Tranh luận TT Mỹ không có chỗ cho thủ đoạn
Ứng viên Tổng thống Mỹ có nên sử dụng mưu mẹo hay thủ đoạn để giành ưu thế trước đối thủ không? Câu trả lời là: Bịp bợm không có chỗ trong các cuộc tranh luận trực tiếp, vì người dân sẽ nhận ra ngay lập tức.
Một tuần trước cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình, trong một căn phòng ở trụ sở chính của đảng Dân chủ, khi Tổng thống Obama vẫn đang chuẩn bị cho phần tranh luận, các nhân viên của ông đã phải bắt đầu công việc phê bình. Họ nói: Quá dài. Cắt câu trả lời đó. Hãy giải thích sinh động hơn nữa. Không ai muốn có một giáo sư ở đây cả, họ muốn một vị tổng thống.
Cách đó hàng trăm dặm, tại bang New England, đội của ông Romney đang nỗ lực hết sức để giúp ngài cựu Thống đốc tránh các lỗi gắt gỏng. Nghị sĩ Rob Portman là người “thủ vai” Tổng thống Obama để tập dượt tranh luận cho ông Romney. Ông Portman tìm cách đẩy ông Romney vào tình huống rất khó chịu, mục đích là kích động rồi hướng dẫn ông cách kiềm chế, sau đó lấy lại sự điềm tĩnh và phong thái tổng thống nhất có thể.
Hai người trông không khác gì những thí sinh đang phải miệt mài “văn ôn võ luyện” để trải qua kỳ thi vượt rào gồm ba chặng truyền hình trực tiếp trước ít nhất 67 triệu khán giả.
Tranh luận trực tiếp là một phần tranh cử có tính chất then chốt đối với nước Mỹ trong cuộc đua tìm ra ông chủ Nhà Trắng, được tiến hành từ năm 1960. Mặc dù không có tính chất đảo ngược tình thế nhưng các nghiên cứu chỉ ra rằng nếu thắng trong loạt tranh luận này, ứng viên sẽ giành được thêm trên dưới 6% số phiếu bầu.
Phiên tranh luận trực tiếp đầu tiên của hai ứng viên Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ tới tại Denver với phần thắng “tạm nghiêng” về ứng viên Mitt Romney
Lịch sử bầu cử Mỹ cho thấy, chỉ một sự trao đổi đơn thuần, một thái độ hoặc một câu trả lời/câu hỏi đặt không đúng chỗ, một cái liếc mắt cũng khiến ứng viên Tổng thống Mỹ trả giá bằng một dấu chấm hết, nhất là lần này, khoảng cách giữa hai ứng viên rất hẹp.
Sau màn tranh luận ngày 4/10, với vẻ nhạt nhẽo và “đuối” hơn cùng những đoạn “ậm ừ” của ông Obama lập tức mang lại thêm điểm số quan trọng cho ông Romney. Số người ủng hộ cho ông Romney đã tăng lên 51%, trong khi ông Obama vẫn giữ nguyên mức 56%.
Video đang HOT
Không có chỗ cho thủ đoạn
Với cả hai ứng viên, đây cũng là cơ hội để họ giới thiệu về bản thân mình một lần nữa trước công chúng. “Thời khắc tranh luận cũng giống như Thiền vậy – (phải trả lời câu hỏi) đây là ai?” – cựu phát ngôn viên của Hạ viện Newt Gingrich, người tranh luận với ông Romney trong vòng đầu, nhận định. “Câu chuyện lớn hơn ở đây là gì? Chúng tôi đang xem cái gì? Vở kịch ở đây là gì?”.
Ông Obama từng có nhiều kinh nghiệm tranh luận từ chiến dịch năm 2008, nhưng trên cương vị một Tổng thống đương nhiệm, thách thức lại mới hơn và cũng nhiều hơn bội phần.
Chỉ vài ngày trước khi đứng trên bục tranh luận, ông Obama đã phải bay tới Nevada vài ngày để thực hành tránh “phân tâm” khi nhóm trợ lý phát hiện ra ông có biểu hiện “mất tập trung” trong một buổi lễ kỷ niệm.
“Hầu như không thể tìm ra khoảng thời gian trống nào cho Tổng thống chỉ để chuẩn bị cho cuộc tranh luận” – Dan Pleiffer, giám đốc truyền thông của Nhà Trắng, cho biết. “ Thế giới không chờ đợi cho việc chuẩn bị tranh luận”.
Bí kíp để chiến thắng trong cuộc tranh luận là gì? Luật sự Gerry Spence nói rằng: “Khi một người tự biện hộ tức là họ đang thua”. Các ứng viên có nên sử dụng mưu mẹo hay thủ đoạn để giành ưu thế trước đối thủ không? Ông Spence nói rằng: “Bịp bợm không có chỗ” trong các cuộc tranh luận trực tiếp, vì “người dân sẽ nhận ra ngay lập tức”.
Alex Dukalskis – Giám đốc điều hành của Hiệp hội giáo dục Tranh luận Quốc tế tại New York nói thêm: “Những người tranh luận kể cả tổng thống đi chăng nữa đều muốn giành phần thắng, nhưng họ có trách nhiệm làm việc này một cách có đạo đức”.
Chiến lược của Romney là “nhử” Tổng thống vào các phần tranh luận, rồi đẩy ông vào thế hoặc là tự mãn hoặc là thoái thác về trách nhiệm đối với nền kinh tế.
Trong suốt thời gian tập dượt, ông Romney đã cố gắng vạch ra hướng tấn công nếu như ông Obama bóp méo các thực tế và đẩy trách nhiệm cho người khác. Nhóm trợ lý của ông Romney nhớ lại lời khen của ông Obama dành cho bà Clinton trong cuộc tranh luận năm 2008 rằng: “Bà cũng đáng mến đấy”. Họ hy vọng cũng có cơ hội chọc tức tổng thống trong một tình huống tương tự. Các chuyên gia nói rằng Romney sẽ thắng nếu như buộc Obama phải tỏ ra tự mãn hoặc tự ti.
Và để “đá ông ấy [Obama] khỏi căn phòng”, ông Romney đã tập dượt hàng tháng trời chứ không chỉ sát giờ đấu trí trực tiếp. Một bận, vì sự cố ngoài ý muốn mà ông Romney phải thức rất khuya, cố vấn của ông là Bet Myer hỏi rằng ông có muốn thực hành vào ngày hôm sau không. “Mệt thật đấy, nhưng tôi có tập” – Romney trả lời qua email.
“Ngài Thống đốc đã làm rất tốt khi thuyết phục được người dân tin rằng kinh tế đang rất tệ” – Brett O’Donnell, huấn luyện viên tranh luận của đảng Cộng hòa, nhận định. “Ông ấy cần làm tốt hơn nữa để làm rõ trách nhiệm trực tiếp của Tổng thống Obama đối với việc này. Đấy phải là trọng tâm của ông ấy. Nếu như trọng tâm đó rơi vào những thứ khác thì tôi nghĩ rằng ngài Thống đốc sẽ gặp bất lợi”.
Theo 24h
Obama - Romney đua nước rút
Đến nay, cả 2 ứng viên Barack Obama và Mitt Romney đều đã đưa ra quan điểm chính sách rõ ràng hơn để tranh chức Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ 2013 - 2017.
Mỗi bên "rắn" một kiểu
Cả hai ứng viên Obama và Romney đều đưa ra những tuyên bố cứng rắn liên quan đến "bạn và thù" nhưng có phần khác nhau về đối tượng, mức độ và cách thức. Mặc dù Tổng thống Obama hứa hẹn sẽ cư xử rắn hơn với Trung Quốc, nhưng ông không gọi Bắc Kinh là "kẻ thao túng tiền tệ" giống như ứng viên Romney từng tuyên bố. Ông Obama cho rằng Trung Quốc cũng như Nga là đối tác đầy tiềm năng nên không loại trừ khả năng hợp tác với hai nước này. Ngược lại, đối thủ Romney cáo buộc tổng thống quá mềm yếu trước Trung Quốc, cho phép Bắc Kinh "gian lận" bằng hành động ăn cắp quyền sở hữu trí tuệ, thao túng chính sách tiền tệ và trợ cấp bất hợp pháp các công ty của nước này. Trên trang mạng của mình, ứng viên đảng Cộng hòa khẳng định sẽ bắt Trung Quốc "phải phép" hơn và không đe dọa các nước láng giềng. Ông tuyên bố: "Sẽ thực hiện một chiến lược để khiến Trung Quốc phải trả giá nếu chọn con đường bá quyền ở khu vực mà bỏ qua việc trở thành một đối tác có trách nhiệm với quốc tế". Đồng thời, ông Romney xem Nga như kẻ thù số một nên Moscow từng chỉ trích ứng viên này là biểu tượng thời Chiến tranh lạnh. Bên cạnh đó, theo ứng viên đảng Cộng hòa, Mỹ phải đẩy mạnh lập trường cứng rắn đối với Cuba, Venezuela, Belarus, CHDCND Triều Tiên...
Hai ứng viên Obama và Romney đều đang cố lấy điểm cử tri bằng chính sách riêng - Ảnh: AFP
Hai ông cũng khác nhau rất nhiều về chính sách đối với Trung Đông, một điểm nóng trên thế giới. Theo tờ The Christian Science Monitor, ông Obama đề cập khả năng tham gia các cuộc xung đột quân sự mới ở Trung Đông, có thể là Syria và Iran. Trong khi đó, ông Romney chỉ trích chính sách ngoại giao của Tổng thống Obama ở khu vực trên cho đến nay là hoàn toàn vô dụng. Ứng viên đảng Cộng hòa khẳng định dù Mỹ cần khôi phục vị thế lãnh đạo nhưng Washington nên hủy bỏ mọi sự can dự quân sự và áp dụng một chính sách ít can thiệp hơn ở Trung Đông.
Tranh cãi đối nội
Tất nhiên, chính sách đối nội vẫn là nòng cốt để hai bên tranh thủ sự ủng hộ từ cử tri, theo tờ The Christian Science Monitor. Về các vấn đề xã hội, ông Obama lên kế hoạch tiếp tục hỗ trợ giáo dục và y tế. Điều này bắt nguồn từ những dấu hiệu cho thấy học sinh Mỹ xét về kiến thức và phát triển trí tuệ thì bị xếp sau bạn bè đồng trang lứa ở Nga, Trung Quốc, Nhật Bản... Tuy nhiên, đảng Cộng hòa phản đối chính sách trên vì cho rằng quá tốn kém, phí phạm. Đối thủ đổ lỗi các chương trình như thế của ông Obama đã là "theo đuôi chủ nghĩa xã hội", khiến nền kinh tế hoạt động chẳng mấy hiệu quả. Đảng Cộng hòa chứng minh nhận định này bằng các con số như nợ công của Mỹ vượt quá 16.000 tỉ USD dưới thời Tổng thống Obama. Vì thế, ứng viên Romney hứa hẹn sẽ cắt giảm nhiều chương trình xã hội. Ông cho rằng tại sao phải chi đậm cho giáo dục trong khi có thể thu hút nhân tài trên toàn thế giới. Hai ông cũng bất đồng trong nhiều chủ đề đối nội khác.
Hệ thống tài chính: Ông Romney muốn quay về thời đại bản vị vàng, chế độ phát hành tiền dựa trên khả năng dự trữ vàng. Theo đảng Cộng hòa, đây là phương pháp hiệu quả nhất để ngăn chặn làn sóng in tiền quá tay dẫn đến lạm phát tăng vọt. Trong khi đó, ông Obama muốn tăng cường kích thích kinh tế Mỹ, thậm chí có thể làm tăng nợ công vốn đang ở mức khổng lồ. Đảng Dân chủ chỉ trích kế hoạch tiền tệ của đối thủ Romney có thể dẫn đến khủng hoảng khó lường trên toàn cầu và Mỹ trở thành kẻ thất bại nặng nhất.
Ông Obama bất lợi- Tỷ lệ thất nghiệp cao nhất trong các giai đoạn tổng thống là người thuộc đảng Dân chủ. Hiện tại, 8,3% người Mỹ trong độ tuổi lao động không có việc làm, cao hơn cả giai đoạn của Tổng thống Jimmy Carter là 7,7% vào năm 1980.- Tỷ lệ tăng trưởng GDP thấp nhất kể từ thời Tổng thống Carter khi chỉ đạt 1,7% vào quý 2/2012.- Không chỉ tỷ lệ thất nghiệp cao, đây cũng là giai đoạn mà người Mỹ phải tốn nhiều thời gian nhất để kiếm được việc làm. Cụ thể, người Mỹ hiện nay mất trung bình 38,8 tuần để tìm được việc trong khi con số này ở thời Tổng thống Lyndon Johnson chỉ là 13 tuần, đứng ở vị trí cao thứ 2.(Nguồn: Cục Thống kê lao động Mỹ)
Thuế: Ông Romney đề nghị áp dụng những khoản cắt giảm thuế trong khi Tổng thống Obama sẽ tăng thuế đánh vào người giàu. Hiện tại, thuế thu nhập cá nhân chiếm gần phân nửa tổng doanh thu liên bang. Theo thống kê của Cơ quan Quản lý ngân sách vào năm 2011, tỷ lệ trong doanh thu liên bang của thuế thu nhập cá nhân là 47,4% còn thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ ở mức 7,9%. Bên cạnh đó, ông Romney kêu gọi phục hưng kinh tế và tài chính Mỹ trước thực tế nước này bắt đầu bị bắt kịp bởi Nga, Trung Quốc và Ấn Độ. Về phần mình, ông Obama tập trung vào công bằng xã hội khi cho rằng khoảng cách quá lớn giữa người nghèo và người giàu là điều không thể chấp nhận được.
Chính sách quân sự: Ứng viên đảng Cộng hòa hứa hẹn tăng quy mô quân đội Mỹ, một ý tưởng có thể giành được sự ủng hộ của Lầu Năm Góc. Ngược lại, Tổng thống Obama cho rằng quân đội và ngành công nghiệp quốc phòng nước này gây thâm hụt ngân sách nên cần phải cắt giảm. Ông cũng muốn rút quân khỏi Afghanistan và Iraq.
Ai sẽ thắng ?
Tất nhiên, việc phân định thắng thua phải chờ đến sau khi có kết quả kiểm phiếu của cuộc bầu cử ngày 6.11. Thế nhưng, giới truyền thông Mỹ vẫn đua nhau thực hiện thăm dò dư luận để dự đoán đương kim Tổng thống Obama hay đối thủ Romney sẽ trở thành ông chủ Nhà Trắng. Theo CNN, nhiều cuộc khảo sát cho thấy cả hai ứng viên đều có khả năng chiến thắng như nhau. Ngay trước khi đại hội đảng Dân chủ bắt đầu, các kết quả khảo sát cho thấy ông Obama được ủng hộ ngang ngửa ông Romney. Đây là điều khá bất ngờ vì dân chúng Mỹ không mấy ủng hộ Tổng thống Obama vì cho rằng ông khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng kỷ lục và tin tưởng đối thủ của ông sẽ có cách giải quyết vấn đề này. Tuy nhiên, cử tri vẫn cho rằng Obama có thể thắng, do ông được lòng dân Mỹ hơn. Đa số người dân nước này vẫn ủng hộ kế hoạch cải cách mà ông Obama đề ra hơn là tham vọng của ông Romney về mặt xã hội. Một số người còn bào chữa rằng chính quyền hiện tại gánh chịu nhiều vấn đề tồn đọng từ thời Tổng thống George W.Bush thuộc đảng Cộng hòa. Theo chuyên gia phân tích chính trị Mỹ Nate Silver, ông Obama có thể nhận được đến 50,9% số phiếu (so với 52,9% hồi năm 2008). Trong khi đó, khảo sát của Trung tâm nghiên cứu Pew cho thấy 52% người Mỹ thích nền tảng chính trị đảng Cộng hòa và 46% thích bài phát biểu tranh cử gần đây của ông Romney.
Lịch sử cho thấy cử tri thích ai nhiều nhất thì người đó thắng, ít nhất là trong 5 cuộc bầu cử gần đây. Vào năm 1992, Bill Clinton chiến thắng trước George Bush (cha) đến năm 1996, ông Clinton tái đắc cử trước Bob Dole. Năm 2000, George W.Bush (con) giành điểm trước Al Gore và năm 2004, ông Bush thắng lần nữa trước John Kerry. Năm 2008, Barack Obama đánh bại John McCain.
Theo TNO
So sánh Obama và Romney Cuộc bầu cử tổng thống của Mỹ ngày một đến gần, hai ứng cử viên tổng thống có cuộc chạy đua sát sao và lần lượt giành ưu thế vào từng thời điểm. Đương kim Tổng thống Mỹ Barack Obama (phải), đại diện đảng Dân chủ, vừa có cuộc đối đầu trực tiếp với ứng cử viên của đảng Cộng hòa Mitt Romney...