Trẻ chậm phát triển nếu dùng nhiều thiết bị điện tử
Càng tiếp xúc nhiều với thiết bị điện tử, trình độ giao tiếp, kỹ năng vận động và khả năng giải quyết vấn đề của trẻ càng thấp.
So với bạn bè cùng trang lứa dành ít thời gian cho các thiết bị điện tử, những đứa trẻ tiếp xúc quá nhiều với tivi, máy tính bảng, điện thoại thông minh có nguy cơ chậm phát triển về năng lực giải quyết vấn đề, giao tiếp hoặc các kỹ năng học tập cần thiết, Reuters đưa tin.
Theo nghiên cứu đăng trên JAMA Pediatrics, trung bình trẻ em sử dụng thiết bị điện tử 17 giờ mỗi tuần khi hai tuổi và 25 giờ mỗi tuần khi lên ba. Những con số này vượt quá thời gian tối đa một giờ mỗi ngày do Viện Hàn lâm Nhi khoa Mỹ khuyến nghị.
“Các thiết bị điện tử làm trẻ ít vận động và trở nên thụ động, không tạo nhiều cơ hội phát triển toàn diện trí não cho các cháu”, bà Sheri Madigan, tiến sĩ tâm lý tại Đại học Calgary và Viện nghiên cứu Bệnh viện Nhi Alberta (Canada) đứng đầu nghiên cứu trên nói.
Ảnh: MSN.
Qua nghiên cứu của mình, bà Madigan phát hiện trẻ hai tuổi tiếp xúc thường xuyên với thiết bị điện tử có kết quả kém trong bài kiểm tra mức độ phát triển khi lên ba. Bài kiểm tra này đánh giá trình độ giao tiếp, kỹ năng vận động thô và tinh, năng lực giải quyết vấn đề và các kỹ năng xã hội.
Kết quả tương tự được phát hiện ở trẻ ba tuổi. Thời gian tiếp xúc màn hình tivi, điện thoại càng nhiều, kết quả bài kiểm tra khi chúng lên năm tuổi càng thấp.
Video đang HOT
Một trong các nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là não của trẻ ở độ tuổi tập đi chưa phát triển hoàn thiện để có thể liên hệ những gì học được trên màn hình ảo với trải nghiệm thật trong cuộc sống. “Việc xem nhiều video xây nhà không hề giúp trẻ tự xây được một ngôi nhà trong đời thực,” tiến sĩ Madigan lý giải.
Thêm nữa, ngồi hàng tiếng đồng hồ với máy tính bảng hay tivi đồng nghĩa với việc trẻ mất đi cơ hội thỏa sức sáng tạo với những cây bút màu hay chơi các trò vận động cơ thể như tập đá, tập chuyền bóng.
“Những kỹ năng đó rất quan trọng trong thời thơ ấu, cần được trau dồi đầy đủ trước khi trẻ bước sang giai đoạn phát triển khác”, bà Madigan chia sẻ. “Bạn phải học đi trước khi học chạy, cũng như phải biết cầm bút mới có thể viết được tên mình”.
Ông Gary Goldfield, nhà nghiên cứu tại Đại học Ottawa, người không tham gia nghiên cứu trên cho biết công trình của bà Madigan đã chứng minh mối liên quan giữa việc hạn chế thời gian trẻ ngồi trước màn hình điện tử với sự phát triển tốt hơn về nhận thức, sức khỏe thể chất và tinh thần.
“Hầu hết trẻ em ở mọi lứa tuổi đều sử dụng thiết bị điện tử quá thời gian cho phép, vì thế các bậc phụ huynh cần phải nghiêm khắc hơn khi tạo một thời gian biểu khoa học cho trẻ,” ông Goldfield khuyến cáo.
Với trẻ không kiểm soát được thời gian dùng thiết bị di động, phụ huynh có thể giảm tác động xấu của thói quen này bằng cách đảm bảo giấc ngủ bé không bị ảnh hưởng. Khuyến khích trẻ tham gia đầy đủ hoạt động thể chất hàng ngày, cũng như tăng tương tác trực tiếp với gia đình, bạn bè.
Ngoài ra, phụ huynh hãy đảm bảo những chương trình mà trẻ dành thời gian xem có chất lượng tốt, giúp kích thích phát triển trí não.
“Bố mẹ có thể hạn chế tối đa tác hại của thiết bị điện tử bằng cách chọn các chương trình phù hợp với độ tuổi của trẻ, nội dung mang tính giáo dục và dành thời gian theo dõi cùng con mình”, tiến sĩ Suzy Tomopoulos tại Bệnh viện Nhi Hassenfeld và Trung tâm Bệnh viện Bellevue cho biết.
“Tôi cũng khuyên người lớn nên tắt tivi khi nhà không có ai xem, trong bữa ăn và một giờ trước giờ đi ngủ.”
Lê Hằng
Theo VNE
Cậu bé bị mất nhiễm sắc thể khiến một quả thận 'lạc' ở đùi
Quả thận ở phía trên đùi phải của Hamish Robinson (Anh) hiện hoạt động bình thường, tương lai có thể khiến cậu bé tử vong.
Theo Fox News, các bác sĩ chẩn đoán Hamish Robinson 10 tuổi bị mất nhiễm sắc thể 7p22.1, khiến một quả thận với đầy đủ chức năng "đi lạc" đến nằm ở phía trên đùi phải.
Hamish sinh ra với quả thận ở đùi do khiếm khuyết gene. Ảnh: SWNS.
Theo tổ chức Chromosome Disorder Outreach, mất nhiễm sắc thể 7p22 gây ra hàng loạt vấn đề từ chậm phát triển, khiếm khuyết trí tuệ, dị tật nội tạng (chủ yếu ở tim và thận), bất thường ở khuôn mặt. Từ trước đến nay, y văn chưa từng ghi nhận trường hợp nào mất nhiễm sắc thể 7p22.1 nên nhiều khả năng Hamish là người duy nhất mắc tình trạng này.
Bệnh lý mất nhiễm sắc thể 7p22.1 giờ đây được đặt theo tên cậu bé.
Kay Robinson, mẹ của Hamish cho biết con sinh non, sớm 5 tuần so thai kỳ, chỉ nặng 0,9 kg lúc chào đời. Bốn tháng tuổi, bé trải qua ca phẫu thuật thoát vị và từ đó liên tục gặp bác sĩ. Tổng cộng, Hamish đã điều trị với 8 chuyên gia khác nhau, bao gồm bác sĩ nội tiết, bác sĩ miễn dịch và bác sĩ tiêu hóa.
17 tháng tuổi, Hamish được bác sĩ di truyền chẩn đoán bị rối loạn nhiễm sắc thể. Đội ngũ y tế cho rằng đây là nguyên nhân khiến bệnh nhi bị điếc một tai, hen suyễn nặng, khó học và yếu cột sống. Hamish phải dùng thiết bị hỗ trợ mới nói được.
Chưa từng tiếp nhận trường hợp nào như Hamish, các bác sĩ không biết chuyện gì sẽ xảy đến với em. Hiện quả thận ở đùi phải bé vẫn hoạt động bình thường song tương lai, bộ phận này có thể khiến Hamish tử vong. Chưa kể, bệnh nhi còn đối mặt với nguy cơ ung thư ruột do lỗi gene.
Hamish vẫn giữ thái độ lạc quan và tận hưởng cuộc sống. Em tới trường mỗi ngày, tham gia biểu diễn kịch câm và tập karate.
"Tôi không hiểu con làm những điều đó bằng cách nào", Kay bộc bạch. "Con truyền cảm hứng cho tôi rất nhiều. Thằng bé là phước lành lớn nhất đời tôi".
Theo VNE
Thói quen xấu mẹ bầu tưởng tốt Thai phụ không nên đi bộ quá mức, giảm cà phê, hạn chế tiếp xúc các thiết bị điện tử và wifi. Để thai nhi được phát triển tốt nhất, mẹ bầu nên từ bỏ những thói quen không tốt. Không nên đi bộ quá mức Đi bộ là một bài tập an toàn với nhiều lợi ích như cải thiện sức khỏe...