Tranh cãi việc Hàn Quốc gia nhập cuộc đua tàu sân bay ở châu Á
Hàn Quốc là nước tham gia muộn nhất trong cuộc đua tàu sân bay ở châu Á nhưng vẫn còn nhiều câu hỏi về cuộc chơi đắt đỏ này.
Hình ảnh sơ bộ về tàu sân bay CVX của công ty đóng tàu lớn nhất thế giới, Hyundai Heavy Industries. Ảnh: HHI
Hải quân Hàn Quốc đang chuẩn bị có được món tài sản khổng lồ, sáng bóng mà các đô đốc mong muốn sau khi Quốc hội nước này đảo ngược quyết định trước đó và lập ngân sách cho một tàu sân bay.
Tàu sân bay đầu tiên của Hàn Quốc
Diễn biến trên đẩy nền kinh tế lớn thứ tư của châu Á vào cuộc đua tàu sân bay trong khu vực vốn đã có những đối thủ mạnh mẽ như Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản. Tuy nhiên, vẫn có những câu hỏi đặt ra về việc liệu Hải quân Hàn Quốc (ROKN), có cần một con tàu như vậy để phát huy sức mạnh cứng, hay chỉ đơn giản là muốn một chiếc để phát huy sức mạnh mềm.
“Tôi nghĩ rằng sẽ rất khó tìm ra hai người Hàn Quốc có thể đồng ý về tàu sân bay,” một nguồn tin quen thuộc với các vấn đề hải quân nói với tờ Asia Times.
Một xung đột rõ ràng về động lực sở hữu tàu sân bay đã được phản ánh trong việc thúc đẩy và kéo ngân sách cho dự án. Hãng thông tấn Yonhap đưa tin, Quốc hội Hàn Quốc hôm 3/12 đã nhất trí về khoản ngân sách 7,2 tỷ won (6,1 triệu USD) đầu tiên cho vũ khí này trong một cuộc bỏ phiếu toàn thể. Kết quả này đã đảo ngược quyết định của cấp ủy ban Quốc hội vào tháng trước, khi các thành viên phe đối lập nói rằng không có sự đồng thuận quốc gia về sự cần thiết phải có tàu sân bay.
Lúc này, với việc Quốc hội Hàn Quốc thông qua chi tiêu ngân sách hàng năm lớn nhất từ trước đến nay, trị giá 607,7 nghìn tỷ won (516,42 tỷ USD) cho năm 2022, tăng gần 9% so với ngân sách năm 2021, dự án tàu sân bay, gọi tắt là CVX, đã trở lại và chiếm một phần trong ngân sách quốc phòng kỷ lục.
Số tiền mặt khiêm tốn vừa được thông qua trong ngân sách sơ bộ không phải dành cho bản thân con tàu, mà chỉ dành cho các giai đoạn đầu của công việc tư vấn, nghiên cứu khả thi và thiết kế. Hiện hai hồ sơ dự thầu cho CVX đã được công khai.
Hình ảnh sơ bộ về tàu sân bay CVX của công ty đóng tàu lớn nhất thế giới, Hyundai Heavy Industries. Ảnh: HHI
Công ty quốc phòng Babcock của Anh, cũng là nhà thiết kế hai tàu sân bay mới nhất của Hải quân Hoàng gia Anh, đã ký một biên bản ghi nhớ với công ty đóng tàu địa phương Hyundai Heavy Industries. Trong khi đó, công ty đóng tàu Italy, Fincantiari hợp tác với Daewoo Shipbuilding and Marine Engineering của Hàn Quốc.
Các thiết kế được lan truyền trên mạng cho thấy CVX là một tàu sân bay “hai đảo”, tương tự như tàu Queen Elizabeth của Hải quân Anh đã đến thăm khu vực trong năm nay. Tuy nhiên, có sự khác biệt trong thiết kế mũi tàu.
Không có một hồ sơ đấu thầu nào – ít nhất là công khai – từ Mỹ, quốc gia có 28.000 quân đồn trú ở Hàn Quốc và trong nhiều thập kỷ là nhà cung cấp vũ khí quan trọng cho Seoul.
Nguồn tin giấu tên cho biết: “Người Mỹ gần như chắc chắn đang xoay sát ‘giải thưởng’, nhưng cách kinh doanh của Mỹ là giữa chính phủ với chính phủ.
Châu Á đang mê hàng không mẫu hạm
Khu vực Đông Á đang tham gia vào cuộc chạy đua vũ trang, với việc Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và cả hai miền Triều Tiên bổ sung thêm nhiều năng lực mới. Giờ đây, trên mặt trận tàu sân bay, Hàn Quốc đang cố gắng bắt kịp các nước láng giềng.
Trung Quốc đã có hai tàu sân bay hạng nặng hoạt động, Liêu Ninh (67.000 tấn) và Sơn Đông (70.000 tấn), và một chiếc thứ ba đang được đóng, dự kiến hạ thủy vào năm tới. Ấn Độ đã tiến hành thử nghiệm trên biển đối với tàu sân bay mới nhất của họ, Vikrant (45.000 tấn).
Cũng trong năm nay, Nhật Bản đã chuyển đổi một “khu trục hạm trực thăng” (27.000 tấn) thành một tàu sân bay hạng nhẹ có khả năng vận hành máy bay chiến đấu tàng hình F35B.
Các báo cáo sơ bộ về lượng choán nước của tàu sân bay Hàn Quốc dao động từ 30.000-40.000 tấn. Nó có thể phục vụ tới 20 chiếc chiến đấu cơ F35B.
Tư lệnh Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc chỉ đạo máy bay chiến đấu J-15 cất cánh từ tàu sân bay Liêu Ninh trong cuộc tập trận ở tây Thái Bình Dương vào ngày 20/4/2018. Ảnh: AFP
Một tàu sân bay sản xuất nội địa đang được Tổng thống Moon Jae-in ủng hộ. Ông là người muốn thúc đẩy sự tự cường trong cả lĩnh vực quốc phòng và ngành công nghiệp quốc phòng nước nhà.
Ông Moon cũng đang xúc tiến việc chuyển OPCON – quyền kiểm soát các hoạt động tác chiến thời chiến – từ bộ chỉ huy của Mỹ sang bộ chỉ huy của Hàn Quốc. Khi Tổng thống Moon rời nhiệm sở vào tháng 3/2022, việc xây dựng tàu sân bay và chuyển giao OPCON sẽ được thực hiện bởi những người kế nhiệm ông.
Tuy nhiên, ông Moon chắc chắn sẽ để lại di sản lớn trong lĩnh vực quốc phòng của Hàn Quốc. Ông đã giành được chiến thắng trong việc dỡ bỏ giới hạn lâu nay về tầm bắn tên lửa mà Mỹ áp dụng, tại hội nghị thượng đỉnh hồi tháng 5 với Tổng thống Joe Biden. Thành quả của điều đó trở nên rõ ràng khi chỉ trong vòng vài tháng, Hàn Quốc đã công khai và thử nghiệm thành công tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm.
Bên cạnh đó, một vụ phóng thử tên lửa vận chuyển vệ tinh ít thành công hơn, nhưng độ cao mà phương tiện đạt được cho thấy Seoul hiện có khả năng chế tạo tên lửa đạn đạo tầm trung.
Tương lai của tàu sân bay CVX sẽ nằm trong tay của tổng thống Hàn Quốc kế tiếp, người sẽ nhậm chức vào tháng 5/2022. Khác với chuẩn mực toàn cầu, các tổng thống Hàn Quốc theo chủ nghĩa tự do có xu hướng độc lập hơn về các vấn đề quốc phòng. Ví dụ, việc chuyển giao OPCON bắt nguồn từ nhà cố vấn cá nhân của Tổng thống Moon, cố Tổng thống Roh Moo-hyun, nhà lãnh đạo Hàn Quốc thời kỳ 2003-2008.
Các tổng thống bảo thủ có xu hướng gắn bó chặt chẽ với liên minh với Mỹ như một liều thuốc chữa bách bệnh cho tất cả các vấn đề quốc phòng. Điều này có thể giải thích tốc độ chuyển giao OPCON chậm chạp trong thời kỳ hai chính quyền bảo thủ cầm quyền giữa thời ông Roh Moo-hyun và Moon Jae-in.
Tại Hàn Quốc đã diễn ra một cuộc tranh luận đáng kể về việc làm thế nào, hoặc liệu một tàu sân bay có được đưa vào học thuyết quốc phòng của nước này hay không.
“Những người tin vào nhu cầu này nói rằng chúng tôi có thể hỗ trợ các hoạt động quốc tế bên ngoài các khu vực ven biển của Hàn Quốc”, Chun In-bum, một tướng Hàn Quốc đã nghỉ hưu, nói với Asia Times.
Tư lệnh Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc chỉ đạo máy bay chiến đấu J-15 cất cánh từ tàu sân bay Liêu Ninh trong cuộc tập trận ở tây Thái Bình Dương vào ngày 20/4/2018. Ảnh: AFP
Tuy nhiên, không rõ những hoạt động đó có thể là gì. Hàn Quốc đã tham gia nhiều nhiệm vụ gìn giữ hòa bình, bao gồm cả ở Afghanistan, Iraq, Biển Đỏ và Nam Sudan, nhưng thường tránh vướng vào các chiến dịch tranh cãi.
Nhưng còn có một lập luận khác. Những người ủng hộ tàu sân bay nói rằng phương tiện này có tác dụng răn đe đối với Triều Tiên, hỗ trợ phi đội F35. Phe ủng hộ cũng cho rằng “các căn cứ không quân trên đất liền rất dễ bị tấn công từ Triều Tiên, vì vậy đây có thể là một nơi trú ẩn an toàn”, ông Chun cho biết.
Tuy nhiên, những người chỉ trích tàu sân bay cho rằng kích thước khổng lồ khiến chúng trở nên đặc biệt dễ bị tấn công trước các mối đe dọa từ tên lửa và tàu ngầm. Và Triều Tiên, quốc gia chuyên về công nghệ tên lửa, cũng sở hữu một hạm đội tàu ngầm lớn.
Nhưng ngoài sức mạnh cứng, việc trang bị tàu sân bay còn mang sức mạnh mềm. Và đối với một quốc gia đang tìm cách nâng cao vị thế của mình ở những bờ biển xa xôi, tàu sân bay có khả năng ứng dụng thực sự. Một nguồn tin quen thuộc với các vấn đề hải quân cho biết: “Hàng không mẫu hạm là một loại công cụ ngoại giao thể hiện khả năng và tầm vươn ra toàn cầu”.
Ngay cả tướng Chun, một người phản đối kế hoạch, cũng thừa nhận rằng tàu sân bay sẽ là một “con tàu uy tín” – một viên ngọc quý và một bước nhảy vọt về công nghệ cho lĩnh vực đóng tàu và công nghiệp quốc phòng Hàn Quốc.
“Dự án này có thể góp phần phát triển công nghệ quốc phòng bản địa. Tôi hy vọng chúng ta sẽ có được điều gì đó từ nó”, ông Chun nói.
Ba chiến hạm Mỹ bám đuôi tàu sân bay Trung Quốc trên Biển Đông
Thủy thủ Mỹ đăng video tiêm kích đáp xuống tàu sân bay Liêu Ninh, trong khi ảnh vệ tinh cho thấy 3 chiến hạm Mỹ bám theo tàu Trung Quốc.
Video chia sẻ trên mạng xã hội Twitter hôm 17/4 cho thấy nhóm tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh di chuyển trên Biển Đông, dường như được quay từ tàu khu trục Mỹ.
Trong video, một tiêm kích J-15 hạ cánh xuống tàu sân bay Liêu Ninh, khiến các thủy thủ thốt lên tiếng trầm trồ. Xung quanh tàu sân bay Trung Quốc là đội hình hộ tống gồm ít nhất một tàu khu trục phòng không Type-052D và một tàu khu trục hạng nặng Type-055.
Nhóm tàu Liêu Ninh được quay từ chiến hạm Mỹ. Video: Twitter/Shiwenye3.
Ảnh vệ tinh được chụp hôm 16/4 cho thấy nhóm tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh di chuyển trên Biển Đông, cách căn cứ Du Lâm tại đảo Hải Nam gần 500 km về phía đông nam.
Lực lượng Trung Quốc gồm tàu sân bay Liêu Ninh, một tàu khu trục Type-055, hai tàu khu trục phòng không Type-052D, một tàu hộ vệ tên lửa Type-054A và tàu hậu cần Type-901. Di chuyển sát đội hình Trung Quốc ở ba hướng là các tàu khu trục lớp Arleigh Burke của Mỹ.
Bộ Quốc phòng Mỹ và Trung Quốc chưa bình luận về thông tin này.
Động thái diễn ra vài ngày sau khi nhóm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt và nhóm tàu đổ bộ USS Makin Island rời Biển Đông. Chưa rõ có chiến hạm Mỹ nào bám theo nhóm tàu sân bay Trung Quốc hay không. Hải quân Mỹ từng triển khai tàu khu trục USS Mustin bám theo chiếc Liêu Ninh khi nó tiến vào Biển Đông hôm 10/4.
Tàu Trung Quốc (đánh số 1-5) và ba tàu khu trục Mỹ trên Biển Đông hôm 16/4. Ảnh: Twitter/OSINT-1.
Căng thẳng tại Biển Đông gia tăng từ hôm 7/3, khi hàng trăm tàu Trung Quốc neo đậu tại bãi Ba Đầu trong lãnh hải đảo Sinh Tồn Đông thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, kết thành hàng dài mà không đánh bắt dù thời tiết thuận lợi.
Philippines, bên cũng tuyên bố chủ quyền với bãi Ba Đầu, cáo buộc đội tàu này do dân quân biển Trung Quốc điều khiển. Bắc Kinh bao biện các tàu này "neo đậu để tránh thời tiết xấu". Nhiều nước đã lên tiếng bày tỏ lo ngại tình hình căng thẳng mới ở khu vực và phản đối động thái mang tính đe dọa của đội tàu Trung Quốc.
Việt Nam khẳng định hoạt động của các tàu Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế, yêu cầu Trung Quốc chấm dứt vi phạm, tôn trọng chủ quyền của Việt Nam. Việt Nam đang theo dõi sát diễn biến trên Biển Đông, bảo vệ và thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền trên các vùng biển, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982.
Tàu sân bay Trung Quốc tiến xuống Biển Đông Tàu sân bay Liêu Ninh cùng chiến hạm hộ tống đi xuống phía nam đảo Hải Nam hôm 16/4, vài ngày sau khi tàu sân bay Mỹ rời khu vực. Hình ảnh được vệ tinh của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) chụp hôm 16/4 cho thấy nhóm tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc di chuyển trên Biển...