Tranh chấp trên biển: “Yêu nhau cũng phải rào giậu thật kỹ”
“Chúng ta phải tự cảnh giác, không nên nhẹ dạ cả tin. Nghĩ cho cùng thì yêu nhau cũng cứ phải rào giậu thật kỹ đừng để đối phương đánh lạc hướng…”, đại biểu Thích Thanh Quyết (Quảng Ninh) nêu quan điểm về tình hình trên biển Đông.
Ngày 31/10, đề cập đến vấn đề biển Đông tại hội trường Quốc hội trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế – xã hội, đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương) cho rằng, việc giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc rút đi chỉ làm tình hình biển Đông lắng dịu tạm thời, thời gian tới có thể nhiều sự việc còn phức tạp hơn. Do vậy, đại biểu đề nghị phải có cách đối phó lâu dài với các sự kiện thường xuyên ở biển Đông.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho ý kiến tại hội trường trong buổi thảo luận về tình hình kinh tế – xã hội.
Theo đại biểu, mọi chính sách bảo vệ biển Đông phải lâu dài, bền bỉ và quan trọng nhất trong đó là cách phân bổ nguồn lực. Trước hết phải khéo léo tập hợp người Việt trong nước và trên toàn thế giới. Đó sẽ là nguồn lực vô tận và lâu bền cho nhiệm vụ bảo vệ biển Đông lâu dài.
Video đang HOT
“Chúng ta phải tự cảnh giác, không nên nhẹ dạ cả tin. Nghĩ cho cùng thì yêu nhau cũng cứ phải rào giậu thật kỹ đừng để đối phương đánh lạc hướng. Nước lớn toàn chơi mẹo vặt thôi! Việc này Phật giáo chúng tôi rất hiểu”, đại biểu Thích Thanh Quyết (Quảng Ninh) nêu quan điểm.
Đại biểu Thích Thanh Quyết cho biết, từ xưa cha ông ta đã cho xây dựng đền, đình chùa miếu mạo, ở các vùng biên giới, hải đảo. Các vị chức sắc, tôn giáo có tư tưởng yêu nước ra đó trụ trì giữ dân, giữ nước. Đại biểu cho rằng, hiện nay cũng phải làm như vậy. Đại biểu đề nghị Đảng, Nhà nước khen ngợi lực lượng quân đội, công an trong thời gian vừa qua đã quyết tâm xây dựng một lực lượng vững mạnh.
Theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh), “cú đấm” giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc đã được chúng ta hóa giải. Công lao lớn nhất thuộc về 90 triệu đồng bào. Song đại biểu Nghĩa cũng chỉ ra mối lo tiếp đó là sự lệ thuộc vào kinh tế Trung Quốc. Đại biểu cho rằng, dùng chữ “lệ thuộc” theo nghĩa là muốn dứt ra mà không dứt được. Biết không tốt, không hay, nhưng vẫn phải tiếp tục.
Theo đại biểu sự lệ thuộc diễn ra trên nhiều lĩnh vực xuất nhập khẩu, nguyên phụ liệu, đấu thầu thi công, năng lượng, viễn thông, khai thác khoáng sản, trang thiết bị công nghệ, nhân công, hàng tiêu dùng… “Tại kỳ họp 7 tôi có chất vấn về sự lệ thuộc về tài chính thì được trả lời là không đáng kể, nhưng một số cử tri không đồng ý, cho rằng đã có sự lệ thuộc vào vốn và tài chính đang ẩn giấu”, đại biểu Nghĩa nói.
Đưa ra vấn đề trên, đại biểu Nghĩa cho biết, không phải để nói đến âm mưu, thủ đoạn của Trung Quốc với nền kinh tế Việt Nam. Điều đại biểu muốn nói đến là Trung Quốc như một đối tác trong cộng đồng kinh tế toàn cầu, doanh nghiệp Trung Quốc như các đối tác Mỹ, Nga, Ấn Độ và các nước ASEAN…
Đại biểu cho rằng, có được một nền kinh tế mạnh, núi liền núi, sông liền sông trước hết không phải chỉ là thách thức mà là cơ hội. Chỉ riêng tiết kiệm chi phí vận chuyển đã đem lại cho doanh nghiệp Việt Nam lợi thế cạnh tranh không nhỏ so với các nước khác. Trong quan hệ với Trung Quốc, Việt Nam không chỉ có yếu kém mà còn có những thế mạnh, vậy thì vì sao lại trở nên lệ thuộc?
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa nhìn nhận không thách thức khó khăn nào lớn hơn hai cuộc chiến tranh mà chúng ta đã trải qua, nhưng chúng ta đã biết biến những thách thức khó khăn thành thuận lợi, chuyển bại thành thắng nhờ biết trọng dụng và sử dụng những cán bộ hữu tài và hữu đức.
“Nếu chúng ta giao quyền, giao tài sản cho những người kém cỏi về năng lực và đạo đức, lại tham lam, người ta chưa mua thì đã chủ động chào bán, thậm chí buộc người ta phải hối lộ như một điều kiện làm ăn với mình thì làm sao tránh khỏi lệ thuộc, thậm chí là mất nước”, đại biểu Trương Trọng Nghĩa nói.
Cùng vấn đề trên, trước đó, đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) cho biết, ngay trong khi giàn khoan Hải Dương 981 khoan thăm dò phi pháp trên vùng biển Việt Nam, Trung Quốc đã khẩn trương xây dựng công trình trên các đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam mà Trung Quốc đã dùng vũ lực cưỡng đoạt. “Giàn khoan rút đi nhưng những công trình kiên cố của Trung Quốc trên biển Đông của Việt Nam mãi còn ở lại”, đại biểu Lê Nam nói.
Đại biểu đồng tình với chính sách đối ngoại, giữ gìn hòa bình hữu nghị của Đảng và Nhà nước. Đồng hành nhất quán chủ trương bảo vệ thiêng liêng của Tổ quốc. Do vậy, cần phải kiên định thực hiện các chủ trương, giải pháp để thực hiện việc bảo vệ chủ quyền quốc gia.
Đại biểu nhớ lại, tại kỳ họp thứ 7 đầu năm nay, nhân dân cả nước sôi sục trước việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 xâm phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam. Ngay tại kỳ họp Quốc hội, Chính phủ đã đề nghị Quốc hội những quyết sách mạnh mẽ, kịp thời, như quyết dành 16 ngàn tỷ đồng đầu tư cho cảnh sát biển, kiểm ngư và ngư dân.
Ngay trong những ngày Quốc hội đang họp, đích thân Thủ tướng Chính phủ đã kiểm tra nhà máy đóng tàu Hạ Long, kết luận về việc đóng tàu cảnh sát biển, tàu kiểm ngư hiện đại và đóng mới thí điểm 10 tàu vỏ sắt cho ngư dân. Ngày 7/7/2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định 67 về một số chính sách phát triển thủy sản dành ưu đãi cho ngư dân và hỗ trợ nghề cá, nhân dân từ Nam đến Bắc hết sức vui mừng. Đến nay, Chính phủ đã triển khai thực hiện nghị định đến các tỉnh, thành phố. Một số ít nơi ngư dân đã được vay vốn, xúc tiến đóng tàu.
Dù vậy, đại biểu cũng băn khăn rằng việc triển khai thực hiện nghị quyết của Quốc hội dành 16 ngàn tỷ đồng để tăng cường đầu tư, bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển đã thực hiện như thế nào, chưa thấy báo cáo nào của Chính phủ gửi đến Quốc hội.
“Tôi không lo ngại việc Chính phủ sẽ sao nhãng việc bảo vệ chủ quyền trên biển đi liền với hỗ trợ ngư dân, nhưng những cử tri là ngư dân đề nghị Quốc hội, Chính phủ phải tích cực hơn, quyết liệt hơn nữa trong việc tổ chức chỉ đạo, thực hiện chính sách quá đúng đắn, hợp lòng dân”, đại biểu nói.
Quang Phong
Theo Dantri