Tranh chấp đất sản xuất, người dân tái định cư Quỳnh Lỷ khốn khó
Do không có đất sản xuất, nhiều gia đình rơi vào cảnh khốn khó. Trách nhiệm thuộc về ai?
Gần 1 năm đã trôi qua, nhưng việc tranh chấp đất sản xuất giữa người dân sở tại với bản tái định cư thủy điện Sơn La tại khu vực Lán Lỷ, xã Chiềng Sung, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Điều này khiến đời sống của các hộ tái định cư ở đây lâm vào cảnh khốn khó.
Một góc bản tái định cư Quỳnh Lỷ.
Gia đình anh Cam Văn Thêu, hộ dân tái định cư ở bản Quỳnh Lỷ, xã Chiềng Sung, huyện Mai Sơn, Sơn La có 5 nhân khẩu. Từ tháng 11/2008 chuyển từ xã Cà Nàng, huyện Quỳnh Nhai là vùng lòng hồ thuỷ điện Sơn La về đây sinh sống, gia đình anh vẫn canh tác trên 1,2 ha đất sản xuất được chia. Tuy nhiên, từ đầu năm nay, toàn bộ diện tích này bị các hộ dân sở tại lấy lại để canh tác, nên gia đình lâm vào cảnh trắng tay.
Trưởng bản Hoàng Văn Ịn chỉ các khoảnh đất bị tranh chấp cho nhóm PV.
May mắn được các hộ dân cùng bản chia sẻ 3.000 m2 để trồng cấy, cho nên, vụ ngô này, gia đình thu được 4 tấn ngô bắp. Với giá bán bình quân 2,5 triệu đồng/tấn, gia đình anh thu được 10 triệu đồng. Suốt những năm về tái định cư ở đây, thu nhập của gia đình chỉ trông cậy vào việc trồng và bán ngô, năm nay, mất đất sản xuất, đồng nghĩa với việc không có thu nhập, cuộc sống của gia đình lâm vào cảnh khốn đốn.
Anh Cam Văn Thêu bày tỏ: “Vụ ngô này, gia đình chỉ thu được mấy triệu đồng, thực sự không thể đủ trang trải cho sinh hoạt gia đình. Vì vậy, chúng tôi rất khó khăn. Bây giờ tôi cũng đi làm thuê để có thêm thu nhập, nhưng cũng chẳng được là bao vì không có việc gì ổn định”.
Video đang HOT
Gia đình bà Lường Thị Vịn với khoảnh nương ngô ít ỏi còn lại.
Không thể đi làm thuê để kiếm thêm thu nhập, gia đình bà Lường Thị Vịn, cùng bản Quỳnh Lỷ càng khốn đốn trăm bề. Nhiều năm nay, gia đình 3 khẩu của bà hoàn toàn trông cậy vào việc trồng ngô trên 1 ha đất sản xuất. Nhưng năm nay, khoảnh đất này bị dân sở tại thu lại phân nửa, giá bán ngô bắp lại sụt kỷ lục, nên số tiền thu về thực sự không đủ để trang trải cho cuộc sống gia đình: “Chúng tôi đến ở đây 6 – 7 năm rồi, nhưng năm nay là năm khó khăn nhất. Đã hết 1 vụ ngô mà bà con sở tại chưa trả lại đất cho gia đình, cho nên, chúng tôi rất khó khăn. Mới đây bà con còn bảo, nếu từ nay đến cuối năm không được đền bù tiền họ sẽ lấy lại tất cả đất sản xuất của bản chúng tôi. Chúng tôi lo lắm, nếu thế thật chúng tôi không biết phải sống thế nào”.
Không chỉ gia đình anh Thêu, bà Vịn, mà cả 32 hộ dân ở Quỳnh Lỷ đang cùng chung cảnh ngộ. Ông Hoàng Văn Ịn, Trưởng bản Quỳnh Lỷ cho biết: “Chúng tôi cũng kiến nghị nhiều rồi, cũng lên tỉnh, huyện nhiều rồi, nhưng cứ bảo hôm nay, ngày mai. Đến giớ phút này dân sở tại thu hết lại ngô, dân tái định cư chúng tôi rất bức xúc và rất khó khăn, đời sống không đảm bảo. Mất đất rồi mồi nhà chỉ còn lại một ít đất thôi, ngô lại mất giá nữa, cho nên không đảm bảo được đời sống của bà con”.
Như VOV đã thông tin trước đây, xảy ra sự việc này là do 53 hộ dân thuộc các bản: Nong Chô, Hòa Bình, Chặm Cẳng, Búc A, Búc B, Tân Lập, xã Chiềng Sung không được hưởng tiền bù chênh lệch giá trị sử dụng đất tại các khu, điểm tái định cư Thủy điện Sơn La theo Công văn số 883, ngày 20/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ.
Do tranh chấp, bà con sở tại vừa thu hoạch, chưa dọn thực bì, bà con tái định cư đã vội gieo trồng vụ mới
Sau nhiều lần đề xuất, kiến nghị chưa được duyệt, họ đã chọn cách lấy lại đất sản xuất đã giao cho các hộ tái định cư để gây sức ép cho chính quyền địa phương, với thỏa thuận: khi nào được nhận tiền đền bù hỗ trợ theo tinh thần Công văn này, họ sẽ lập tức trả đất cho bà con tái định cư. Và quả nhiên, khi xảy ra tranh chấp, vụ việc của họ được chính quyền địa phương lưu tâm hơn hẳn. Sau nhiều cuộc làm việc, đối thoại…cuối tháng 6 năm nay, họ được Ban quản lý dự án di dân tái định cư huyện Mai Sơn và đại diện lãnh đạo UBND huyện Mai Sơn “hứa” sẽ giải quyết việc này trong tháng 7. Tuy nhiên, mãi đến ngày 15/8, họ mới được triệu tập đến trung tâm xã để ký hồ sơ nhận tiền đền bù, hỗ trợ. Rồi mãi đến nay, mọi thứ vẫn “bặt vô âm tín”.
Ông Lò Văn Phái, bản Chặm Cẳng, xã Chiềng Sung cho biết: “Bảo lên lấy tiền, thực tế chúng tôi cũng đã ký hồ sơ, nhưng mà tiền chưa được. Từ tháng 8 đến giờ chúng tôi vẫn chưa được nghe Ban quản lý dự án của huyện thông báo về việc hỗ trợ tiền cho chúng tôi”.
Ban đầu là thỏa thuận, nhưng việc tranh chấp đất kéo dài không được giải quyết đã khiến 2 bên phát sinh mâu thuẫn.
Bà con bản tái định cư Quỳnh Lỷ giúp nhau thu hoạch ngô trên các khoảnh nương còn lại.
Vào thời điểm dân sở tại lấy đất của các hộ tái định cư, đồng bào tái định cư đã thực hiện xong việc phát dọn, cày xới thực bì. Khi lấy lại đất, các hộ sở tại đã gieo trồng trên đất này với lời hứa: nếu đến kỳ thu hoạch mà họ chưa được nhận tiền đền bù, hỗ trợ, thì các hộ sở tại sẽ thu hoạch toàn bộ sản phẩm trên đất đó và sẽ thanh toán toàn bộ công phát dọn thực bì cho các hộ tái định cư. Còn nếu được nhận tiền đền bù, hỗ trợ sớm, bà con tái định cư được quyền thu hoạch sản phẩm, và phải thanh toán toàn bộ tiền ngô giống cho bà con sở tại. Hiện nay đã là mùa thu hoạch, do chưa được nhận tiền đền bù, hỗ trợ, nên bà con sở tại đã tiến hành thu hoạch. Nhưng thay vì phải thanh toán công phát dọn, cày xới thực bì 3 đến 3,5 triệu đồng/ha, bà con sở tại chỉ định thanh toán 1 triệu đồng/ha, nên việc này không được bà con tái định cư nhất trí. Cũng do chưa được nhận tiền đền bù, hỗ trợ, trong khi mùa trồng mới đã đến, nên đã xảy ra tình trạng bà con sở tại và tái định cư cùng tranh trồng trên những mảnh nương vừa thu hoạch xong, gây mâu thuẫn lớn hơn giữa các bên.
Trao đổi nội dung này với phóng viên VOV, ông Hà Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện Mai Sơn cho biết, huyện đang tập trung giải quyết vụ việc; trong tháng 10 này, 53 hộ dân ở cả 6 bản Nong Chô, Hòa Bình, Chặm Cẳng, Búc A, Búc B, Tân Lập sẽ được nhận tiền đền bù, hỗ trợ theo tinh thần Công văn 883.
Đề cập trách nhiệm trong việc chậm giải quyết vụ việc, gây khiếu kiện kéo dài và khiến cuộc sống của nhiều hộ dân khốn đốn, ông Cầm Văn Bình bày tỏ: “Nói về trách nhiệm thì trách nhiệm thuộc về các cơ quan tham mưu giúp việc cho UBND huyện, trực tiếp là cơ quan phụ trách, quản lý, trong quá trình xem xét chưa kịp thời tham mưu tốt với UBND huyện. Hiện nay, về phía hồ sơ thì huyện đã triển khai xong. Các hộ sở tại cũng đã ký hồ sơ. Phương án cũng đã được phê duyệt. Hồ sơ hiện nay cũng đã được gửi lên các cơ quan có thẩm quyền. Trong tháng 10 này, huyện sẽ trực tiếp chi trả cho các hộ dân theo quy định”.
Ông Hà Văn Bình – Phó chủ tịch UBND huyện Mai Sơn (ngoài cùng bên phải) trao đổi với PV.
Việc 53 hộ dân ở đây được quyết định chi trả tiền đền bù, hỗ trợ, chứng tỏ đòi hỏi của họ là chính đáng. Như vậy, vấn đề được đặt ra là nếu người dân không quyết liệt, thì quyền lợi chính đáng của họ đến lúc nào mới được giải quyết? Chẳng thế mà bà con ở đây cứ băn khoăn: Phải chăng họ khổ vì cán bộ quan liêu và thiếu trách nhiệm?
Vụ việc tranh chấp đất sản xuất tại khu vực Lán Lý, xã Chiềng Sung, có thể coi là bài học không chỉ dành riêng cho chính quyền huyện Mai Sơn và tỉnh Sơn La./.
Thu Thùy
Theo_VOV
Dân ngăn cản thi công đòi quyền lợi
Hơn 60 hộ dân xã Mai Pha, TP.Lạng Sơn đã dựng lều ngăn cản việc hoàn thành cầu Thác Mạ, sau khi phát hiện cơ quan chức năng giấu nhẹm văn bản của Chủ tịch thành phố liên quan đến việc bố trí tái định cư cho các hộ di dời để lấy đất xây cầu.
Dân dựng lều đòi hỏi tái định cư- Ảnh: Thanh Hiền
Cầu Thác Mạ (hay còn được gọi là cầu 17.10), bắc qua sông Kỳ Cùng nối P.Đông Kinh với xã Mai Pha, TP.Lạng Sơn được khởi công xây dựng từ tháng 10.2013, với diện tích sử dụng đất 55.894 m2. Thực hiện chủ trương, chính sách của nhà nước, trên 60 hộ dân thuộc xã Mai Pha đã chấp hành di dời nhà cửa, vườn tược, nhận đền bù GPMB, tạo điều kiện để cầu có thể hoàn thành, đưa vào sử dụng vào cuối năm nay, nhân kỷ niệm 65 năm ngày giải phóng Lạng Sơn (17.10.1950 - 17.10.2015).
Tuy nhiên, gần đây, người dân phát hiện ra văn bản số 1535/QĐ-UBND ban hành ngày 4.6.2014 do ông Bùi Văn Côi, Chủ tịch TP.Lạng Sơn ký về quyết định quy chế bố trí giao đất tái định cư. Trong đó nêu rõ: "Các trường hợp bị thu hồi đất nông nghiệp (có cạnh tiếp giáp mặt đường của khu đất dài 20 m trở lên) tại vị trí mặt đường giao thông thuận lợi được ưu tiên bố trí tái định cư...". Soi chiếu vào điều kiện cụ thể của mình, người dân cho rằng, các cơ quan chức năng, cán bộ chuyên môn của thành phố lấp liếm, "quên" không phổ biến văn bản này, khiến các hộ dân không được hưởng quyền lợi chính đáng.
Vì vậy, từ đêm 5.10, hàng chục hộ dân đã dựng bạt, làm lều chặn giữa đường từ cầu Thác Mạ đến khu vực khu dân cư thôn Rọ Phải, Co Măn; đồng thời làm đơn kiến nghị gửi cấp có thẩm quyền ở địa phương. Ngày 6.10, UBND TP.Lạng Sơn đã tổ chức đối thoại với các hộ dân kể trên, nhưng chưa trả lời dứt điểm nguyện vọng bố trí tái định cư của bà con, nên dân vẫn căng lều bạt, án ngữ công trình.
Chiều 8.10, trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND TP.Lạng Sơn Bùi Văn Côi cho biết: Sau khi họp với dân, lãnh đạo thành phố dự kiến đưa ra hai phương án tái định cư cho những hộ dân bị ảnh hưởng dự án cầu Thác Mạ: Các hộ dân sẽ được bố trí tại khu dân cư Nam thành phố, hoặc được bố trí tại khu tái định cư Mai Pha.
Lê Thanh Hiền
Theo Thanhnien
Già bản Giàng Lùa Tủa - người đi đầu trong xóa đói giảm nghèo Già bản Giàng Lùa Tủa là người đầu tiên cải tạo đất đồi, xây dựng thành công mô hình kinh tế trang trại tổng hợp và giúp đỡ nhiều người dân. Ở vùng cao Dế Xu Phình, Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái, già bản Giàng Lùa Tủa được bà con người Mông trong vùng tín nhiệm, coi ông là người đi đầu...