Tranh luận nảy lửa, chủ đầu tư Mon City đuối lý?
Xoay quanh việc đo diện tích căn hộ tại chung cư Mon City ở phường Mỹ Đình 2 (Nam Từ Liêm, Hà Nội), chủ đầu tư liên tục xin thời gian đi tham khảo, nghiên cứu… sau khi lắng nghe những phản hồi, lập luận sắc bén của cư dân.
Sau khi hàng trăm cư dân dự án HD Mon City (Nam Từ Liêm, Hà Nội) sau khi nhận nhà, lắp đặt thiết bị phải đục tường đã phản ánh nghi ngờ nhà thiếu diện tích. Bức xúc trước việc nhiều lần trao đổi, kiến nghị nhưng không được giải quyết thỏa đáng, nhiều cư dân dự án HD Mon City đã treo băng rôn tại ban công căn hộ yêu cầu chủ đầu tư là Công ty CP Địa ốc Hải Đăng ( HD Mon Holdings) phải đảm bảo quyền lợi cho cư dân.
Chủ đầu tư xin thời gian đi tham khảo
Chiều qua (11.8), chủ đầu tư và hàng trăm cư dân Mon City đã có cuộc đối thoại xoay quanh vấn đề căn hộ của cư dân nhận được thiếu hụt diện tích, phòng cháy chữa cháy, thang máy nhỏ…
Tuy nhiên, tranh luận nảy lửa về phương pháp đo diện tích thông thủy căn hộ đã diễn ra giữa nhóm đại diện hàng trăm cư dân và chủ đầu tư. Tranh luận chủ yếu xoay quanh cách đo diện tích ở vị trí lô gia, hộp kỹ thuật của căn hộ.
Hàng trăm hộ cư dân Mon City tham gia buổi đối thoại.
Theo đại diện công ty Công ty CP Tư vấn khảo sát và Đo đạc Hà Thành ( Công ty Hà Thành) là đơn vị đo lại diện tích căn hộ do chủ đầu tư mời cho biết, đã đo theo hướng dẫn của Thông tư 03 Bộ Xây dựng ban hành vì thời điểm đo, Thông tư 03 vẫn còn hiệu lực.
Về cách đo diện tích lô gia của căn hộ, ông Đặng Xuân Tâm, Tống giám đốc HD Mon Holdings cho biết, chủ đầu tư đã có văn bản đề nghị Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng hướng dẫn về cách đo diện tích thông thủy nhà chung cư.
Tại văn bản trả lời của Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản nêu: luật Nhà ở 2014 chưa có quy định cụ thể về cách tính diện tích lô gia. Do vậy, khách hàng và chủ đầu tư tự thỏa thuận, thống nhất; Nếu có khiếu nại, tranh chấp về hợp đồng mua bán đã ký trước đây, kể cả phần diện tích lô gia và hộp kỹ thuật, thì giải quyết theo pháp luật về dân sự.
Xét về hình thức bên ngoài thì lô gia và ban công không khác nhau nên chủ đầu tư áp dụng cách tính diện tích của lô gia theo cách tính diện tích của ban công được pháp luật quy định là theo mép ngoài diện tích sàn, ông Tâm, Tổng giám đốc HD Mon Holdings nói.
Ông Đặng Xuân Tâm, Tống giám đốc HD Mon Holdings phát biểu tại buổi đối thoại với cư dân Mon City.
Video đang HOT
Thế nhưng, quan điểm này của Tổng giám đốc HD Mon Holdings bị nhóm đại diện của cư dân HD Mon City phản đối. Nhóm đại diện viện dẫn các quy định pháp luật, tiêu chuẩn hiện hành về ban công khác với lô gia về mặt kỹ thuật nên không thể xét hình thức bề ngoài.
Quy định pháp luật về mặt thuật ngữ cần chặt chẽ nhưng hiểu đơn giản ban công là phần diện tích căn hộ thò ra ngoài, nên tính được diện tích theo mép ngoài sàn. Còn lô gia là phần diện tích thụt hẳn vào bên trong căn hộ nên khi đo diện tích phải trừ bỏ phần diện tích tường bao xung quanh nhà theo quy định của luật Nhà ở 2014.
Chưa có quy định pháp luật về cách tính diện tích lô gia mà HD Mon đã tính diện tích lô gia theo cách tính diện tích ban công là ngồi trên luật. Đây chính là một phần nguyên nhân dẫn đến tình trạng diện tích lô gia của nhiều căn hộ bị thiếu, dẫn đến diện tích toàn bộ căn hộ bị hụt so với số lượng trong hợp đồng mua bán, đại diện nhóm cư dân nói.
Không đưa ra được quan điểm tranh luận thuyết phục hơn, ông Tâm đề nghị cư dân cho thời hạn 3 ngày làm việc để tham khảo cách tính diện tích căn hộ chung cư tại một số dự án trên địa bàn TP.Hà Nội. Đồng thời, Tổng giám đốc HD Mon đề nghị chuyển sang nội dung cách đo diện tích hộp kỹ thuật.
Chủ đầu tư tiếp tục xin thời gian nghiên cứu
Trong diễn biến của cuộc đối thoại, đại diện Công ty Hà Thành cho biết, đã thống nhất với chủ đầu tư đo diện tích vị trí hộp kỹ thuật theo bản thiết kế được duyệt và hướng dẫn tại Thông tư 03 do Bộ Xây dựng ban hành.
Cụ thể, chỉ không tính diện tích phần sàn lõi hộp kỹ thuật, không tính diện tích sàn phần xây dựng bao quanh để bảo vệ hạng mục này. Cách đo này cho kết quả diện tích căn hộ lớn hơn cách đo của cư dân đưa ra, được lợi cho chủ đầu tư hơn.
Tuy nhiên, nhóm đại diện cư dân cho biết, đã nghiên cứu kỹ quy định của luật Nhà ở 2005, luật Nhà ở 2014 thể hiện cách đo diện tích hộp kỹ thuật của đơn vị do chủ đầu tư thuê là không đúng mà phải tính cả diện tích phần sàn xây dựng bảo vệ hộp kỹ thuật do phần này có chức năng bảo vệ các thiết bị quan trọng bên trong. Đo theo phương án như vậy, mới đúng quy định, đảm bảo hài hòa quyền lợi giữa cư dân và chủ đầu tư.
Cư dân Mon City căng băng rôn yêu cầu chủ đầu tư đo lại diện tích nhiều ngày qua.
Những phần diện tích tường bao lô gia phải được trừ hay sàn phần xây dựng phần bảo vệ hộp kỹ thuật không nhiều nhưng với số lượng hơn 800 căn hộ, nếu không làm rõ, chủ đầu tư cũng ăn gian được rất nhiều. Với giá bán là trên dưới 30 triệu đồng/m2, chủ đầu vỡ bẫm tiền tỉ, cộng đồng cư dân thiệt hại tương đối nhiều, chị Hạnh, cư dân tham dự cuộc đối thoại cho biết.
Đại diện chủ đầu tư HD Mon Holdings hứa hẹn sẽ tổ chức một buổi đối thoại khác, mời cả cán bộ Bộ Xây dựng đến để lý giải về cách đo diện tích hộp kỹ thuật. Dự kiến, cuộc đối thoại này sẽ được diễn ra sau 15 ngày làm việc tới, khoảng cuối tháng 8.
Nhóm đại diện cư dân Mon City cũng nêu ra vấn đề khá mới, theo quy định pháp luật của cách tính diện tích thông thủy nhà chung cư là chiều cao từ sàn đến trần nhà tối thiểu phải 2,7m, bên dưới không có dầm kỹ thuật, chịu lực.
Chiều cao trần nhà tại Mon City cơ bản được đảm bảo nhưng bên dưới có nhiều dầm kỹ thuật chịu lực. Chúng tôi đề nghị chủ đầu tư làm rõ sẽ tính trừ diện tích phần dầm kỹ thuật bên dưới chiều cao thông thủy 2,7 m như thế nào?, một cư dân nói.
Đáp lời, ông Tâm cho rằng, đây là vấn đề mới, đề nghị ghi biên bản cuộc họp để chủ đầu tư dành thời gian nghiên cứu, trả lời cư dân.
Tại buổi đối thoại, ông Đặng Xuân Tâm, Tống giám đốc HD Mon Holdings tuyên bố trước hàng trăm cư dân sẽ tiến hành đo lại diện tích toàn bộ hơn 800 căn hộ tại dự án.
Nhiều cư dân phản ánh chủ đầu tư đã bàn giao nhà từ đầu năm 2018, hứa hẹn sẽ bố trí nhà sinh hoạt cộng đồng cho cư dân vào tháng 6.2018 nhưng đến nay chưa thực hiện. Bên cạnh đó, những vấn đề thang máy không đảm bảo mật độ cư dân, nóng, bí: diện tích thang hàng quá nhỏ, ảnh hưởng đến việc sinh hoạt của cư dân, nhất là trong các tình huống cư dân phải đi cấp cứu, giường cấp cứu không vừa thang; an ninh không đảm bảo vì liên tục để trộm bẻ gương ô tô; tầng hầm bị thấm dột khi trời mưa.
Theo Danviet
Bộ Xây dựng sắp trình Chính phủ đề án xử lý tranh chấp chung cư
Bộ Xây dựng sẽ hoàn thành các đề án quan trọng đối với an ninh kinh tế trong lĩnh vực bất động sản, bao gồm nhiều nội dung như: tín dụng, bong bóng bất động sản, tranh chấp, quản lý vận hành nhà chung cư, tranh chấp chung cư...
Đề án về xử lý tranh chấp chung cư
Tại buổi họp báo thường kỳ quý 2.2018 của Bộ Xây dựng, ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản cho biết đơn vị này đang xây dựng đề án an ninh kinh tế trong lĩnh vực bất động sản, dự kiến tháng 12 tới sẽ trình Chính phủ.
Theo ông Ninh trong 6 tháng cuối năm, sẽ hoàn thành các đề án quan trọng đối với thị trường bất động sản, bao gồm: "Đánh giá tình hình, dự báo xu hướng, đề xuất các giải pháp thị trường, cơ chế chính sách quản lý để thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh"; "An ninh kinh tế trong lĩnh vực nhà ở và thị trường bất động sản đảm bảo an sinh xã hội"; "Quản lý, phát triển quỹ nhà ở công vụ của Chính phủ giai đoạn 2018 - 2021".
Cư dân Hòa Bình Green City căng băng rôn yêu cầu chủ đầu tư trả sổ đỏ, tổ chức thành lập ban quản trị. (ảnh Trần Kháng)
Trong đó, có nhiều nội dung của thị trường như việc người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam, vấn đề đầu tư nước ngoài vào thị trường địa ốc, tín dụng, bong bóng bất động sản, tranh chấp, quản lý vận hành nhà chung cư, tranh chấp chung cư
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng tiếp tục triển khai phần mềm sử dụng chung để kết nối, tích hợp, cập nhật số liệu, dữ liệu vào hệ thống thông tin nhà ở và thị trường bất động sản, tạo cơ sở dữ liệu ban đầu cho hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản.
Sốt đất ở đặc khu đã ổn định
Lãnh đạo Bộ Xây dựng khẳng định tình trạng sốt đất ở các khu vực dự kiến trở thành đặc khu kinh tế đã bình ổn trở lại. Bên cạnh đó, thị trường trên cả nước không thể xảy ra bong bóng bất động sản như một số chuyên gia đã dự báo.
Qua kiểm tra tại các địa phương Vân Đồn (Quảng Ninh), Phú Quốc (Kiên Giang), Vân Phong (Khánh Hòa), các giao dịch bất động sản đã cơ bản dừng lại, các môi giới đã rút khỏi địa bàn. Tuy nhiên, tình trạng sốt đất nền vẫn đang diễn ra cục bộ tại một số địa phương khác như TPHCM, Đà Nẵng, Hà Nội...
Cũng theo ông Ninh cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2018, thị trường bất động sản cả nước về cơ bản vẫn ổn định, nguồn cung dồi dào, phong phú.
Cụ thể, về lượng giao dịch tại Hà Nội, TP Hồ Chính Minh đều tăng. Về giá bất động sản trong các loại hình như: căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ giá đều tăng so với quý 1 và cùng kỳ. Tồn kho bất động sản tiếp tục giảm...
Thị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng tại một số địa phương ven biển như Đà Nẵng, Nha Trang (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang), căn hộ văn phòng tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh tiếp tục thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tuy nhiên, trong những tháng đầu năm 2018, thị trường này có xu hướng chững lại do nguồn cung tăng cao, còn thiếu các quy định pháp lý.
Thị trường trên cả nước không thể xảy ra bong bóng bất động sản.
Ông Ninh cho biết thêm, thời gian vừa qua đã xuất hiện tình trạng sốt cục bộ đất nền, giá tăng cao bất bình thường ở một số khu vực vùng ven TP. Hồ Chí Minh, huyện Long Thành tỉnh Đồng Nai và đặc biệt là Vân Đồn (Quảng Ninh), Phú Quốc (Kiên Giang) và Bắc Vân Phong (Khánh Hòa)...
Ông Ninh chỉ rõ các nguyên nhân chính là: Một số đối tượng lợi dụng chủ trương thành lập các đặc khu, chủ trương đầu tư một số dự án đầu tư lớn về giao thông (như sân bay Long Thành, các tuyến Metro của TP. Hồ Chí Minh, đường cao tốc...) để tung tin gây thất thiệt, thổi giá, đầu cơ. Trong khi đó các cơ quan quản lý chưa làm tốt công tác truyền thông, công khai thông tin về quy hoạch, chủ trương và tiến độ các dự án đầu tư lớn; kiểm soát chuyển nhượng đất nền chưa chặt chẽ.
Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các địa phương thực hiện một số giải pháp quyết liệt, tình hình đã ổn định và bước đầu được kiểm soát. Sau khi có ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng và chính quyền địa phương tích cực vào cuộc, tình hình thị trường bất động sản tại các khu vực nêu trên đã ổn định trở lại./.
Theo Danviet
Nâng chiều cao cho việc cải tạo chung cư cũ? Trong khi việc cải tạo chung cư cũ tại Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh đang "dậm chân tại chỗ", Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, cần sớm ban hành quy chuẩn phân khu nội đô ra sao cho hợp lý với các vị trí, tạo điều kiện chỗ nào cho phép nâng chiều cao, thực hiện được thì cho thực...