầu tư để phục hồi kinh tế
Điều may mắn là kế hoạch của ông Biden đã nhận thấy tất cả các vấn đề này, và cách duy nhất để phục hồi kinh tế toàn diện (và cả việc đưa học sinh trở lại trường học) là nhanh chóng kiểm soát được dịch Covid-19.
Các lĩnh vực chịu tổn thất nhiều nhất do nhu cầu giảm mạnh trong cuộc khủng hoảng Covid-19 – gồm du lịch, khách sạn, thể thao, bảo tàng và các hoạt động giải trí – là những ngành sử dụng nhiều lao động.
Chừng nào các ngành nào còn gặp khó khăn, thì tỷ lệ việc làm sẽ không thể phục hồi được. Và các ngành này chỉ có thể thoát khỏi khó khăn khi các biện pháp y tế công cộng được rút lại một cách an toàn.
Tin tốt là, theo kinh nghiệm của các nền kinh tế châu Á – nơi đã kiểm soát được dịch bệnh, một khi các hoạt động kinh tế được khôi phục lại đầy đủ, sự phục hồi sẽ diễn ra rất mạnh mẽ. Như kế hoạch của ông Biden cũng nhận ra, các chương trình tài khóa xác định đúng mục tiêu giúp hạn chế thiệt hại tài chính phát sinh thêm cho hộ gia đình và doanh nghiệp sẽ càng củng cố kết quả này.
Video đang HOT
Nếu người ta coi việc kiểm soát và hạn chế dịch bệnh Covid-19 như một khoản đầu tư để phục hồi kinh tế, thì tỉ suất lợi nhuận là rất lớn. Dữ liệu thống kê liên tục của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho thấy, ở Mỹ, việc phục hồi đã bị đình trệ ở mức gần 8-10% GDP, tương đương 1.900 tỷ USD/năm.
Nhưng việc triển khai vaccine ngừa Covid-19 nhanh chóng (trong vòng 6-9 tháng) sẽ mang lại lợi ích kinh tế trị giá ít nhất 1.000 tỷ USD. Nói cách khác, một chương trình vaccine hiệu quả vốn chỉ tiêu tốn của chính phủ liên bang 500 tỷ USD sẽ có tỷ lệ hoàn vốn hàng năm là 100% (chưa tính đến số người được cứu sống và các lợi ích khác).
Hơn thế nữa, việc triển khai tiêm chủng vaccine trên diện rộng là cách duy nhất để Mỹ có thể hi vọng ngăn chặn được dịch Covid-19 bùng phát. Điều này đã trở nên rõ ràng trong năm vừa qua, khi đại đa số các quốc gia (trừ một vài nước châu Á) đều thất bại trong việc kiểm soát dịch Covid-19 bằng các biện pháp khác.
Chính phủ Mỹ cần đưa ra một chương trình phân phối vaccine Covid-19 trên diện rộng. (Nguồn: UNI)
Thách thức và những điều cần làm
Liệu kế hoạch tiêm chủng vaccine của ông Biden có khả thi? Mặc dù kế hoạch này được vạch ra bởi các chuyên gia khoa học, song quá trình triển khai tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 gặp phải những thách thức to lớn.
Để giải quyết các khó khăn này đòi hỏi Tổng thống Biden xử lý đại dịch giống như một cuộc chiến. Trong thời chiến, các nhà lãnh đạo dân sự sẽ đặt ra các mục tiêu quân sự, xác định những gì là cần thiết (về vấn đề trang thiết bị, sản xuất và hậu cần) để đạt được các mục tiêu này.
Sau đó, các nguồn lực kinh tế được tái triển khai cho phù hợp, ngay cả khi điều đó có thể gây ra tình trạng gián đoạn hoặc thiếu hụt trong các lĩnh vực bị ảnh hưởng. Việc phân bổ sẽ được thực hiện với các biện pháp kiểm soát giá cả nhằm đảm bảo rằng các hạn chế về nguồn cung sẽ không thúc đẩy lạm phát.
Nhìn chung, Mỹ đang trong cuộc chiến chống Covid-19. Nhưng những hệ thống hiện hành của cả Nhà nước và tư nhân để cung cấp những gì cần thiết nhằm giành được chiến thắng lại yếu kém, bị phân tán và đặc biệt là không có sự phối hợp để cùng hành động.
Chính quyền ông Biden đã thừa hưởng một bối cảnh hỗn độn và không có trọng tâm. Họ sẽ phải dựa vào chính quyền cấp liên bang, vốn được hỗ trợ bởi nguồn tài chính công, để khắc phục những thiếu sót này. Đây có lẽ là khởi đầu tốt đẹp. Tuy nhiên, kết quả sẽ phụ thuộc vào cách thức thực hiện của chính quyền liên bang.
Để bắt đầu, ông Biden phải tranh thủ sự trợ giúp của những nhà quản lý có nhiều kinh nghiệm về việc triển khai công việc, hậu cần và cung cấp dịch vụ, và cả những người có thể làm việc với các đối tác khu vực tư nhân để tạo ra những động lực phù hợp. Đây không phải là thế mạnh của chính phủ. Tuy nhiên, quân đội rất thông thạo lĩnh vực này nên cần tận dụng chuyên môn của họ.
Với sự trợ giúp của các chuyên gia như vậy, chính quyền liên bang phải đảm bảo nguồn cung đầy đủ để thực hiện được các mục tiêu tiêm chủng đầy tham vọng. Chính quyền liên bang cũng cần thiết lập các kênh phân phối mới nhằm bổ sung cho các kênh hiện có.
Đồng thời, chính quyền liên bang phải quyết định cách thức ưu tiên tiếp cận vaccine ngừa Covid-19 và đảm bảo rằng hệ thống này sẽ nhất quán ở mọi tầng lớp. Nếu không, các bang, các chính quyền tự trị và các trung tâm chăm sóc sức khỏe sẽ tiếp tục hành động độc lập, với những hệ lụy xấu về mặt kinh tế (và cả đạo đức).
Ví dụ, nhiều chính sách xung đột lẫn nhau giữa các cấp chính quyền đã dẫn đến tình trạng nhiều liều thuốc không được sử dụng bị vứt bỏ, trong khi những nơi khác phải chật vật để có thể đáp ứng được nhu cầu.
Thêm vào đó, các chương trình ưu tiên khác nhau đã ảnh hưởng xấu tới nhận thức về sự công bằng và dẫn đến tình trạng lộn xộn tranh giành nhau để được tiêm chủng sớm hơn.
“Du lịch vaccine” (đi du lịch để được tiêm vaccine) được cho là đang phát triển mạnh mẽ. Điều mà một nước Mỹ bị chia rẽ và bất bình đẳng sâu sắc lo ngại nhất chính là việc các thị trường thứ cấp nổi lên, cho phép mọi người mua hàng theo cách của họ.
Trên thực tế, chính quyền ông Biden nên đảm bảo tất cả các liều vaccine ngừa Covid-19 được cung cấp miễn phí. Chiến lược của tân Tổng thống Mỹ phải giải quyết được ảnh hưởng của tình trạng thiếu bảo hiểm y tế toàn dân, cũng như các yêu cầu về quyền cư trú, đối với khả năng được tiêm vaccine của người dân.
Cuối cùng, Chính phủ phải đảm bảo rằng hệ thống quản lý vaccine là đáng tin cậy, cho dù số lượng người cần được tiêm chủng có lớn đến đâu. Chúng ta không thể tiếp tục phạm phải sai sót mùa Xuân năm ngoái, khi nhiều hệ thống phụ trách vấn đề thất nghiệp của nhiều bang không thể xử lý được số lượng đơn xin việc tăng đột biến.
Các cuộc khủng hoảng mà ông Biden phải đối mặt ngay khi bắt đầu nhiệm kỳ Tổng thống của mình không phải do ông tạo ra, ông chỉ có thể cam kết sẽ tránh đi vào vết xe đổ của người tiền nhiệm, bắt đầu xây dựng chiến lược đẩy lùi đại dịch dựa trên kiến thức khoa học, và khôi phục vai trò trung tâm của Chính phủ liên bang.
Tuy nhiên, hiện nay, Chính phủ cần đưa ra một chương trình phân phối vaccine Covid-19 trên diện rộng, tận dụng các kiến thức chuyên môn về quản lý và vận hành. Nếu không làm được điều đó, ngay cả những kế hoạch tốt nhất của ông Biden cũng có thể bị thất bại.
Biden 'đặt cược' với thời hạn vượt qua đại dịch
Tổng thống Mỹ Biden hôm 26/1 cam kết sẽ có đủ vaccine Covid-19 cho 300 triệu người dân vào cuối mùa hè này. Đây được cho là một tuyên bố mạo hiểm.
Trên thực tế, Tổng thống Biden chỉ ấn định thời gian dự kiến cuộc sống sẽ trở lại bình thường nhưng không đưa ra bất kỳ đảm bảo nào. Nếu ông thành công, 26/1 sẽ được nhớ đến như ngày ghi dấu bước ngoặt quan trọng trong đại dịch. Nếu thất bại, uy tín của ông sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nó không chỉ kéo dài thêm cuộc khủng hoảng mà còn cản trở những chương trình nghị sự đầy tham vọng khác của tân Tổng thống Mỹ.
Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Phòng Bầu dục, Nhà Trắng, ngày 20/1. Ảnh: Reuters.
"Trước một quốc gia đang chờ đợi hành động, hãy để tôi chỉ rõ điều này: Trợ giúp đang đến", Biden nói sau khi thông báo về việc mua thêm 200 triệu liều vaccine Covid-19 nữa và nỗ lực tăng cường phân phối đến các bang trong vài ngày tới.
Theo giới chuyên gia, tuyên bố từ Tổng thống Biden vừa bao hàm mục tiêu hành chính lẫn chính trị. Nó tạo ra một động lực tinh thần hiếm hoi sau gần một năm nước Mỹ chật vật vì phong tỏa, cách biệt cộng đồng, chia cắt gia đình, đau ốm và chết chóc.
"Chúng ta có thể tiêm vaccine cho 300 triệu người dân vào mùa hè, như vậy cuộc sống sẽ thay đổi nhanh chóng và chúng ta sẽ thoát khỏi tình cảnh mà ta đang phải trải qua hiện nay khi đại dịch thống trị cuộc sống của ta", tiến sĩ Ashish Jha, hiệu trưởng Trường Y tế Công cộng Đại học Brown, nhận xét.
Các dấu hiệu cho thấy cuối cùng thì chính phủ liên bang cũng đã có một kế hoạch chặt chẽ nhằm giúp doanh nghiệp lên kế hoạch trước, yếu tố rất quan trọng trong việc phục hồi nền kinh tế thoát khỏi tình trạng đình trệ vì đại dịch.
Và những hành động tích cực hàng ngày của Tổng thống Biden nhằm ứng phó với đại dịch cũng tạo ra bầu không khí cấp bách trên Đồi Capitol khi mà phe Cộng hòa đang hoài nghi về tính cần thiết của một gói cứu trợ nhằm đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng.
Hôm 27/1, cố vấn cấp cao cho đội ứng phó Covid-19 Nhà Trắng Andy Slavitt cho biết sẽ phải "mất nhiều tháng trước khi tất cả những ai muốn vaccine đều được tiêm chủng". Tuy nhiên, Nhà Trắng đang trên đà đạt được mục tiêu tiêm vaccine cho 100 triệu người trong 100 ngày đầu nhậm chức của Tổng thống Biden, Slavitt nói và thêm rằng "mọi kho dự trữ đều đã hết sạch".
Theo giới phân tích, tuyên bố mà Biden đưa ra về thời gian trở lại cuộc sống bình thường nằm trong nỗ lực rộng hơn và có tính toán của tân Tổng thống Mỹ nhằm thể hiện một lãnh đạo nhiệt huyết và nắm quyền. Chúng cũng nhằm cho thấy dấu hiệu về sự đột phá mạnh mẽ nhằm thoát khỏi tình trạng hỗn loạn và không thống nhất dưới thời chính quyền tiền nhiệm.
"Ta đang có một chính quyền liên bang nhất quán, chuyên nghiệp và nói sự thật", Thống đốc New York Andrew Cuomo, chia sẻ với CNN.
Các thống đốc bang đã đặc biệt vui mừng khi điều phối viên Covid-19 Nhà Trắng Jeffrey Zients cam đoan rằng họ sẽ được thông báo ba tuần trước thời gian phân phối vaccine, cho phép họ có thời gian lên kế hoạch và bố trí nhân lực. Việc thiếu những khung thời gian cụ thể như vậy giúp giải thích vì sao hàng triệu liều vaccine đã được phân phối nhưng không thể cung cấp ngay tới bệnh nhân trong những tuần gần đây.
Zients thêm rằng lượng vaccine phân phối tới từng bang sẽ tăng 16% kể từ tuần tới. Song ngay cả khi tăng 16%, lượng vaccine vẫn chưa thể đủ đáp ứng như cầu của các bang.
Thông báo hôm 26/1 của Tổng thống Mỹ cũng là một động thái chính trị nhằm xóa bỏ ấn tượng về sự hỗn loạn trong thông điệp về mục tiêu và nguồn cung vaccine mà Biden cùng đội ngũ phụ tá đưa ra những ngày gần đây.
Dù tỏ ra lạc quan, Biden vẫn cẩn thận kiềm chế những kỳ vọng. "Chúng ta không bỗng nhiên rơi vào đống hỗn độn này và sẽ phải mất vài tháng để chúng ta vượt qua", tân Tổng thống Mỹ nhấn mạnh.
Bình luận của Biden phản ánh mối nguy hiểm chính trị vốn có khi thiết lập các mốc thời gian và đưa ra dự đoán về một đại dịch nguy hiểm và khó lường, đặc biệt giữa lúc các biến chủng virus mới đang xuất hiện, thách thức tính hiệu quả của vaccine.
Mặt khác, lời cam kết của ông chủ Nhà Trắng còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác mà ông không thể kiểm soát.
Kinh nghiệm cho thấy cung cấp đủ vaccine không đồng nghĩa với việc nó được người dân tin tưởng sử dụng. Phong trào bài vaccine đang nổi lên trên khắp thế giới và cả Mỹ. Một cuộc thăm dò do Axios-Ipsos thực hiện hồi đầu tuần cho thấy chỉ 49% số người được hỏi có ý định tiêm chủng càng sớm càng tốt.
Bên cạnh đó, cũng có thể nảy sinh trục trặc trong sản xuất, các vấn đề về cung ứng, vận chuyển, hậu cần tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến mốc thời gian mà Tổng thống Biden nêu ra. Những số liệu như vậy khiến một số chuyên gia y tế hàng đầu đặt câu hỏi đến một lúc nào đó, vấn đề mầu chốt không còn là thiếu vaccine nữa mà là thiếu người tiếp nhận.
Bất chấp lời kêu gọi của Tổng thống Biden rằng đeo khẩu trang có thể cứu sống hàng chục nghìn người, việc làm này vẫn bị chính trị hóa cao, ở một quốc gia mà nhiều người bảo thủ vẫn tin vào cáo buộc cuộc bầu cử bị đánh cắp.
Các biến chủng mới của Covid-19, bao gồm cả những biến chủng xuất hiện lần đầu tiên ở Anh và Nam Phi, đang đe dọa đảo ngược những thành quả mà chính quyền đã đạt được, dù ít ỏi.
Ngay cả trong trường hợp số ca nhiễm virus giảm, vẫn tiềm ẩn nguy cơ chính quyền các bang có thể nôn nóng mở cửa, khiến dịch bùng phát trở lại, làm lời hứa của Tổng thống Biden càng trở nên xa vời, chuyên gia đánh giá.
Biden ký 15 lệnh hành pháp đầu tiên Tân Tổng thống Biden ký 15 sắc lệnh hành pháp đầu tiên nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng Covid-19, đưa Mỹ tái gia nhập hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Loạt sắc lệnh được ký nhanh chóng ngay trong ngày làm việc đầu tiên của tân Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Nhà Trắng nhằm thực hiện những lời hứa tranh...