Tranh cãi xoay quanh yếu tố thẩm mỹ của cây cầu 5D đang gây sốt ở Mộc Châu: Khen đẹp thì ít nhưng chê bai “sến súa”, “lạc lõng” nhiều vô kể
Mới chỉ mở cửa đón du khách 1 tháng thôi mà lượng ý kiến trái chiều Cầu kính Mộc Châu nhận được có lẽ nhiều hơn bất cứ địa danh nào khác trên Việt Nam.
Trong vòng 2 năm trở lại đây, liên tiếp nhiều công trình du lịch, dịch vụ, nghệ thuật được khởi công và mở cửa đón du khách ở trên khắp Việt Nam. Bên cạnh những cái tên được đánh giá cao và tạo tiếng vang, thậm chí được vinh danh trên các mặt báo quốc tế như Cầu Vàng Đà Nẵng, Landmark 81… thì cũng không ít địa điểm gây ra những tranh cãi về tính thẩm mỹ, ví dụ như Cầu trái tim Đà Lạt, đường hầm chong chóng Đà Lạt … và mới đây nhất là Cây cầu kính Mộc Châu.
Cầu kính Mộc Châu (hay còn gọi là cầu tình yêu) là cây cầu đầu tiên ở Việt Nam sử dụng công nghệ kính 5D hiện đại nhất thế giới cùng với hệ thống mắt cảm ứng 3.2 gồm 30 hiệu ứng biến đổi, tạo ra sự tương tác thú vị với du khách tham quan.
Cây cầu trong hình ảnh demo quảng bá trên MXH.
Trước khi ra mắt, những hình ảnh demo của nơi này đã gây sốt khắp MXH, rồi đến những ngày mở cửa đầu tiên vào đúng dịp nghỉ lễ 30/04 – 01/05, hàng ngàn người dân địa phương cũng như du khách từ khắp mọi nơi đã nườm nượp kéo đến đây để tham quan, trải nghiệm. Định vị “Cau tinh yeu Moc Chau” lập tức tràn ngập clip trải nhiệm của du khách trên Instagram. Và tất nhiên những hình ảnh đăng tải lại trên các fanpage du lịch cũng được chia sẻ với tốc độ chóng mặt.
Lượng du khách đổ về cầu kính Mộc Châu khá đông bất kể ngày thường hay cuối tuần trong những ngày mở cửa đầu tiên.
Những đoàn khách đông người, những hình ảnh check-in không ngớt đã phần nào cho thấy độ “hot” và sự quan tâm của du khách dành cho cầu kính Mộc Châu. Thế nhưng không phải ai cũng có chung góc nhìn như vậy về địa điểm “hứa hẹn đem tới những trải nhiệm có 1-0-2″này. Bên cạnh một vài lời khen hiếm hoi thì dễ dàng bắt gặp đâu đó vẫn có hàng loạt bình luận tranh cãi cho rằng tính thẩm mỹ và kiến trúc của công trình này không thật sự quá xuất sắc nếu không muốn nói là kém phù hợp với không gian chung.
Đúng là có 1-0-2 thật, vì chưa thấy cây cầu nào lại có nhiều ý kiến trái chiều như cầu kính Mộc Châu
Tuỳ theo gu thẩm mỹ, mà mỗi người đều có những góc nhìn khác nhau. Với cây cầu kính Mộc Châu này, nhìn chung có hai luồng mâu thuẫn: Một cho rằng cây cầu là sự phát triển của du lịch Mộc Châu, cây cầu đẹp và thú vị cho du khách trải nhiệm. Còn lại cho rằng cầu kính tình yêu quá loè loẹt, thiếu tính tối ưu trong thiết kế và không thể mang lại trải nhiệm trọn vẹn cho khách tham quan.
Từ những ngày cây cầu còn “trong trứng nước”, những thiết kế demo được tung lên MXH đã thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng. Nhưng rồi khi những hình ảnh thực tế xuất hiện, cây cầu đã vấp phải “tai nạn” chung theo mô típ “trên mạng và thực tế”.
Nhưng đó chưa phải là điều đáng nói ở đây, bởi việc quảng bá du lịch thì đơn vị nào, cá nhân nào cũng mong muốn đưa đến những hình ảnh đẹp nhất tới du khách trong và ngoài nước. Vấn đề ở đây là: Cây cầu này rõ ràng quá rực rỡ khi đặt trong một không gian đậm chất thiên nhiên như Mộc Châu, và những tranh cãi từ đây đã nổ ra.
Nhìn nhận một cách trực diện, cây cầu chỉ được 40% so với ảnh quảng cáo.
Trước những ý kiến trái chiều của cộng đồng mạng và khách du lịch về cầu kính Mộc Châu, Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn nhanh những du khách trải nhiệm cây cầu này trong một dịp cuối tuần được đánh giá là lượng du khách đến đây khá đông.
Clip phỏng vấn người dân địa phương và khách du lịch sau khi đi qua cầu tình yêu. (Clip: KingPro)
Nhiều người ủng hộ đánh giá cao cầu kính Mộc Châu ở khía cạnh công nghệ kính 5D hiện đại và hệ thống mắt cảm ứng đem đến cho du khách những trải nhiệm lần đầu tiên ở Việt Nam. Dạo một vòng nhanh MXH, đã có không ít clip thực tế đi trên cầu được quay lại, kèm theo bên dưới là lời khen cho những hiệu ứng hoa nở, hiệu ứng kính vỡ nứt, hay ngay cả khi cây cầu trở lại với lớp kính trong suốt thì cũng “thú vị đến mức hãi hùng, vừa sợ mà vừa vui” (bình luận của thành viên K.C. trong một diễn đàn công nghệ).
Quả thực, sự độc đáo trong việc đầu tư công nghệ ở cầu kính Mộc Châu là một mốc sáng trong thời đại dịch vụ kết hợp công nghệ ở Việt Nam. Và đây cũng có thể xem là điểm sáng lớn duy nhất của công trình này cho đến thời điểm hiện tại.
Xin trích một số ý kiến về cầu kính Mộc Châu ngay khi nó vừa được ra mắt ngày đầu tiên:
Antonio Pham: “Sang chảnh nhưng quá loè loẹt, không hợp cảnh quan xung quanh. Thiếu tính nghệ thuật.”
Bong Ban: “Sang chảnh gì, đi rồi mới thấy thất vọng vô cùng. Cảnh đáng lẽ phải là nên thơ hữu tình hoặc hùng vĩ mới làm khu du lịch. Còn ở đây cảnh quan không đâu vào đâu, và thậm chí còn không đẹp bằng đồng bằng chỗ quê mình. Đoàn mình đi xong ai cũng cười ngán ngẩm so với Thác Dải Yếm, Rừng thông bản Áng…”
Da Nang: “Quá sến sẩm, nhìn giả giả thiệt thiệt. Sao không xây dựng với kiến trúc phù hợp với núi rừng phía Bắc?”
Tí Tửng: “Không biết mọi người thấy sao chứ tôi thấy thiết kế xấu quá, màu sắc thì quá sặc sỡ”.
Một bạn nam khác trực tiếp có mặt tại đây chia sẻ: “Không giống như trong quảng cáo cho lắm! Không như trong tưởng tượng, thực ra thì cũng được. Coi là chút trải nhiệm thôi…”
“Coi như là chút trải nhiệm thôi…” Giữa một rừng bình luận đánh giá, phê phán về màu sắc và hình dáng của cây cầu thì một lời nói tặc lưỡi “Coi như…” còn đáng tiếc hơn cả. Tại sao lại là “Coi như…”, bởi vốn đó là một sự không bằng lòng, một sự bù trừ không thể nào cân bằng: Đội ngũ thiết kế đã “mất công” thiết kế cầu, nhà đầu tư đã “mất công” làm cầu, du khách đã “mất công” đến tham quan cầu, nên ừ thì coi như tạm được!
Một điểm đến du lịch, một công trình được đầu tư tiền tỷ, một “rừng” lời khen chê lẫn lộn, xoay quanh tính thẩm mỹ – vốn dĩ là điều tiên quyết của điểm hẹn du lịch Mộc Châu này. Chưa nói đến những giá trị văn hoá nếu có, bởi lẽ, đó còn là chuyện tranh cãi nhiều hơn nữa…
Mở cửa được 1 tuần, cầu kính Mộc Châu đã có lùm xùm đáng tiếc
Cách đây không lâu, hình ảnh về việc những du khách nữ tham quan cầu kính Mộc Châu và bị ai đó đứng từ dưới chụp lại những khoảnh khắc nhạy cảm đã trở thành đề tài bán tàn rôm rả của cư dân mạng. Phần thì lo sợ, phần thì bất bình và phẫn nộ!
Bức ảnh chụp lén vấp phải nhiều chỉ trích gay gắt từ cư dân mạng.
Hành vi trên của người chụp hình hoàn toàn đáng chê trách, nhưng việc cần nhìn nhận ở đây chính là bãi đất trống ở phía dưới cầu kính Mộc Châu – nơi đã “tạo điều kiện” để người vô ý kia thực hiện việc chụp lén. Chính vấn đề này lại phần nào ảnh hưởng đến góc nhìn của du khách về cầu kính Mộc Châu, đặc biệt là những du khách nữ – bất tiện khi mặc váy đi qua cầu.
Con đường phía dưới cầu kính, nơi được cho là khu vực người đăng tải đứng để chụp những bức hình kia. Ảnh: Nguyễn T.
Khi được đặt câu hỏi về vấn đề này, Ban quản lý cũng như những hộ dân địa phương xung quanh cho biết phần dưới của cầu kính tình yêu chưa được hoàn thiện. Dự kiến bãi đất trống sau này sẽ được thay thế bằng một dòng suối chảy qua, để khung cảnh “hồng đỏ một góc Mộc Châu” này sẽ thêm hữu tình, nên thơ… Nhưng từ đó tiếp tục lại nảy sinh một vấn đề đáng quan ngại, vào những mùa nước cạn, con đường đất ở dưới lại “hiện ra” thì ai có thể đảm bảo không có những “tai nạn” đáng tiếc như vậy tiếp tục xảy ra? Và ngay cả trong thời gian mở cửa khi chưa hoàn thiện này, liệu lấy gì cam đoan sẽ không có một loạt hình hay những hành vi phản cảm được tung lên MXH lần nữa?
“Đà Nẵng có cầu vàng, Hạ Long có cầu Nhật, còn Mộc Châu có cầu gì?” – Mộc Châu có Mộc Châu là đủ rồi
Chủ đề thường thấy trên các diễn đàn du lịch là khi các thành viên chia sẻ về những điểm đến, địa danh nổi tiếng ở địa phương mình, trong một số bối cảnh, thì đó hoàn toàn là đáng tự hào, còn với cầu kính Mộc Châu, ngay cả những người dân địa phương cũng chưa hoàn toàn “hiểu” hết giá trị của công trình mới nổi này. Đối diện thẳng thắn thì nhận định: Cầu kính Mộc Châu có thiết kế không hề phù hợp với vùng đất Mộc Châu.
Xin được trích phần chia sẻ của MC Tuấn Hải – một MC với nhiều năm trong nghề, đi nhiều nơi và có những quan điểm được giới trẻ quan tâm, khi nhắc đến cầu kính Mộc Châu:
“Mình muốn hỏi mọi người thật lòng là mọi người thấy cây cầu này có đẹp thật không?
Mình thấy Mộc Châu rất cố gắng để tạo thêm 1 điểm nhấn về du lịch cho du khách khi đến Mộc Châu có thêm địa điểm chụp ảnh, check-in và cây cầu còn áp dụng công nghệ 5D mới nhất để tăng tính trải nghiệm. Nhưng có 2 điều mình thấy thật sự không ổn:
Thứ nhất là thẩm mĩ của cây cầu, cái này thuộc về quan điểm của từng người. Và quan điểm của mình là quá loè loẹt.
Thứ hai, Mộc Châu có quá nhiều nét văn hoá của dân tộc H’Mong đặc sắc. Mình không hiểu sao phải đưa nét kiến trúc Nhật Bản với những cây hoa anh đào giả để thu hút du khách giữa núi rừng Tây Bắc.
Rồi cả việc khách du lịch nữ khi lên cầu không nên mặc váy để đảm bảo văn minh cho những người từ dưới nhìn lên…
Nói chung mình thấy công trình này không ổn tí nào…”
Chia sẻ này của MC Tuấn Hải một lần nữa như “gãi đúng chỗ ngứa” của những người nặng lòng với Mộc Châu:
“Tại sao lại không có một nét đặc trưng nào của Mộc Châu được thể hiện trên cây cầu kính? Mộc Châu là cao nguyên rộng lớn và rất xinh đẹp với các điểm đến du lịch nổi tiếng như Hang Dơi, rừng thông, thác Thái Hưng… Kể bao nhiêu cho hết vây mà tại sao lại là kiến trúc Nhật Bản hoa anh đào hồng rực giữa cái sơn cước hùng vĩ của Mộc Châu? Để rồi cây cầu kính với công nghệ 5D đầu tiên tại Việt Nam lại lạc lõng thế hả?” – chị Đ.T.M.T viết có phần bức xúc.
Có một Mộc Châu nên thơ say đắm lòng người thế này…
… Nhưng cây cầu kính lại chẳng ăn nhập chút nào.
Suy cho cùng, đi du lịch là để trải nhiệm những giá trị văn hoá địa phương, mở mang tầm mắt
Có một điều là không chỉ Mộc Châu mà còn rất nhiều địa điểm khác như Sapa, Đà Lạt cũng có những công trình gây tranh cãi về không chỉ tính thẩm mỹ, mà còn là giá trị văn hoá. “Đà Nẵng có cầu vàng, Hạ Long có cầu Nhật còn Mộc Châu có cầu gì?” – Mộc Châu có Mộc Châu! Thế là quá đủ. Khách du lịch (đặc biệt khách nước ngoài) tới những vùng đất như Sapa, Đà Lạt hay Mộc Châu không chỉ vì những công trình kiến trúc hiện đại, mà họ tới để tìm về những trải nhiệm thuộc về tự nhiên của địa phương, để hiểu hơn về truyền thống và con người nơi đây qua chính những gì gần gũi, giản đơn nhất, chứ không phải qua những công trình hoành tráng nhưng lại “chỏi” hoàn toàn với tổng thể cảnh quan.
Liệu du khách có muốn nhìn thấy những hình ảnh mang hơi hướng Nhật Bản giữa lòng cao nguyên Mộc Châu?
Những mùa hoa cải trắng thơm thảo, những mùa hoa đào hoa mận trắng xoá và những đồi chè xanh mướt ngút ngát, còn gì hấp dẫn hơn khi đến Mộc Châu, còn gì là của riêng Mộc Châu như thế? Cao nguyên xanh mướt này trong năm dường như mùa nào cũng có sức cuốn hút mãnh liệt, mùa nào tới đây cũng đều thích thú riêng. Đặt cây cầu với công nghệ hiện đại để thu hút khách du lịch ghé Mộc Châu là điều đáng trân trọng, nhưng “đặt ở đâu, đặt như thế nào, cách thể hiện nào?” lại là chuyện còn gây tranh cãi.
Trong thời buổi mà mỗi dân tộc, mỗi địa phương đều ra sức bảo tồn và phát triển giá trị văn hoá cộng đồng này, không thể phủ nhận lợi ích của công nghệ hiện đại, cũng như những nỗ lực “làm mới” văn hoá. Nhưng “làm mới” không đồng nghĩa với đổi thay, làm du lịch hay khách tham quan du lịch thời nay đều cần có lập trường và nhìn nhận đúng đắn so với thời đại: Làm du lịch văn minh hiện đại, nhưng phải bảo tồn những giá trị cốt lõi, chứ không thể cầu kỳ, kiểu cách mà tô điểm sai đi những gì đã là giá trị lâu đời.
Theo Helino
Thực hư hương vị của tô phở "chọc trời" giá 920 nghìntại Landmark 81
Không phải ăn cũng sẵn sàng bỏ tận 920 nghìn ra chỉ để ăn một bát phở. Hãy xem vị thực khách này nói thế nào về bát phở "chọc trời" này nhé!
Chỉ mới đây, một nhà hàng 6 sao tại Sài Gòn đã tạo ra rất nhiều luồng ý kiến về chiếc menu "hú hồn" với món có giá thấp nhất cũng rơi vào 255 nghìn, và món gây ấn tượng mạnh nhất chính là bát phở lên tới tận... 920nghìn.
Bên cạnh những ý kiến bàn luận về lý do khiến bát phở có giá "chọc trời" như vậy, rất nhiều người đùa rằng sẽ rủ bạn bè hay mời nhau đi ăn. Và đây chính là những hình ảnh chân thực nhất của bát phở 920 nghìn này.
Bát phở "chọc trời" có giá 920 nghìn được bán tại Oriental Pearl Restaurant (Ảnh: H.G).
Menu của Oriental Pearl Restaurant (Ảnh: H.G).
Theo chia sẻ của chàng trai này, bát phở "chọc trời" 920 nghìn này được bán tại một nhà hàng có tên là Oriental Pearl Restaurant. Có thể thấy, mức giá đắt đỏ trên chủ yếu là giá của... thịt bò, "bạn bỏ 920 nghìn để ăn bò thì đúng hơn là ăn phở" bởi phần thịt bò trong bát phở này là bò wagyu và đuôi bò Úc. Thịt bò được đánh giá là ngon, mềm, hơi hơi béo.
Riêng về các thành phần còn lại của bát phở lại không được đánh giá quá cao, thậm chí còn không được như các tiệm phở bên ngoài. Cụ thể: "Nước phở mình cảm thấy khá bình thường, không đậm vị, kiểu không lạt (nhạt) cũng không đậm đà, bánh phở ăn không mềm như ở các tiệm phở đâu, hơi lạ lạ vì ăn cảm giác nó sẽ hơi sựt sựt".
Bên cạnh đó, chàng trai này cũng đã ăn thử một số món khác tại nhà hàng này như buger đỉnh cao, cá hồi Nauy, mỳ ý nấm truffle, salad ceasar gà.
Minh Anh
Tung clip 'chân dung' tô phở giá 920k ở Landmark, Color Man bất ngờ bị người xem đồng loạt chỉ trích Là một trong những Youtuber ẩm thực nổi tiếng, mới đây đoạn clip giới thiệu về 'tô phở giá cung trăng' ở Landmark 81 của Color Man bất ngờ bị chỉ trích. Được biết đến là Youtuber về ẩm thực, du lịch nổi tiếng tại Việt Nam, Color Man hiện sở hữu kênh Youtube với gần 1 triệu lượt người theo dõi. Với...