Trào nước mắt nhớ về trận chiến Gạc Ma năm xưa
Chiều 13/3, tại Đà Nẵng, cuộc giao lưu xúc động mang tên “ Nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa” được tổ chức với rất nhiều nước mắt của các chiến sĩ và thân nhân các liệt sĩ đã chiến đấu trong trận chiến bảo vệ đảo Gạc Ma 26 năm trước…
Buổi giao lưu cũng là lễ phát động chương trình “Nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Quỹ Tấm lòng vàng của báo Lao động tổ chức, phát động quyên góp gây quỹ tri ân những quân nhân đã hy sinh trong các trận chiến bảo vệ Hoàng Sa (1974), Trường Sa (1988), để chia sẻ những mất mát, góp phần giảm bớt những khó khăn của gia đình, thân nhân của những người đã ngã xuống vì chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Đồng thời, buổi lễ cũng để vinh danh tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc về những người đã đóng góp máu xương cho Tổ quốc, những người bất tử trong lòng dân tộc.
Buổi giao lưu phát động chương trình “Nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa” vừa diễn ra tại Đà Nẵng chiều 13/3
Dự buổi giao lưu “Nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa” có sự tham dự của những người mẹ, người cha, vợ con của các chiến sỹ đã hy sinh trong trận chiến bảo vệ đảo Gạc Ma – quần đảo Trường Sa ngày 14/3/1988; cùng những cựu binh còn sống – nhân chứng cho những trang sử bi hùng của dân tộc.
Có những ngày lịch sử như ngày 14/3 của 26 năm về trước…
…đau đáu tim cha,…
…thắt lòng mẹ khi nghĩ về những người con anh dũng
Tham dự chương trình, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Đại tá Vũ Huy Lễ, nguyên thuyền trưởng HQ505 bày tỏ xúc động khi gặp lại những đồng đội cùng chứng kiến trận Hải chiến Trường Sa năm xưa như anh Lê Hữu Thảo, anh Nguyễn Minh Hiền…, và gặp gỡ thân nhân những đồng đội đã hy sinh vì chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Video đang HOT
Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Đại tá Vũ Huy Lễ (phải) xúc động gặp lại đồng đội
Dâng hoa tặng mẹ của anh hùng liệt sỹ Trần Văn Phương
Anh Vũ Xuân Khoa (26 tuổi), con trai thuyền trưởng Vũ Phi Trừ, thuyền trưởng HQ604 đã hy sinh trong trận chiến bảo vệ đảo Gạc Ma 14/3/1988, xúc động nói: “Khi bố hy sinh, tôi mới được 3 tháng tuổi. Nghe mẹ kể, trước chuyến đi định mệnh, bố về quê có hứa sẽ đưa hai mẹ con vào Cam Ranh định cư cùng bố. Thế nhưng, không ngờ đó là chuyến đi mãi mãi của bố. Từng được đặt chân trên hòn đảo nơi bố hy sinh, tôi như chứng kiến hình ảnh của bố trước phút chiến đấu quả cảm. Tôi tự hào về bố”……
Anh Vũ Xuân Khoa, con trai thuyền trưởng Vũ Phi Trừ tự hào về bố
Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Đại tá Vũ Huy Lễ nhắn nhủ đến thế hệ trẻ: “Tuổi trẻ của cha anh đã sẵn sàng hy sinh để tuổi trẻ hôm nay được học tập, công tác và lao động. Nên người trẻ hôm nay phải phấn đấu sống sao để đóng góp sức mình cho đất nước, đền đáp công ơn của bao lớp người đi trước đã hy sinh cho hòa bình hôm nay”.
Chương trình “Nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa” công bố đã vận động được gần 1,2 tỷ đồng ngay sau buổi phát động chương trình trong chiều 13/3.
Khánh Hiền
Theo Dantri
'Vòng tròn bất tử' không bao giờ bị lãng quên
Nhiệm vụ còn dang dở của các anh sẽ được các thế hệ nối tiếp thực hiện trong những điều kiện mới, để "Vòng tròn bất tử" không bao giờ bị lãng quên...
Trò chuyện với Tuần Việt Nam khi đang ở Đà Nẵng tối 12/3, chuẩn bị tham gia chương trình "Nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa", cựu binh Lê Hữu Thảo, người tham gia chỉ huy việc cắm cờ Tổ quốc trên đảo Gạc Ma chia sẻ, anh và đồng đội rất vui mừng, phấn khởi trước sự kiện này.
"Đó là sự tri ân, thể hiện tình cảm đạo lý uống nước nhớ nguồn, là sự động viên với thân nhân những liệt sĩ đã hi sinh cho Tổ quốc", anh Thảo chia sẻ.
Cựu binh Lê Hữu Thảo (trái) xúc động tại Chương trình Nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa ngày 13/3/2014. Ảnh: TPO
Mỗi năm dịp tháng 3 về, anh Thảo lại tất bật chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ với những người đồng đội cũ, từng tham gia trận Hải chiến Gạc Ma năm nào. Các cựu binh trong trận Hải chiến còn sống trở về ngày đó, giờ ai cũng bận bịu mưu sinh. Gia đình các anh và các liệt sĩ hiện nay hầu như đều có những hoàn cảnh, điều kiện khó khăn khác nhau.
Những người lính xưa, nhiều năm nay, dù có khi chỉ là một nhóm nhỏ giữ được liên lạc với nhau, thì vào dịp này, vẫn tổ chức gặp mặt, cùng nhau thắp hương, ôn lại ký ức xưa, hỏi han hoàn cảnh cuộc sống hiện tại.
"Năm nay, tôi không ngừng liên lạc, động viên tất cả anh em, những ai được mời bằng mọi giá cố gắng bố trí để vào Đà Nẵng tham gia buổi gặp mặt. Tâm trạng chung của mọi người là rất phấn khởi, và đều cho biết, sẽ gắng hết sức để tham dự cho được chương trình lần này", anh Thảo nói.
Người cựu binh Trường Sa bồi hồi, đây là năm thứ 2 chương trình tưởng niệm Hải chiến Trường Sa 1988 được tổ chức. Năm ngoái, phạm vi sự kiện hẹp hơn, song vẫn tạo ra tiếng vang và dấu ấn đáng kể.
"Rất hi vọng năm nay chương trình của Tổng liên đoàn Lao động tổ chức có quy mô lớn sẽ càng tạo được sức lan tỏa rộng rãi. Bởi đây là một hành động tri ân rất xứng đáng với tầm vóc lịch sử của sự kiện", anh Thảo tâm sự.
Trong tâm nguyện những người lính như anh Thảo, tham gia trận chiến 26 năm về trước là việc làm của những người con nước Việt luôn đặt Tổ quốc trong tim mình. Các anh và thân nhân những người lính đã hi sinh tính mạng, xương máu cho đất nước chưa bao giờ nghĩ đến sự đền đáp. Bởi, tri ân hay hỗ trợ bao nhiêu mới là đủ cho những mất mát, đau thương đó.
"Tiền bạc, vật chất có lẽ chỉ là thứ nhất thời, trước mắt. Có những giá trị sẽ tồn tại lâu bền, trường tồn hơn nữa, và là điều chúng tôi mong mỏi nhiều hơn cả. Đó là, sự kiện lịch sử này được đưa vào SGK giảng dạy trong nhà trường, đi vào những bài thơ, câu hát... để thế hệ trẻ ghi nhớ và trân trọng".
Trước mắt, theo anh Thảo, lời kêu gọi huy động xây dựng đền tưởng niệm 64 anh hùng Gạc Ma là một hành động rất ý nghĩa. Đây không chỉ là sự tri ân với những người đã ngã xuống, cống hiến phần máu thịt cho đất nước, mà còn là một thông điệp cho đồng bào, nhất là với lớp trẻ.
"Thể chế, giai đoạn lịch sử nào cũng cần lòng yêu nước, sự đoàn kết, vì vậy đều cần ghi nhận những người đã hi sinh, cống hiến cho đất nước, dân tộc. Có như vậy, lớp trẻ mới có định hướng để phấn đấu, học tập".
Câu chuyện của những cựu binh như anh Lê Hữu Thảo kéo chúng ta về ký ức của 26 năm về trước, Trung Quốc đưa quân ra chiếm bãi đá Cô Lin, Len Đao và Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa. Những người lính công binh Việt Nam khi đó đang làm nhiệm vụ xây dựng các công trình trên quần đảo Trường Sa đã phải đối mặt với lực lượng vũ trang của Trung Quốc. Họ đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng bảo vệ đảo, giữ ngọn cờ Tổ quốc.
Thả vòng hoa tưởng niệm các liệt sĩ hi sinh tại Gạc Ma. Ảnh: T.T.D/ Tuổi trẻ
Tại Gạc Ma, các chiến sĩ công binh hải quân kết thành một vòng tròn xung quanh lá cờ Tổ quốc. Hình ảnh thiếu úy liệt sĩ Trần Văn Phương ngã xuống khi giành giật lá cờ Tổ quốc, và Anh hùng Quân đội Nguyễn Văn Lanh tay không chiến đấu để bảo vệ cờ, đã trở thành biểu tượng anh dũng trong công cuộc giữ gìn chủ quyền đất nước.
Máu của 64 liệt sĩ Trường Sa nhuộm đỏ nước biển Đông, nhưng những người anh hùng đó đã làm nên " Vòng tròn bất tử" cho chủ quyền biển đảo Tổ quốc trường tồn.
Giờ đây, những đồng đội của các liệt sĩ Trường Sa, người còn, người mất song ký ức vẫn đậm và ý chí vẫn vững chắc như xưa. Từng là nhân chứng cho một sự kiện lịch sử đau thương trong quá khứ, nay họ trở về với công việc thường ngày, cần mẫn đổ mồ hôi trên mảnh đất quê hương để lao động kiếm sống.
Con của các liệt sĩ Trường Sa năm xưa nay đã trưởng thành. Con gái anh hùng liệt sĩ Trần Văn Phương đã là cán bộ của huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa)... Họ luôn gắng hoàn thành nhiệm vụ như tâm nguyện của cha mình để lại.
Những đồng đội, những người con và tất cả Tổ quốc, nhân dân Việt Nam không quên các anh hùng liệt sĩ Trường Sa. Nhiệm vụ còn dang dở của các anh sẽ được các thế hệ nối tiếp thực hiện trong những điều kiện mới, để "Vòng tròn bất tử" không bao giờ bị lãng quên...
Nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa là chương trình do Tổng liên đoàn Lao động VN vừa phát động. Mục đích của chương trình là vận động các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước ủng hộ nguồn lực xây đền tưởng niệm 64 chiến sĩ Hải quân nhân dân VN hi sinh trong trận Gạc Ma (14-3-1988), hỗ trợ gia đình của những người đã hi sinh trong hai trận chiến bảo vệ Hoàng Sa (1974) và Gạc Ma thuộc Trường Sa (1988). Vị trí xây đền dự kiến tại khoảnh đất từ sân bay Cam Ranh về Nha Trang, Khánh Hòa. Đây là vị trí nhìn ra biển Đông, nhìn ra Gạc Ma. Dự kiến, ngày 14/3, lễ phát động kêu gọi ủng hộ chương trình sẽ được tổ chức tại TP Đà Nẵng.
Mời độc giả đọc lại những bài viết về Hải chiến Trường Sa 1988 do nhà báo Hoàng Hường thực hiện năm 2011: Gặp những người lính trong trận hải chiến Trường Sa 1988 Chúng tôi tìm về tỉnh Quảng Bình, nơi tập trung nhiều cựu chiến binh tham gia vào trận đánh bi hùng này. Họ là những người trực tiếp chiến đấu cùng anh Phương và anh Lanh, và trên chuyến tàu HQ-604 anh hùng, để được nghe tường tận hơn những câu chuyện rơi nước mắt chưa từng được biết đến. Hải chiến 1988: bất tử trên đảo Gạc Ma (KỲ 2) Trong ký ức của anh Lê Thanh Miễn và Lê Văn Dũng, thuộc nhóm chiến sĩ chiến đấu trên đảo Gạc Ma, trận chiến dường như mới xảy ra hôm qua. Tưởng như hai anh mới vừa chứng kiến cảnh đồng đội là Trần Văn Phương và Nguyễn Văn Lanh tay không giành giật lá cờ tổ quốc với lính hải quân Trung Quốc, được vũ trang tận răng. Hải chiến Trường Sa 1988: cá mập (KỲ 3) Đạn pháo hay AK của Trung Quốc vẫn chưa phải đã hết. Các chiến sĩ còn phải đối diện với một điều khủng khiếp khác: cá mập. Hải chiến Trường Sa 1988: nhà tù Trung Quốc (KỲ 4) Tàu đi 3 ngày đêm đến đảo Hải Nam, Trung Quốc. Cả nhóm bị bịt mắt đưa đến một nơi khác. Hơn một ngày đêm sau các anh được biết mình đang ở bệnh viện. Tất cả được đưa vào thay quần áo và cân rồi lên bàn mổ.
Mời độc giả ghé thăm và đóng góp ý kiến cho Fanpage của Tuần Việt Nam.
Theo_VietNamNet
Một nén nhang tri ân 64 liệt sĩ Gạc Ma "Chúng tôi, những người lính trở về vẫn đau đáu về sự hi sinh của đồng đội. Một tượng đài không chỉ làm mãn nguyện hương hồn liệt sĩ, mà để con cháu mai sau biết xương máu anh hùng thế hệ trước", máy trưởng tàu HQ605 trận Gạc Ma 1988, Uông Xuân Thọ tâm sự. Còn nhiều lời cảm động khác nữa...