Tranh thủ săn cá dẻo cuối đông
Khi cơn mưa đông giăng mờ làng chài là lúc từng đàn cá dẻo búng mình dọc rặng đá ngầm ven bờ biển.
Ngư dân tranh thủ bơi thúng chai ra, thả lưới xâu bắt cá dẻo.
Nói “tranh thủ” vì để sau tết, cá dẻo sẽ chuyển “hộ khẩu” ra khơi, sống trong những rạn san hô. Khi đó, trọng lượng mỗi con khoảng trên 1 kg và có tên khác là cá bè. Chỉ tàu to máy lớn mới bắt được nó. Cỡ thúng chai chỉ “ngồi ngó” mà thôi.
Cá dẻo trông khá giống cá liệt nhưng thon hơn. Chúng không có “cửa” đi vào giỏ của những bà nội trợ khấm khá, cũng không có mặt trong những bữa tiệc tùng vì bị chê là ít thịt và xương xẩu, kho nấu chỉ tổ hao dầu tốn mỡ. Hơn nữa khâu làm cá cũng khá vất vả: phải tỉ mẩn móc cả mang ngoài và trong, làm sạch bụng, cắt vi, cắt đuôi cả tiếng đồng hồ mới được vài chục con. Ấy thế nhưng nó lại là món vừa ngon vừa rẻ đối với những gia đình đông con, có thu nhập thấp.
Video đang HOT
Khi nằm trong nồi canh cà chua với vài tép hành lá, cá dẻo làm cho chén cơm thêm thơm và nồi cơm mau hết. Thịt cá dẻo tuy ít nhưng ngọt lành. Nước canh vì thế cũng chua thanh, thoang thoảng hương cà, hương hành dìu dịu. Mẹ thường nói những người ốm mới dậy, chỉ cần mớ cá dẻo nấu canh với lá me đất mọc hoang ở bờ rào thì dù miệng đang đắng ngắt nhưng ăn vẫn được cơm.
Cá dẻo trông khá giống cá liệt nhưng thon hơn. Ảnh: Trần Cao Duyên
Cứ vài bữa mẹ lại đổi món canh thành món chiên vàng. Cá dẻo tắm qua dầu con nào con nấy vàng hườm, cong mình, bóng nhẫy và thơm lựng, nhìn là muốn cắn. Gắp miếng cá dẻo chấm mắm ớt tỏi sẽ nghe vị beo béo, mằn mặn, cay cay.
Những ngày biển động, mưa gió dầm dề, cá hiếm lắm, lại phải tính toán làm sao để phần cá một bữa có thể dãn thành hai thành ba bữa nên ít người nấu canh cà, cũng không chiên vàng vì sợ hai món này làm… trơn lưỡi, ăn mau hết. “Phương án” tiết kiệm thường được các dì, các mẹ chọn là rắc muối hột lên từng lớp cá, để qua đêm, gọi là muối sươi.
Cá dẻo ăn muối nên khá cứng cáp. Phi dầu cho thơm rồi thả cá vào um, làm món ăn “cầm động”. Mấy nội tướng nghĩ rằng cá muối mặn như thế sẽ làm những đôi đũa bớt “ngó ngàng”. Nhưng khổ nỗi cá muối có cái ngon của nó. Đúng là cá mặn thật nhưng không phải mặn chát, mặn điếng, mặn “đế đô” mà là mặn mòi. Trời lạnh khiến cái bụng mau đói nên bữa nào có cá dẻo muối sươi um với cà chín là cứ phải bỏ thêm gạo vào nồi…
Theo Trần Cao Duyên (ihay)
Thơm ngon hảo hạng bún rạm Phù Mỹ
Bún rạm Phù Mỹ là sự hòa quyện giữa bún tươi và nước rạm đậm đà hương vị.
Vùng đất Bình Định có nhiều đặc sản ẩm thực nổi tiếng cả nước như nem chợ Huyện, cua huỳnh đế, bún chả cá, rượu Bàu Đá, canh cá chua... Trong danh sách ẩm thực ở miền đất thượng võ này còn có một món dân dã nhưng ấn tượng với bao thực khách gần xa: bún rạm Phù Mỹ.
Phố huyện Phù Mỹ nằm cách TP.Quy Nhơn khoảng 60 km về hướng bắc. Người dân sống ở vùng này chủ yếu làm nghề nông, cách nấu món ăn tuy dân dã mà đậm đà, giàu hương vị.
Để có tô bún rạm Phù Mỹ thơm ngon hảo hạng, công đoạn làm bún cũng khá công phu. Hầu hết các quán bún rạm ở đây đều có một điểm chung là tự làm bún. Đầu tiên phải chọn loại gạo ngon từ những cánh đồng quê Phù Mỹ rồi ngâm nước, xay nhuyễn, gút qua túi vải, luộc sơ và để sẵn. Khi có khách, người bán chế biến bún tươi trong nồi nước sôi ngay tại chỗ, nên tô bún múc ra còn nóng hôi hổi, có cả bún và nước luộc bún mới ngon.
Mỗi tô bún còn được kèm theo một cái bánh tráng gạo nướng dày cộm, lúc ăn ta bẻ bánh nhỏ, cho vào tô trộn đều với gia vị.
Hòa trong cái vị ngon nguyên chất của bún tươi, con rạm nấu bún nhất thiết phải là loại rạm tươi ngon, không qua ướp đá lạnh, thân tròn, càng to, thịt chắc, gạch nhiều được bắt từ đầm Châu Trúc (còn gọi là đầm Trà Ổ) giáp với ba xã Mỹ Châu, Mỹ Lợi và Mỹ Thắng của huyện. Rạm bắt về ngâm nhiều nước cho sạch bùn đất rồi tách mai lấy gạch, xay nhỏ, lọc lấy nước, nấu trên lửa liu riu. Khi chín, nước rạm sánh lại sền sệt, nổi những váng mỡ màu vàng đặc cả nồi nước.
Bún rạm Phù Mỹ là sự hòa quyện giữa bún tươi và nước rạm. Trên bề mặt tô bún còn bốc hơi nghi ngút có những váng rạm vàng ươm, thơm nức mũi. Khi ăn bún rạm, ta có thể cho thêm ít chanh, ớt, vài hạt đậu phộng và rau sống. Mỗi tô bún còn được kèm theo một cái bánh tráng gạo nướng dày cộm, lúc ăn ta bẻ bánh nhỏ, cho vào tô trộn đều với gia vị. Và cứ thế bưng tô lên, vừa húp vừa ăn nóng hôi hổi, ăn ngon lành đến vã mồ hôi, ăn một tô rồi tiếp một tô nữa mới cảm nhận hết được độ thơm ngon của hương vị rạm miền quê.
Khách yêu món rạm đồng quê đến đây rất nhiều, từ bà con địa phương đến những người lãng du từ khắp mọi miền đất nước, từ trẻ con đến người lớn, từ người sang đến cả những người bình thường...
Theo Tuy An (ihay)
Cà tím, món ngon dân dã Ở nông thôn, trong đôi gánh của người phụ nữ đi chợ thường có vài chục trái cà tím để "đối lưu" con tôm, con cá. Đất quê dễ trồng. Và cà là một trong những loại cây dễ trồng nhất. Ngoài những thửa vườn chuyên canh, nhà nào cũng trồng khoảng chục cây cà có "sắc tố" khác nhau bên cạnh ảng...