Trao tặng xe lăn, xe lắc tay cho người khuyết tật
Ngày 22.10, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh cho biết, Hội IMAYA Nhật Bản vừa hỗ trợ và trao tặng 25 chiếc xe lăn, xe lắc tay cho người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn với tổng trị giá 100 triệu đồng.
Đây là món quà có ý nghĩa đối với những người khuyết tật, là nghĩa cử nhân ái thể hiện sự quan tâm chia sẻ của xã hội, giúp người khuyết tật tự tin vươn lên hòa nhập cộng đồng.
Theo laodong
Đi bằng chính đôi chân khuyết tật của mình
Sinh năm 1958, chị Bùi Thị Hồng Nga đã mang trên người một bất hạnh: Khi chưa đầy một tuổi đã bị bại liệt đôi chân. Tuy nhiên, gần 55 năm qua là quãng thời gian dài không ngừng nỗ lực và phấn đấu của chị.
Chị Bùi Thị Hồng Nga.
Đến hôm nay, chị đã thành công trên con đường thực hiện hoài bão của mình là chia sẻ và vun đắp ước mơ cùng những người khuyết tật (NKT).
Vượt lên hoàn cảnh để thành công
Trưởng thành trong sự khó khăn của đôi chân nên ngay từ nhỏ chị Hồng Nga, Chủ tịch Hội người khuyết tật TP.Cần Thơ, đã ý thức được sự cố gắng trong cuộc sống của chị. Trước là vượt qua mặc cảm, sau là vượt qua những ánh nhìn của xã hội để có thể sống và cống hiến hết mình. Chị đã lần lượt làm được những điều đó, khi không những có thể theo học ngành sư phạm Anh văn tại Trường Đại học Cần Thơ mà còn có 7 năm đứng trên bục giảng.
Chị Nga kể lại trong nghẹn ngào rằng, chị đã phải đấu tranh rất nhiều để được gia đình đồng ý cho học đại học.
Cho đến khi hoàn thành bậc đại học, bạn bè chị đều được bố trí việc làm và có lương còn chị thì chưa được tốt nghiệp. "Tôi đã gửi 50 lá đơn đến khắp các nơi, trong đó có Bộ GDĐT để xin được xét tốt nghiệp. Và tôi đã được đồng ý. Tôi được bố trí dạy ở Trường THPT Nguyễn Việt Hồng" - chị nói.
7 năm được giảng dạy là 7 năm chị được "cháy" hết mình cho sự nghiệp giáo dục. May mắn không đến với chị khi cuộc phẫu thuật chân lần thứ hai bị thất bại. Chị đành ngậm ngùi kí vào lá đơn nghỉ hưu sớm theo yêu cầu của phía nhà trường.
Đó là khoảng thời gian chị sống trong tâm tưởng hụt hẫng và trầm cảm khi nhận lấy những sự quay lưng. Chị tâm sự: "Khi đó tôi chỉ muốn chết".
Trong hoàn cảnh nghiệt ngã ấy, chị đã tìm được một lý do để tiếp tục sống. Có một người đàn ông đã chấp nhận chia sẻ, chăm sóc và sẵn sàng làm "đôi chân" để chắp cánh cho những ước mơ của chị. Anh Phan Đức Long đã cùng chị tạo nên một gia đình hạnh phúc.
Ước mơ không chỉ cho riêng mình
Khi cuộc sống của chị trở nên ổn định, chị ngay lập tức nghĩ tới những bạn bè, những NKT không may mắn tìm được việc làm ổn định và kiếm sống như chị. Thế là CLB NKT Cần Thơ được sinh ra để có thu nhập cho NKT và có thể chia sẻ kinh nghiệm trong cuộc sống, giúp đỡ lẫn nhau vượt qua khó khăn.
Đó là năm 2001, ban đầu có khoảng 20 NKT, là một nhóm tự phát và không có bất kỳ tài trợ nào trừ nguồn tiền 100 triệu đồng mà chị đã tiết kiệm được. Với đôi chân yếu ớt của mình, chị Hồng Nga vẫn không ngại vất vả tìm kiếm nguồn tài trợ từ khắp nơi: Các cá nhân từ thiện, chính phủ, các tổ chức phi chính phủ...
Dựa vào đó, năm 2002, chị và các thành viên cùng sáng lập Cơ sở Nhịp Cầu - nơi dạy nghề miễn phí và tạo công ăn việc làm cho NKT. Nhờ có dự án thành lập Quỹ Nhịp Cầu, chị đoạt giải "Ngày sáng tạo Việt Nam" lên đến 10.000 USD do Ngân hàng Thế giới và Quỹ Canada tài trợ. Con số này là nguồn kinh phí quan trọng để phát triển cơ sở. Sự phát triển này chính là ước mơ của chị Hồng Nga, ước mơ không phải cho riêng mình mà còn cho người khác.
Hiện nay, CLB NKT đã trở thành Hiệp hội NKT Cần Thơ và Hiệp hội Thể thao NKT Cần Thơ. Nơi này còn là nơi nuôi dưỡng những tài năng NKT tham gia các cuộc thi quốc gia và quốc tế, cũng là nơi những mảnh đời bất hạnh tìm đến nhau để cùng vun đắp xây dựng một gia đình hạnh phúc.
Trải qua bao thăng trầm cuộc sống, chị Hồng Nga đã nhận được nhiều giải thưởng cho mình về tính chất cộng đồng và tinh thần mạnh mẽ. Vừa qua, chị được đại diện cho những NKT Việt Nam đến dự Hội nghị Vùng Châu Á Thái Bình Dương vào cuối tháng 10.2012 tại Hàn Quốc. Theo chị, đây là cơ hội để thể hiện quyền ngôn luận và mang hình ảnh cùng tiếng nói của NKT Việt Nam đến gần hơn với thế giới.
Chị còn cho biết thêm, để có thể đến với diễn đàn này chị đã trải qua hai lần thi tuyển trong cả nước. Ở Việt Nam, cũng có 2 đoàn đại biểu dự khoảng trên 10 người, đại diện cho VFD (Liên hiệp Hội về NKTVN), và DRD (Chương trình phát triển về NKT), nhưng họ đi với tư cách đại biểu, còn chị đi với tư cách là diễn giả. Chị tự hào vì đi trên chính đôi chân khuyết tật của mình, bằng thực lực của mình.
Chị Hồng Nga đã thể hiện được tinh thần của người phụ nữ Việt Nam hiện đại, kiên cường và giàu nghị lực. Chị được ví như đóa hoa lục bình, dù bị vùi dập giữa sóng nước nhưng vẫn không ngừng di chuyển về phía trước, hướng tới một giấc mơ cao hơn và xa hơn cho bản thân, bạn bè của chị và cho những NKT xung quanh chị được sống một cuộc sống đầy đủ và công bằng hơn.
Theo laodong
Khởi động dự án rà phá bom mìn và vật liệu chưa nổ Ngày 12/10, tại xã Bình Minh (Thăng Bình, Quảng Nam), đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, ông David Shear, cùng Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, ông Đinh Văn Thu, đã khởi động dự án di dời bom mìn và vật liệu chưa nổ trên địa bàn tỉnh. Trước đó, vào tháng 7/2012, nhóm tư vấn bom mìn (MAG) tại Việt...