Trẻ Triều Tiên học nhận diện kẻ thù từ lớp mẫu giáo
Ngay từ mẫu giáo, trẻ em Triều Tiên đã học về lòng yêu nước và cách nhận diện kẻ thù.
Một trẻ em mẫu giáo ở Bình Nhưỡng chĩa súng giả vào hình vẽ lính Mỹ. Ảnh: CBS News
Triều Tiên hôm 6/5 khai mạc Đại hội Đảng Lao động đầu tiên sau 36 năm và mời tới thủ đô Bình Nhưỡng hơn 100 phóng viên quốc tế để đưa tin. Nhân dịp này, chính quyền lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cũng tổ chức hàng loạt sự kiện nhằm “khoe” với thế giới lớp trẻ tài năng của quốc gia mình, theo CBS News.
Kính yêu lãnh đạo
Nữ phóng viên Adriana Diaz từ kênh truyền hình CBS có cơ hội tham dự một chương trình biểu diễn của trẻ em Triều Tiên dành cho giới báo chí quốc tế. Diaz cho hay, nếu chỉ xem thoáng qua, buổi diễn này cũng giống như bao cuộc trình diễn khác của trẻ em ở bất kỳ nơi đâu trên thế giới. Nhưng khi để ý kỹ hơn, người ta sẽ nhận ra những nét rất đặc trưng của Triều Tiên.
Chương trình kết thúc với phần biểu diễn sôi động bài hát “Chúng cháu mãi noi theo lãnh tụ Kim Jong-un”.
Ca ngợi lãnh đạo là chủ đề được đề cập nhiều nhất trong cuộc sống hàng ngày của trẻ em ở Bình Nhưỡng, theo như lời xác nhận của nữ sinh Lee Eunkyung, 14 tuổi, đang học thêu tại Trung tâm Trẻ em Bình Nhương. Cô bé nói rằng “ngài Kim Jong-un đáng kính là người cha đời đời của chúng cháu”.
Theo Diaz, trẻ em Triều Tiên tiếp nhận các tư tưởng truyền bá từ rất sớm. Những đường lối của đảng Lao động được đưa vào thơ ca dành cho lứa tuổi mẫu giáo trở đi. Những học sinh mầm non có khi dành cả buổi sáng chỉ để hát các ca khúc tôn vinh lãnh đạo.
Tất cả những đứa trẻ mà phóng viên CBS News gặp đều tỏ ra thân thiện nhưng ở trường, người ta dạy các em rằng phải căm thù “đế quốc Mỹ”.
Video đang HOT
Đoàn phóng viên còn chụp được cảnh một học sinh mẫu giáo đang chĩa cây súng nhựa vào bức vẽ một binh sĩ Mỹ. Khi họ hỏi cậu học sinh Jo Daebong, 12 tuổi, rằng em đã học những gì về nước Mỹ, cậu bé trả lời dõng dạc: “Mỹ là nước có mưu đồ xâm lược đất nước chúng cháu hơn 100 năm qua. Họ vẫn tiếp tục gieo rắc khổ đau cho chúng cháu. Cháu không thích Mỹ”.
Triều Tiên cung cấp giáo dục phổ cập từ mẫu giáo đến bậc trung học và tự hào rằng 100% người dân trên 15 tuổi đều biết đọc, viết. Giáo trình giảng dạy tại các trường học hoàn toàn do nhà nước đề ra.
Tuy nhiên, trẻ em ở đây cũng phải trải qua những khó khăn nhất định. Theo Chương trình Lương thực Thế giới thuộc Liên Hợp Quốc, 1/3 trẻ nhỏ Triều Tiên bị suy dinh dưỡng do thiếu ăn, ảnh hưởng rất lớn tới quá trình phát triển cơ thể.
Hoạt hình là công cụ tuyên truyền
Hình vẽ trên tường một trường mẫu giáo ở ngoại ô Bình Nhưỡng. Ảnh: Los Angeles Times
Phóng viên Julie Makinen từ Los Angeles Times cho hay, trong chuyến thăm nông trại kiểu mẫu Changchon ở ngoại ô Bình Nhưỡng, khi người hướng dẫn đưa đoàn phóng viên đến một trường mẫu giáo ở đây, cô chú ý, bên cạnh tấm tranh trên tường vẽ cảnh trẻ em đang chạy nhảy tung tăng là các bức hình về những người bạn rừng xanh đang sát hại lẫn nhau.
Đầu tiên là bức vẽ một con vịt mặc trang phục lính hải quân cầm súng máy chĩa vào một con sói. Tiếp đó là bức vẽ một con sóc cầm lựu đạn để uy hiếp một con chồn đang co rúm. Đứng đằng sau hỗ trợ sóc là một con nhím ôm súng phóng lựu. Tất cả đều được nhân cách hóa.
Đó đều là những hình vẽ minh họa để giáo dục chính sách songgun (ưu tiên quân sự) của cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il. Ông Kim Jong-un hiện điều chỉnh chính sách songun thành chính sách byongjin (thúc đẩy đồng thời), hàm ý rằng Triều Tiên cần phát triển kinh tế và vũ khí hạt nhân song song.
“Trẻ em Triều Tiên thích sóc và nhím giống như trẻ em Mỹ thích các nhân vật hoạt hình Disney vậy”, người hướng dẫn nói.
Do hãng phim thiếu nhi SEK Studios sản xuất, bộ phim hoạt hình dài tập Sóc và Nhím nổi tiếng ở Triều Tiên có nội dung nói về cuộc sống của những cư dân vùng Đồi Hoa, gồm sóc, nhím và vịt. Trong đó, sóc là lãnh đạo, nhím là binh sĩ lục quân và vịt là lính hải quân. Đội quân này đại diện cho Triều Tiên và họ phải chiến đấu với nhiều đối thủ, gồm chồn (Nhật Bản), sói (Mỹ) và đôi khi cả những con gấu bề ngoài thân thiện nhưng hay say rượu (Nga).
Dù không có Sóc và Nhím, những đứa trẻ ở trường mẫu giáo thuộc nông trại Changchon vẫn sẽ được truyền bá tư tưởng theo các cách khác, từ việc thường xuyên ngắm nhìn chân dung lãnh đạo cho đến học thuộc làu làu những ca khúc yêu nước, theo Makinen.
Cũng trong chuyến thăm, các phóng viên còn chứng kiến cảnh một giáo viên hướng dẫn một em bé học sinh mẫu giáo điều khiển một khẩu súng đồ chơi. Bảng đo thị lực đặt tại phòng y tế của ngôi trường này sử dụng các biểu tượng quân sự như máy bay, súng trường tự động, súng lục thay cho những ký tự hay con số.
Những đứa trẻ ở trường mẫu giáo của nông trại Changchon ở ngoại ô Bình Nhưỡng. Ảnh: Los Angeles Times
Hồng Vân
Theo VNE
Vị tướng 'chết đi sống lại' của Triều Tiên
Giới truyền thông hết sức bất ngờ khi tên của một vị đại tướng "đã bị xử tử" xuất hiện trong danh sách ủy viên trung ương đảng Lao động Triều Tiên.
Tướng Ri Yong-gil trong một cuộc họp ở Bình Nhưỡng năm 2014. Reuters
Ngày 10.5, CHDCND Triều Tiên tổ chức diễu hành quy mô lớn tại thủ đô Bình Nhưỡng để chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc của đảng Lao động Triều Tiên (WPK) thành công tốt đẹp.
Nhân dịp này, truyền thông Triều Tiên công bố danh sách 129 ủy viên trung ương mới được bầu trong kỳ đại hội vừa kết thúc ngày 9.5. Trong đó, bất ngờ nhất là có tên đại tướng Ri Yong-gil, cựu Tổng tham mưu trưởng quân đội Triều Tiên, theo AFP. Hồi tháng 2, giới tình báo Hàn Quốc loan tin ông đã bị hành quyết "vì bị kết tội tham nhũng và lập bè cánh chính trị".
Lần cuối cùng ông Ri xuất hiện công khai là khi Triều Tiên tuyên bố thử thành công vũ khí nhiệt hạch hồi tháng 1. Sau đó, ông vắng mặt trong hàng loạt sự kiện quan trọng khác như phóng tên lửa mang vệ tinh và bắn thử nhiều tên lửa tầm ngắn. Trong thời gian chuẩn bị đại hội, truyền thông Triều Tiên cũng không nhắc đến vị đại tướng này. Bản thân chính quyền Triều Tiên tuy không xác nhận thông tin xử tử nhưng hồi tháng 2 đã thông báo bổ nhiệm tướng Ri Myong-su làm tổng tham mưu trưởng mới.
Tướng Ri Yong-gil (trái) trong một lần xuất hiện cạnh lãnh đạo Kim AFP
Đến hôm qua 10.5, ông Ri Yong-gil được thông báo đứng vào hàng ngũ ủy viên trung ương đảng, thậm chí còn là thành viên Quân ủy trung ương và ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị. Tuy nhiên, Hãng tin UPI dẫn lời các chuyên gia nhận định việc "mất tích" của tướng Ri thời gian qua chứng tỏ "đã có chuyện gì đó" và có thể ông đã "trải qua một đợt chỉnh huấn" trước khi được phục hồi.
Bên cạnh đó, trong danh sách ủy viên trung ương mới còn có tên bà Kim Yo-jong, em gái nhà lãnh đạo Kim Jong-un, theo Hãng thông tấn KCNA. Giới quan sát nhận định diễn biến này cho thấy ông Kim đã tiến thêm một bước trong việc củng cố quyền lãnh đạo của mình.
Phát biểu trước cuộc diễu hành hôm qua 10.5, Chủ tịch Đoàn chủ tịch Hội nghị Nhân dân tối cao Triều Tiên Kim Yong-nam chúc mừng lãnh đạo Kim đảm nhận cương vị mới là Chủ tịch đảng Lao động Triều Tiên. Đây là chức danh mới được khôi phục kể từ năm 1966. Trước đó, ông nội lãnh đạo Kim là Chủ tịch Kim Il-sung (Kim Nhật Thành) từng giữ chức Chủ tịch WPK trong giai đoạn 1949 - 1966, trước khi trở thành Tổng bí thư cho đến khi qua đời năm 1994. Cha của ông Kim là lãnh đạo Kim Jong-il sau này cũng chỉ giữ chức Tổng bí thư WPK.
Sau bài phát biểu của ông Kim Yong-nam, lãnh đạo Kim Jong-un và nhiều quan chức cấp cao đã chứng kiến khoảng 1 triệu người diễu hành rầm rộ tại quảng trường Kim Il-sung. Một số đoàn xe được trang hoàng theo chủ đề quân sự, bao gồm mô hình tên lửa và bệ phóng. "Một đất nước hùng mạnh cần sở hữu vũ khí hạt nhân và quân đội mạnh mẽ", theo khẩu hiệu trên một đoàn xe.
Cùng ngày, Tân Hoa xã đưa tin Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gửi thư chúc mừng thành công của đại hội WPK và vai trò mới của ông Kim Jong-un. Nội dung thư nhấn mạnh Trung Quốc luôn xem trọng quan hệ song phương và sẵn sàng hợp tác với Triều Tiên "để đóng góp tích cực vào bảo vệ hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực". Tuy nhiên, bức thư không đề cập chương trình hạt nhân của Triều Tiên, vấn đề được cho là đang khiến quan hệ Trung - Triều gặp trắc trở.
Thụy Miên
Theo Thanhnien
Vì sao ông Kim Jong-un mặc vest trong đại hội đảng Trang phục của ông Kim trong kỳ đại hội đảng có thể nhằm gắn kết hình ảnh của mình với ông nội, cố lãnh đạo Kim Nhật Thành. Ông Kim Jong-un trong đại hội đảng Lao động Triều Tiên hôm 9/5. Ảnh: Reuters Mặc dù không công bố điều gì đặc biệt mới tại đại hội đảng đầu tiên được tổ chức trong...