Tránh lây nhiễm chéo các bệnh truyền nhiễm trong bệnh viện
Ngày 12/10, tại buổi đến thăm và làm việc về công tác khám chữa bệnh tại Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM), Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã chỉ đạo các nhân viên y tế đẩy mạnh việc cách ly, lọc bệnh, để trẻ không lây nhiễm chéo các bệnh truyền nhiễm.
Bệnh nhi điều trị sởi tại khoa Nhiễm, bệnh viện Nhi đồng 2. Ảnh T.D
Hơn 60% bệnh từ các tỉnh
Báo cáo với đoàn công tác của Bộ Y tế, bác sĩ Đỗ Châu Việt, Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, số ca mắc bệnh tay chân miệng đến khám và điều trị tại bệnh viện gia tăng trong khoảng 1,5 tháng gần đây. Trong đó, số ca bệnh từ các tỉnh chuyển đến chiếm khoảng 60%.
Cụ thể, trong 9 tháng năm 2018, số ca bệnh ngoại trú liên quan đến tay chân miệng là 30.269 ca, giảm 31% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, số ca nhập viện điều trị nội trú lại tăng 24% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, trong tháng 9, số ca mắc bệnh tay chân miệng tăng cao cả nội trú (tăng 82%) và ngoại trú tăng 220%. Tính đến sáng 12/10 tại bệnh viện này có 84 ca điều trị nội trú tay chân miệng, trong đó có 66 bệnh nhân mắc độ 2A, 12 bệnh nhân độ 2B, 1 bệnh nhân độ 3 và 3 bệnh nhân độ 4, bệnh nhân các tỉnh chiếm khoảng 60%.
Người dân xem bảng hướng dẫn để đưa con em đi khám tại khu vực riêng nhằm tránh lây nhiễm.
Tương tự, từ đầu năm đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận 6.348 ca bệnh ngoại trú liên quan đến sốt xuất huyết và 2.751 ca nội trú, giảm 20% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, đột biến trong tháng 9 tổng số ca bệnh tăng từ 18-35% so với cùng năm trước.
Video đang HOT
Về bệnh sởi, năm 2017 không ghi nhận có ca mắc sởi nội và ngoại trú. Tuy nhiên, đến nay bệnh viện đã ghi nhận cóp 198 ca bệnh ngoại trú và 208 ca nội trú.
Trước tình hình các bệnh diễn biến phức tạp, Bệnh viện Nhi đồng 2 đã chủ động thực hiện nhiều biện pháp ứng phó cũng như tích cực điều trị bệnh như tại khoa Khám bệnh, bệnh viện đã có bảng hướng dẫn thông báo nếu bệnh nhi có các triệu chứng như sốt, phát ban kèm ho, chảy nước mũi, đỏ mắt thì lấy số khám bệnh tại quầy riêng; thực hiện sàng lọc các ca bệnh nội ngoại trú để có phác đồ điều trị riêng; bố trí các bác sỹ trực 22/24; thực hiện xuất viện cả ngày thứ Bảy và Chủ nhật nhằm giảm tải lượng bệnh điều trị nội trú…
Thực hiện cách ly bệnh
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đánh giá cao nỗ lực của ngành y tế dự phòng thành phố, cũng như các bệnh viện trong công tác phòng chống dịch bệnh.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, bệnh viện Nhi đồng 2 cần có sự lọc bệnh và cách ly ngay từ bên ngoài, khi thấy trẻ có các triệu chứng sốt nghi mắc sởi hoặc tay chân miệng thì phải có lối đi riêng dẫn đến phòng khám riêng, không thể để chung khu vực như hiện nay, nếu không sẽ không thể ngăn được bệnh lây lan.
Phòng bệnh, lọc bệnh, cách ly, là 3 giải pháp hạn chế tình trạng lây bệnh chéo như hiện nay. Đặc biệt, đối với những bệnh nhiễm như sởi, hô hấp, kể cả luồng đi khám bệnh và ngồi chờ khám cũng cần phải cách ly tuyệt đối. Bác sĩ cần quyết liệt trong vấn đề lọc bệnh để giảm tải.
Một trong những bệnh nhi bị nhiễm sởi do lây chéo tại Bệnh viện Nhi đồng 2.
Mặt khác, bệnh viện tuyến cuối là nơi điều trị bệnh nặng nhất nên vào đó nguy cơ bị lây nhiễm rất cao. Theo đó, các bệnh viện làm sao phải phân bệnh ngay từ tuyến dưới, không để bệnh nhẹ vẫn đổ dồn hết lên tuyến trên. Các bệnh viện cần phát huy hơn nữa vai trò của các bệnh viện vệ tinh, phòng khám vệ tinh tại các bệnh viện quận huyện, tuyên truyền, vận động người dân có con bị bệnh nhẹ đến khám và điều trị tại các bệnh viện này, hạn chế thấp nhất tình trạng bệnh nhi chỉ mắc tay chân miệng độ 1 vẫn nằm điều trị nội trú tại Bệnh viện Nhi đồng 2 như hiện nay, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh.
Ngoài ra, cần tăng cường tuyên truyền rộng rãi cho người dân hiểu được rằng khi con nhỏ mắc các bệnh nhẹ không nên đưa vào bệnh viện tuyến cuối như Nhi đồng 1, 2. Vì đưa vào các bệnh viện này, trẻ mắc các bệnh khác rất có nguy cơ lây nhiễm chéo. Đặc biệt là bệnh sởi rất dễ lây lan. Hiện sởi đã có vắc xin nên khuyến cáo phụ huynh nên đưa con đi chích đủ 2 mũi 9 và 18 tháng.
Thu Dịu
Theo baohaiquan
TP.HCM thực hiện cách ly sớm ca bệnh truyền nhiễm trong trường học
Trước diễn biến tình hình dịch bệnh phức tạp trong trường học, ngày 3/10, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP.HCM đã có văn bản chỉ đạo triển khai hoạt động phòng, chống bệnh truyền nhiễm trong trường học, đặt biệt nhấn mạnh các cơ sở giáo dục tổ chức giám sát phát hiện, cách ly sớm ca bệnh truyền nhiễm.
Thường xuyên rửa tay cho trẻ là một trong những biện pháp phòng bệnh hiệu quả.
Theo đó, học sinh, giáo viên, công nhân viên bị các dấu hiệu như sốt, ho, sổ mũi, phát ban, nổi mụn nước cần nghỉ học, nghỉ làm để đi khám bệnh tại các cơ sở y tế, không nên đến trường, lớp khi còn các triệu chứng, hạn chế tiếp xúc với người khác; chỉ quay lại trường học khi đã hết các triệu chứng bất thường.
Nếu được chẩn đoán là bệnh truyền nhiễm gây dịch phải ở nhà cách ly đến hết thời gian quy định. Giáo viên chủ nhiệm, giám thị điểm danh ghi chú rõ nguyên nhân nghỉ học vì bệnh vào sổ kiểm diện mỗi ngày.
Trường hợp học sinh nghỉ nhiều ngày liên tiếp mà không nói rõ lý do, nhà trường phải chủ động liên hệ với phụ huynh để xác định có phải bị bệnh truyền nhiễm. Nhân viên y tế trường học tổng hợp các trường hợp nghỉ vì bệnh truyền nhiễm vào sổ quản lý, sổ theo dõi học sinh nghỉ vì bệnh truyền nhiễm chung của trường hàng ngày thông báo ngay đến trạm y tế phường xã trong trường hợp bệnh truyền nhiễm trong danh mục phải báo cáo.
Nhà trường không được nhận học sinh bị sốt hoặc bị bệnh truyền nhiễm vào lớp. Khi phát hiện có trường hợp sốt hoặc bệnh phải đưa đến phòng y tế trường và gọi phụ huynh đưa đi khám ngay. Đối với trường mầm non và nhóm trẻ, giáo viên bảo mẫu khi đón nhận trẻ vào buổi sáng phải sàng lọc trẻ và hỏi phụ huynh về tình trạng sức khỏe của trẻ trước nhận vào lớp.
Theo thống kê của Trung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM, trong cuối tháng 9, số ca mắc tay chân miệng nhập viện điều trị tiếp tục gia tăng nhanh với 347 trường hợp nhập viện, tăng 49% so với trung bình 4 tuần trước đó. Tính từ đầu năm 2018 đến nay, số ca bệnh mắc tay chân miệng nhập viện điều trị là 3.568 ca.
Theo các chuyên gia, đặc điểm của bệnh này chủ yếu thường mắc ở trẻ em, nhất là trẻ dưới 3 tuổi, dễ dẫn đến các biến chứng của chủng EV71.
Vi rút EV71 có thể sống ở tay nắm cửa, lưu giữ trên đồ chơi, bàn học rất lâu. Do đó, trong trường học, nếu xảy ra các ca nhiễm tay chân miệng thì trẻ bệnh phải được nghỉ học, cách ly đến trường tối thiểu 10 ngày.
Nhà trường phải phòng ngừa ngay bằng cách vệ sinh khử khuẩn bằng Cloramin B và phải làm thường xuyên.
Hiện chưa có vắc xin nên biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất hiện nay là phải rửa tay thường xuyên cho trẻ trước và sau khi đến trường, người lớn cũng phải rửa tay thường xuyên trước khi bước vào nhà hoặc trước khi tiếp xúc, chăm sóc trẻ.
Thu Dịu
Theo www.baohaiquan.vn
41.000 ca mắc sởi ở Châu Âu, Việt Nam phòng tránh thế nào? Riêng trong 6 tháng đầu năm tại các nước châu Âu đã ghi nhận hơn 41.000 trường hợp mắc sởi, cao hơn 70% so với cả năm 2017, trong đó có ít nhất 37 trường hợp tử vong. Ảnh minh hoạ: Internet Hiện nay, Tổ chức Y tế thế giới đang cảnh báo sự gia tăng đáng kể dịch bệnh sởi tại các...