Trèo núi đá lởm chởm săn loài rau rừng nổi tiếng, bán 300 ngàn/kg
Mùa rau sắng-loài rau rừng thơm ngon nức tiếng thường bắt đầu từ tháng Giêng đến hết tháng Tư âm lịch. Mùa rau sắng, cùng với việc thu hoạch rau sắng trồng nơi vườn đồi.
Hàng chục năm qua một số người dân thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng (Hà Nam) còn chấp nhận vất vả, hiểm nguy, trèo núi đi rừng hái rau bán để có thêm thu nhập, trang trải cuộc sống gia đình.
42 tuổi nhưng chị Tào Thị Thủy, tổ 6, thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng (Hà Nam) có “thâm niên” gần 20 năm đi rừng hái rau sắng rừng.
Chị Thủy tâm sự: Nghề này nguy hiểm lắm. Để hái được rau sắng phải vượt qua núi đá cao, băng qua nhiều hốc đá cheo leo, lởm chởm hiểm trở, dây gai chằng chịt, đá tai mèo sắc nhọn… Chỉ sơ sểnh một chút là nguy hiểm tới tính mạng. Hôm nào đi rừng phải dậy từ sớm làm xong việc nhà để tầm 7 giờ là lên đường….
Chị Thủy hái sắng cây trong vườn nhà. Rau sắng cây có thời điểm bán rất đắt, tới 300 ngàn đồng/kg, thường thì giá 180 ngàn đồng/kg.
Khi đi săn rau sắng rừng trên núi, mọi người đầu phải đội mũ bịt mặt, tay đi găng, hành trang mang theo gồm: Dao phát lối đi, bao đựng rau, găng tay vải. Đi xe máy khoảng hơn chục km mới tới chân núi tỉnh Hòa Bình, gửi xe nhờ nhà dân, tay khoác túi, tay cầm dao dọn đường bắt đầu hành trình leo núi.
Video đang HOT
Chị Thủy chia sẻ: Đi rừng hái rau sắng phải có sức khỏe và biết leo trèo giỏi. Để rau sắng khi mang về không bị nát, hái được bó nào phải bó thành từng bó cho vào túi treo trên cây. Khi xuống, lót một lớp lá dưới đáy bao, sau đó mới nhẹ nhàng xếp lần lượt từng bó rau vào bao.
Đặc biệt, khi đi săn rau sắng trong rừng thì điện thoại không được để hết pin. Đi hái rau sắng rừng cũng nhiều may rủi. Hôm nào may mắn, gặp được những cây chưa khai thác thì thu hái được nhiều, xuống núi sớm hơn.
Hôm không may, rau sắng hái được may ra chỉ đủ bữa ăn. Tiếc công đi rừng, nếu gặp chuối dù nặng cũng lấy cả buồng vác xuống núi… Hôm nào đi rừng về đến nhà cũng đã ba bốn giờ chiều. Tranh thủ nghỉ ngơi chốc lát lại vội vã đi chợ bán rau. Gặp khách quen, bán nhanh thì bốn, năm giờ chiều có mặt ở nhà, hôm nào chậm thì khoảng hơn sáu giờ tối mới về đến nhà.
Là rau “đặc sản”, sạch, ngon, ngọt, lành nổi tiếng nên chưa bao giờ rau sắng bị ế đến hôm sau. Rau sắng bán được giá. Đầu tháng Giêng, vừa Tết xong, ít người đi hái nên giá cao hơn. Thời điểm giá cao bán được khoảng 300.000 đồng/kg sắng cây, 100.000 đồng/kg sắng dây.
Bình thường, người hái bán được 180.000 đồng/kg sắng cây, 70.000 đồng/kg sắng dây. Ngày cao bù ngày thấp, bình quân một ngày đi rừng mỗi người được khoảng 300.000 đồng. Nghề hái sắng rừng vất vả nên mỗi tuần chị Thủy chỉ “đủ sức” đi khoảng 3 buổi.
Để có thêm nguồn rau sắng phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng, hơn chục năm qua gia đình chị Thủy đã trồng cả sắng cây và sắng dây trong vườn, đồi. Mỗi vụ gia đình chị Thủy thu nhập từ sắng vườn và sắng rừng được khoảng hơn hai chục triệu đồng.
Chung quan điểm với chị Thủy về nghề hái rau sắng rừng, chị Phạm Thị Phượng, tổ 6, cười khẳng định: Nghề hái rau sắng rừng vất vả, nguy hiểm lắm.
Trò chuyện với chúng tôi về nghề hái sắng rừng, chị Phượng cười bộc bạch thêm: Đi hái sắng rừng vất vả, nguy hiểm nhưng cũng có niềm vui riêng. Ngoài có thêm thu nhập, đi rừng mùa xuân cảnh rất đẹp. Đúng mùa, hoa sen đá nở đỏ, cây cối đâm chồi xanh biếc, nhìn không chán mắt.
“Những dịp như thế chúng tôi tranh thủ dùng điện thoại chụp, quay lưu lại hình ảnh đẹp trên đường đi. Mùa rau sắng đã được hơn hai tháng. Tháng Tư, đón những đợt mưa xuân cuối, sắng rừng, sắng vườn cùng nảy lộc đâm chồi xanh mơn mởn…”, chị Phương vui vẻ nói thêm.
Vất vả, nguy hiểm nên nhiều người dân ở thị trấn Ba Sao đã bỏ nghề hái sắng rừng, chỉ trồng, chăm sóc sắng vườn. Còn một số chị em như chị Phượng, chị Thủy, ngoài thu hoạch rau sắng trồng tại vườn, đồi của gia đình, đến mùa, vẫn vui với nghề, lại rủ nhau đi rừng hái rau sắng bán để có thêm thu nhập, trang trải cuộc sống gia đình.
Theo Phạm Hiền (Báo Hà Nam)
Đá mặt trăng 600.000 USD sẽ được tạc thành tượng Phật đặt tại chùa Tam Chúc
Sau khi một doanh nghiệp đấu giá thành công khối đá mặt trăng nặng hơn 5,5kg tại Boston (Mỹ) với giá 600.000 USD, khối thiên thạch này sẽ được đưa về chùa Tam Chúc, tỉnh Hà Nam trưng bày. Nhà chùa sẽ mời các nhà điêu khắc nổi tiếng tạc khối thiên thạch thành tượng Phật.
Theo Thượng toạ Thích Minh Quang, trợ lý của Thượng toạ Thích Thanh Nhiễu - trụ trì chùa Tam Chúc (thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam), khối đá "Mảnh ghép Mặt Trăng" sẽ được đưa về đặt tại chùa Tam Chúc và khoảng hơn 10 ngày nữa, nhà chùa sẽ tổ chức lễ tiếp nhận thiên thạch này.
Khối thiên thạch mặt trăng sẽ được tạc thành tượng Phật và được bày tại tháp Ngọc nằm trên núi thuộc quần thể chùa Tam Chúc
Sau khi tiếp nhận, nhà chùa sẽ mời các nhà điêu khắc nổi tiếng để tạc khối thiên thạch trên thành tượng Phật và bày tại tháp Ngọc nằm ở trên núi thuộc quần thể chùa Tam Chúc.
Trước đó trong phiên giao dịch ngày 19/10 tại Trung tâm đấu giá RR Auction, bang Boston (Mỹ), đại diện một doanh nghiệp của Việt Nam đã trúng đấu giá khối đá mặt trăng có trọng lượng 5,5kg được đặt tên là "The Moon Puzzle" (Câu đố mặt trăng). Số tiền trúng đấu giá là 612.500 USD (14.3 tỉ đồng).
Chùa Tam Chúc
Theo các nhà khoa học, thiên thạch mặt trăng rơi từ trong không gian vũ trụ xuống sa mạc Sahara từ hàng nghìn năm trước, được tìm thấy vào năm 2017. Các chuyên gia về không gian vũ trụ đoán, khối thiên thạch này đã bị bật ra khỏi bề mặt mặt trăng từ một quá khứ xa xôi, có thể một khối thiên thạch khác đã va vào nó và khiến nó bật ra khỏi bề mặt mặt trăng, bắt đầu cuộc "du hành vũ trụ" tới trái đất.
Các nhà khoa học đánh giá, đây là mảnh thiên thạch nguồn gốc mặt trăng có kích thước lớn nhất từ trước đến nay. Thiên thạch mặt trăng được rao bán đấu giá với mức khởi điểm là 500.000 USD (11.7 tỷ đồng). Khối đá gồm 6 phần gắn liền với nhau, phần lớn nhất có trọng lượng khoảng 2,7 kg.
Đức Văn
Theo Dantri
Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc 2019: Tất cả đã sẵn sàng Chiều 6/5, tại Trung tâm Văn hóa Phật giáo Tam Chúc (huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam), Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban Tôn giáo Chính phủ và tỉnh Hà Nam tổ chức họp báo Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc lần thứ 16 tổ chức tại chùa Tam Chúc từ ngày 12-14/5. Thượng tọa Thích Đức Thiện giới thiệu các...