Trào lưu mới, quý cô độc thân gửi trứng để dành
Không chỉ có quý ông gửi tinh trùng, nhiều quý cô độc thân, nhiều cặp vợ chồng cũng đến trung tâm hỗ trợ sinh sản gửi trứng… để dành.
XEM VIDEO BƠM TINH TRÙNG VÀO TRỨNG
Phụ nữ Việt Nam gửi trứng muộn
Thúy Lan vừa bước sang tuổi 32, cô khoe mới đây đã đến BV phụ sản TƯ tại Hà Nội để trữ trứng phòng trường hợp sau này nhiều tuổi, buồng trứng hoặc chất lượng trứng gặp vấn đề không thể sinh con.
“Mình không có ý định lập gia đình, chỉ định làm single mom nhưng bây giờ còn trẻ, phần vì muốn tiếp tục cho sự nghiệp, đi du lịch, phần chưa gặp được đối tác ưng ý nên muốn trữ trứng để dành”, Lan chia sẻ.
35 tuổi, làm trong lĩnh vực ngân hàng, thu nhập ổn định nên Lan Anh cũng chia sẻ không muốn kết hôn vì sợ cuộc sống hôn nhân nhiều ràng buộc. Cô quen với lối sống phóng khoáng, tự do, hàng năm đi du lịch 1-2 nước nên nên dự định 40 tuổi mới làm single mom.
“Phụ nữ nào cũng muốn được làm mẹ nên khi mình chưa tìm được người đàn ông phù hợp thì nên trữ trứng để đợi, không nên làm lỡ cơ hội của chính mình vì mình biết, tuổi càng cao chất lượng trứng sẽ càng giảm”, Lan Anh cho biết ngay tháng này sẽ đến BV ĐH Y để trữ trứng vì đã tìm hiểu khá kĩ và quy trình, thủ tục.
PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà, Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản và công nghệ mô ghép, BV Đại học Y Hà Nội cho biết, hiện cả nước có trên 25 trung tâm hỗ trợ sinh sản, tất cả những nơi này đều có thể lưu trữ tinh trùng, trứng, phôi để hỗ trợ sinh sản.
Bình ni-tơ lỏng để lưu trữ tinh trùng, trứng, phôi tại trung tâm hỗ trợ sinh sản, BV Đại học Y Hà Nội
Trước đây, việc lưu trữ trứng không quá phổ biến, thường chỉ áp dụng cho các cặp vợ chồng hiếm muộn, tuy nhiên trong vài năm gần đây, số chị em phụ nữ có như cầu trữ trứng vì muốn trì hoãn lập gia đình, trì hoãn có con, để dành phòng trường hợp rủi ro… ngày càng tăng. Một số ít trường hợp trữ trứng trước khi điều trị nội tiết hoặc mắc ung thư vú, ung thư buồng trứng.
PGS Hà cho biết, ngay tại trung tâm hiện cũng đang lưu trữ hơn 30 mẫu trứng, trong đó chủ yếu là các trường hợp quý cô độc thân muốn làm single mom nhưng chưa tìm được đối tác, sợ sau này hết trứng, một số là các cặp vợ chồng có con rồi nhưng muốn để dành… phòng trừ trường hợp bất trắc hoặc khi về già muốn sinh con thêm và cũng có trường hợp bị suy buồng trứng.
“Tuy nhiên đáng tiếc, độ tuổi trung bình khi gửi trứng tại Việt Nam hơi già, phổ biến 35-40 tuổi, trong khi chất lượng trứng tốt nhất cần lấy trước 35 tuổi”, PGS Hà thông tin.
Theo các nghiên cứu, sau tuổi 25, buồng trứng bắt đầu suy giảm số lượng và chất lượng. Sau 30 tuổi khả năng sinh sản giảm dần và sau 35 tuổi bắt đầu giảm nhanh, lúc này chất lượng trứng cũng bắt đầu suy giảm.
Chi phí đắt gấp nhiều lần trữ tinh trùng
So với gửi và lưu trữ tinh trùng, việc trữ trứng đông lạnh phức tạp và tốn nhiều thời gian hơn rất nhiều.
Thông thường những phụ nữ muốn lưu trữ trứng phải được xét nghiệm các bệnh lây truyền qua đường tình dục, khám âm đạo, phải được siêu âm theo dõi noãn. Sau đó, người muốn lưu trữ trứng sẽ phải tiêm/uống thuốc kích thích buồng trứng để rụng nhiều quả một lúc, theo dõi sự phát triển của noãn bằng siêu âm.
Tuy nhiên TS Hà cho biết, tuổi buồng trứng không phải khi nào cũng tương đồng với tuổi sinh học, nhiều trường hợp kích thích 4-5 chu kỳ vẫn không được quả trứng nào, khi đó các bác sĩ khuyên nên dừng lại. Lại có trường hợp may mắn, kích thích 1 lần nhưng được nhiều quả, nhiều nhất là 20 quả.
Do việc chọc hút trứng gây đau nên thường bệnh nhân sẽ được gây mê. Sau khi hút, trứng sẽ được ủ trong thời gian nhất định, sau đó tách các tế bào nang ra khỏi trứng trước khi trữ đông trong ni-tơ lỏng ở -196 độ C.
Quá trình bơm tinh trùng vào trứng để làm thụ tinh ống nghiệm
“Về lý thuyết, trứng cũng như phôi, tinh trùng có thể bảo quản nhiều chục năm nhưng thực tế vẫn có một tỉ lệ rất nhỏ trứng sau đông lạnh bị “đơ”, không thể thụ tinh được”, PGS Hà chia sẻ.
Theo TS Hà, chi phí kích trứng cũng là khoản tốn kém nhất trong quá trình trữ trứng, thường mất vài chục triệu đồng do thuốc đắt, chi phí chọc hút trứng khoảng 10 triệu đồng, đông trứng mất thêm 7-8 triệu, phí bảo quản năm đầu tiên là 3 triệu, từ năm thứ 2 giảm còn 1,7 triệu.
Trong khi đó chi phí gửi tinh trùng tại Việt Nam rất rẻ. Trong năm đầu tiên, bệnh nhân phải trả 3 triệu đồng cho tổng số 6 tube bảo quản, do mất thêm chi phí chất bảo quản lạnh để tinh trùng không sốc với nhiệt lạnh. Còn từ những năm sau, mỗi mẫu chỉ mất khoảng 1,7 triệu đồng (4.600 đồng/ngày) chi phí cho tiền tiêu hao ni-tơ lỏng.
Thúy Hạnh
Theo vietnamnet
Điều gì đang xảy ra ở các ngân hàng tinh trùng tại Việt Nam?
Việt Nam có trên 25 trung tâm hỗ trợ sinh sản nhưng số người đến hiến tinh trùng cực kỳ ít.
Theo nghiên cứu, Việt Nam có gần 8% các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ bị vô sinh, tương đương khoảng 1 triệu cặp.
Cách đây 10 năm, mỗi ngày Trung tâm hỗ trợ sinh sản quốc gia, BV Phụ sản TƯ chỉ tiếp nhận 2-3 cặp vợ chồng đến khám vì vô sinh, hiếm muộn nhưng nay con số này đã gấp gần 20 lần. Đó cũng là lý do thị trường chợ đen "con giống" ngày càng tấp nập dù nước ta có trên 25 trung tâm hỗ trợ sinh sản.
Hiến nhỏ giọt, yêu cầu "1 đổi 1"
TS.BS Hồ Sỹ Hùng, Phó giám đốc Trung tâm hỗ trợ sinh sản quốc gia nêu thực tế, nhiều năm nay, lượng dự trữ tinh trùng ở ngân hàng của trung tâm rất hạn chế.
Trung bình mỗi tháng, trung tâm chỉ tiếp nhận 3-4 người đến hiến tinh trùng, tổng từ đầu năm đến nay mới có trên 30 người. Tuy nhiên loại trừ các yếu tố như quá tuổi, chất lượng tinh trùng không tốt, mắc bệnh... thì số mẫu đảm bảo yêu cầu còn rất ít.
Theo TS Hùng, đây là tình trạng chung của tất cả các trung tâm hỗ trợ sinh sản trong nước chứ không riêng cơ sở nào.
Tinh trùng của người hiến sẽ được bảo quản trong các bình nito lỏng ở nhiệt độ -196 độ C
Để đảm bảo số mẫu nhất định trong ngân hàng, trung tâm yêu cầu cặp vợ chồng nào muốn xin mẫu tinh trùng phải thuyết phục bạn bè, người thân đến hiến, đảm bảo 1 đổi 1.
Câu chuyện 1 đổi 1 cũng từng được Trung tâm Hỗ trợ sinh sản và công nghệ mô ghép, BV Đại học Y Hà Nội áp dụng do số quý ông đến hiến "con giống" quá thấp, không đủ nhu cầu.
PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà, Phó giám đốc Trung tâm cho biết, tính tổng 3 năm qua mới có gần 200 người đến hiến, còn hiện tại trong ngân hàng của trung tâm chỉ còn hơn 40 mẫu.
Gần đây, nhờ truyền thông vận động tốt trong trường ĐH Y Hà Nội nên ngày càng có thêm nhiều sinh viên nam đến hiến tinh trùng, do đó yêu cầu 1 đổi 1 đang tạm thời được gỡ bỏ.
PGS Hà cho rằng, nguyên nhân quan trọng nhất khiến nhiều quý ông e dè không muốn hiến tinh trùng là do quan niệm văn hoá.
"Ở các nước phát triển, mỗi ngân hàng tinh trùng có đến vài nghìn mẫu. Mỗi mẫu đảm bảo nguyên tắc vô danh nhưng đều được ghi lại các đặc điểm để người có nhu cầu có thể chọn đối tượng phù hợp theo ý muốn. Còn ở Việt Nam, do quá ít nên phải chọn mẫu ngẫu nhiên", PGS Hà thông tin.
Thay vì phải bỏ chi phí 10-25 triệu để mua tinh trùng ngoài chợ đen, các cặp vợ chồng hiếm muộn khi đến nhận "con giống" tại các ngân hàng chỉ phải trả chi phí bảo quản vài triệu đồng.
Không lo nguy cơ anh em kết hôn với nhau
Theo Nghị định 12 của Chính phủ về sinh con theo phương pháp khoa học, tất cả những người hiến tinh trùng đều trên tinh thần tự nguyện, không nhận bất kỳ một khoản chi phí nào. Độ tuổi hiến theo quy định là từ 22 - 55 tuổi, đủ điều kiện về sức khỏe, tâm thần. Trường hợp đã có vợ, phải được sự đồng ý của vợ.
Cũng theo quy định, mỗi người chỉ được hiến duy nhất 1 lần, đồng thời tinh trùng của người cho chỉ được sử dụng cho 1 bệnh nhân. Trường hợp bệnh nhân đầu tiên không có thai, mẫu tinh trùng mới được chuyển bệnh nhân khác.
Theo PGS Hà, quy định của Việt Nam như hiện tại đã khá chặt chẽ, vì tại nhiều nước Bắc Âu hiện còn cho phép 1 người hiến tinh trùng đến 6 lần.
"Với một đất nước có hơn 90 triệu dân như Việt Nam, nguy cơ anh em cùng bố kết hôn với nhau gần như là bằng 0", PGS Hà giải đáp lo lắng.
Khác với "con giống" tại chợ đen, quy trình hiến tinh trùng tại các trung tâm hỗ trợ sinh sản đảm bảo lọc bỏ gần như tuyệt đối các trường hợp nhiễm bệnh.
Một mẫu tinh trùng chỉ được sử dụng sau 2 vòng xét nghiệm các bệnh truyền nhiễm
Người hiến sẽ được lấy máu, sàng lọc các bệnh truyền nhiễm HIV, viêm gan B, C... trước khi lấy tinh trùng.
Mẫu này sau đó phải để ly giải một thời gian, đưa vào thiết bị để đánh giá chất lượng tinh dịch xem có đủ chuẩn không. Bước kế tiếp sẽ trộn chất bảo quản vào cùng tinh trùng, cho vào máy hạ nhiệt độ dần dần khi tới -196 độ sẽ bỏ vào nito lỏng để bảo quản.
Sau 3 tháng, người hiến sẽ phải quay lại lấy máu để xét nghiệm lại vì một số bệnh như HIV có giai đoạn cửa sổ rất dài. Chỉ khi kết quả xét nghiệm máu lần 2 đạt yêu cầu, lúc này mẫu tinh trùng mới được sử dụng.
PGS Hà cho biết, thực tế đã có không ít trường hợp xét nghiệm lần 2 không đạt hoặc người hiến không quay lại làm xét nghiệm lần 2 đều phải bỏ mẫu.
Trong khi đó các mẫu tinh trùng ngoài chợ đen, do không được xét nghiệm kỹ càng nên nguy cơ rất cao nhiễm các bệnh qua đường tình dục. Các máy li tâm ở phòng khám đơn thuần có lọc rửa cũng chỉ loại được một số vi khuẩn.
"Chưa kể không ai biết sức khoẻ tâm thần của người hiến ra sao, chất lượng tinh trùng có đảm bảo hay không. Đặc biệt, việc rêu rao bán tinh trùng khắp nơi là vi phạm pháp luật", PGS Hà nhấn mạnh.
Thúy Hạnh
Theo vietnamnet.vn
Hành trình tìm con rơi nước mắt của những cặp vợ chồng hiếm muộn Theo PGS.TS.BS Lê Hoàng, thụ tinh ống nghiệm (IVF) tại Việt Nam có tỷ lệ thành công từ 40 - 50%, ngang hàng thậm chí cao hơn so với các nước trong khu vực. Với chi phí một ca IVF từ 60 - 80 triệu, tỷ lệ thành công cao, nhiều người hiếm muộn có cơ hội làm cha mẹ ngay tại quê...