Trí tuệ nhân tạo: Chuyên gia hàng đầu Microsoft ‘đầu quân’ cho OpenAI
Theo thông tin từ The Information, Sebastien Bubeck, một trong những nhà nghiên cứu trí tuệ nhân tạo (AI) hàng đầu của Microsoft, sẽ rời công ty để gia nhập OpenAI.
Sebastien Bubeck. Ảnh: businesstoday.in
Bubeck đã công bố quyết định này với các đồng nghiệp vào ngày 14/10. Ông là gương mặt đại diện cho nhiều hoạt động phát triển mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) của Microsoft trong hai năm qua, một phần dựa trên công nghệ từ OpenAI. Nhóm của Bubeck và các nhóm khác tại Microsoft được quyền truy cập đặc biệt vào công nghệ của OpenAI nhờ mối quan hệ hợp tác phát triển sản phẩm và đầu tư tài chính giữa hai công ty.
Hiện chưa rõ vai trò cụ thể của Bubeck tại OpenAI, công ty đang trải qua nhiều biến động nhân sự trong lĩnh vực nghiên cứu những tuần gần đây. Bubeck chưa đưa ra bất kỳ bình luận nào về thông tin này.
Người phát ngôn của Microsoft cho biết trong một tuyên bố rằng Bubeck “đã quyết định rời Microsoft để tiếp tục theo đuổi mục tiêu phát triển trí tuệ nhân tạo tổng quát (AGI)”. Microsoft cũng bày tỏ sự cảm kích đối với những đóng góp của Bubeck và mong muốn tiếp tục duy trì mối quan hệ hợp tác thông qua công việc của ông tại OpenAI.
Năm ngoái, nhóm của Bubeck đã công bố một nghiên cứu cho thấy các mô hình Phi-LLM của Microsoft, được huấn luyện bằng dữ liệu do mô hình của OpenAI tạo ra, có kích thước nhỏ hơn nhiều, chi phí vận hành thấp hơn so với các mô hình GPT của OpenAI, nhưng vẫn có thể đạt được chất lượng tương đương. Mặc dù Microsoft đã sử dụng các mô hình GPT của OpenAI để cung cấp năng lượng cho chatbot trong công cụ tìm kiếm Bing và các tính năng Copilot AI cho ứng dụng Office 365, nhưng theo thời gian, Microsoft đã thay thế một số tính năng bằng các mô hình Phi.
Hầu hết các đồng tác giả của Bubeck trong bài báo nghiên cứu về Phi vẫn đang làm việc tại Microsoft và dự định tiếp tục phát triển các mô hình này.
Video đang HOT
Giám đốc điều hành Microsoft, Satya Nadella, đã ca ngợi Phi là cách để “kiểm soát vận mệnh của chúng ta” trong lĩnh vực AI, thay vì phụ thuộc hoàn toàn vào OpenAI. Microsoft đã cam kết đầu tư gần 14 tỷ USD vào OpenAI để đổi lấy 20% doanh thu của startup này cùng các quyền lợi khác, bao gồm lợi nhuận trong tương lai và quyền bán lại công nghệ cho khách hàng đám mây của Microsoft.
Sự ra đi của Bubeck diễn ra chỉ vài tuần sau khi ông rời khỏi một bộ phận AI mới của Microsoft do Mustafa Suleyman lãnh đạo. Suleyman gia nhập Microsoft vào tháng 2 và trước đây từng dẫn dắt các startup AI, bao gồm DeepMind, công ty được Google mua lại hơn một thập kỷ trước. Bubeck đã quay trở lại Microsoft Research, hoạt động độc lập với nhóm của Suleyman và dự định tiếp tục phát triển các phiên bản Phi mới với đội ngũ khoảng 20 người.
Trí tuệ nhân tạo chưa 'nguội', ngành chip bán dẫn thêm sôi động
Ngành chip bán dẫn tiếp tục sôi động giữa bối cảnh các công ty đang không ngừng cạnh tranh quyết liệt, đặc biệt đối với sản phẩm đáp ứng nhu cầu phát triển của trí tuệ nhân tạo.
Cuộc bùng nổ AI chưa "chững" lại
Tuần qua, Bloomberg dẫn thông tin từ nhà sản xuất chip bán dẫn hàng đầu thế giới TSMC (Đài Loan) cho biết doanh thu quý 3 của tập đoàn này dự kiến đạt 759,7 tỉ Đài tệ (23,6 tỉ USD), cao hơn so với doanh thu kỳ vọng là 748 tỉ Đài tệ và tăng trưởng khoảng 39% so với cùng kỳ 2023.
Kết quả trên phản ánh nhu cầu mạnh mẽ đối với chip phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) và các đơn đặt hàng mới từ Apple, Qualcomm và MediaTek, bất chấp sự chậm trễ trong các lô hàng chip Blackwell của NVIDIA.
Thông tin này mang ý nghĩa lớn đối với thị trường khi gần đây các nhà đầu tư lo ngại việc chi tiền mua chip để phát triển công nghệ AI sẽ sớm chững lại do hiệu quả thực tế đem lại không cao. Một số cảnh báo cũng đặt vấn đề các ông lớn công nghệ (big tech) như Meta (công ty mẹ của Facebook) hay Alphabet (công ty mẹ của Google) không thể duy trì tốc độ đầu tư cơ sở hạ tầng như hiện tại nếu không đạt những hiệu quả thực tế từ AI đủ sức tạo ra doanh thu tương xứng.
Nhờ vào sự bùng nổ của AI, doanh thu của TSMC đã tăng gấp đôi so với năm 2020 - thời điểm ChatGPT của OpenAI ra mắt đã châm ngòi cho cuộc đua đầu tư trang bị phần cứng từ NVIDIA để phát triển AI.
NVIDIA đang "hốt bạc" từ chip nhờ AI bùng nổ. ẢNH: REUTERS
Không chỉ TSMC mà NVIDIA cũng được giới đầu tư đánh giá cao. Trong những ngày đầu tháng 10, sau một thời gian sụt giảm, giá cổ phiếu của NVIDIA đã quay trở lại mức kỷ lục từng đạt là 135 USD. Như thế, chỉ trong 1 tháng, giá cổ phiếu của NVIDIA đã tăng hơn 30%. Mặc dù vậy, Tập đoàn tài chính Goldman Sachs vừa đặt mức kỳ vọng giá cổ phiếu của NVIDIA có thể sớm tăng lên mức 150 USD khi tình hình kinh doanh còn nhiều triển vọng.
NVIDIA là công ty hưởng lợi lớn nhất từ sự bùng nổ AI, khi các công ty như Meta, OpenAI, Alphabet, Microsoft và Oracle tiếp tục công bố các công nghệ và sản phẩm đòi hỏi đầu tư lớn vào các bộ xử lý đồ họa (GPU) mà NVIDIA đang chiếm ưu thế. Quý 2/2024, NVIDIA đạt doanh thu 30 tỉ USD, tăng 15% so với quý trước đó và tăng 122% so với cùng kỳ năm 2023.
Kết quả kinh doanh của NVIDIA đang được kỳ vọng sẽ tăng cao hơn nữa trong phần còn lại của năm, khi các big tech dự kiến chuẩn bị công bố kế hoạch đầu tư hạ tầng AI.
Mới đây, NVIDIA tiết lộ toàn bộ sản lượng chip Blackwell - một dòng GPU tiên tiến của hãng này - trong 12 tháng tới đã được đặt hàng.
Cạnh tranh quyết liệt
Các sản phẩm AI tiên tiến như ChatGPT của OpenAI yêu cầu các trung tâm dữ liệu khổng lồ chứa đầy GPU để thực hiện xử lý cần thiết, điều này đã tạo ra nhu cầu cho nhiều công ty cung cấp chip AI. Vì thế, thị trường chip AI sẽ tiếp tục bùng nổ và dự kiến đạt 500 tỉ USD vào năm 2028, theo CNBC.
Trong vài năm qua, NVIDIA thống trị phần lớn thị trường GPU cung cấp cho các trung tâm dữ liệu như trên. Điều này đang thu hút sự cạnh tranh quyết liệt từ các công ty khác, vốn không muốn "NVIDIA một mình một chợ".
Ngày 10.10 vừa qua, nhà phát triển chip hàng đầu thế giới là AMD (Mỹ) đã ra mắt chip AI là Instinct MI325X nhằm cạnh tranh trực tiếp các dòng GPU của NVIDIA. Dự kiến bắt đầu sản xuất ngay trong năm nay, Instinct MI325X hướng đến cạnh tranh trực tiếp với Blackwell, được đánh giá có thể gây áp lực về giá đối với NVIDIA. Tuy chưa công bố đầy đủ các đơn hàng đã được đặt, nhưng AMD tiết lộ rằng cả Meta và Microsoft đều mua Instinct MI325X, đồng thời OpenAI cũng sử dụng Instinct MI325X cho một số ứng dụng. Bên cạnh đó, AMD cũng đã công bố lộ trình phát triển các thế hệ tiếp theo của dòng GPU này nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh và đáp ứng nhu cầu ngày càng bùng nổ của thị trường.
Không chỉ các trung tâm dữ liệu khổng lồ, các dòng laptop AI cũng trở thành mục tiêu cạnh tranh mạnh mẽ của các hãng chip. Cả AMD lẫn Intel gần đây đều đã ra mắt các nền tảng chip mới dành cho các dòng laptop AI. Trong đó, thế hệ tiếp theo của Core Ultra đến từ Intel đang nhận nhiều đánh giá tích cực và được kỳ vọng sớm góp phần tạo động lực cho tập đoàn này cải thiện tình hình kinh doanh vốn khá bi quan gần đây.
Cũng trong cuộc đua chip dành cho laptop AI, dự kiến Qualcomm sẽ giới thiệu nền tảng di động thế hệ nối tiếp của Snapdragon X Elite và X Plus dựa theo cấu trúc ARM. Những nỗ lực cạnh tranh này sẽ khiến thị trường laptop AI trở nên phong phú hơn.
Hạ viện Mỹ cấm nhân viên sử dụng chatbot Copilot của Microsoft Hạ viện Mỹ đã cấm các nhân viên sử dụng ứng dụng tương tác trí tuệ nhân tạo (AI) Copilot của hãng Microsoft vì nguy cơ rò rỉ dữ liệu. Trưởng văn phòng hành chính quản trị Hạ viện Mỹ Catherine Szpindor đã đưa ra hướng dẫn chung cho các văn phòng quốc hội, yêu cầu không sử dụng ứng dụng Copilot của...