Treo thưởng cho người phát hiện hành vi đổ trộm rác
Tại các quận, huyện vùng ven của TP Hồ Chí Minh, tình trạng đổ trộm rác thải ra môi trường, nhất bên đường, kênh, rạch và các dự án khu dân cư chậm triển khai, để hoang khiến người dân phải sống trong cảnh ô nhiễm môi trường. Chính quyền địa phương cũng phải “vật vã” vì rác, nhưng gặp không ít khó khăn trong việc xử lý người vi phạm.
Trưa 21-7, PV Báo CAND có mặt tại đường đi vào khu tái định cư Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh. Con đường đất đá lởm chởm cộng với những ổ gà, ổ voi đầy nước đục ngầu, dơ bẩn, lầy lội sau cơn mưa; hai bên đường thì đầy rác thải.
Nhiều bao tải đựng rác và những đống rác mới đổ tràn cả xuống dòng kênh. Chúng tôi thấy rác ở đây có đủ thứ loại, từ rác thải công nghiệp (như vải vụn) cho đến xà bần, kính vỡ, nệm, xốp cũ… Một số đống rác đã được đốt cháy đen. Nước dưới dòng kênh gần đó đen kịt sau mỗi cơn mưa có lẽ vì mấy đống rác này.
Chính quyền xã Bà Điểm ( huyện Hóc Môn) huy động người dân cùng các ban, ngành, đoàn thể địa phương thường xuyên làm vệ sinh môi trường.
Anh Phạm Văn Thêm, ở trọ tại khu nhà trên đường Võ Văn Vân, gần nơi quẹo vào con đường đầy rác này cho biết, đây là khu vực vắng người, ban đêm không có đèn đường, hai bên không có nhà dân nên nhiều người đem rác đến đây đổ.
“Mấy đêm khi đi làm về khuya, tôi thấy có người chạy xe máy và xe tải chở rác vào đây đổ. Thỉnh thoảng, vào dịp cuối tuần, chính quyền địa phương huy động người đến dọn dẹp, đốt rác, nhưng chỉ mấy ngày sau, đâu lại vào đó”, anh Thêm cho biết.
Đi vào bên trong khu tái định cư Vĩnh Lộc B từng bị “bỏ hoang” cả chục năm nay, dọc hai bên nhiều con đường, chúng tôi thấy nhiều đống rác bốc mùi hôi thối. “Không biết tự bao giờ nữa nơi đây đã trở thành nơi đổ rác lý tưởng của nhiều người”, bà Trần Thị T., cư dân ở khu này than thở.
Liên tiếp hai ngày trước đó, khi đến xã Vĩnh Lộc A, đi theo đường liên ấp 2 – 3 – 4, liên ấp 5 – 6, đường số 7, đường Nữ Dân Công, đường Phạm Văn Sáng, đường Kênh Trung Ương, chúng tôi nhận thấy cũng đang tồn tại nhiều đống rác. Không phải chỉ ở huyện Bình Chánh, nhiều tuyến đường trên địa bàn quận Bình Tân, như Hồ Ngọc Lãm, ven quốc lộ 1,… cũng bị rác thải bủa vây.
Một số tuyến đường ở xã Đông Thạnh (huyện Hóc Môn), rác cũng đổ thành đống bên đường; nhiều kênh, rạch cũng trở thành nơi đổ rác. Tại khu dân cư Hoàng Hải (xã Bà Điểm), người dân rất bức xúc khi nơi đâu cũng đã thành điểm “tập kết” rác. Hôm chúng tôi đến khu vực này cũng là lúc chính quyền và người dân địa phương đang thực hiện dọn vệ sinh môi trường.
Ông Nguyễn Văn Rô, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Bà Điểm cho biết, người dân trên địa bàn đều cam kết và thực hiện nghiêm cam kết không xả rác bừa bãi ra môi trường; người dân bỏ rác đúng nơi quy định. “Người dân địa phương cơ bản chấp hành nghiêm, những đống rác ở đây là người từ nơi khác đến đổ. Chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền đồng thời có biện pháp để xử lý những người đem rác đến đây đổ” ông Rô nói.
Video đang HOT
Ông Nguyễn Văn Chung, Chủ tịch UBND xã Đông Thạnh cho biết, xã đã tăng cường truyên tuyền nên cơ bản ý thức của người dân đã được nâng lên. Tuy nhiên vẫn còn nhiều người thiếu ý thức gìn giữ môi trường. “Thời gian qua, chính quyền chủ yếu nhắc nhở và cho làm cam kết là chính nhưng trước tình trạng rác ngày càng nhiều, chúng tôi sẽ tiến hành xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm”, ông Chung nói.
Tại xã Vĩnh Lộc A, bên cạnh việc lập các tổ thu gom rác tại 15 ấp, phát động phong trào người dân cùng tham gia thu gom “rác hoang” – rác do hành vi xả, đổ rác bừa bãi, chính quyền địa phương còn tổ chức cho người theo dõi các khu vực được xem là “bãi đáp” lý tưởng của dân đổ rác; “treo thưởng” cho người phát hiện những ai tạo ra “rác hoang”, nhất là vào thời điểm nửa đêm về sáng.
Bà Dương Thị Thuỳ Trang, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc A kể, trước đây, khi phát hiện người vi phạm, xã lập biên bản vi phạm nhưng người dân không đến nộp tiền phạt, do đó xã đã thay đổi biện pháp. Đó là khi phát hiện người vi phạm, ấp sẽ báo ngay cho UBND xã để chỉ đạo cả Công an xã cùng với cán bộ phụ trách môi trường đến mời về trụ sở xã để làm việc và tạm giữ phương tiện.
Khi nào người vi phạm nộp tiền phạt mới trả lại phương tiện. Đây được cho là biện pháp khá hiệu quả và bước đầu có tác dụng. Do đó, từ đầu năm đến nay xã đã xử phạt 7 trường hợp, mức phạt 3,5 triệu đồng/trường hợp.
“Thực tế việc phân công người canh me đối tượng đổ rác không đúng quy định để bắt quả tang vào đêm khuya cũng không đơn giản chút nào. Do vậy, bên cạnh việc này, chúng tôi cũng treo thưởng cho những ai có công phát hiện hành vi đổ rác bậy, kịp báo với chính quyền để xử lý. Tới đây, chúng tôi còn tranh thủ các “mắt thần” camera để phục vụ cho việc phát hiện, xử lý những người xả rác bừa bãi”, bà Trang cho biết.
Nhân Sơn
Theo CAND
MTTQ Hà Tĩnh đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động, góp phần vào sự phát triển của tỉnh
Nhiệm kỳ qua, thông qua các phong trào thi đua, cuộc vận động lớn, MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh không ngừng đổi mới, đa dạng hóa hình thức vận động, tập hợp, đoàn kết các tầng lớp nhân dân, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nữ Y đến thăm hỏi, trao hỗ trợ nhà đại đoàn kết cho gia đình thương binh Trần Văn Thoại ở xã Vượng Lộc, Can Lộc... (Ảnh: Kiều Minh)
Những năm qua, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là sự cố môi trường biển, thiên tai, bão lụt... song với sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, sự điều hành của các cấp chính quyền, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân, tình hình KT-XH của Hà Tĩnh đã có chuyển biến tích cực
Trong kết quả chung của tỉnh nhà, MTTQ và các tổ chức thành viên từ tỉnh đến cơ sở đã đóng góp vai trò quan trọng. MTTQ các cấp tỉnh Hà Tĩnh và các tổ chức thành viên đã tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
MTTQ tỉnh Hà Tĩnh trao hỗ trợ nhà đại đoàn kết cho vợ chồng ông Nguyễn Văn Tài (thôn Thủy Triều - xã Cẩm Quan, Cẩm Xuyên... (Ảnh: Minh Khánh)
Các phong trào thi đua, cuộc vận động đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới (NTM), đền ơn, đáp nghĩa, các hoạt động tự quản ở cộng đồng dân cư,... được triển khai thực hiện có trọng tâm, trọng điểm và ngày càng đi vào cuộc sống, được người dân đồng tình hưởng ứng.
MTTQ và các tổ chức thành viên đã chú trọng công tác phối hợp, đổi mới thông tin tuyên truyền, bám sát đoàn viên, hội viên để triển khai, phát động; lấy khu dân cư để chọn điểm chỉ đạo xây dựng mô hình thực hiện các cuộc vận động, nhân rộng các mô hình đạt hiệu quả cao, nhiều hoạt động thiết thực chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của đoàn viên, hội viên, nhân dân.
Lãnh đạo Ủy ban MTTQ xã Mai Phụ (Lộc Hà) đến động viên người dân tham gia xây dựng vườn mẫu. ( Ảnh: Kiều Minh)
Đặc biệt, cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh" đã thể hiện được sự vào cuộc, tinh thần đoàn kết, đồng thuận của nhân dân và toàn xã hội; thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, góp phần quan trọng phát triển KT-XH tỉnh nhà.
Toàn tỉnh có 1 huyện và 158 xã đạt chuẩn NTM, 8 phường đạt chuẩn văn minh đô thị và TP Hà Tĩnh được công nhận là đô thị loại II. (Ảnh Huy Tùng)
Cơ sở vật chất được tăng cường, bộ mặt đô thị, nông thôn có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao. Qua đó đã góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 5,82%; toàn tỉnh có 1 huyện và 158 xã đạt chuẩn NTM, 8 phường đạt chuẩn văn minh đô thị và TP Hà Tĩnh được công nhận là đô thị loại II.
Công tác xóa đói giảm nghèo với phương châm "không để hộ nghèo, hộ chính sách khó khăn nào bị bỏ lại phía sau" được chú trọng. Trong 5 năm, Quỹ "Vì người nghèo" hỗ trợ làm mới và sửa chữa 5.210 nhà hộ nghèo, trị giá 79,839 tỷ đồng; hỗ trợ vốn phát triển sản xuất cho 1.467 hộ nghèo với số tiền 5,038 tỷ đồng; tặng quà, hỗ trợ đột xuất, khám chữa bệnh và hỗ trợ học sinh nghèo vượt khó học giỏi cho 129.484 lượt đối tượng với số tiền 48,468 tỷ đồng; hàng năm, thăm hỏi, tặng quà tết cho 100% hộ nghèo nhân dịp Tết Nguyên đán.
Nhờ sự vận động, hỗ trợ từ MTTQ các cấp, bà Thân Thị Hoa (thôn Khánh Sơn, xã Sơn Lộc, Can Lộc) sẽ được đón niềm vui chuyển về căn nhà mới vào tháng 8/2019. ( Ảnh: Anh Thư)
Bên cạnh đó, công tác giám sát và phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền có bước phát triển mới, hình thành rõ hơn về cơ chế và phương thức thực hiện. MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội đã chủ trì giám sát 468 chuyên đề; tổ chức phản biện 1.014 dự thảo văn bản với 4.970 ý kiến phản biện.
Thông qua giám sát và phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội thời gian qua, đã có những kiến nghị xác đáng, kịp thời đề xuất điều chỉnh những quy định đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn đời sống xã hội.
Ông Lê Đức Tuyên (người áo trắng) - Bí thư chi bộ thôn kiêm cán bộ mặt trận là một thành viên tích cực của ban giám sát đầu tư cộng đồng xã Thạch Hạ. (Ảnh: Minh Khánh)
MTTQ các cấp cũng thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; phát huy dân chủ cơ sở; tham gia tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, kịp thời tham mưu cho cấp ủy, phối hợp chính quyền giải quyết tận gốc những vấn đề nảy sinh từ cơ sở. Bên cạnh đó, quan tâm việc củng cố, kiện toàn và phát huy vai trò của ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư cộng đồng, tổ hòa giải ở cơ sở... góp phần bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, tăng cường đồng thuận xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, chính quyền. Qua đó, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH, bảo đảm QPAN trên địa bàn, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác mặt trận còn những hạn chế nhất định như: Công tác nắm tình hình ở cơ sở, nắm bắt dư luận xã hội có thời điểm chưa sâu sát, tham mưu xử lý còn chậm; công tác tuyên truyền, vận động nhân dân hiểu và thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật ở một số địa phương còn hạn chế; công tác phối hợp trong triển khai thực hiện cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM - đô thị văn minh" có lúc, có nơi chưa thực sự hiệu quả...
Ủy ban MTTQ huyện Hương Sơn tổ chức lễ phát động ra quân xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh năm 2019. ( Ảnh: Thanh Hoài)
Để phát huy những kết quả đã đạt được, góp phần tích cực vào nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới, MTTQ và các tổ chức thành viên của mặt trận tiếp tục nâng cao hiệu quả tuyên truyền, vận động, thực hiện chính sách đại đoàn kết của Đảng và Nhà nước, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị; đẩy mạnh việc "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh"; quy định nêu gương của người đứng đầu gắn với việc thực hiện Quy định số 124-QĐ/TW ngày 2/2/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về giám sát của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên; Quy định số 625-QĐ/TU ngày 2/3/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát huy vai trò của nhân dân trong đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ; tích cực tham gia đánh giá cán bộ, đảng viên theo chủ trương của Trung ương..., góp phần xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh.
Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân, góp phần xây dựng Đồng Lộc từ xã lên thị trấn. ( Ảnh: Kiều Minh)
Bên cạnh đó, động viên các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động lớn, nhất là cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh"; các hoạt động "Vì người nghèo"; huy động mọi nguồn lực để phát triển KT-XH, giữ vững QPAN và TTATXH, phấn đấu đưa Hà Tĩnh phát triển nhanh hơn, bền vững hơn theo hướng công nghiệp hiện đại; vận động nhân dân phát huy dân chủ, giám sát và phản biện xã hội; tham gia phối hợp xây dựng chính sách, pháp luật để chính sách thực sự phục vụ nhân dân.
Nâng cao vai trò và trách nhiệm của MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên trong việc chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Tổ chức thực hiện có hiệu quả việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của mặt trận và các tổ chức thành viên theo Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII); đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, thiết thực, sâu sát cơ sở, thực hiện phương châm "Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với nhân dân", coi đây là phương pháp công tác của mỗi cán bộ và tổ chức của mặt trận.
Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh lần thứ XIV nhiệm kỳ 2019 - 2024 phiên thứ nhất diễn ra vào chiều ngày 22/7 đã tiến hành hiệp thương dân chủ, thống nhất cử 78 vị vào Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2019 - 2024. (Ảnh: Đình Nhất)
Với tinh thần "Đoàn kết - dân chủ - đổi mới - phát triển", những người làm công tác mặt trận từ tỉnh đến cơ sở đồng lòng khẳng định sẽ phát huy những thành tích, kết quả đạt được và những kinh nghiệm rút ra từ nhiệm kỳ qua, từ đó, tập hợp, vận động nhân dân phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện hiệu quả chương trình hành động nhiệm kỳ 2019-2024 và thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, góp phần đưa tỉnh Hà Tĩnh phát triển nhanh và bền vững.
Theo Baohatinh
Tuyên truyền pháp luật cho người dân khu vực biên giới tỉnh Lai Châu Ngày 19-7, Đoàn Thanh niên BĐBP Lai Châu phối hợp với Đoàn Thanh niên Công an tỉnh, Đoàn Thanh niên Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lai Châu tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho hơn 1.200 người dân khu vực biên giới tại xã Bản Lang, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. BĐBP Lai Châu tuyên truyền Luật...