Tranh cãi việc Anh từ chối trả 14 tấn vàng cho Venezuela giữa lúc khủng hoảng
Venezuela đang cần lấy lại 14 tấn vàng gửi tại Ngân hàng Anh để đối phó với tình trạng lạm phát và các lệnh trừng phạt của Mỹ. Tuy nhiên quốc gia Nam Mỹ đang gặp không ít khó khăn khi thu hồi khối tài sản này.
Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro cầm trên tay những thỏi vàng. (Ảnh: Reuters)
Trang Times gần đây đưa tin Ngân hàng Anh đã từ chối đề nghị của Venezuela liên quan đến việc trả lại 14 tấn vàng trị giá 550 triệu USD do Venezuela gửi tại Ngân hàng Anh. Các quan chức Anh viện dẫn lý do lo ngại nguy cơ rửa tiền từ phía Venezuela sau khi nhận vàng. Ngoài ra Anh cũng muốn Venezuela công bố rõ kế hoạch nước này dự định làm với 14 tấn vàng nếu chúng được đưa trở về quốc gia châu Mỹ.
Các nguồn tin giấu tên cho biết kế hoạch của chính quyền Tổng thống Nicolas Maduro nhằm đưa 14 tấn vàng từ London về nước đã bị trì hoãn gần 2 tháng nay do những khó khăn trong việc xác định cách thức bảo đảm để vận chuyển số vàng lớn như vậy về Venezuela. Thậm chí có nguồn tin nói rằng Anh nghi ngờ số vàng này có thể rơi vào tay lãnh đạo Venezuela và sử dụng cho mục đích cá nhân.
Theo Jorge Martin, một thành viên của nhóm vận động chính trị Hands Off Venezuela có trụ sở tại Anh và nhiều chi nhánh trên thế giới, việc Anh từ chối đề nghị trả lại 14 tấn vàng cho Venezuela là vấn đề gây tranh cãi vì thực chất số vàng này không thuộc sở hữu của Ngân hàng Anh hay chính phủ Anh, mà là tài sản của Venezuela. Ông Martin nhận định động thái của Anh giống như hành vi “cướp bóc” khi thực chất Anh đang nắm giữ những tài sản vốn không thuộc sở hữu của họ.
“Việc các quốc gia trên thế giới gửi vàng ở những nơi được cho là an toàn là chuyện bình thường, song điều đó không có nghĩa là chính phủ của nước đó (nhận gửi vàng) có quyền quyết định về tương lai sử dụng khối tài sản này. Điều này đã được chứng minh từ quyết định do cựu Tổng thống Hugo Chavez đưa ra cách đây vài năm khi ông thu hồi số vàng do Venezuela gửi tại Thụy Sĩ. Rõ ràng, lý do khiến ông Maduro muốn thu hồi số vàng (tại Anh) vào thời điểm này là vì muốn bảo vệ chính ông và đất nước của ông trước các lệnh trừng phạt do Mỹ áp đặt”, ông Martin nhận định.
Trong cuộc phỏng vấn với hãng tin Sputnik (Nga), ông Martin được hỏi liệu có “động cơ chính trị” nào phía sau quyết định của Anh trong việc giữ vàng của Venezuela hay không. Theo ông Martin, Times là một tờ báo nghiêm túc, đại diện cho nhóm cầm quyền tại Anh, do vậy những thông tin do tờ báo này đăng tải chắc hẳn cũng có tính xác thực nhất định.
Video đang HOT
“Tôi nghĩ có một điều khá rõ ở đây đó là Mỹ cũng tham gia vào vụ việc này. Chỉ vài ngày trước đây, khi đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử giữa kỳ Mỹ, Tổng thống Donald Trump đã công bố các lệnh trừng phạt mới đối với Venezuela, trong đó nhắm mục tiêu cụ thể tới vàng. Trong trường hợp này không phải là vàng dự trữ mà là vàng đang được khai thác ở phía nam Venezuela. Lệnh trừng phạt này đã ảnh hưởng tới bất kỳ ai có giao dịch hoặc tiến hành các hoạt động giao dịch vàng Venezuela trên thị trường quốc tế. Do vậy có thể suy đoán rằng quyết định của Ngân hàng Anh trong việc trì hoãn trả vàng cho Venezuela có liên quan tới các lệnh trừng phạt (của Mỹ). Mỹ đã góp tiếng nói trong việc yêu cầu chính phủ Anh hành động về vấn đề này”, ông Martin cho biết.
Khi được hỏi liệu các nước châu Âu khác có đi theo sự chỉ đạo của Anh và Mỹ hay không, ông Martin khẳng định luôn có một “chiến dịch lớn” ở châu Âu nhằm áp đặt thêm các lệnh trừng phạt với Venezuela.
“Chiến dịch này trước đây được dẫn dắt bởi chính phủ cánh hữu ở Tây Ban Nha. Chính phủ Tây Ban Nha hiện đã thay đổi, song trong những ngày vừa qua, EU (liên minh châu Âu) vẫn đưa ra những tuyên bố liên quan tới cái gọi là cuộc khủng hoảng nhân đạo tại Venezuela và cho rằng các lệnh trừng phạt cần được áp đặt trong trường hợp này. Do vậy, các chính quyền châu Âu có thể cũng sẽ có những biện pháp trừng phạt tương tự. Tuy nhiên theo tôi biết, Venezuela không còn gửi vàng ở bất kỳ nước châu Âu nào nữa”, ông Martin nói.
Khó khăn chồng chất
Venezuela đang lâm vào cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng với tốc độ lạm phát phi mã khi đồng nội tệ bolivar còn rất ít giá trị. Trong ảnh: 1 kg thịt gà có giá 16,6 triệu bolivar (tương đương 2,22 USD) (Ảnh: Reuters)
Kho dự trữ ngoại hối của Venezuela đã sụt giảm đáng kể từ sau khi Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt cấm Venezuela vay mượn tiền mặt từ thị trường quốc tế. Tuần trước Nhà Trắng đã ban hành các lệnh trừng phạt mới nhằm vào Venezuela, trong đó Mỹ cấm các công dân của nước này được làm ăn với các tổ chức và cá nhân có liên quan tới hoạt động kinh doanh vàng ở Venezuela, những hoạt động mà Washington mô tả là “tham nhũng và lừa đảo”.
Venezuela đang phải đương đầu với một trong những cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng nhất trong lịch sử khi trải qua năm thứ 5 liên tiếp suy thoái kinh tế và lạm phát lên tới hơn 400.000%. Cuộc khủng hoảng buộc gần 1 triệu người Venezuela phải rời bỏ quê hương để di cư sang các nước láng giềng.
Venezuela từng gửi vàng ở các ngân hàng nước ngoài và đây cũng là thông lệ thường thấy của các nước đang phát triển. Năm 2011, cựu Tổng thống Hugo Chavez đã thu hồi gần 160 tấn vàng từ Mỹ và một số quốc gia châu Âu về nước.
Từ năm 2014, Venezuela đã sử dụng vàng như vật thế chấp để nhận hàng tỷ USD khoản vay từ các ngân hàng quốc tế. Do vậy dự trữ vàng của Venezuela đã sụt giảm đáng kể. Theo số liệu thống kê mới nhất từ ngân hàng trung ương Venezuela, dự trữ vàng của quốc gia Nam Mỹ này đã giảm xuống còn 160 tấn hồi tháng 6, so với 364 tấn hồi năm 2014. Một số thỏa thuận vay đã đến hạn, song Venezuela vẫn không đủ khả năng chi trả, do vậy các ngân hàng đã giữ lại số vàng do Venezuela gửi để trừ nợ.
Nếu không lấy được vàng gửi tại các ngân hàng nước ngoài về nước, Venezuela sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn và nền tài chính của nước này có thể sẽ bị chao đảo. Theo đó, Venezuela sẽ không thể đáp ứng đủ các mặt hàng cơ bản cho người dân, từ thực phẩm, thuốc men cho tới phụ tùng ô tô.
Theo Tổng thống Maduro, chính phủ của ông đang là nạn nhân của một “cuộc chiến kinh tế” do phe đối lập dẫn đầu và được thúc đẩy bởi các lệnh trừng phạt của Mỹ. Tuy nhiên, những người chỉ trích đổ lỗi cho mô hình kinh tế nhà nước của Venezuela, trong đó việc trao đổi hàng hóa bị kiểm soát còn các các công ty tư nhân bị quốc hữu hóa.
Thành Đạt
Tổng hợp
Theo Dantri
Các đối tượng liên quan vụ ám sát Tổng thống Venezuela lẩn trốn ở Peru
Ngoại trưởng Venezuela Jorge Arreaza ngày 15/8 cho biết đã trao cho đại diện của Đại sứ quán Peru danh sách các đối tượng liên quan tới vụ ám sát bất thành nhằm vào Tổng thống Nicolas Maduro hôm 4/8 và đã chạy trốn sang Peru để yêu cầu sự hợp tác của các cơ quan chức năng nước láng giềng Nam Mỹ này.
Lực lượng an ninh Venezuela phong tỏa hiện trường sau vụ nổ nhằm vào Tổng thống Nicolas Maduro ở Caracas để phục vụ công tác điều tra, ngày 4/8. (Nguồn: EPA/TTXVN)
Phát biểu họp báo, ông Arreaza cho biết những đối tượng tham gia vụ mưu sát Tổng thống Maduro cũng chính là những người có liên quan đến vụ tấn công nhằm vào căn cứ quân sự Fuerte Paramacay xảy ra hồi tháng 8/2017, đồng thời chỉ rõ 2 trong số những tội phạm đó gồm tu sỹ Gregorio José Yaguaz và mục sư Yalbert Alberto Escalona, hiện đang lẩn trốn tại Peru.
Ngoại trưởng Arreaza bày tỏ hy vọng Chính phủ Peru sẽ có hành động phản ứng phù hợp về việc này.
Trước đó, ngày 11/8 vừa qua, Tổng thống Maduro đã đề nghị Ngoại trưởng Arreaza thúc đẩy thủ tục yêu cầu dẫn độ các đối tượng tham gia vào vụ việc nghiêm trọng trên.
Cho đến nay, Venezuela đã yêu cầu Mỹ và Colombia hợp tác và cho phép dẫn độ những đối tượng liên quan hiện đang sinh sống ở hai quốc gia này về nước để xét xử theo pháp luật./.
Theo vietnamplus
Venezuela bắt 6 người tình nghi liên quan tới vụ ám sát Maduro Chính quyền Venezuela thông báo đã bắt giữ 6 nghi phạm sau vụ nổ thiết bị bay không người lái nhằm ám sát Tổng thống Nicolas Maduro. Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro trước khi bị ám sát hụt sáng hôm qua. Ảnh: Reuters. "Một nghi phạm có lệnh truy nã vì tham gia đợt tấn công căn cứ quân sự làm hai người...