Trên 800 ha chè ở Nghệ An bị cháy sém do nắng nóng
Do nắng nóng khốc liệt liên tục trong những ngày qua, tại các vùng chè trọng điểm của Nghệ An, đã có gần trên 800 ha chè bị cháy sém, một số diện tích cháy rụi nặng nề.
Chè bị cháy rụi tại xã Thanh Đức, huyện Thanh Chương. Ảnh: CTV
Ngoài những diện tích chè bị cháy táp lá, xã Thanh Đức, huyện Thanh Chương đã có khoảng 3 ha chè bị cháy nặng nề, khó cứu vãn. Ông Nguyễn Bá Sơn – Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Toàn xã có gần 1.000 ha chè thì trong đó, khoảng 30% ở xóm Sướn, 12/9, 26/3 đã được đầu tư hệ thống tưới. Tuy nhiên, do nắng nóng kéo dài, ở nhiều vùng nguồn nước đã khô cạn, không thể tưới được nữa.
Đến nay, huyện Thanh Chương đã có gần 500 ha chè bị cháy sém lá, nằm rải rác ở tất cả các xã vùng chè của huyện. Chỉ cần nắng nóng như thế này vài ba ngày nữa, nguy cơ chè chết cháy trên diện rộng là rất cao.
Lãnh đạo huyện Thanh Chương kiểm tra tình hình thiệt hại của cây chè. Ảnh: Phú Hương
Đến nay, toàn huyện Anh Sơn đã có 211 ha chè bị cháy sém lá. Và ngoài 250 ha chè đã được đầu tư hệ thống tưới còn có khả năng “vớt vát”, toàn bộ diện tích chè còn lại của huyện đang trong tình trạng rất nguy hiểm.
Tại huyện Con Cuông, đến ngày 22/6 đã có 138 ha/ 356 ha chè của huyện bị cháy lá, tập trung tại các xã Yên Khê, Chi Khê và Bồng Khê.
Video đang HOT
Hầu hết hệ thống giếng khoan để tưới cho chè đều đã cạn nước từ 20 ngày nay. Hiện chúng tôi chỉ còn cách khuyến cáo bà con không thu hoạch chè trong thời gian nắng hạn, tủ gốc giữ ẩm cho chè.
Ông Lô Văn Lý – Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Con Cuông
Nhiều diện tích chè tại xã Yên Khê, huyện Con Cuông đã bị cháy vàng lá trong khi nguồn nước tưới khô cạn từ 20 ngày nay. Ảnh: Phú Hương
Theo thống kê ban đầu, toàn tỉnh đã có gần 800 ha chè bị cháy sém lá, một số ít diện tích bị cháy nặng nề.
Theo dự báo của Đài khí tượng thủy văn Bắc Trung Bộ, trong thời gian tới thời tiết tiếp tục nắng nóng kéo dài, không có mưa, khả năng hạn hán tiếp tục tiếp diễn và sẽ gây thiệt hại nặng nề cho vùng chè của tỉnh. Theo ông Nguyễn Tiến Đức – Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV: Các địa phương và người dân cần tuân thủ khuyến cáo của ngành chức năng, cùng các biện pháp tưới nước, tấp tủ, bà con không nên thu hoạch chè vào những ngày nắng nóng.
Theo Baonghean
Nghệ An: Nắng nóng, hồ đập trơ đáy, ruộng đồng nứt nẻ
Nghệ An có 96 hồ chứa do doanh nghiệp quản lý, hiện chỉ còn 4 hồ chứa còn đầy nước, còn lại 82 hồ mực nước chỉ đạt trên 50%. Riêng các hồ chứa do địa phương quản lý chỉ đạt từ 30 - 40% lượng nước, trong đó có một số hồ đã cạn kiệt nguồn nước.
Hồ chứa nước Nhà Hữu ở xã Lam Sơn đã ở mực nước chết. Ảnh: Văn Trường
Trên cánh đồng xóm 14 xã Lam Sơn (Đô Lương) tất cả mặt ruộng đều nứt nẻ. Nông dân Trần Văn Quý cho hay: Gia đình có 8 sào đất, nhưng chỉ gieo cấy được 2 sào, còn 6 sào đang phải bỏ hoang do không có nước. 2 sào lúa vừa gieo cấy xong, do nước đập cạn kiệt nên bị khô hạn, nếu trời tiếp tục nắng nóng sẽ bị chết cháy.
Ông Lê Văn Biểu - Chủ tịch UBND xã Lam Sơn chia sẻ: Theo kế hoạch, vụ hè thu này xã Lam Sơn gieo cấy hơn 380 ha, nhưng đến thời điểm này chỉ gieo cấy được 300 ha, còn 80 ha do thiếu nước không thể gieo cấy. Hiện tại toàn xã có trên 70 ha lúa đã bị hạn ở vùng phụ thuộc nước hồ chứa.
Cũng theo ông Biểu, địa bàn xã Lam Sơn có 9 hồ chứa lớn nhỏ thì hầu hết cạn nước, đặc biệt các hồ chứa Bàu Khe, Đồng Hồ, Nhà Hữu đã trơ đáy. Nhiều người dân sống quanh khu vực này còn phải đối mặt với tình trạng thiếu nước sinh hoạt.
Bà con xã Giai Xuân, Tân Kỳ dùng máy bơm mi ni để "cứu" lúa. Ảnh: Văn Trường
Vụ hè thu này, Đô Lương gieo cấy trên 7.000 ha, hiện tại có khoảng gần 1.000 ha đang thiếu nước.
Ông Trần Ngọc Thuận - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Đô Lương cho hay: Đô Lương có trên 90 hồ chứa lớn nhỏ thì chiếm 70% các hồ chứa do địa phương quản lý đã cạn kiệt nước, tập trung ở các xã Giang Sơn Đông, Hồng Sơn, Mỹ Sơn, Lam Sơn, Bài Sơn ... Nếu trời tiếp tục nắng nóng kéo dài, Đô Lương sẽ có trên 2000 lúa bị hạn, chủ yếu tập trung ở vùng hồ chứa.
Hồ chứa nước Ba Trâu ở xã Kỳ Tân, Tân Kỳ chỉ còn khoảng 20% lượng nước trong lòng hồ không thể đáp ứng tưới lúa. Ảnh: Văn Trường
Đối với địa bàn huyện Tân Kỳ có 115 hồ đập lớn nhỏ, trong đó hiện có trên 70 hồ đập mực nước chỉ còn trên 30%, không thể cấp đủ nước tưới cho nhiều diện tích lúa.
Toàn huyện Tân Kỳ gieo cấy trên 4.700 ha lúa, đến thời điểm này có trên 600 ha lúa đã bị thiếu nước ở các xã Nghĩa Phúc, Nghĩa Hành, Giai Xuân, Đồng Văn...
Nhiều diện tích lúa ở xã Nam Giang, Nam Đàn nứt nẻ do thiếu nước. Ảnh: Văn Trường
Theo báo cáo của Chi cục Thủy lợi, toàn tỉnh có 96 hồ chứa do doanh nghiệp quản lý mực nước đều thấp. Trong đó chỉ có 4 hồ chứa còn đầy nước, còn lại 82 hồ mực nước chỉ đạt trên 50%. Riêng các hồ chứa do địa phương quản lý chỉ đạt từ 30 - 40% lượng nước, trong đó có một số hồ đã cạn kiệt nguồn nước.
Hồ chứa nước Vệ Nông xã Vân Diễn, Nam Đàn thiếu nước trầm trọng. Ảnh: Văn Trường
Năm 2019 toàn tỉnh gieo cấy trên 85.000 ha lúa vụ hè thu, trong đó riêng diện tích vùng hồ chứa trên 15.000 ha. Hiện nay vùng hồ chứa bị khô hạn khoảng trên 3.000 ha, tập trung ở các huyện Tân Kỳ, Anh Sơn, Thanh Chương, Đô Lương, Con Cuông, Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Yên Thành, Quỳnh Lưu ...
Theo Baonghean
Trồng ngô sinh khối 1 năm làm 3-4 vụ, nhàn mà có thu nhập khá Trên vùng bãi ngang, bãi bồi dọc 2 bên bờ sông Lam, nông dân ở các xã Đỉnh Sơn, Cẩm Sơn, huyện Anh Sơn (Nghệ An) lâu nay đã biết vận dụng cơ giới hóa vào trồng ngô nhưng không phải lấy bắp mà bán cả cây (sinh khối) cho các trang trại nuôi bò. Mỗi năm bà con trồng được 3 -...