Trao “chìa khóa” cho 2 chiến binh nhà bầu Đức, thầy Park đang chơi một ván bài rủi ro?
Đôi cánh từng nâng bước đội tuyển Việt Nam đến chức vô địch AFF Cup 2018 giờ lại đang là vị trí đem tới nỗi lo thường trực cho HLV Park Hang-seo.
2 chiếc “chìa khóa” của thầy Park
Trong 2 danh hiệu mà HLV Park Hang-seo đoạt được cùng bóng đá Việt Nam là AFF Cup 2018 và SEA Games 30, tầm ảnh hưởng đến từ cặp hậu vệ cánh là đặc biệt quan trọng. Họ là những người đảm nhận nhiệm vụ trong cả khâu tấn công lẫn phòng ngự và có cường độ hoạt động lớn so với các vị trí khác.
Khi phòng ngự, 2 hậu vệ biên phải đối mặt với những đôi chân vừa tốc độ, vừa kỹ thuật của đối phương. Khi tấn công, đôi cánh là xuất phát điểm cho nhiều tình huống nguy hiểm.
Cặp cánh mà HLV Park Hang-seo tin dùng nhất không ai khác ngoài Đoàn Văn Hậu và Trọng Hoàng. Sở hữu thể hình và những phẩm chất khác nhau, nhưng điểm chung là cả 2 đáp ứng cực tốt các yêu cầu từ thầy Park.
Trọng Hoàng là quân bài ưa thích của HLV Park Hang-seo
Dù là một trong số những cầu thủ lớn tuổi nhất đội tuyển, Trọng Hoàng cho thấy nền tảng thể lực đáng nể khi gần như thi đấu trọn vẹn trong suốt các giải đấu từ AFF Cup 2018, Asian Cup 2019, SEA Games 30 và vòng loại World Cup 2022. Chỉ có thẻ phạt và chấn thương mới có thể ngăn anh ra sân.
Trong khi đó, các trận chung kết AFF Cup và SEA Games là nơi thể hiện rõ nhất đẳng cấp của Văn Hậu. Tại 2 trận chung kết với Malaysia năm 2018, mỗi lượt đấu Văn Hậu đều góp dấu giày vào bàn thắng mở tỉ số của đội tuyển Việt Nam. Đến SEA Games 30, Văn Hậu thậm chí đã lập cú đúp trong trận chung kết trước U22 Indonesia.
“Ván cược” với đôi cánh HAGL
Chấn thương lần lượt khiến Văn Hậu và Trọng Hoàng phải vắng mặt tại vòng loại World Cup và nói lời chia tay AFF Cup 2020. Để chuẩn bị cho giải đấu lớn nhất Đông Nam Á, HLV Park Hang-seo liên tục tạo điều kiện cho đôi cánh thay thế là Vũ Văn Thanh và Hồng Duy thi đấu thời gian gần đây.
Ở trận đấu gần nhất gặp Ả Rập Xê Út, khi mà giới chuyên môn tin rằng thầy Park sẽ trao thêm cơ hội cho Hồ Tấn Tài và thử nghiệm Lê Văn Xuân, thì cuối cùng Văn Thanh và Hồng Duy vẫn chơi trọn vẹn 90 phút. Đây là thông điệp rất rõ ràng rằng bộ đôi thuộc biên chế HAGL sẽ gần như chắc chắn tiếp tục được tin dùng tại AFF Cup 2020.
Nhưng dù là những cái tên dày dặn kinh nghiệm và luôn tràn đầy nhiệt huyết, Văn Thanh và Hồng Duy khi trấn giữ 2 hành lang cánh của đội tuyển Việt Nam vẫn khiến cho người hâm mộ có cảm giác “đi trên dây”.
Hồng Duy chưa cải thiện được nhiều khả năng phòng ngự. Sự tập trung và khả năng chọn vị trí của anh không ít lần đẩy khung thành Việt Nam vào thế nguy hiểm.
Bàn thua đầu tiên trong trận gặp đội tuyển Trung Quốc là một ví dụ cụ thể, Hồng Duy để cho Wu Lei thoải mái xộc thẳng vào cánh trái mà không gặp trở ngại nào. Khi tiền đạo đội bạn bắt đầu mở tốc độ, Hồng Duy đang ở phía sau anh ta một quãng khá dài.
Zhang Yuning mở tỷ số trận đấu | AFC Asian Qualifiers – Road to Qatar (Vòng loại thứ ba World Cup – Khu vực châu Á)
Tình huống đó, hậu vệ đội tuyển Việt Nam dâng lên rất sâu vào phần sân đối phương nhưng không có mục đích cụ thể, không phải để tranh cướp bóng hay gây áp lực trực tiếp lên cầu thủ nào.
Tất nhiên không thể đổ hết lỗi cho Hồng Duy khi các đồng đội khác cũng làm không thực sự tốt. Nhưng việc anh “bỏ quên” Wu Lei đã tạo điều kiện quan trọng để Trung Quốc tìm được bàn thắng.
Chiều cao của Hồng Duy cũng là một điểm yếu mà đối thủ thường xuyên khai thác. Những đường tạt bóng hướng vào cột dọc phía xa sẽ đẩy Duy “Pinky” vào thế phải tranh bóng bổng với đối phương. Không chỉ thua thiệt về chiều cao, hậu vệ người Bình Phước còn thường tỏ ra bị động khi phải “không chiến”.
Tương tự như Hồng Duy, Văn Thanh cũng không mạnh trong khâu phòng ngự. Cầu thủ quê Hải Dương không ngán ngại nếu phải đua sức với đối phương. Song ở những tình huống cần một chút nhạy bén để đọc vị đối phương, Văn Thanh lại đôi khi mắc sai lầm.
Còn nhớ ở trận lượt đi vòng loại thứ hai World Cup 2022, Văn Thanh đã để lọt bóng sau đường chuyền chéo sân của cầu thủ Thái Lan. Thời điểm đó, Văn Thanh vẫn còn rất sung sức do mới vào sân trong hiệp hai nhưng do đánh giá sai đường bóng nên không cắt được. Rất may mắn, thủ môn Đặng Văn Lâm đã kịp băng ra để giải nguy, giúp đội tuyển Việt Nam không nhận bàn thua.
Nhưng đến trận gặp Nhật Bản mới đây, sự thiếu nhạy bén của Văn Thanh đã phải trả giá. Ở pha bóng đội bạn mở tỉ số, Văn Thanh đứng một mình, không theo kèm ai và đã quan sát thấy Minamino chuẩn bị thoát xuống. Thay vì bám theo đối thủ, hậu vệ thuộc biên chế HAGL lại tiếp tục… đi bộ và để Minamino thoải mái xuống biên rồi căng ngang vào cho Ito lập công.
Ito mở tỷ số trận đấu | AFC Asian Qualifiers – Road to Qatar (Vòng loại thứ ba World Cup – Khu vực châu Á)
Trên mặt trận tấn công, hiệu quả mà Hồng Duy và Văn Thanh mang đến cũng chưa cao như kỳ vọng. Ngoài pha sút bóng trúng tay cầu thủ Australia gây tranh cãi, Hồng Duy chưa đem lại nhiều nét chấm phá trong các tình huống dâng cao. Cũng vì thế, “đặc sản” chồng biên mà Văn Đức hay Quang Hải thường thực hiện cùng Văn Hậu trước đây gần như biến mất.
Bên cánh đối diện, Vũ Văn Thanh từng có một bàn thắng đẹp mắt vào lưới Indonesia hồi tháng 6. Dù vậy, gần đây những pha lên bóng của anh khá thiếu ý tưởng và thường kết thúc mà không gây nguy hiểm cho khung thành đội bạn.
333 phút ra sân ở vòng loại thứ ba, Văn Thanh chỉ có 1 lần tạt bóng chính xác, 1 lần tạo cơ hội cho đồng đội dứt điểm, 1 lần rê bóng thành công và 1 lần dứt điểm (không trúng đích).
AFF Cup có thể không mang tới những đối thủ đẳng cấp như vòng loại thứ ba World Cup, nhưng mức độ căng thẳng và quyết liệt lại là những thử thách vô cùng lớn với mọi cầu thủ. Điểm yếu của Văn Thanh và Hồng Duy là những thứ không thể khắc phục trong ngày một ngày hai. Nhưng lựa chọn cuối cùng vẫn thuộc về HLV Park Hang-seo.
Chấp nhận đánh “canh bạc” này, điều thầy Park mong chờ là một sự đột phá đến từ bộ đôi hậu vệ nhà bầu Đức. Nếu Văn Thanh và Hồng Duy có thể vươn mình tại AFF Cup 2020, đội tuyển Việt Nam không chỉ gia tăng đáng kể cơ hội bảo vệ ngôi vương mà còn được hưởng lợi trong rất nhiều giải đấu về sau.
16 lần chứng kiến "niềm tự hào" rạn vỡ, thầy Park sẽ đi nước cờ đặc biệt tại AFF Cup?
Chưa bao giờ, hàng phòng ngự - nơi HLV Park Hang-seo luôn tự hào và đặt nhiều niềm tin - lại trải qua chuỗi trận đáng buồn đến như thế.
16 lần "ôm đầu" của thầy Park
Bắt đầu từ trận gặp Malaysia tại vòng lại thứ hai World Cup 2022, đội tuyển Việt Nam đã trải qua chuỗi 8 trận liên tiếp không thể giữ sạch lưới. Trong các trận đấu này, đoàn quân áo đỏ phải nhận tổng cộng 16 bàn thua, trung bình 2 bàn/trận.
Đây là chuỗi trận thủng lưới liên tiếp nhiều nhất của đội tuyển Việt Nam kể từ khi HLV Park Hang-seo lên nắm quyền. Số bàn thua trung bình mỗi trận cũng vượt xa bất cứ chiến dịch lớn nào tính từ năm 2018.
Khách quan mà nói, đội tuyển Việt Nam trong chuỗi trận vừa qua đã phải gặp những đối thủ quá mạnh và các cầu thủ cũng đều thi đấu đầy nỗ lực. Nhưng những hạn chế của hàng phòng ngự xuất hiện ngày càng nhiều hơn, từng cá nhân đều gặp phải vấn đề riêng và không thể phát huy được 100% thực lực.
Trong khuôn khổ của bài viết, hãy cùng đề cập đến những gì mà các trung vệ đội tuyển Việt Nam đã thể hiện.
Quế Ngọc Hải là người thi đấu ổn định nhất, nhờ vào kinh nghiệm và kỹ năng của mình. Khả năng chỉ huy hàng thủ của trung vệ xứ Nghệ giúp đội tuyển Việt Nam có những thời điểm chơi khá kín kẽ, gây được khó khăn cho những Australia hay Ả Rập Xê Út.
Tuy nhiên, đôi khi Hải Quế vẫn mắc sai lầm về chọn vị trí và đưa ra quyết định vào bóng, để bị đối phương vượt qua hoặc buộc phải phạm lỗi. Tình huống tiêu biểu có thể kể đến là pha bóng dẫn đến quả penalty trong trận đấu gặp Ả Rập Xê Út.
Bùi Tiến Dũng cũng duy trì được những màn trình diễn đáng tin cậy ở vị trí trung vệ lệch trái. Hạn chế lớn nhất của "Tư Dũng" thời gian qua là chấn thương khiến anh không phải lúc nào cũng đạt trạng thái sung mãn.
Duy Mạnh là cái tên tạo ra nhiều cảm xúc trái chiều nhất. Có những thời điểm, trung vệ của Hà Nội FC thi đấu tốt, ngăn chặn được các pha tấn công của đối thủ. Nhưng rồi bỗng nhiên anh làm người hâm mộ sầu lòng vì một pha xử lý đáng tiếc. Ngoài tấm thẻ đỏ trước Ả Rập Xê Út, Duy Mạnh còn gây ra quả penalty trong trận gặp Oman bởi "cánh tay thừa".
"Cánh tay thừa" của Duy Mạnh khiến đội tuyển Việt Nam phải đối mặt với quả penalty.
Sự tập trung trong các pha bóng bổng cũng là một điểm yếu của trung vệ 25 tuổi. Anh đã không ít lần đón trượt bóng hoặc bất cẩn để đối phương chiếm ưu thế.
Thanh Bình trải qua những phút thi đấu đầy khó khăn khi vào sân ở trận đấu với Trung Quốc. Trung vệ 21 tuổi tỏ ra quá non nớt trước một Wu Lei quá dày dặn kinh nghiệm và mắc lỗi trong 2 bàn thua của đội tuyển Việt Nam.
Đình Trọng chỉ có mặt ở 34 phút trận gặp Ả Rập Xê Út nhưng vẫn cho thấy phẩm chất của một "chuyên gia săn Tây" với một số tình huống chọn thời điểm can thiệp chính xác. Chỉ có điều, chấn thương vẫn chưa thôi đeo bám trung vệ thuộc biên chế Hà Nội FC.
Thành Chung có thể coi như một phát hiện tại vòng loại World Cup 2022. Mạnh mẽ, quyết đoán và sở hữu khả năng hỗ trợ tấn công đáng nể, anh từng được chấm điểm 7,2 trong trận lượt về với Ả Rập Xê Út, cao nhất bên phía đội tuyển Việt Nam và thậm chí còn cao hơn một nửa đội hình đối phương.
Thay đổi lớn tại AFF Cup 2020?
Công thức Bùi Tiến Dũng-Quế Ngọc Hải-Duy Mạnh gần như là "mặc định" dành cho bộ ba trung vệ đội tuyển Việt Nam kể từ Asian Cup 2019 đến nay.
Nhưng ở trận đấu gặp Ả Rập Xê Út hồi tháng 11 vừa qua, thầy Park đã gây ngạc nhiên khi rút Duy Mạnh rời vào thời điểm hiệp hai mới trôi qua chưa được 15 phút. Vị trí của Duy Mạnh được Thành Chung trám vào. Đó cũng chính là trận đấu mà Thành Chung được chấm điểm cao nhất đội tuyển Việt Nam.
Trước đây, khi hàng thủ đội tuyển Việt Nam vẫn vận hành tốt, thầy Park không có lý do để thay đổi. Đặc biệt, vị trí dành cho Duy Mạnh gần như bất di bất dịch. Dưới thời HLV Park Hang-seo, Duy Mạnh đã ra sân 27 trận cho đội tuyển Việt Nam và đều đá chính.
Khi rút một Duy Mạnh đang trong giai đoạn thiếu ổn định rời sân, có lẽ thầy Park đã bắt đầu mở ra cánh cửa cho một sự thay đổi lớn tại bộ ba trung vệ. Thành Chung với sự tiến bộ ấn tượng thời gian gần đây đang sẵn sàng nhận nhiệm vụ ở vị trí trung vệ lệch phải trong sơ đồ 5-3-2.
Thầy Park đã sẵn sàng đưa Thành Chung vào đội hình xuất phát đội tuyển Việt Nam thay cho Duy Mạnh?
Trong quá khứ, HLV Park Hang-seo từng đạt được thành công khi đặt niềm tin vào các nhân tố mới khi bước vào các chiến dịch quan trọng. Phan Văn Đức tại VCK U23 châu Á 2018, Trọng Hoàng-Hùng Dũng tại AFF Cup 2018, Hoàng Đức-Tiến Linh tại SEA Games và vòng loại World Cup là những trường hợp như thế.
Nếu được thầy Park trao cơ hội, tin rằng Thành Chung sẽ biết cách tận dụng và trở thành một nhân tố quan trọng của đội tuyển Việt Nam tại AFF Cup 2020.
"Trận đấu này là dấu chấm hết cho tranh cãi ai mạnh hơn giữa tuyển Trung Quốc và Việt Nam" Tờ báo Trung Quốc cho rằng đội nhà mạnh hơn tuyển Việt Nam song vẫn rất lo lắng cho "số phận" của thầy trò HLV Li Tie. Tuyển Trung Quốc đã giành chiến thắng nghẹt thở 3-2 trước tuyển Việt Nam nhờ bàn thắng được ghi ở những giây bù giờ cuối cùng. Đây là trận đấu mà Trung Quốc phần nào gặp...