Trẻ em vớt sản vật biển dưới nắng
Tranh thủ thời gian nghỉ hè, nhiều em ở xã Thạch Bằng (huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) đội nắng ra biển vớt sản vật, đỡ đần cha mẹ.
Mấy ngày nay, trời tiếp tục nắng nóng, có ngày nhiệt độ ngoài trời xấp xỉ 40 độ C nhưng từ sáng sớm, nhiều trẻ em (khoảng 7-11 tuổi) ở xã Thạch Bằng vẫn tranh thủ thời gian nghỉ hè mang vợt ra biển vớt ngao, sò lông, sò huyết.
Do thời điểm này đang là mùa hè, nên sản vật khá hiếm. Các em chia thành từng tốp khoảng 2-3 người, dầm mình trong nước để vớt ngao, sò lông.
Dụng cụ để vớt sò, ngao vẫn là những chiếc vợt tự chế, cán tre dài khoảng 2m, đầu bọc lưới xung quanh chiếc vành xe đạp hoặc vòng thép uốn lại, đường kính 50-60 cm.
Nguyễn Tài Phú (11 tuổi, thôn Xuân Hải, xã Thạch Bằng) cho biết, trong những ngày nắng, bố mẹ thường tranh thủ đi gánh nước biển lên bán cho các nhà hàng để nuôi hải sản. Bản thân em tranh thủ ra biển vợt sò về làm thực phẩm cho gia đình, nếu được nhiều thì bán lấy tiền đỡ đần gia đình.
Khi vớt ngao, sò lông, sò huyết cần phải giữ chặt vợt, sau đó đứng trước đầu ngọn sóng để vớt. Đối với các em học sinh nhỏ tuổi, việc vớt sò khá vất vả, bởi tay còn yếu, đôi khi vẫn bị sóng lớn đánh lệch vợt.
Video đang HOT
“Thông thường em đứng ở những nơi ít sóng, bởi ra ngoài xa sóng đánh mạnh sẽ nguy hiểm. Khi đứng gần bờ thì lượng sò vớt sẽ được ít hơn”, Trần Hải (8 tuổi, thôn Phú Nghĩa, xã Thạch Bằng) nói.
Để kiếm được nhiều sò hơn, một số em bơi giỏi thường lội ra chỗ nước sâu, cầm vợt lặn xuống nước, mỗi lần khoảng 30 giây để vớt sò.
Trong vòng một buổi sáng, các em có thể vớt được mỗi người hơn 1 kg sò lông và ngao.
“So với người lớn thì chả ăn thua, nhưng chúng em vẫn rất vui vì thành quả tự bản thân làm ra. Bố mẹ nói khi vớt sò về sẽ đem bán dành tiền sắm sách vở cho năm học mới”, cậu bé Sơn (học sinh lớp 5 trường Tiểu học Thạch Bằng) chia sẻ.
Sò lông hoặc ngao được bán với giá khoảng 15.000 đồng mỗi cân. Khi làm sạch, lấy ruột bán có thể được khoảng 40.000-50.000/kg. Các nhà hàng thường thu mua về để nấu súp, cháo, hoặc nướng sa tế, xào sả…
Ông Phan Đình Cương, Chủ tịch UBND xã Thạch Bằng thông tin, nghề vớt ngao, sò của người dân có từ nhiều năm nay, tuy nhiên so với các xã khác trong huyện thì vẫn còn ở mức thấp. “Về việc trẻ em mưu sinh vớt sò ở biển, chính quyền cũng đã có khuyến cáo đến gia đình, nhà trường nên chú trọng tới việc chăm sóc con cái, khuyên bảo các em nếu ra biển nên ở gần bờ, tránh việc bơi ra xa nguy hiểm”, ông Cương nói.
Đức Hùng
Theo VNE
Nghỉ hè: Học sinh vẫn "cày học", phụ huynh đau đầu nghĩ kế chăm con
Mỗi dịp nghỉ hè, các bậc phụ huynh lại đau đầu tìm chỗ để cho con "tá túc" trong những ngày nghỉ và cũng phải tốn kém một khoản chi phí lớn.
Phụ huynh "đánh vật" với kỳ nghỉ hè của con
Cứ tháng 6 hàng năm, khi tới mùa nghỉ hè của học sinh, đặc biệt là học sinh tiểu học, độ tuổi còn nhỏ, các bậc phụ huynh lại đau đầu vì phải nghĩ cách để chăm con. Câu chuyện diễn ra thường niên nhưng năm nào các gia đình cũng gặp khó khăn trong việc kiếm tìm giải pháp.
Tại khu vực Hà Nội, hầu hết các phụ huynh đều lựa chọn cách tìm kiếm lớp học thêm cho con mình trong khoảng thời gian nghỉ hè để yên tâm làm việc mà không phải lo lắng. Đồng thời cũng là cách để giúp con không quên kiến thức trong những ngày hè, không bị tụt lại so với các bạn.
Mỗi dịp nghỉ hè, các bậc phụ huynh lại đau đầu nghĩ cách để trông coi con trẻ
Chính vì lẽ đó, điệp khúc học - học và học của trẻ con ngày hè lại tiếp diễn trong mùa hè năm nay. Tình trạng học sinh đang có nguy cơ "quá tải" không chỉ trong năm học, mà còn trong cả những ngày đáng ra được nghỉ ngơi. Bởi nhiều phụ huynh không sắp xếp được người trông con, nên đã lên lịch cho con học kín từ sáng đến chiều, từ các môn văn hóa như Toán, Văn, Tiếng Anh... đến các môn bổ trợ như võ, vẽ, múa, hát, kỹ năng sống...
Tuy nhiên, việc lựa chọn các lớp học thêm phù hợp cũng không phải là điều dễ dàng vì chi phí khá "đắt đỏ". Để có thể yên tâm về con trong dịp hè, mỗi gia đình đều tốn cả một đống tiền.
Chị Thanh Huyền (Ba Đình, Hà Nội) có con trai vừa học hết lớp 3 chia sẻ, bản thân chị muốn cho con được nghỉ ngơi, vui chơi thoải mái sau cả một năm học tập vất vả, nhưng công việc của hai vợ chồng khá bận nên đành cùng một số phụ huynh xin cô giáo cho các cháu học "bán trú" tại nhà cô, nhờ cô vừa dạy thêm, vừa cho các cháu ăn uống buổi trưa. Chi phí để trông con trong dịp hè này đã tốn đến gần nửa số tiền lương của hai vợ chồng chị Huyền nhưng cũng không còn cách nào khác.
Cũng không thể gửi con, hay đưa con đi làm cùng, Hoàng Yến (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, đã đăng ký lớp học múa, học tiếng Anh cho con. Ngoài hai lớp đã đăng ký ở Cung, chị còn gửi "bán trú" con những ngày còn lại ở nhà một cô giáo để có thời gian đi làm.
Gia đình anh Hoàng Đồng (Hai Bà Trưng, Hà Nội) có con trai học lớp 4 nghỉ hè cũng đã liên hệ với một trung tâm giảng dạy tiếng Anh có chương trình học bán trú tất cả các ngày trong tuần để cho con "đi bộ đội". Anh Đồng chia sẻ: "Ở lớp chính quy con cũng được học tiếng Anh nhưng thời gian còn phải chia cho toán, tiếng Việt. Nhân dịp cháu nghỉ Hè, tôi sẽ cho học hoàn toàn tiếng Anh trong 6 tuần để vừa không phải lo lắng vì để con ở nhà mà chắc chắn sau kỳ nghỉ hè tiếng anh của con sẽ có những cải thiện rõ rệt".
Không may mắn như các gia đình khác, gia đình anh Lê Minh (Ba Đình, Hà Nội) có con trai học lớp 2 vừa bước vào đợt nghỉ hè. Dù trước đó cả tháng, hai vợ chồng chị Huyền đã đưa ra nhiều kế hoạch cụ thể nhằm quản lý con trong những ngày này nhưng đến nay vì nhiều lý do khác nhau đều bị đổ bể. Con trai còn nhỏ, không thể để con ở nhà một mình, vậy nên cuối cùng hai vợ chồng đành thay phiên nhau đưa cả con lên công ty ngồi cùng để tiện trông coi.
Không chỉ học sinh tiểu học, những gia đình có con học tại các trường mẫu giáo công cũng gặp khó khăn khi con được nghỉ hè. Không phải trường nào cũng nhận trông con dịp hè, 2 tháng nghỉ hè của con trở thành nỗi lo lắng của các bậc phụ huynh. Có nhà thì phải gửi con về quê, nhà thì phải đón ông bà lên trông cháu, nhà thì phải thuê gấp giúp việc, sinh viên làm thêm để trông con rất tốn kém.
Các phụ huynh đều trăn trở rằng trẻ em ở thành phố một bước ra đường, bao nguy hiểm rình rập, mà kể cả ở trong nhà mình cũng còn không yên tâm. Vì thế đến mùa hè các con được nghỉ xả hơi thì bố mẹ lại phải "đánh vật" nghĩ cách để gửi con đi khắp nơi.
Nở rộ các lớp học hè
Nắm bắt được nhu cầu của các bậc phụ huynh thường không có thời gian quản con vào dịp hè, các trung tâm giáo dục đều đưa ra những chiến dịch quảng cáo, giảm giá tới 50% các khóa học. Những tờ rơi màu sắc bắt mắt và những khẩu hiệu "Khám phá những điều mới lạ", "Phát triển tư duy vượt trội", "Giáo viên bản ngữ, có trình độ" được tung ra tại nhiều trường từ mầm non đến các trường THPT trong những ngày cuối tháng 5. Tuy nhiên, chất lượng của những trung tâm này cũng chưa được kiểm chứng cụ thể, nhiều phụ huynh nhận cả mớ tờ rơi quảng cáo như bị lạc vào "ma trận".
Điển hình như khóa học "Hành trang vào lớp 1" đặt ra chỉ tiêu "Trẻ có nhận thức tích cực về trường học. Trẻ được hệ thống hóa lại những kiến thức cốt lõi, đóng vai trò tiền đề đã được học ở trường mầm non. Trẻ được rèn những kỹ năng cơ bản như kỹ năng học tập, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng giao tiếp, khả năng tư duy, ghi nhớ, khéo léo của đôi bàn tay, kỹ năng kiểm soát cảm xúc, khả năng tập trung chú ý...". Mục tiêu đặt ra đầy tham vọng như thế, nhưng khóa học này chỉ có vỏn vẹn 4 buổi học với mức học phí 50.000 đồng/buổi khiến nhiều phụ huynh không khỏi phân vân.
Một lớp học hè đang nở rộ khác là dạy cho trẻ có tư duy toán học cũng đang thu hút các bậc phụ huynh, nhất là phụ huynh có con bắt đầu đi học. Trung bình mỗi khóa học có chi phí lên tới vài triệu đồng.
Ngoài ra gần đây còn rộ lên dịch vụ chăm sóc hè của các cô giáo tiểu học. Học sinh tiểu học vừa quá bé để có thể tự chăm sóc nếu bị bỏ ở nhà một mình, lại vừa dễ quên các kiến thức cũ. Nắm bắt được tâm lý này, một số giáo viên đứng ra thuê địa điểm (của trường, hoặc nhà diện tích rộng), cùng với một số giáo viên khác nhận chăm sóc học sinh cả ngày. Các cô bố trí cho con học văn hóa xen kẽ với năng khiếu, mỹ thuật, thuê người nấu ăn trưa. Với kiến thức chăm trẻ có bài bản, bố mẹ cũng yên tâm hơn để đi làm.
Theo các chuyên gia, nhà quản lý giáo dục, phụ huynh không nên ép con học mà hãy giữ nếp học tập cho học sinh bằng cách hàng ngày nhắc các con ngồi vào bàn tự học vào buổi sáng hoặc chiều. Đối với lứa tuổi mầm non, tiểu học, dịp hè rất cần tham gia xen kẽ các hoạt động nâng cao kiến thức sống, gần gũi với thiên nhiên, phát triển năng khiếu. Phụ huynh nên đáp ứng sở thích đó, không nên ép các em học năng khiếu theo ý thích của bố mẹ. Như vậy sẽ chỉ làm các em căng thẳng hơn, mất đi những ngày hè đẹp của tuổi thơ.
Lê Tú
Theo Dantri
Mót sắt mưu sinh tại siêu dự án Formosa Hàng trăm người dân thôn Đông Yên (xã Kỳ Lợi, H.Kỳ Anh, Hà Tĩnh), sau khi nhường đất cho dự án Formosa, không có ruộng đất canh tác, không có việc làm, đành chấp nhận quay trở lại khu vực dự án này, mót sắt mưu sinh bất chấp nguy hiểm. Dong thuyền ra biển, lặn xuống độ sâu hàng chục mét để...