Tránh sốc – cần lộ trình tăng giá phù hợp
Phục vụ cho việc lựa chọn sách giáo khoa mới, một số nhà xuất bản đã rục rịch công bố mức giá kê khai cho các bộ sách, với mức tăng từ 3-4 lần so với giá sách hiện hành.
Đón nhận thông tin này, không ít phụ huynh, đặc biệt ở vùng nông thôn thêm lo lắng vì sẽ vất vả hơn để chăm lo cho con em mình được đến trường.
Sách giáo khoa lớp 1 có hình thức đẹp hơn, khổ sách to hơn, tuy nhiên giá sách dự kiến đắt gấp 3-4 lần so với hiện hành. Ảnh: Hải Nguyễn
4 lý do khiến giá sách giáo khoa mới tăng cao
Để phục vụ cho việc lựa chọn sách giáo khoa lớp 1 theo Chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) yêu cầu các nhà xuất bản phải cung cấp thông tin, công bố công khai giá sách giáo khoa (SGK) lớp 1. Bộ cũng kiến nghị các nhà xuất bản thực hiện kê khai giá theo hướng SGK mới sẽ không cao hơn giá của SGK hiện hành.
Đề xuất này đã không được các đơn vị làm sách chấp thuận, với lý do, SGK mới có hình thức đẹp hơn, khổ lớn hơn, nếu bán với giá như sách hiện hành, các nhà xuất bản chắc chắn lỗ. Vì vậy sẽ khó kêu gọi các doanh nghiệp bắt tay vào thực hiện làm sách, góp phần hiện thực hóa chủ trương xã hội hóa việc biên soạn, phát hành SGK theo Nghị quyết 88 của Quốc hội.
Trước băn khoăn của các đơn vị xuất bản, Bộ Tài chính đã có văn bản đề nghị các nhà xuất bản tự quyết định giá kê khai, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính đúng đắn, phù hợp của phương án giá SGK đã kê khai; không yêu cầu NXB phải bán sách mới bằng giá sách cũ.
Ngay sau khi có chủ trương, các đơn vị xuất bản đã lần lượt công khai đến phụ huynh cả nước các mức giá của bộ SGK mới lớp 1. Tính đến ngày 26.3 đã có 46 đầu SGK được các NXB biên soạn, in ấn theo chủ trương xã hội hóa. Trong đó, 4 bộ sách của NXB Giáo dục Việt Nam, 1 bộ sách của NXB Đại học Sư phạm Hà Nội và Đại học Sư phạm TP.Hồ Chí Minh.
Mức giá 4 bộ SGK của NXB Giáo dục Việt Nam lần lượt là: Bộ sách “Kết nối tri thức với cuộc sống, gồm 10 cuốn, giá 179.000 đồng. Bộ “Chân trời sáng tạo”, gồm 9 cuốn, giá 186.000 đồng. Bộ “Cùng học để phát triển năng lực”, gồm 10 cuốn, giá 194.000 đồng. Bộ “Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục”, gồm 9 cuốn, giá 189.000 đồng.
Bộ SGK “Cánh diều” của NXB Đại học Sư phạm có mức giá kê khai, trình thẩm định cao nhất trong số 5 bộ sách là 199.000 đồng/bộ.
Tính theo giá bộ SGK lớp 1 hiện hành của NXB Giáo dục Việt Nam sử dụng trong năm học 2019-2020, giá SGK mới đang được các nhà xuất bản kê khai cao gấp 3-4 lần (bộ SGK lớp 1 hiện hành được bán với giá 54.000 đồng/bộ).
Ngoài SGK môn học bắt buộc, các NXB cũng kê khai giá SGK tiếng Anh (môn học tự chọn) theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 có giá từ 45.000- 99.000 đồng/cuốn. Tính trung bình, để mua được một bộ SGK mới lớp 1 cho con, phụ huynh sẽ phải bỏ ra từ 250.000-300.000 đồng.
Theo NXB Giáo dục Việt Nam, giá SGK mới được kê khai trên cơ sở tính đúng, tính đủ chi phí sản xuất. Trong đó bao gồm số cuốn, chi phí tổ chức bản thảo; chi phí vật tư công in; chi phí lưu thông, bán hàng…
Lý do được các nhà xuất bản đưa ra khi kê khai giá SGK mới cao gấp nhiều lần sách hiện hành là: SGK mới khổ to hơn, chủng loại giấy in dày hơn, sách in nhiều màu, nhiều hình ảnh hơn, nên giá đắt hơn.
Video đang HOT
Cần có lộ trình, không nên tăng giá đột ngột
Trước thông tin giá sách giáo khoa sẽ tăng lên 3-4 lần, nhiều phụ huynh ở Nghệ An, Hà Tĩnh bày tỏ băn khoăn, lo ngại. Là hộ nghèo, có 3 con nhỏ, chị Trần Thị Nhị (trú phường Bắc Hồng – thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh) chia sẻ những băn khoăn: “Vào đầu năm học, phụ huynh phải đóng góp nhiều khoản tiền, mua sắm quần áo, dụng cụ học tập cho con, trong đó SGK thì bắt buộc phải có. Khi giá sách tăng cao, sẽ làm gia đình tôi càng khó khăn, chật vật hơn”.
Cùng quan điểm, anh Nguyễn Cảnh Minh (xã Mỹ Thành – Yên Thành – Nghệ An) nói: “Thực chất một bộ SGK khoảng gần 200.000 thì cũng không phải là quá lớn, nhưng mỗi thứ một ít, làm cho những gia đình nghèo, đông con thêm vất vả. Nếu có chính sách cho các em học sinh thuộc gia đình khó khăn được mượn SGK hoặc trợ giá SGK thì sẽ bớt gánh nặng cho phụ huynh”.
Anh Vừ Nỏ Dềnh – xã Tây Sơn- Kỳ Sơn (Nghệ An) cũng mong muốn con em vùng sâu vùng xa, hoàn cảnh khó khăn được mượn sách, hoặc được trợ giá. “Người dân miền núi chúng tôi cuộc sống còn nhiều khó khăn, vất vả, con cái đi học hầu như nhờ vào chính sách của nhà nước. Nay giá SGK tăng cao như thế thì người dân miền núi sẽ càng khó khăn hơn” – anh Vừ Nỏ Dềnh nói.
Còn theo chị Phan Thị Huyền Trang (xã Cổ Tiết, huyện Tam Nông, Phú Thọ), các đơn vị biên soạn SGK nên cân đối chí phí, trên cơ sở đảm bảo hài hòa với túi tiền của phụ huynh. Việc kê khai giá SGK mới tăng gấp 4 lần sách hiện hành như vậy là quá đột ngột, bất ngờ.
“Tôi có hai người con, con trai đang học lớp 1, con gái đang học mẫu giáo lớn sắp bước vào lớp 1. Hai vợ chồng tôi làm công nhân, thu nhập trung bình có thể nói là khá thấp, chỉ khoảng 5 triệu đồng/tháng.
Vì vậy, khi nghe thông tin giá SGK mới khả năng sẽ tăng cao, tôi rất lo lắng. Đương nhiên sách đẹp hơn thì con cái sẽ thích thú việc học hơn, nhưng chất lượng của sách mới chưa được kiểm chứng mà giá đã tăng gấp nhiều lần như vậy là điều tôi không mong muốn.
Với người dân ở quê tôi có rất nhiều khoản phải chi tiêu khi con bắt đầu năm học mới, đặc biệt là những gia đình đông con.
Cần có chính sách tặng SGK cho học sinh vùng khó khăn
Ông Đỗ Hoàng Sơn – thành viên của Liên minh STEM, với tư cách là một phụ huynh có những chia sẻ về giá SGK mới. Theo ông Sơn, SGK là sản phẩm văn hóa, là niềm tự hào dân tộc, nên trước hết phải đẹp và chất lượng phải tốt. Đặc biệt, với đối tượng học sinh lớp 1, thì sách càng đẹp, càng bắt mắt sẽ càng thu hút học sinh. Ngoài ra, chất lượng giấy in phải tốt để đảm bảo sức khỏe cho các em nhỏ. Là một phụ huynh, ông cũng có tâm lý muốn mua được những bộ SGK vừa tốt, lại vừa rẻ cho con em mình.
200.000 đồng có thể không phải là số tiền quá lớn với các gia đình ở thành phố, song với khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, đây lại là khoản tiền không nhỏ. Về ý kiến này, ông Sơn cho rằng, nhiều nước có chính sách tặng SGK cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Để hài hòa lợi ích của doanh nghiệp và phụ huynh, để SGK có chất lượng tốt đến tay con em đồng bào, ông Sơn kiến nghị đơn vị biên soạn sách nên có cơ chế tặng sách cho gia đình khó khăn. Ngoài ra, chính quyền, Nhà nước cần có cơ chế trợ giá, trên tinh thần mọi học sinh đều có quyền tiếp cận và được học những bộ sách tốt nhất.
NHÓM PV
Giá sách giáo khoa tăng hơn gấp 3 lần là quá vô lý
Ông Lê Như Tiến nhấn mạnh: "Không phải tự tiện nâng giá sách giáo khoa. Nâng tới mức mà bất hợp lý, con em người nghèo không đủ tiền mua sách".
Công tác lựa chọn sách giáo khoa cho lớp 1 hiện vẫn chưa xong, trong đó giá sách giáo khoa là thông tin quan trọng, một trong những yếu tố để đưa ra quyết định chọn lựa sách.
Năm nay có 4 bộ sách giáo khoa lớp 1 được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt để đưa vào trường học. Các bộ sách được làm bằng cách xã hội hóa. Trong đó, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có 4 bộ;
Nhà xuất bản Đại học Sư phạm và Nhà xuất bản Đại học sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh có 1 bộ.
Sách giáo khoa tăng phi mã là một vấn đề cần thiết phải được tính toán kỹ (ảnh Thùy Linh).
Sách giáo khoa thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ phải kê khai giá theo quy định tại Luật Giá và văn bản hướng dẫn liên quan. Cơ quan tiếp nhận kê khai giá có quyền rà soát nội dung văn bản kê khai giá do tổ chức, cá nhân thực hiện.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu các Nhà xuất bản kê khai, hoàn thành công bố giá sách giáo khoa lớp 1 trước ngày 15/2.
Văn bản số 115/BGDĐT -KHTC ngày 14/1/2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo kiến nghị: "Chính phủ giao Bộ Tài chính đề nghị các nhà xuất bản thực hiện kê khai giá theo Luật Giá 2012.
Trong đó, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, trình Chính phủ về mức giá kê khai sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông mới đảm bảo không vượt mức giá kê khai của bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã bán ra thị trường cho năm học 2019-2020".
Với những quy định như vậy, nhiều người yên tâm về giá các bộ sách giáo khoa mới.
Tuy nhiên, mới đây trên báo nhân dân giá sách giáo khoa sẽ tăng đột biến khiến không ít người giật mình.
Theo đó, Nhà xuất bản giáo dục đã kê khai giá bốn bộ sách giáo khoa: Kết nối tri thức với cuộc sống (188 nghìn đồng); Chân trời sáng tạo (197 nghìn đồng);
Cùng học để phát triển năng lực (200 nghìn đồng); Vì sự bình đẳng và dân chủ trong trường học (189 nghìn đồng).
Nhà xuất bản Đại học Sư phạm và Nhà xuất bản đại học sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh kê khai sách giáo khoa (bộ sách Cánh diều) giá 215 nghìn đồng [1].
Nếu các mức giá này trở thành chính thức thì đây là mức tăng phi mã so với giá sách giáo khoa hiện hành.
Cụ thể, bộ sách lớp 1 đang được sử dụng trong năm học 2019-2020 có giá là 54 nghìn đồng.
Nếu đem so sánh với Bộ sách tăng thấp nhất là bộ Vì sự bình đẳng và dân chủ trong trường học thì cũng gấp gần 3 lần so với bộ sách giáo khoa cũ.
Ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội (ảnh nguồn quochoi.vn).
Chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội cho biết, sách giáo khoa in ra là để phục vụ cho việc học tập của thế hệ trẻ.
Giáo dục là quốc sách thì sách giáo khoa phải ở một cái giá trong đó có cả sự hỗ trợ của nhà nước để con em và các gia đình có thể tiếp cận học tập.
Theo ông Lê Như Tiến, những người nghèo, gia đình khó khăn mà sách giáo khoa giá cao thì con em sẽ thất học.
Sách giáo khoa là mặt hàng đặc biệt, quốc sách hàng đầu, vì thế bất kỳ một việc tăng giá sách nào phải có ý kiến của cơ quan quản lý giá và nếu vượt quá thẩm quyền thì phải báo cáo Chính phủ hoặc Quốc hội.
Ông Lê Như Tiến nhấn mạnh: "Không phải tự tiện nâng giá sách giáo khoa. Nâng tới mức mà bất hợp lý, con em người nghèo, hoàn cảnh khó khăn không đủ tiền mua sách giáo khoa họ thất học thì ai sẽ chịu trách nhiệm?
Tôi đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cơ quan quản lý về vấn đề này phải có cân nhắc kỹ, kiểm soát chặt chẽ đối với các nhà xuất bản, xuất bản sách giáo khoa".
Đồng quan điểm, đại biểu Quốc hội khóa 13 bà Bùi Thị An cho rằng, vừa rồi làm sách giáo khoa theo cơ chế xã hội hóa.
Giá sách có thể tăng nhưng tăng theo chất lượng sách giáo khoa tuy nhiên trong điều kiện kinh tế hiện nay thì tăng cho thế nào cho thích hợp là vấn đề cần được nghiên cứu kỹ.
"Giáo dục là vấn đề quốc sách hàng đầu và không thể xem bình thường như các mặt hàng khác.
Chúng ta xây dựng cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nên phải có sự điều chỉnh. Chính vì thế, cần xem xét, cân nhắc chứ không thể nào tăng giá lên cao như vậy".
Tài liệu tham khảo:
//nhandan.com.vn/giaoduc/dien-dan/item/43761102-minh-bach-khi-dua-sach-giao-khoa-moi-vao-day-hoc.html
Trinh Phúc
Quảng bá sách giáo khoa mới: Cạnh tranh cũng cần minh bạch, công bằng Thời điểm này, các nhà xuất bản đang chạy đua để giới thiệu sách giáo khoa mới đến với các địa phương trên cả nước. Theo chuyên gia giáo dục TS Lê Thống Nhất, việc quảng bá, giới thiệu sách giáo khoa tới mọi người dân là việc làm cần thiết. Tuy nhiên không nên dùng quá nhiều mỹ từ để khen bộ...