Trẻ thấp lùn có thể do thiếu nội tiết tố
Trong khi bé trai đầu lòng 9 tuổi đã cao 1,4 m thì bé trai thứ 2 của chị Hằng (Bình Thạnh, TP HCM) đã 5 tuổi nhưng chỉ cao 95 cm.
Từ lúc 2 tuổi đến giờ, mỗi năm cậu em chỉ cao thêm chưa tới 3 cm. Chị Hằng cho con bổ sung nhiều loại sữa khác nhau tình hình vẫn không cải thiện. Đi khám nội tiết, bé được bác sĩ kết luận thiếu hoóc môn tăng trưởng và hiện được điều trị bổ sung.
“Không hiểu sao cùng bố mẹ, cùng chế độ chăm sóc mà hai đứa có sự khác biệt lớn quá. Chỉ mong con điều trị sẽ có kết quả tốt. Ông xã cao tới 1m73 còn mình chỉ 1m54, chỉ sợ con lại lùn giống mình thì khổ”, chị Hằng phân trần.
Nhiều trẻ thấp lùn là do thiếu nội tiết tố tăng trưởng. Ảnh minh họa: tunerpost
Trò chuyện tại Trung tâm truyền thông và giáo dục sức khỏe TP HCM mới đây, bác sĩ Huỳnh Thị Vũ Quỳnh, giảng viên bộ môn Nhi Đại học Y dược TP HCM, khoa Thận – Nội tiết Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, tỷlệ thiếu nội tiết tố tăng trưởng ước tính khoảng 1/4.000 – 1/10.000 trẻ sinh sống.
Mặc dù thiếu nội tiết tố tăng trưởng không thường gặp nhưng đây là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến chậm tăng trưởng ở trẻ em. Thiếu nội tiết tố tăng trưởng có thể bẩm sinh hoặc mắc phải, xảy ra ở bất kỳ thời điểm nào. Điều này có thể do tổn thương xung quanh tuyến yên và vùng hạ đồi như chấn thương đầu nặng, u não hoặc nhiễm trùng dạng viêm màng não và viêm não. Trong một số trường hợp việc thiếu nội tiết tố là vô căn, không xác định được nguyên nhân.
Theo bác sĩ Quỳnh, dấu hiệu của thiếu hoóc môn tăng trưởng là trẻ phát triển chiều cao ít hơn 4cm một năm trong độ tuổi từ 2 đến dậy thì. Phụ huynh cần theo dõi biểu đồ tăng trưởng hàng năm của trẻ để có sự đánh giá kịp thời. Khi có dấu hiệu cảnh báo, trẻ cần được bác sĩ nội tiết nhi thăm khám cẩn thận và có thể phải làm một số xét nghiệm hỗ trợ để chẩn đoán nguyên nhân.
Khi trẻ được chẩn đoán thiếu nội tiết tố tăng trưởng, bác sĩ sẽ khuyến cáo điều trị thay thế bằng nội tiết tố tăng trưởng. Phương pháp này cung cấp lượng nội tiết tố tăng trưởng đều đặn để trẻ có chiều cao trưởng thành càng gần mức bình thường càng tốt.
“Sự tăng chiều cao được ghi nhận khoảng 3-6 tháng sau điều trị nội tiết tố tăng trưởng. Hầu hết trẻ em được điều trị sẽ tăng trưởng gấp 2-4 lần tốc độ tăng trưởng trước đó trong năm điều trị đầu tiên”, bác sĩ Quỳnh phân tích.
Video đang HOT
Bác sĩ Quỳnh khuyến cáo, tuy các thuốc điều trị nội tiết có hiệu quả tốt, ít tác dụng phụ nhưng không phải trẻ nào cũng sử dụng được mà thuốc chỉ tác dụng đối với trẻ được thực sự thiếu hoóc môn tăng trưởng. Trẻ cần được phát hiện sớm và điều trị kịp thời trước tuổi dậy thì mới có thể mang lại hiệu quả cao.
Lê Phương
Theo VNE
10 nguyên nhân khiến trẻ chậm phát triển chiều cao
Chậm dậy thì, chậm tăng trưởng trong tử cung, thiếu nội tiết tố tăng trưởng... là những nguyên nhân phổ biến khiến trẻ chậm phát triển chiều cao.
Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ chậm tăng trưởng chiều cao. Bác sĩ Huỳnh Thị Vũ Quỳnh, giảng viên bộ môn Nhi Đại học Y dược TP HCM, khoa Thận - Nội tiết Bệnh viện Nhi đồng 2 nêu ra một số nguyên nhân phổ biến:
Di truyền, lùn có tính gia đình
Con cái là sự phản ánh của bố mẹ. Bố mẹ thấp thường con cũng có chiều cao dưới trung bình và ngược lại. Chiều cao khi trưởng thành của trẻ có thể tính được từ chiều cao trung bình của cha mẹ.
Chậm tăng trưởng do thể tạng, còn gọi là chậm dậy thì
Trẻ chậm tăng trưởng vào giai đoạn trước dậy thì thường thấp hơn các bạn cùng lớp. Tuy nhiên trẻ sẽ đạt được chiều cao bình thường khi trẻ kết thúc giai đoạn dậy thì.
Chậm tăng trưởng trong tử cung
10% không bắt kịp chiều cao bình thường lúc 2 tuổi. Hãy đưa trẻ đến gặp bác sĩ nếu con bạn sinh non, nhẹ cân và không đạt được chiều cao bình thường lúc 2 tuổi. Một số trẻ có thể cần phải điều trị để đạt được chiều cao bình thường.
Có nhiều nguyên nhân ảnh hưởng đến chiều cao của trẻ. Ảnh: ottawagymnasticscentre
Suy dinh dưỡng
Dinh dưỡng đóng vai trò rất quan trọng trong sự tăng trưởng của trẻ. Trẻ suy dinh dưỡng mạn tính sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao. Can thiệp về dinh dưỡng sẽ cải thiện chiều cao cho trẻ.
Bệnh mạn tính
Một số trẻ có bệnh lý suy gan, suy thận... có thể dẫn đến chậm phát triển thể chất. Điều trị tốt bệnh lý nền có thể cải thiện sự tăng trưởng về thể chất cho trẻ.
Sang chấn về tâm lý
Trẻ bị ngược đãi, lạm dụng... có thể bị ảnh hưởng đến tăng trưởng. Trẻ cần có một môi trường nuôi dưỡng lành mạnh để đạt được sự tăng trưởng tốt.
Bất thường nhiễm sắc thể
Hội chứng Turner, gặp ở trẻ nữ có bất thường nhiễm sắc thể (45XO), đôi khi trẻ có hình dáng bên ngoài bình thường nhưng chậm tăng trưởng. Khi trẻ lớn hơn sẽ có các vấn đề về hệ sinh dục như vô kinh, không dậy thì...Bác sĩ sẽ chẩn đoán bằng cách làm xét nghiệm nhiễm sắc thể đồ cho trẻ.
Loạn sản sụn và xương
Trẻ thường có vẻ bề ngoài thất thường, chân ngắn, tay ngắn, cổ tay, cổ chân bè, hộp sọ bất thường...
Nguyên nhân nội tiết
- Thiếu nội tiết tố tăng trưởng: Khi cơ thể gặp vấn đề về sản xuất và phóng thích nội tiết tố tăng trưởng không đủ, dẫn đến một tình trạng gọi là thiếu nội tiết tố tăng trưởng.
- Suy tuyến giáp: Khi cơ thể tiết không đủ nội tiết tố tuyến giáp, chậm tăng trưởng có thể xảy ra bởi vì những nội tiết tố này tác động trực tiếp lên sự tăng trưởng và chuyển hóa.
- Ngoài ra các nguyên nhân khác có thể gây chậm tăng trưởng như hội chứng cushing, tiếp xúc với hormon sinh dục nam ngoại sinh, tăng sinh thượng thận bẩm sinh, dậy thì sớm...
Tuy nhiên cũng có một số trẻ không xác định được nguyên nhân gây chậm tăng trưởng chiều cao. Những trẻ như vậy gọi là lùn vô căn.
Theo bác sĩ Quỳnh, đa phần các trường hợp chậm tăng trưởng ở trẻ đều có thể khắc phục được. Việc phát hiện sớm và điều trị đúng nguyên nhân sẽ góp phần cải thiện đáng kể chiều cao cho trẻ. Bố mẹ cần theo dõi và lưu giữ biểu đồ tăng trưởngcủa trẻ, nếu sự phát triển của trẻ không đảm bảo, cần đưa trẻ đến khám bác sĩ kịp thời.
Lê Phương
Theo VNE