Trẻ con nhà nghèo gửi ở đâu?
Chúng ta đang học làm công dân toàn cầu, đang muốn bước lên đài vinh quang, thì trước hết hãy học cách mà những đất nước văn minh lo cho trẻ con của họ.
Trẻ em nghèo khó tìm được những cơ sở giáo dục tốt
Đảm bảo các quyền cho trẻ em không chỉ là việc cấp bách phải làm vì tương lai phát triển của quốc gia, mà còn là nghĩa vụ thực hiện các điều luật quốc tế mà chúng ta cam kết. Chúng ta đang học làm công dân toàn cầu, đang muốn bước lên đài vinh quang, thì trước hết hãy học cách mà những đất nước văn minh lo cho trẻ con của họ.
Trẻ em của các gia đình trung lưu, gia đình khá giả, thì luôn có sẵn những cơ sở nuôi dạy trẻ để họ lựa chọn vì họ được quyền chọn nơi tốt nhất để sống, làm việc. Còn với những gia đình giầu có, con cháu của các quan chức thì vấn đề không phải là gửi ở đâu, mà gửi ở đâu thì được chăm sóc tốt nhất. Bởi vì xét cho cùng thứ khó nhất là phải có nhiều tiền thì với họ lại là việc quá đơn giản.
Nhưng những đứa trẻ may mắn nằm trong số vừa kể chỉ chiếm phần nhỏ trẻ em của Nước cộng hòaxã hội chủ nghĩa Việt Nam đang ở độ tuổi gửi trẻ hoặc mẫu giáo. Số đông còn lại thuộc con em của những gia đình chỉ đủ ăn, có bố, mẹ là công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất hoặc nhà máy, nhân viên hành chính ba cọc ba đồng…Ngoài ra còn một số lượng không hề nhỏ những đứa trẻ con nhà nghèo, hoặc nghèo ở mức cùng cực, hiện diện khắp nơi, trong mọi thành phần dân cư thì dù có thương xót chúng đến đâu đi chăng nữa, cũng không thể bàn gì được chuyện chúng sẽ được nuôi dạy ở đâu trong độ tuổi chưa đi học?
Hóa ra khoảng cách giầu nghèo ngày nay thấy rõ nhất ở mức mà bọn trẻ được thụ hưởng sự quan tâm và những phúc lợi xã hội.
Điều đáng phải suy nghĩ là trong các đạo luật liên quan đến trẻ em, trong công ước Quốc tế về quyền của trẻ em mà Việt Nam là nước thứ hai trên thế giới đặt bút ký cách nay hơn 20 năm, thì mọi trẻ em đều có quyền được chăm sóc sức khỏe, y tế, giáo dục ở mức tốt nhất mà xã hội có. Chỉ xin phép dẫn ra đây một số nội dung liên quan:
Trong phần II của “Luật bảo vệ và chăm sóc trẻ em” năm 2004, có tới 10 điều quy định các quyền cho trẻ em. (Bạn đọc nhớ cho đây là bộ luật, chứ không chỉ là văn bản quy định). Điều 12: Quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng ghi rõ: Trẻ em có quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng để phát triển thể chất, trí tuệ, tinh thần và đạo đức. Điều 16 : Quyền được học tập, cũng ghi rất chi tiết: Trẻ em có quyền được học tập. Trẻ em học bậc tiểu học trong các cơ sở giáo dục công lập không phải trả học phí.
Video đang HOT
Còn đây là các quyền ghi trong công ước Quốc tế mà chúng tôi đã dẫn. Quyền được sống: bao gồm quyền của trẻ em được sống cuộc sống bình thường và được đáp ứng những nhu cầu cơ bản nhất để tồn tại và phát triển thể chất. Đó là mức sống đủ, có nơi ở, ăn uống đủ chất, được chăm sóc sức khỏe. Quyền được phát triển: gồm những điều kiện để trẻ em có thể phát triển đầy đủ nhất về cả tinh thần và đạo đức, bao gồm việc học tập, vui chơi, tham gia các hoạt động văn hoá, tiếp nhận thông tin, tự do tư tưởng, tự do tín ngưỡng và tôn giáo, được tạo mọi điều kiện vật chất để có thể phát triển hài hoà. Quyền được bảo vệ: bao gồm những quy định như trẻ em phải được bảo vệ chống tất cả các hình thức bóc lột lao động, bóc lột và xâm hại tình dục, lạm dụng ma tuý, sao nhãng và bị bỏ rơi, bị bắt cóc và buôn bán.
Như vậy là đã rất rõ, rằng, mọi trẻ em, không bị phân biệt, đều được thụ hưởng những quyền lợi vật chất, tinh thần mà xã hội có trách nhiệm dành cho chúng và Nhà nước phải đảm bảo để quyền đó được thực hiện.
Nhưng đúng là giữa lý thuyết và thực tế luôn cách xa nhau một trời một vực. Để bạn đọc không bị phân tán, chúng tôi tạm thời chỉ giới hạn đối tượng được bàn ở đây là trẻ em đang trong độ tuổi gửi trẻ, mẫu giáo, nghĩa là hoàn toàn thụ động, phụ thuộc 100 phần trăm vào người lớn nên cũng dễ bị tổn thương nhất. Chúng ta hãy cùng tìm xem những đứa trẻ ấy ngày ngày được gửi nuôi dậy, chăm sóc ở đâu? Ở các vùng nông thôn xa xôi, miền núi, miền biển…thì chúng tự thích nghi là chính. Còn tại các thành phố, khu chế xuất, khu công nghiệp chúng đang được phó mặc cho đủ loại cơ sở trông trẻ tư nhân, đa số là tự phát, thiếu mọi tiêu chuẩn tối thiểu về vệ sinh, an toàn cũng như nghiệp vụ chăm sóc. Bố mẹ chúng, khi gửi con tại những cơ sở ấy, hoàn toàn biết rõ như vậy nhưng họ không có bất cứ lựa chọn nào khác cho con mình. Ở nhà trông con thì mất việc. Gửi con thì không có nhà trẻ hoặc không đủ tiền lo một xuất nhà trẻ công lập. Nuôi người giúp việc thì quá sức về tiền bạc và càng không an tâm. Thôi thì méo mó có hơn không, đành nhắm mắt đưa chân phó mặc con cho sự may rủi, vứt đại con mình vào những nơi ghi là nhận trông trẻ, kể cả biết rằng có thể mình đang gửi trứng cho ác.
Thử xem điều gì đang xảy ra với bọn trẻ ấy? Chỉ cần lướt qua báo chí đã đủ rùng mình và xấu hổ. Thôi thì có đủ kiểu hành hạ mà chúng phải hứng chịu từ những bảo mẫu máu lạnh. Thêm vào đó là hàng trăm, hàng ngàn tai họa rình rập chúng ngày ngày, từ gãy chân, què tay, thủng đầu…do ngã, đến ngộ độc thực phẩm, bị người lớn đánh đập đến chết, bị bỏ đói, bị bắt cóc…
Và cũng luôn có cả trăm ngàn lý do được người ta viện ra để bào chữa cho thực trạng này. Một trong những lý do được nhắc nhiều nhất là Nhà nước không đủ tiền để mở trường nuôi dạy trẻ. Chuyện đó thì nhàm rồi, ai chả biết, mặc dù không phải lúc nào và ở đâu cũng thông cảm được. Nhiều nơi người ta chỉ quan tâm xây trụ sở to như cung điện, xây sân vận động hoành tráng, xây nhà văn hóa cầu kỳ…kể cả xong bỏ hoang để lấy oai, lấy thành tích và dễ ăn chia tiền hoa hồng. Có nơi chính quyền chỉ ưu ái cho những dự án thương mại trong việc cấp đất, huy động nguồn lực. Việc xây trường nuôi dạy trẻ luôn ở trót cùng của thứ tự ưu tiên. Sự tăm tối theo kiểu bóc ngắn cắn dài này, đáng buồn thay, lại vẫn cứ được cổ vũ ngầm từ những lời ban khen vô lối, vô cảm, thiếu suy nghĩ, cốt làm đẹp lòng nhau. Chưa thấy có ai bị kỷ luật, cách chức vì tội phớt lờ quyền lợi của trẻ con? Những nơi như vậy không thể bảo là thiếu tiền, mà nói thẳng ra là thiếu lương tâm và thiếu tầm nhìn.
Nhưng kể cả khi bất khả kháng về tiền bạc, thì không có nghĩa là chúng ta có quyền bỏ mặc, bỏ rơi bọn trẻ.
Luật đặt ra không phải để đùa. Nếu không sẵn lòng tốt, thì hãy thực thi nghĩa vụ. Nếu ý thức tôn trọng luật pháp luôn thường trực trong đầu các cấp lãnh đạo, nếu quyền của trẻ em được họ coi trọng, nếu tình thương của họ với thế hệ tương lai không phải là vờ vịt, đạo đức giả, thì chúng vẫn có thể được quan tâm thấu đáo ngay cả khi chính quyền không có tiền. Khi đó quyền lợi của bọn trẻ sẽ được tính đến tại mọi dự án kinh tế, mọi ý tưởng về phát triển. Chẳng hạn để một khu công nghiệp, một cơ sở sản xuất, kinh doanh được phép hoạt động; để một khu đô thị mới được phê duyệt xây dựng, điều kiện bắt buộc phải có nhà gửi trẻ, trường học cho trẻ em…với quy mô tương đương với lượng nhân lực hay dân số mà nó sẽ đón nhân, liệu có ông chủ doanh nghiệp nào dám bỏ qua quyền lợi để có thể phớt lờ? Đừng chờ lòng tốt từ những con cá mập quanh năm đói khát! Còn với các xã, phường, thôn bản…chính quyền cấp trên hoàn toàn có quyền đặt ra điều kiện bắt buộc là cơ sở giáo dục, nuôi dạy trẻ phải là thứ có trước mọi công trình mang tính công cộng và việc đó phải được coi là tiêu chí hàng đầu khi đánh giá năng lực, phẩm chất và tầm nhìn của bất cứ ông lãnh đạo lớn bé nào.
Xin hãy thể hiện sự tốt đẹp của mình bằng hành động nghiêm túc, từ trên xuống dưới, chứ không nên chỉ trên lời nói.
Theo Xahoi
Bé trai tử vong sau khi ngất ở điểm giữ trẻ tự phát
Cháu Nguyễn Doãn Long (13 tháng tuổi, con chị Phượng, anh Liêm) tử vong vào ngày 1.12 sau khi bị ngất ở điểm giữ trẻ tự phát làm nhiều người xót thương.
Trưa 2.12, căn phòng chị Phượng trọ đóng im ỉm vì gia đình chị đã đưa con về quê an táng
Gửi tạm bé chờ người giúp việc
Chị Cao Thị Hồng Phượng (36 tuổi, tạm trú tại phường 6, quận 8, TP.HCM) và chồng Nguyễn Doãn Liêm (48 tuổi) lên Sài Gòn mưu sinh 7 năm nay. Họ thuê một phòng trọ ở hẻm 2009, đường Phạm Thế Hiển, quận 8, với chi phí gần 2 triệu đồng/tháng.
Hằng ngày, 4 giờ sáng chị Phượng đi lấy gà để bán ở chợ Chánh Hưng (quận 8), còn anh Liêm chạy xe ba gác, nên cuộc sống hai vợ chồng cứ tất bật từ sáng tới tối.
Khi chị Phượng sinh bé thứ hai là Nguyễn Doãn Long (tên ở nhà là Su Bi) được 2 tháng thì gia đình chị thuê người về giữ bé.
Gần đây, người giữ trẻ có việc nhà, xin nghỉ một thời gian nên chị Phượng có ý định gửi Long vào nhà trẻ để đi làm và chờ người giúp việc quay trở lại.
Được người quen giới thiệu, chị chở Long qua gửi cho chị Vũ Thị Bích Vân (34 tuổi, ở phường 6, quận 8) với giá 1,5 triệu đồng/tháng.
Ngày 11.11, Long được chở qua nhà chị Vân chăm sóc. Mới gửi được 4 ngày thì chiều 14.11, em gái út của chị Phượng qua rước thì thấy Vân ôm bé Long chạy ra nói: "Long đang chơi với một đứa trẻ khác, khi đứa trẻ đó về thì Long khóc rồi tự nhiên lăn ra ngất".
Sau đó, Long được đến Bệnh viện (BV) Xóm Củi cấp cứu và được chuyển qua BV Chợ Rẫy.
Tối 14.11, bé Long phải phẫu thuật do tụ máu bầm, dập 1/2 não. Đến ngày 15.11 thì bé tỉnh và được đưa ra phòng.
Sau đó, bé Long được đưa vào phòng săn sóc đặc biệt vì bị co giật, khó thở. Đến sáng 1.12 thì bé tử vong.
Cần xác định nguyên nhân tử vong
Ngay khi Long mất, cả gia đình chị Phượng bỏ việc đưa bé về quê để lo an táng.
Chị Phượng cho hay, chị Vân có đưa Long đi cấp cứu và dặn chị: "Ráng lo cho bé, tiền thuốc thang chị phụ". Nhưng sau đó Vân chỉ điện hỏi thăm chứ không hề đến BV thăm Long.
Sau khi Long tử vong, Vân dúi vào tay chị Phượng 1 triệu đồng nhưng chị Phượng từ chối: "Từ lúc Long nằm ở đây điều trị em đã lo được thì giờ còn cần gì 1 triệu của chị khi bé đã tử vong, em chỉ bức xúc tại sao chị giữ trẻ mà không có trách nhiệm...".
Cô Tư, một hàng xóm thân thiết của chị Phượng ở khu trọ hẻm 2009 Phạm Thế Hiển kể lại, Su Bi hay qua nhà bà chơi và rất quấn quýt chồng bà. 22 giờ đêm 14.11, chị Phượng về khóc vì chưa lo đủ tiền để phẫu thuật cho Long. Lúc đó cô Tư đã đưa 10 triệu đồng (số tiền mà bà để dành sửa lại nhà) cho chị Phượng mượn.
Theo TNO
Vụ bé 1 tuổi tử vong: Phòng GD lên tiếng "Nếu cơ sở mầm non Thiên thần nhỏ có sai phạm trong việc tử vong của cháu Trần Nhật Hương 12 tháng tuổi, chúng tôi sẽ ngừng cấp phép hoạt động cho cơ sở này", bà Hoàng Thị Kim Phượng, Phó trưởng Phòng giáo dục Long Biên nói với PV Infonet chiều 29/8. Bà Phượng cho biết: Chúng tôi đang băn khoăn có...