Tranh chấp dai dẳng giữa Công ty Thái Hòa và Sunprotexim
Đơn kiện từ năm 2008 nhưng phải đến năm 2016, phiên tòa giải quyết tranh chấp hợp đồng liên doanh giữa CTCP Tập đoàn Thái Hòa Việt Nam và CTCP Tạp phẩm và Bảo hộ lao động (Sunprotexim) mới được đưa ra xét xử lần đầu tiên.
Nguyên nhân vụ án kéo dài được xác định do lỗi của đương sự như không thống nhất được định giá tài sản, bị đơn (Công ty Thái Hòa) khiếu nại chậm chạp và cố tình làm phức tạp thủ tục tố tụng.
Xét xử sau 8 năm khởi kiện
Đại diện của Sunprotexim trình bày, năm 1998, giữa nguyên đơn và Công ty Thái Hòa ký kết hợp đồng hợp tác kinh doanh, chế biến cà phê. Hợp đồng có hiệu lực từ năm 1998 – 2012. Thực hiện hợp đồng, Sunprotexim đã đưa khu đất tại Giáp Bát (quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội) có diện tích 916m2 vào liên doanh. Ngoài hợp đồng chính, hai bên cũng thống nhất ký kết phụ lục hợp đồng kèm theo.
Theo nội dung khởi kiện, đến nay hợp đồng liên kết đã hết hạn (quá 4 năm 3 tháng) nhưng Sunprotexim vẫn đề nghị được chấm dứt hợp đồng giữa hai bên. Đồng thời yêu cầu tòa án giải quyết các vấn đề liên quan đến hợp đồng.
Cụ thể, Sunprotexim buộc Công ty Thái Hòa phải thanh toán số tiền lợi nhuận liên doanh từ năm 2008 đến ngày 30/3/2016 là 670,5 triệu đồng. Tiền thuê đất và thuế đất mà Sunprotexim nộp cho Nhà nước là 795,2 triệu đồng. Tổng cộng, Sunprotexim đòi Công ty Thái Hòa phải trả số tiền là hơn 1,4 tỷ đồng.
Đối với tài sản là công trình Công ty Thái Hòa đã xây dựng trái phép trên khu đất, Sunprotexim mong muốn nhận lại sử dụng, trả lại tiền 4,1 tỷ đồng (theo biên bản định giá, chưa trừ khấu hao).
Sunprotexim đưa ra 3 lý do chấm dứt hợp đồng là: hợp đồng liên doanh có thời hạn 14 năm, trong khi hợp đồng thuê đất của Sunprotexim và Nhà nước chỉ có 13 năm; Công ty Thái Hòa vi phạm hợp đồng khi tự ý phá dỡ nhà cũ, xây dựng công trình mới trái phép và lợi nhuận Công ty được hưởng từ năm 2008 (36 triệu đồng/năm) là không hợp lý.
Video đang HOT
Đương sự chống đối
Vụ việc giữa hai công ty là tranh chấp thuộc diện điển hình nhưng tại sao sau 8 năm, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội mới mở được tòa?
Nguyên nhân được xác định từ chính các đương sự. Thời gian kéo dài một phần do hai bên không chịu trả tiền thuê cơ quan chuyên môn định giá tài sản. Đến khi Sunprotexim đồng ý trả tiền, việc thẩm định lại vấp cản trở từ phía Công ty Thái Hòa.
Vụ án đã phải tạm đình chỉ 3 lần. Lý do là vì sau khi tòa thụ lý, bị đơn mới “ung dung” nộp đơn khiếu nại, dù đã hết thời hạn. Song để đảm bảo quyền lợi của đương sự, tòa án vẫn tiến hành giải quyết khiếu nại. Đến giai đoạn tố tụng, Công ty Thái Hòa cố tình cho 5 công ty và cá nhân khác thuê nhà, bất chấp tài sản đang xảy ra tranh chấp. Tòa án phải tiến hành thủ tục từ đầu và gặp sự chống đối quyết liệt từ những người liên quan.
Sau nhiều năm, tòa mới hoàn thiện thủ tục tố tụng và đưa vụ án ra xét xử vào ngày 21/4/2016.
Trước yêu cầu của nguyên đơn, Công ty Thái Hòa đồng ý chấm dứt hợp đồng liên doanh nhưng không chấp nhận các khoản thanh toán lợi nhuận, tiền thuê đất và thuế đất. Bị đơn lập luận, trong hợp đồng hợp tác liên doanh có quy định điều khoản tiền thuê đất, lợi nhuận cố định là 36 triệu đồng/năm. Năm 2006, hai bên có ký phụ lục hợp đồng điều chỉnh giá thuê. Nhưng phụ lục hợp đồng được thanh lý từ ngày 31/12/2006.
Bị đơn cũng cho rằng, biên bản định giá ngày 20/1/2014 dựa trên chứng thư thẩm định đã hết hiệu lực (6 tháng). Do đó, bị đơn đề nghị tạm hoãn phiên tòa để định giá lại tài sản.
CTCP Tập đoàn Thái Hòa Việt Nam (mã THV) bị hủy niêm yết từ năm 2013).
Ngoài ra, bị đơn nhiều lần khẳng định cốt lõi vụ án là tranh chấp quyền sử dụng đất, nhưng lập luận này bị Sunprotexim bác bỏ.
Hội đồng xét xử cũng công bố công văn của UBND TP. Hà Nội thể hiện mặc dù hợp đồng thuê đất không còn hiệu lực, nhưng tài sản trên đất là tài sản cố định khi cổ phần hóa được Bộ Thương mại giao cho Sunprotexim tiếp tục quản lý, sử dụng. Thực tế, Sunprotexim làm thủ tục để được công nhận quyền sử dụng đất theo hình thức có thời hạn. Song, do khu đất đang có tranh chấp nên hồ sơ vẫn bị “treo”.
Do vụ án có tính chất phức tạp, Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội dự kiến sẽ tuyên án vào ngày 27/4 tới.
Hà Linh
Theo_Tin Nhanh Chứng Khoán
Rừng Krông Pa "chảy máu"!
Lâm tặc mang cưa máy phá tan hoang cánh rừng, xẻ thịt nhiều cây gỗ lớn, chỉ đến khi vô số hộp gỗ đã đưa về điểm tập kết, chuẩn bị được đưa ra khỏi rừng thì lực lượng chức năng mới phát hiện bắt giữ. Ông Trương Thanh Hà - Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Krông Pa (Gia Lai) thừa nhận đã để xảy ra một vụ phá rừng quy mô lớn...
Ngang nhiên như... rừng vô chủ
Bức xúc trước việc lâm tặc lộng hành, khai thác gỗ rầm rộ tại cánh rừng giáp danh giữa huyện Krông Pa (Gia Lai) và huyện Krông Năng (Đăk Lăk), ngày 16.4, một người dân huyện Krông Pa (xin được giấu tên) đã tình nguyện đưa phóng viên vào rừng để tận thấy những cánh rừng bị triệt hạ tan hoang...
Hàng chục súc gỗ nằm la liệt tại bãi tập kết. Ảnh: Đ.N
Theo chân người dẫn đường, chúng tôi từ ngã ba Mê Linh (thôn Mê Linh, xã Chư Drăng, huyện Krông Pa) vượt qua dốc Mái Nhà dựng đứng, luồn theo con đường mòn giữa rừng với nhiều cây cối bị chặt hạ nằm rải rác hai bên đường. Theo ghi nhận của chúng tôi, ngay tại khu vực cửa rừng, có rất nhiều người mang theo cưa lốc, dao rựa cũng như các dụng cụ hành nghề thợ mộc nối đuôi nhau vào rừng. Ngoài bìa rừng thảm thực vật đã bị đốt cháy khiến cho quả đồi càng trở nên trơ trọi. Nhiều thân gỗ bị chặt phá hoặc bị cháy đổ nằm rải rác trên ngọn núi...
Sau nhiều giờ đi theo con đường mòn dẫn thẳng vào rừng rậm, chúng tôi lần theo vết xe ô tô còn mới nhất và tìm đến nơi tập kết gỗ nằm trên đỉnh ngọn đồi. Tại đây, hàng trăm súc gỗ đã xẻ vuông vức được xếp chồng chất khắp nơi. Mỗi súc gỗ có chiều rộng 0,6m, chiều dài 0,8m và đều dài khoảng 4-5m. Nơi tập kết gỗ giống như một đại công trường với những máy móc, cáp tời để vận chuyển gỗ nằm la liệt trong khu vực rừng này. Có những gốc cây đã bị cưa đổ đường kính lên đến hơn 1m... Qua thống kê sơ bộ, tổng cộng tại đây có trên dưới 80 súc gỗ, trung bình khoảng 1m3/súc. Tất cả đều được chặt hạ bằng cưa máy...
Theo phỏng đoán của chúng tôi, để đưa được số gỗ này về vị trí tập kết, lâm tặc đã dùng ô tô với hệ thống dây cáp tời lớn. Tại bãi gỗ, lâm tặc còn đang để lại một rơmoóc cùng nhiều lốp xe ô tô khác. Bên cạnh đó, lâm tặc cũng đã thiết kế hệ thống dây cáp dài để kèo gỗ từ bãi tập kết qua con dốc tới địa điểm xe ô tô có thể vào chở gỗ ra được. Để tiện cho việc phá rừng, lâm tặc đã dựng hai chòi để ở, nấu ăn ngay tại chỗ. Xung quanh còn nhiều bì nilon đựng thực phẩm, các vật dụng sinh hoạt chứng tỏ đã có lượng người khá đông và ở tại khu vực này trong thời gian dài...
Mật phục nhưng bó tay?
Trao đổi với phóng viên, ông Trương Thanh Hà - Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Krông Pa (Gia Lai) cho biết đối với vụ việc này, đơn vị đã "nghe thông tin lâu rồi, nhưng để tìm ra bãi gỗ và bắt giữ thì mới đây". Riêng các đối tượng khai thác thì không bắt giữ được... Chất vấn về trách nhiệm của kiểm lâm trong vụ việc này, ông Hà nói rằng các cán bộ kiểm lâm vẫn thường xuyên đi tuần tra kiểm soát bảo vệ rừng rất tích cực. Khi phóng viên hỏi với khối lượng gỗ bị khai thác lớn, xảy ra trong thời gian dài như vậy cần rất nhiều thời gian, lực lượng tuần tra kiểm soát tích cực tại sao không phát hiện ? Ông Hà cho rằng việc bắt gỗ trong rừng là rất khó: "Rừng này rộng lớn, đi sao hết được. Việc lâm tặc khai thác trong rừng phải tìm, phải kiếm chứ đâu phải như đường như ô bàn cờ mà dễ thấy" - ông Hà trả lời. Ông Hà nói thêm, dù đã nhận được thông tin lâm tặc phá rừng nhưng với quan điểm "đánh rắn phải đánh giập đầu" nên đã chỉ đạo phải tìm mọi cách bắt được đối tượng. "Chính vì thế Hạt đã cho anh em mật phục. Nhưng mật phục mãi mà không sao bắt được đối tượng" - ông Hà than vãn.
"Nhiều khả năng có sự liên kết giữa các đối tượng vì khối lượng gỗ lớn. Đây là vụ phá rừng lớn nhất từ khi tôi về nhận nhiệm vụ tại đây" - ông Hà nói.
Ông Nguyễn Thế Cường - Chánh Văn phòng UBND huyện Krông Pa cho biết, đã giao Hạt Kiểm lâm và Công an huyện nhanh chóng điều tra làm rõ vụ việc. Một lãnh đạo Công an huyện Krông Pa cho biết đã cho cán bộ cùng phối hợp kiểm tra vụ việc, tới đây sẽ thông tin cho báo chí.
"Tâm điểm" của nạn phá rừng Thời gian gần đây, huyện Krông Pa luôn là điểm nóng về tình trạng phá rừng. Nổi bật gần đây nhất là vụ phá rừng tại lâm phần của Ban quản lý rừng phòng hộ Ia Rsai với việc xe chở gỗ của ông Nguyễn Đình Sơn - Trưởng Ban quản lý bị bắt giữ. Cứ ngỡ các cơ quan chức năng sẽ có nhiều biện pháp mạnh tay để hạn chế nạn phá rừng thì lại để xảy ra một vụ phá rừng quy mô lớn nhất từ trước tới nay như phóng viên phản ánh.
Theo_Dân việt
Quá trình xét xử Minh Béo diễn ra như thế nào? Hôm nay (15/4), theo múi giờ của Mỹ, sẽ diễn ra phiên tòa đầu tiên liên quan đến vụ án Minh Béo bị bắt giữ. Để hiểu rõ vụ việc, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với luật sư Dương Thanh Hoài (hành nghề lâu năm tại California). Luật sư Hoài đã có được bảng tóm tắt về vụ việc Minh Béo...