Trị bệnh “bôi trơn”: Nếu ngành Y cũng bó tay…
Nghe thông điệp mạnh mẽ của Bộ trưởng Y tế về bệnh “bôi trơn” trong bệnh viện, dù cơ sở cho niềm tin vẫn chỉ ở mức… zero nhưng ít nhất dân tình cũng còn có chút hy vọng, bởi thuốc trị bệnh chẳng phải vẫn trong tay của chính ngành Y đó sao?
(minh họa, theo: Xaluan.com)
Tự điều trị mình
Để minh chứng cho sự mất lòng tin vào một trong những lĩnh vực nhạy cảm nhất bởi liên quan trực tiếp tới sức khỏe và tính mạng con người này, có lẽ trước hết cần trích dẫn ý kiến của chính những người trực tiếp “ở trong chăn” là rõ nhất “có rận” hay không, nồi canh y tế đang chỉ có vài con sâu như Bộ trưởng Kim Tiến nói hay…nhiều tới mức khiến dân VN giờ có lẽ là những người sợ đi bệnh viện (BV) nhất thế giới.
“Tôi cũng trong ngành Y tế nên tôi hiểu rõ lắm. Bây giờbác Bộ trưởng phải làm sao để vấn nạn phong bì, lót tay dứt điểm là không có đi. Tôi đi BV tuyến trên để sinh con, nếu đẻ thường cũng phải có 500.000đ “lót tã” bé. Nếu gia đình nào mới đi lần đầu không biết mà để tiền ít là họ kêu “thiếu tã cho bé”, đến khi nào đủ 500k thì thôi. Mỗi lần thay băng nếu không có T (tiền) thì khổ lắm, đau mà lại không được hỏi gì đâu, hỏi là họ gắt ngay. Nếu có bao nhiêu K (ngàn đồng) thì lại khác hoàn toàn: nhẹ nhàng, chu đáo. Cho nên muốn ngành y tế đi lên thì việc đầu tiên bác Bộ trưởng cần làm là xóa bỏ tiêu cực từ chính người của mình làm việc trong các BV trước đã, bác ạ” - Quyet:quyet@gmail.com
“Không phải là có ít bác sĩ như thế đâu, mà là đa số các bác sĩ cũng như nhân viên y tế nhận phong bì của bệnh nhân. Đó là cái luật bất thành văn ở hầu hết các BV đều có. Không những vậy mà còn rất nhiều, rất nhiều cách khác các bác sĩ và nhân viên y tế thường làm để móc tiền từ túi của bệnh nhân, của BHYT, của nhà nước… Tôi biết vì bản thân tôi cũng là bác sĩ. Mà chắc các ngành khác cũng vậy thôi. Kiểm tra, chấm điểm BV để làm gì kia chứ, chẳng có nhiều ý nghĩa. Những người đứng đầu các BV, đầu ngành y tế liệu có biết điều đó không? Biết thì tại sao lại để như vậy? Tiền nhiều cũng để làm gì chứ, khi họ không chịu hiểu cho nỗi khổ của nhân dân, của người bệnh? Bộ trưởng chưa biết rõ thì nên vi hành nhiều hơn nữa cho biết sự thật, chứ chỉ hô hào, chỉ nói theo khẩu hiệu, chỉ có kiểm tra, chấm điểm… thì lại chỉ… nhận phong bì là xong thôi. Dân lại khổ hơn thôi, mà tiền cũng lấy từ túi bệnh nhân rồi cho vào phong bì… đưa cho đoàn kiểm tra chứ từ đâu nữa?” – Việt Trường:thienhadenhatluoi@yahoo.com
Giải pháp phun thuốc
Còn từ phía nhân dân, màu áo blouse trắng tinh khôi ngày xưa bệnh nhân nhìn thấy để tin tưởng, để cảm phục về cái đức, cái tài, cái tâm bao nhiêu thì nay chỉ còn là chuyện… “xưa rồi Diễm ơi!” Các vị giới chức luôn cho rằng tiêu cực trong ngành mình phụ trách chỉ là những con sâu lẻ tẻ, trái lại dân mới là những người phải lãnh đủ tác hại tới mức phải kêu gọi tới cả những biện pháp tiêu cực như… phun thuốc trừ sâu hàng loạt (!?)
“Có bệnh là khổ cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Khổ bệnh tật đã đành, khổ cảbị các thầy thuốc hành nếu không cho họ cơ hội cười tươi với cái chúng tôi gọi là “cụMượt”. Tiêm sẽ đau hơn nhiều, chẳng cần bơm từ từ, chẳng cần gõ gõ cái panh kẹp bông cho có cảm giác đỡ đau giúp người bệnh, chẳng cần động viên, an ủi, thậm chí còn quát nạt, chọc mũi kim muốn trúng chỗ nào thì trúng. Có lần tôi bị cô y tá chọc chệch bắp tay mà đau buốt cả tuần. Đến các chị hộ lý, quét dọn cũng có quyền quát tháo bệnh nhân khi có điều gì không vừa ý… Thật khổ hết chỗ luôn!” – Lê Văn Nghĩa:Nghia@gmail.com
“Thực sự thì sâu trong BV công nhiều quá rồi!! Ngành Y có lẽ phải… phun thuốc trừ sâu hàng loạt đi! Ngay bắt đầu từ đầu vào, từ việc thi vào Đại học Y phải lấy điểm cao. Trong đào tạo, sinh viên ngành y phải hội tủ đủ chất lượng, không đảm bảo kiến thức cần có quyết không cho tốt nghiệp. Song song với việc đào tạo kiến thức, còn phải rèn luyện kỹ năng sống, đạo đức ngành y… đừng hô hào khẩu hiệu suông, nhàm chán lắm rồi. Và quan trọng nhất là các vị lãnh đạo ngành cần thật sự muốn và biết sử dụng nhân tài, dứt khoát phải chọn người có đủ cả Đức và Tài làm giám đốc các BV. Còn với cách quản lý, bổ nhiệm như hiện nay thì chắc chắn ngành y sẽ ngày càng tụt hạng, sẽ chỉ càng phải nhận sự bức xúc (và cả nỗi hận) của người dân mà thôi!!!” – Hà Thanh:thanh.ha.62@seznam.cz
“Tôi thấy vẫn là lý thuyết… thôi, thưa bà Bộ trưởng! Tôi sống ở nước ngoài lâu năm, một lần về VN tôi có đưa cha tôi đi khám nội soi ở bệnh viện Bạch Mai. Tôi mua phiếu khám, tới khu nhà cao tầng – nơi đó hình như là khu mới đầu tư của viện thì phải, bên ngoài thêm một lần bảo vệ nữa ngay đầu hồi vào. Hai bố con lên phòng nội soi lúc 9h sáng và trước tôi chỉ có khoảng 5 người. Hai bố con nộp sổ y bạ và phiếu thu tiền dịch vụ nội soi, chờ đến lượt. 1 tiếng, 2 tiếng, 3 tiếng trôi qua. 5 người trước mình đã xong, những người đến sau bố con tôi thấy cũng xếp sổ, cô y tá ngồi trực bàn ngay cửa phòng cũng đưa vào, sau đó thấy xướng danh gọi những người tới sau bố con tôi. Họ lần lượt vào hết, chờ tới 3h giờ chiều bố tôi đói quá sắp xỉu nên phải cho uống sữa. Lúc sau thì cũng được gọi đến lượt -> sau 6 tiếng đồng hồ chờ đợi. Tôi ngu quá, nghĩ người ta cũng văn minh như người châu Âu: ai đến sau hỏi những người ngồi chờ đến trước ai là người cuối cùng để biết lượt mình sẽ sau người đó, cứ thế theo thứ tự hoặc lấy số thứ tự điện tử. Rồi tôi cũng nghiệm ra là mình quên làm một động tác thật đơn giản thôi, kẹp tờ 50.000 VNĐ vào quyển sổ y bạ thì chắc bố tôi không phải chờ tới 6 tiếng đồng hồ. Đúng là 1 bài học nhớ đời khi đi khám ở Việt Nam” – Ngoc Long: ngoclonghn@mail.ru
Khi đưa phong bì trở thành “phản xạ” (minh họa, theo: VietnamNet)
Video đang HOT
Đơn giản hãy là CON NGƯỜI!
Tương tự như trong ngành Giáo dục và nhiều ngành dịch vụ khác, những lương y như từ mẫu thời nay có nhiều cách để biện minh cho quyền được nhận phong bì của mình như: Học hành vất vả hơn, ra trường để kiếm được một chỗ làm việc cũng không phải dễ. Rồi nào lương không đủ sống, làm việc vất vả, độc hại, quá tải…Tóm lại vẫn là cả một ngàn lẻ một lý do chỉ nhìn từ phía mình, còn vẫn cố tình không nhận thấy những người làm ở các ngành nghề khác cũng chịu chung tình cảnh như họ, thậm chí còn khó khăn hơn. Nhưng đã có con đi học, có người nhà hoặc bản thân bị bệnh cần chữa trị, ai dám không “lụy” thầy cô giáo, “lụy” thầy thuốc?
“Khi sức mạnh đồng tiền còn ngự trị, thì chữ TÂM trong đại đa số y bác sĩ vẫn rất kém. Liệu có bao giờ các y bác sĩ đặt mình vào vị trí của những bệnh nhân nghèo không? Các nhà quản lý, giáo dục hãy nên chú trọng đào tạo những người làm nghề vực dậy sự sống cho con người biết thế nào là sự thương cảm và hãy thức tỉnh lại chữ TÂM trong họ” – Phi:hoangphi87@yahoo.com
Ở vào cái thế luôn phải nắm đằng chuôi, dân ta còn cách nào hơn là chấp nhận mất những… đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn để mua lấy những dịch vụ mà mình đã đóng thuế và có quyền chính đáng được hưởng. Mình cũng trong cảnh lương không đủ sống, song vì “dám” cần cho con cái học tập, “dám”… bị bệnh thì phải dũng cảm mà thắt lưng buộc bụng thêm nhiều nữa, để… những người (chắc là xứng đáng được sống ở đẳng cấp cao hơn mình?)… ban phát ơn huệ. Đổi lại, nên chăng đành chỉ dám “biết điều” hơn như ước mơ nho nhỏ của Quỳnh Như Quynhnhu8392@gmail.com:
“Ngày nay, chỉ xin các y bác sĩ là CON NGƯỜI thôi chứ không cần làm “lương y như từ mẫu” nữa. Nhà nghèo lại bị bệnh, đã khổ trăm đường. Gặp bác sĩ là con đường sống sót duy nhất, vậy mà không có tiền không làm. Có miễn cưỡng làm thì cũng ăn no những lời dè bỉu, mỉa mai. Những bác sĩ như vậy thì đâu phải… CON NGƯỜI chứ. Bác Bộ trưởng muốn biết sự thật thì cứ thử đóng giả dân thường một lần mà tới khám bệnh, sẽ rõ ngay đấy ạ!”
Tham nhũng dẫu chẳng phải “đặc sản” riêng gì của VN, nhưng đất nước còn nghèo mà tham nhũng tràn lan như vậy bảo sao dân không khổ, không… kém lạc quan. Để tới mức này rồi khi những lĩnh vực nhạy cảm với con người nhất mà nhân cách con người còn bị vùi dập tới tả như thế, người ta mới nói sẽ kiên quyết thế này, sẽ mạnh tay thế khác… hỏi còn ai tin? Nhưng không làm không được bởi một điều đơn giản là chúng ta không thể tụt hậu!
“Thật đáng buồn khi sản phẩm giáo dục là con người, nhưng học trò… không chịu học thầy. Bên cạnh đó, sản phẩm của ngành y là bệnh nhân mà lại bị đối xử thật tệ hại, không có tiền thường thì bệnh nhân bị coi như… cỏ rác. Hãy chấn chỉnh lại ngay! Tham nhũng cũng bắt đầu từ đây mà phát triển đấy”- Le Hoang:huutai@gmail.com
“Tôi tán đồng với quyết tâm của bà Bộ trưởng, tất cả chúng ta cần ủng hộ bà. Tất nhiên sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi bắt tay vào việc, nhưng chúng ta sẽ cùng tìm cách tháo gỡ, còn hơn là không làm gì cả. Tôi mong và tin rằng với quyết tâm của cả xã hội, chúng ta sẽ thành công!” – ThoiHV:thoihv@yahoo.com.vn
Trị bệnh cứu người là trách nhiệm của các thầy thuốc, vậy mà khi bản thân “bị bệnh”, chuyên môn và thuốc men đều trong tay họ cả, họ nói CHỊU thì cách dễ nhất là lại đổ trách nhiệm nặng nề đó cho… dân (???) Dân còn cách nào hơn là hoặc đừng ốm đau bệnh tật để các BV không có bệnh nhân, hoặc cố gắng giàu có để đi các BV đắt tiền chí ít thì cũng tránh được khoản…bị hành! Dân chỉ có 2 lựa chọn đó mà thôi.
Theo Dantri
Bộ trưởng Y tế: "Hãy chụp ảnh bác sỹ nhận phong bì gửi tôi"
"Tôi không phải là người phát động phong trào nói không với phong bì nhưng tôi ủng hộ, dù việc này nói lên thực trạng đau lòng trong ngành y. Nếu phát hiện bác sĩ nào nhận phong bì hãy chụp ảnh đưa cho chúng tôi xử lý" - Bộ trưởng Y tế cam kết.
Tiếp tục phần chất vấn dang dở từ chiều qua, hôm nay, Bộ Trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tập trung trả lời các câu hỏi về vấn đề y đức, tai biến sản khoa diễn biến phức tạp thời gian qua...
Phong bì "bôi trơn" có ở mọi ngành nghề
Đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau) lập luận, khi trình bày ba nguyên nhân dẫn đến các hiện tượng nhận thức về đạo đức nghề nghiệp yếu kém của cán bộ y tế, Bộ trưởng Y tế lý giải chủ yếu do yếu tố khách quan, do xã hội mà không đề cập thực trạng yếu kém trong công tác đào tạo đạo đức với một nghề mang tính đặc thù như ngành y.
"Đối với y, bác sỹ, làm việc vì sinh mạng của con người, dù làm ngày hay đêm cũng phải trách nhiệm, dốc hết sức mình" - đại biểu nhấm mạnh yêu cầu đào tạo đặc thù để nâng cao y đức với đội ngũ cán bộ y tế.
Đại biểu yêu cầu Bộ trưởng Y tế cho biết giải pháp thế nào để giải quyết tình trạng, để người dân yên tâm điều trị mỗi khi vào viện.
Đại biểu Trương Minh Hoàng: "Bộ trưởng mới chỉ nhìn nhận nguyên nhân y đức kém do khách quan".
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến xác nhận, y đức đòi hỏi cao hơn đạo đức nghề nghiệp của nhiều ngành khác vì liên quan trực tiếp đến tính mạng con người. Vấn đề y đức được nhiều đại biểu, cử tri quan tâm, bà Tiến khẳng định, ngành y tế cũng rất quan tâm và đang tìm giải pháp.
Bộ trưởng Y tế cũng thừa nhận thực tế, thái độ tiếp xúc với người bệnh không thân thiện, thậm chí có lúc cáu gắt quát mắng bệnh nhân và người nhà. Bà Tiến biện minh, đây là thói quen từ thời kỳ bao cấp.
Biểu hiện sa sút y đức thứ hai, theo bà Tiến là "thói quen" nhận phong bì. Nữ bộ trưởng cho rằng, vấn đề nhận phong bì để bôi trơn có ở ở mọi ngành nghề, trở thành thói quen của cả xã hội. "Tôi có tiếp xúc cử tri, nhận phản ánh, nếu không đưa phong bì thì bác sỹ không nhiệt tình. Tôi cũng nhận thấy các trường hợp xếp hàng khám bệnh, khi người nhà bệnh nhân đưa phong bì 50.000 đồng thì được khám trước" - bà Tiến kể.
Biểu hiện vi phạm y đức thứ 3 là việc thầy thuốc nhận tiền của các hãng dược. Yếu kém chuyên môn của cán bộ y tế, theo bà Tiến cũng là một vấn đề.
Nữ Bộ trưởng nhấn mạnh nguyên nhân trực tiếp là văn hóa và nhân cách: "Bệnh nhân đau đớn như vậy mà nhận tiền trước khi điều trị là có vấn đề". Người đứng đầu ngành y tế lưu ý phân biệt việc sau khi chữa bệnh xong, bệnh nhân khỏi bệnh người nhà đến đưa phong bì cảm ơn. Bà Tiến nhận xét đây là việc bình thường vì công sức lao động bác sỹ làm việc căng thẳng, thâu đêm suốt sáng để cứu chữa bệnh nhân, là việc làm cần trân trọng.
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) dẫn lời một bác sỹ Trưởng khoa của một bệnh viện lớn ở Hà Nội chia sẻ, bản thân ông là người trong ngành cũng bức xúc khi nhìn cảnh bệnh nhân ăn cơm từ thiện của nhà chùa còn tiền thì để đưa cho bác sỹ. Đại biểu khẳng định đó là thực trạng đau lòng.
"Bộ trưởng cứ hô hào chống tiêu cực, nói không với phong bì nhưng hết khóa Bộ trưởng này đến khóa Bộ trưởng khác chúng tôi thấy tình trạng này không giảm" - ông Cương bức xúc.
"Tôi không phải là người phát động phong trào nói không với phong bì. Thời điểm đó tôi đang đi công tác nước ngoài, về thì thấy công đoàn ngành y tế Việt Nam phát động. Chúng tôi ủng hộ ngay dù việc này nói lên thực trạng đau lòng nhưng cần phải nói để cho người dân được biết" - bà Tiến bộc bạch.
Tuy nhiên, bà Tiến cũng xác nhận, lương quá thấp cũng là một nguyên nhân của vấn nạn nhận phong bì. Nữ Bộ trưởng kể, bệnh viên Bạch Mai và Việt Pháp chỉ cách nhau một bức tường nhưng là 2 môi trường khác biệt, dẫn đến những biểu hiện hoàn toàn khác nhau. Trong khi cán bộ y tế, bác sỹ bệnh viện Việt Pháp không nhận phong bì, không cần nhận phong bì vẫn sống tốt. Còn bệnh viện Bạch Mai lại phải phát động phong trào không nhận phong bì.
Giải pháp lâu dài giải quyết vấn đề phong bì "mua đứt" y đức, Bộ trưởng Y tế cho rằng cần sự ủng hộ của cử tri của cả nước. Nữ Bộ trưởng kêu gọi người dân, cử tri nói chung dứt khoát không đưa phong bì.
"Nếu phát hiện bác sĩ nào nhận phong bì hãy chụp ảnh, ghi lại tên tuổi đưa cho chúng tôi xử lý. Y đức là vấn đề văn hóa, là danh dự của ngành y, của hình cảnh người thầy thuốc đồng thời là trách nhiệm với người dân. Năm 2013 chúng tôi sẽ giám sát chặt chẽ hơn nữa vấn đề y đức" - bà Tiến đưa thông điệp mạnh mẽ.
Tai biến sản khoa chỉ đứng thứ 4 ở Đông Nam Á
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: "Nhiều sản phụ tử vong là một sự thực đau lòng trong thời gian qua".
Ngoài việc đề cập hiện tượng cán bộ y, bác sỹ có tinh thần thái độ phục vụ chưa tốt, trách nhiệm với người bệnh chưa cao, đại biểu Nguyễn Xuân Thủy (Phú Thọ) cũng bày tỏ băn khoăn về những người trong ngành trình độ chuyên môn còn hạn chế dẫn đến những sai sót không đáng có.
Ông Thủy dẫn chứng vụ bệnh nhân bị thận móng ngựa nhưng khi tiến hành phẫu thuật các bác sỹ nhầm, cắt hết 2 quả thận của bệnh nhân. Gần đây nhất, ở Khánh Hòa, một cháu bé mới 21 tháng tuổi vào viện để mổ thoát vị bẹn nhưng bác sĩ lại cắt nhầm bàng quang, rồi tình trạng xét nghiệm sai, siêu âm nhầm...
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến thừa nhận sự thật đau lòng là thời gian qua có nhiều trường hợp sản phụ tử vong. Trước diễn biến này, ngành y tế đã họp rất nhiều và nhận thấy, nguyên nhân số ca tai biến sản khoa nhiều hơn những năm trước là do số lượng sinh năm nay nhiều hơn các năm 15% dẫn đến quá tải nhiều cơ sở y tế. Trong khi đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị ở một số tuyến còn yếu kém.
Thống kê đến thời điểm này, những vụ tai nạn trực tiếp do vỡ tử cung, bà Tiến thừa nhận, có phần sai sót chuyên môn của cán bộ y tế. Năng lực cán bộ hạn chế dẫn đến nhiều sai sót. Bộ trưởng khẳng định, những sai sót dù do lý do khách quan hay chủ quan, cơ quan chức năng đều chỉ đạo các Sở Y tế xử lý từng vụ việc cụ thể. Có nhiều trường hợp không xác định được nguyên nhân gây tử vong nhưng gia đình sản phụ không chấp nhận giám định pháp y, Bộ vẫn lập hội đồng để xử lý.
Tuy nhiên, bà Tiến cũng "vớt vát", tỷ lệ tai biến sản khoa ở Việt Nam chỉ đứng thứ tư trong khu vực Đông Nam Á, dù vẫn cao hơn nhiều ở khu vực khác.
Để khắc phục vấn đề này, theo bà Tiến phải tăng cường bác sỹ sản khoa. Thông tin đáng mừng là từ năm 2013, số bác sỹ sản ra trường sẽ tăng gấp đôi. Ngoài ra, bà Tiến cũng trình bày kế hoạch tách khoa sản nhi, tăng cường các trang thiết bị hiện đại để nâng cao hiệu quả điều trị.
Bà Tiến cũng tranh thủ diễn đàn, đề xuất Bộ GD-ĐT duyệt chương trình đào tạo bác sỹ Nhi khoa thành chuyên ngành riêng, không chỉ quy về ngành học đa khoa.
Vấn đề phòng khám đông y Trung Quốc, Bộ trưởng Y tế quả quyết quy định của ngành, của các bộ liên quan như Bộ Công an, Bộ LĐ-TB&XH về chứng chỉ, điều kiện hành nghề, cấp phép chặt chẽ. Tuy nhiên, các phòng khám vì lợi nhuận nên làm không đúng pháp luật nhưng lượng thanh tra ngành y tế hiện quá mỏng, mức xử phạt không tương xứng nên hiệu quả kiểm tra, giám sát chưa cao.
Điểm "mắc" khác là thỏa thuận công nhận bằng cấp tương đương giữa Bộ GD-ĐT Việt Nam và Trung Quốc, chỉ cần học 4 năm, dù ở chuyên ngành nào nhưng có thêm 1 năm thực hành ở bệnh viện thì được công nhận là bác sỹ y học cổ truyền. Rất khó kiểm soát chất lượng trong trường hợp này.
Theo Dantri
Đình chỉ lưu hành thuốc trị bệnh tim mạch Dospirin Mẫu thuốc bị thu hồi. (Nguồn: Chothuoctay.vn) Phó cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) Nguyễn Việt Hùng vừa có thông báo đình chỉ lưu hành trên toàn quốc thuốc viên nén bao phim Dospirin (Aspirin 81mg) do không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu định lượng. Thuốc tim mạch Dospirin bị thu hồi thuộc lô sản xuất: 1201002...