Trào lưu phim, MV cổ trang: Có cần phục dựng chính xác 100%?
Những tác phẩm lấy đề tài lịch sử cần chú ý tôn trọng sự thật; trong đó bao gồm sự chính xác ở mức tối đa khi phục dựng cổ phục, tạo hình các nhân vật lịch sử.
Người trẻ ngày càng quan tâm tới cổ phục, áo dài truyền thống, đây là một dấu hiệu tốt. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam )
Hàng loạt dự án phim cổ trang, từ truyền hình như “ Phượng Khấu” cho tới điện ảnh như “ Quỳnh hoa nhất dạ,” đã và đang trong quá trình sản xuất, nối đuôi nhau lên sóng. Không chỉ lĩnh vực phim ảnh, những video ca nhạc (music video – MV) cổ trang được dàn dựng công phu như “ Không thể cùng nhau suốt kiếp” (ca sỹ Hoà Minzy) hay “Tự tâm” ( Nguyễn Trần Trung Quân) cũng gây được nhiều chú ý của khán giả trong nước lẫn quốc tế. Đáng chú ý, mạng xã hội vừa qua cũng xôn xao với ý tưởng mặc cổ phục đi làm của công chức Huế…
Có thể nói, chưa bao giờ các dự án nghệ thuật có hơi hướng cổ trang lại nhận được nhiều sự chú ý như hiện nay. Đây được coi là một dấu hiệu tốt khi những giá trị lịch sử, văn hóa đang trở nên gần gũi hơn, gợi sự tự hào ở người trẻ ngày nay. Tuy nhiên, những vấn đề về tính chính xác của sự kiện, nhân vật lịch sử là yếu tố cần phải chú ý hàng đầu.
Chính sử hay huyền sử?
Theo Tiến sỹ Trần Đức Nhuệ, Viện phó phụ trách Viện Sử học, chính sử là thể loại tác phẩm lấy nguyên liệu hoàn toàn theo các sự kiện, nhân vật lịch sử trong các bộ sử chính thống của nhà nước.
Ngược lại, huyền sử hay dã sử nói đến thể loại tác phẩm nghệ thuật lấy cảm hứng từ sự kiện, nhân vật lịch sử, có thêm những yếu tố sáng tạo, hư cấu, huyền ảo.
Tạo hình của diễn viên Hồng Đào trong vai Thái hậu Từ Dũ, phim “Phượng Khấu” (Nguồn: Đoàn làm phim)
Với tư cách là người chịu trách nhiệm phục trang cho phim “Phượng Khấu” (đạo diễn Huỳnh Anh Tuấn) – phim thuộc thể loại “cung đấu,” xoay quanh cuộc đời của Hoàng hậu Từ Dũ, mẹ ruột của Vua Tự Đức thời nhà Nguyễn – anh Nguyễn Đức Lộc cho biết đây là một trào lưu đáng mừng. Bởi, “người trẻ phải mang trên mình sắc áo cha ông mới kiêu hãnh được,” như anh từng tâm sự với báo VietnamPlus.
Cũng chính Lộc và Công ty Ỷ Vân Hiên của anh là đơn vị cung cấp trang phục để ca sỹ Hoà Minzy thực hiện MV “Không thể cùng nhau suốt kiếp,” kể lại câu chuyện về một vị hoàng hậu khác của thời nhà Nguyễn là Nam Phương Hoàng Hậu.
Cả hai dự án này đều được các nhà nghiên cứu lịch sử đánh giá cao vì trang phục triều đại phong kiến cuối cùng trong lịch sử Việt Nam đã được nhóm Ỷ Vân Hiên phục dựng công phu. Lộc không dám nói là chính xác 100%, nhưng “tiệm cận nhất có thể” so với trang phục lịch sử của thời đại cách đây hàng trăm năm.
Nguyễn Đức Lộc (trái) không chỉ nghiên cứu mà còn trực tiếp tham gia thiết kế nhiều cổ phục Việt Nam. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam )
Tuy nhiên, một dự án cổ trang khác thì lại nhận được ý kiến trái chiều ngay từ khi nhà sản xuất mới tung ra hình ảnh sáng tạo ban đầu của dự án, là phim “Quỳnh hoa nhất dạ,” nói về vị Thái Hậu họ Dương, hay các tác phẩm nghệ thuật ngày nay gọi bà với cái tên “Dương Vân Nga.”
Trang phục của nhà thiết kế Thuỷ Nguyễn may cho diễn viên-người mẫu Thanh Hằng đã nhận được phản hồi cho rằng bộ phượng bào có nét “hao hao” giống trang phục của nhà Thanh bên Trung Quốc. Mà trang phục trong hậu cung nhà Thanh thì đã vô cùng quen thuộc với khán giả Việt Nam qua hàng chục bộ phim dã sử ăn khách chiếu trên truyền hình, gần nhất là sê-ri được nhiều khán giả Việt yêu thích “Diên hi công lược.”
Dương Thái Hậu là từng hoàng hậu của hai vị Hoàng đế thời kỳ đầu lập quốc, Đinh Tiên Hoàng và Lê Đại Hành – thời kỳ cách đây đã hơn 1000 năm. Chính vì vậy, việc phục dựng trang phục sao cho “tiệm cận nhất” là rất khó.
Nhà sản xuất của “Quỳnh hoa nhất dạ” cho biết đã tìm tư liệu lịch sử, nghe tư vấn từ các nhà văn hoá về thời kỳ Đinh-Tiền Lê, nhưng tiếc là không còn tư liệu. Vì thế, đội ngũ làm phim của đạo diễn Lý Minh Thắng quyết định làm phim huyền sử, sáng tạo nhiều về trang phục và thiết kế mỹ thuật.
Nhà thiết kế Thuỷ Nguyễn, người thực hiện bộ phượng bào cho biết đã có sự nghiên cứu kỹ lưỡng, nhưng cũng xác nhận phần nút áo (khấu áo) “được làm theo hơi hướng của các triều đại về sau.” Bộ phượng bào cần tới 6 tháng để hoàn thành, với hơn 1000 giờ để may vá, thêu dệt sao cho các họa tiết và màu sắc giữa từng lớp trang phục phải kết hợp hài hòa, chuẩn xác và thực sự đẹp mắt…
Cần tham khảo kỹ lưỡng
Tiến sỹ Trần Đức Nhuệ, Viện phó phụ trách Viện Sử học, cho rằng áo mũ của cha ông ta chịu nhiều ảnh hưởng từ văn hóa Trung Quốc là chuyện bình thường. “Việt Nam học hỏi từ Trung Hoa sự sắp xếp trong triều đình, lễ nghi tế tự, luật pháp, áo mũ… Chúng ta có những sự sáng tạo riêng nhưng không nhiều, rất ít thôi. Áo mũ triều Lý cũng học theo triều Tống, triều Đường của Trung Quốc, triều Trần cũng chỉ học theo Tống, Đường.”
Tuy nhiên, một chuyên gia hàng đầu về lịch sử Việt Nam thời cổ trung đại cho rằng người làm phim lịch sử cần có sự tham khảo, nghiên cứu kỹ lưỡng, đặc biệt nên tham khảo cuốn “Lễ nghi chí,” thuộc bộ “Lịch triều hiến chương loại chí” (PV: Bộ Bách khoa toàn thư đầu tiên của Việt Nam, nghĩa là “Phép tắc các triều đại chép theo thể phân loại”) của Phan Huy Chú.
Cũng là một nhà thiết kế và nghiên cứu về cổ phục, anh Nguyễn Đức Lộc đánh giá cao kỹ thuật mà nhà thiết kế Thủy Nguyễn dùng cho chiếc phượng bào của Thái Hậu Dương Vân Nga: “Khi thấy bộ Phượng bào, tôi rất thích màu sắc của nó, chất liệu rất đẹp, những họa tiết thêu cũng như chế tác trên áo đều rất tinh xảo, kỹ và vô cùng bắt mắt khi lên hình.”
Nhà thiết kế Thủy Nguyễn cho biết chị có thêm những sáng tạo, quyết định riêng trong thiết kế bộ phượng bào của Dương Thái Hậu. (Ảnh: Nhà phát hành)
“Tuy nhiên, yếu tố về văn hóa lịch sử chưa được đề cao trên bộ trang phục đó. Vậy nên, mọi người hãy cứ đón nhận nó với những tâm thế cởi mở nhất và coi nó như một sản phẩm giải trí thôi,” Lộc đưa ra nhận xét.
Không có sử sách ghi nhận tên “Dương Vân Nga”
Theo Tiến sỹ Trần Đức Nhuệ, cả đoàn làm phim lẫn khán giả, cần có hiểu biết đúng về các nhân vật lịch sử. “Trên thực tế thì chưa có ai, hay sử sách nào chứng thực rằng tên thật của nhân vật lịch sử này là Dương Vân Nga.
Dù vậy, từ trước đến nay đã có rất nhiều vở kịch, cải lương vẫn lấy tên “Thái hậu Dương Vân Nga” hoặc “Hoàng hậu Dương Vân Nga,” do nhiều nghệ sỹ như mẹ con nghệ sĩ Kim Ngân-Nghệ sỹ Ưu tú Kim Ngọc, Nghệ sỹ Nhân dân Bạch Tuyết, Nghệ sỹ Nhân dân Ngọc Giàu, Nghệ sỹ Ưu tú Hồng Vân hay cả Nghệ sỹ Ưu tú Hoài Linh… thủ vai. Điều này vô tình làm cho ngày càng nhiều người biết đến Dương Thái hậu qua cái tên chưa được chứng thực bởi chính sử.
“Nếu gọi bà là ‘Dương Hậu’ thì chúng ta sẽ biết đó là gọi với tư cách vợ vua – trước là vợ của Đinh Tiên Hoàng, sau là vợ của Lê Đại Hành. Danh xưng Đại Thắng Minh Hoàng Hậu là do vua Đinh Tiên Hoàng phong cho bà. Cuối cùng, khi gọi là Dương Thái Hậu, ta nhắc đến bà với tư cách là mẹ của vua Đinh Toàn.
“Theo tôi, không nên gọi theo tên ‘Dương Vân Nga’ bởi đó chỉ là cách gọi cho những sáng tác sau này, hoặc theo các thuyết, giai thoại chưa được kiểm chứng. Đứng ở góc độ lịch sử thì nên gọi là Dương Thái Hậu,” Tiến sỹ Trần Đức Nhuệ nêu ý kiến./.
5 phim cổ trang Việt đầu tư trang phục đẹp mãn nhãn
Không chỉ đầu tư về nội dung, những bộ trang phục cổ trang trong phim cũng đã gây ấn tượng với khán giả.
"Thiên mệnh anh hùng" là một trong những bộ phim dã sử gây nhiều tiếng vang nhất của điện ảnh Việt. Bộ phim được chăm chút đầu tư về mặt bối cảnh, võ thuật, phục trang. Nhiều khán giả đã nhận xét đây là phim khiến người xem đã mắt.
Hình ảnh của các diễn viên đều có tạo hình phù hợp. Midu đảm nhận vai chính, trang phục cô mặc trong phim là áo yếm, trang phục tứ thân cổ truyền rất giản dị, toát lên vẻ đẹp nền nã đoan trang của thiếu nữ thời xưa.
Vân Trang vào vai Tuyên Từ Thái hậu, cô được khoác trên mình những bộ cánh uy quyền được thể hiện qua trang phục vàng vô cùng lộng lẫy. Trong thời điểm ra mắt, trang phục từng bị chỉ trích là quá giống với trang phục Hoàng hậu Trung Hoa
"Mỹ nhân kế" có thành công vang dội về mặt thương mại. Lấy bối cảnh tửu điếm với các kỹ nữ nên bộ phim sử dụng tạo hình vô cùng gợi cảm, sexy. Thanh Hằng và Tăng Thanh Hà là nữ chính của phim
Tạo hình của ngọc nữ Hà Tăng trong phim "Mỹ nhân kế" với những bộ trang phục lấy nền tảng từ áo yếm, váy đụp truyền thống nhưng được cách tân thêm sành điệu.
Thanh Hằng mạnh mẽ trong" Mỹ nhân kế". Thiết kế áo yếm khoét sâu và váy xẻ tà khoe trọn thân hình quyến rũ của dàn mỹ nhân trong phim nhưng cũng phải nhận không ít ý kiến trái chiều.
"Phượng Khấu" được xem là tác phẩm cung đấu dài tập đầu tiên của Việt Nam. Trong phim sử dụng cổ phục chuẩn xác nhất so với thời Nguyễn tính đến hiện tại.
Phim gặp không ít ý kiến trái chiều về diễn xuất, bối cảnh cũng như nhiều "lùm xùm" ngoài lề khác xoay quanh ekip, nhưng không thể phủ nhận trang phục của phim khiến khán giả không rời mắt. Trang phục lên ngôi Hoàng đế của Thiệu Trị do NSƯT Thành Lộc đảm nhận làm nhiều người mê mẩn
Các trang phục của phi tần trong "Phượng Khấu" cũng sử dụng các dạng thức áo ngũ thân, áo tất với kiểu dáng và hoa văn tương đối chuẩn xác của triều Nguyễn. Theo ekip, tổng kinh phí đầu tư riêng cho phần trang phục của phim lên đến 5 tỷ đồng.
"Tấm Cám : chuyện chưa kể" là một bộ phim lấy bối cảnh nước Đại Việt, còn lại mọi thứ từ nhân vật, cốt truyện đến thiết kế sản xuất đều là hư cấu.
Bộ triều phục của nhân vật Thái tử (Isaac) khi lên ngôi hoàng đế được đánh giá cao. Về hoạ tiết và kiểu dáng, có thể thấy có sự tham khảo nhất định từ triều phục của hoàng đế nhà Lê về màu sắc, hoa văn rồng ổ ở trước ngực và hai vai. Chiếc mũ đội đầu cũng được chế tác tỉ mỉ dựa trên hiện vật mũ Xung Thiên triều Nguyễn
Các nhân vật khác trong phim như Ngô Thanh Vân, Hạ Vi, Ninh Dương Lan Ngọc đều khoác áo đối khâm bên ngoài, bên trong phần lớn là áo tứ thân.
"Quỳnh Hoa Nhất Dạ" là bộ phim do Thanh Hằng đóng vai chính và là nhà sản xuất đang nhận được sự quan tâm của khán giả. Bộ phim sẽ lấy bối cảnh thời Đinh - Tiền Lê. Những hình ảnh đầu tiên về trang phục khi được công bố đã khiến khán giả trầm trồ về độ hoành tráng và kì công
Tuy nhiên có một bộ phục trang gây tranh cãi do có hơi hướng của tộc Mãn Châu, Trung Quốc. NTK trang phục của phim cũng đã lên tiếng và tiếp thu những ý kiến đóng góp của mọi người.
Đặc biệt trong loạt hình ảnh về trang phục của phim, chiếc áo giao lĩnh màu trắng viền hồng được đông đảo khán giả yêu thích. Tuy chỉ là lớp áo lót bên trong nhưng chính sự đơn giản ở màu sắc và kiểu dáng lại tạo nên ấn tượng mạnh.
2sao.vn | Photobook
Nhà sản xuất tuyên bố: Phượng Khấu không hề 'flop' như tin đồn! Dù phần đầu tiên của 'Phượng Khấu' chỉ vừa khép lại cách đây chưa lâu, thế nhưng nhà sản xuất đã tuyên bố chắc nịch mùa 2 đang trong quá trình chuẩn bị với hàng loạt những bất ngờ mới. Là dự án cung đấu đầu tiên thuần Việt Nam, phim Phượng Khấu ngay từ thời điểm công bố thực hiện đã gây...