Trao tặng khẩu trang hỗ trợ cộng đồng người Việt tại Lào phòng chống COVID-19
Theo phóng viên TTXVN tại Lào, sáng 28/11, tại thủ đô Viêng Chăn, Đại sứ quán Việt Nam tại Lào đã tổ chức lễ trao 75.000 khẩu trang y tế cho cộng đồng người Việt Nam đang làm ăn, sinh sống và học tập tại Lào.
Đây là sự hỗ trợ hết sức thiết thực của Chính phủ Việt Nam cho cộng đồng người Việt tại Lào trong bối cảnh tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp.
Bà Trịnh Thị Tâm, Công sứ Đại sứ quán Việt Nam tại Lào đang trao tượng trưng cho Chủ tịch Hội người Việt Nam thủ đô Viêng Chăn, ông Nguyễn Văn Mùi thùng khẩu trang Chính phủ gửi cho bà con Cộng đồng. Ảnh: Phạm Kiên – Phóng viên TTXVN tại Lào
Tham dự buổi trao tặng có đại diện Tổng Hội người Việt Nam tại Lào, đại diện Hội Người Việt Nam thủ đô Viêng Chăn cùng bà con Việt kiều đang làm ăn sinh sống tại Viêng Chăn và các cán bộ, nhân viên Đại sứ quán, các cơ quan bên cạnh Đại sứ quán Việt Nam tại Lào.
Video đang HOT
Phát biểu tại sự kiện, Công sứ Đại sứ quán Việt Nam tại Lào Trịnh Thị Tâm cho biết thời gian qua, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp và đã lan rộng trên toàn cầu. Tuy nhiên, với quyết tâm của chính phủ và nhân dân, Việt Nam được đánh giá là một trong những nước kiểm soát tốt dịch bệnh này. Chính phủ Việt Nam đã gửi tặng 75.000 khẩu trang y tế cho cộng đồng người Việt Nam tại Lào để hỗ trợ bà con phòng chống dịch bệnh. Công sứ Trịnh Thị Tâm nhấn mạnh đây là món quà có ý nghĩa, thể hiện sự quan tâm và tình cảm của đất nước dành cho kiều bào ta tại Lào; luôn coi cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có cộng đồng người Việt Nam tại Lào.
Công sứ Trịnh Thị Tâm nêu rõ Việt Nam và Lào đang kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19, nhưng hiện nay, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp trên thế nên nguy cơ lây lan dịch vẫn còn rất lớn. Chính vì vậy, bà bày tỏ mong muốn món quà này được sử dụng có ý nghĩa, góp phần hỗ trợ cộng đồng người Việt Nam tại Lào tích cực trong cuộc chiến phòng chống dịch bệnh COVID-19 trong thời gian tới.
Thay mặt cộng đồng người Việt Nam tại Lào, ông Phạm Văn Hùng, Phó Chủ tịch Tổng Hội người Việt Nam tại Lào gửi lời cảm ơn chân thành đến Đảng, Nhà nước, Chính phủ cũng như người dân trong nước đã quan tâm tới cộng đồng người Việt Nam tại Lào. Ông đồng thời khẳng định đây là món quà vô cùng ý nghĩa đối với cộng đồng người Việt Nam tại Lào. Món quà này sẽ được trao đến tất cả người Việt Nam đang học tập, làm ăn và sinh sống tại Lào để phòng chống dịch bệnh COVID-19. Phó Chủ tịch Tổng Hội người Việt Nam tại Lào cho biết thời gian tới, cộng đồng người Việt Nam tại Lào sẽ cố gắng đoàn kết hơn nữa cùng kề vai, sát cánh với đồng bào trong nước vượt qua những khó khăn để phòng chống dịch bệnh COVID-19; đồng thời làm hết sức để gắn kết tình hữu nghị, đoàn kết Việt – Lào; chung tay chấp hành nghiêm luật pháp của nước bạn Lào để phòng chống dịch bệnh hiệu quả.
Tăng cường sáng kiến Hợp tác Mekong-Sông Hằng giai đoạn hậu COVID-19
Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, trong hai ngày 5-6/11, Hội đồng các vấn đề thế giới Ấn Độ (ICWA) phối hợp với Trung tâm ASEAN-Ấn Độ thuộc Trung tâm nghiên cứu và hệ thống thông tin các nước đang phát triển (RIS), New Delhi.
Tổ chức hội thảo quốc tế trực tuyến kỷ niệm 20 năm sáng kiến Hợp tác Mekong-Sông Hằng (MCG), nhằm đánh giá những thành tựu của MCG trong 2 thập kỷ qua cũng như xây dựng chiến lược tăng cường sáng kiến này trong 10 năm tiếp theo, đặc biệt là giai đoạn hậu dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Ông T A Raghavan, Tổng Giám đốc Hội đồng các vấn đề thế giới Ấn Độ (ICWA) phát biểu khai mạc hội thảo.
Hội thảo quy tụ nhiều chuyên gia, học giả uy tín, các nhà hoạch định chính sách, đại diện các tổ chức, hiệp hội xúc tiến thương mại, các doanh nghiệp Ấn Độ và các nước ASEAN. Hội thảo chia thành 6 phiên thảo luận về các chủ đề chung như quan hệ quốc tế và các vấn đề cụ thể hơn như kết nối, thương mại, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên cho thúc đẩy MCG.
Hợp tác Mekong-Sông Hằng (MCG) được khởi động năm 2000 ở Viêng Chăn, Lào trong cuộc họp cấp bộ trưởng đầu tiên của MGC, chú trọng hợp tác trong các lĩnh vực du lịch, văn hóa, giáo dục, và giao thông vận tải. Kể từ khi thiết lập, thương mại của Ấn Độ với các quốc gia tiểu vùng sông Mekong này đã tăng lên đáng kể, từ 1 tỷ USD năm 2000 lên 25 tỷ USD năm ngoái, tăng gấp 25 lần trong 2 thập kỷ. Đến nay, các lĩnh vực hợp tác đã được mở rộng và bao gồm cả y tế và y học cổ truyền, nông nghiệp và các ngành liên quan, thủy lợi, các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME), khoa học và công nghệ, phát triển kỹ năng và xây dựng năng lực.
Tuy nhiên, theo các diễn giả tại hội thảo, Ấn Độ và các nước tiểu vùng sông Mekong mặc dù có mối liên kết văn minh phong phú, song kết nối về văn hóa và các hoạt động trao đổi khác vẫn còn hạn chế. Hiện nay sáng kiến MCG đang chứng kiến những sự điều chỉnh và thích nghi cũng như những nhân tố mới trong quan hệ giữa hai bên. Các động lực hiện nay trong khu vực và môi trường quốc tế đang thay đổi nhanh chóng đang mang đến những ý tưởng mới và cả những thách thức khác nhau. Các nước MCG cần chủ động làm việc và hợp tác xây dựng để giải quyết các vấn đề cấp bách xuyên quốc gia.
Theo Bí thư Bộ Ngoại giao Ấn Độ phụ trách Phương Đông, bà Ganguly Das, đại dịch COVID-19 đã làm chao đảo cả thế giới, gây ra một cuộc khủng hoảng chưa từng có tiền lệ. Bà nhấn mạnh: "Dù đã chống COVID-19 trong nhiều tháng qua, chúng ta vẫn chưa thể nắm rõ về mức độ thiệt hại thực sự mà dịch bệnh này gây ra về người, sinh kế và kinh tế cho khu vực. Các diễn đàn như hội nghị này có thể đóng vai trò lớn trong về việc đưa ra các quyết sách và đề xuất cấp tiến nhằm chống lại những tác động tiêu cực của đại dịch và xây dựng các bước đi tiếp theo". Bà Ganguly Das cũng thông báo hiện một loạt sáng kiến hợp tác giữa hai bên hiện nay đang đạt tiến triển tốt như các Dự án Tác động Nhanh (QIP), học bổng cho sinh viên MGC tại các cơ sở của Ấn Độ, thành lập các trung tâm đào tạo và phát triển phần mềm chất lượng cao tại các nước CLMV. Bà khẳng định trung tâm tại Việt Nam sẽ sớm được hoàn thành.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Ấn Độ phụ trách Phương Đông, bà Ganguly Das phát biểu tại hội thảo.
Cũng theo bà Ganguly Das, phát triển cơ sở hạ tầng và kết nối là lĩnh vực hợp tác trọng yếu giữa Ấn Độ và các nước Mekong. Trong lĩnh vực này, Ấn Độ đã cung cấp các gói tín dụng trị giá tổng cộng 580 triệu USD cho các nước Mekong để thực hiện một loạt dự án như thủy điện, kết nối số, điện hóa nông thôn, thủy lợi, lắp đặt mạng lưới truyền tải điện và xây dựng các cơ sở giáo dục. Ấn Độ cũng đang nỗ lực để sớm đưa vào vận hành tuyến đường bộ ba bên Ấn Độ-Myanmar-Thái Lan, và cũng đang xem xét đề xuất của Lào về việc kéo dài tuyến đường này.
Vì sao một loạt quốc gia châu Á dính 'bẫy nợ' của Trung Quốc? Nhiều quốc gia châu Á đang lún sâu hơn vào "bẫy nợ", thế chấp quyền tự chủ về chính sách đối ngoại, bán các vị trí chiến lược quan trọng cho Trung Quốc. Trên Nikkei, ông Brahma Chellaney, giáo sư nghiên cứu chiến lược tại Trung tâm nghiên cứu chính sách Ấn Độ, có bài phân tích, nhận định về chính sách "bẫy...