Tranh cãi về miễn dịch cộng đồng tại Ấn Độ
Thành phố Mumbai cho rằng nhiều khu ổ chuột đã đạt miễn dịch cộng đồng với nCoV, nhưng giới chuyên gia nhận định khả năng này không kéo dài lâu.
Viện nghiên cứu Tata, Ấn Độ, ngày 30/7 công bố báo cáo chỉ ra rằng gần 60% số người sống trong các khu ổ chuột ở Mumbai có kháng thể nCoV trong máu, đáp ứng tiêu chí miễn dịch cộng đồng.
Nghiên cứu được Tata phối hợp với chính quyền Mumbai thực hiện bằng xét nghiệm huyết thanh trong tháng 7 đối với 6.936 người sống tại ba khu ổ chuột ở ngoại ô thành phố. Kết quả cho thấy cứ 10 người sống ở khu ổ chuột, có 6 người mang trong mình kháng thể nCoV, đồng nghĩa họ có thể hình thành một cộng đồng miễn dịch lớn nhất trên thế giới.
Một phụ nữ đã hồi phục sau khi nhiễm Covid-19 tình nguyện hiến huyết tương ở Dharavi, Mumbai, Ấn Độ, hôm 23/7. Ảnh: AFP.
Tuy nhiên, theo nhiều nhà khoa học, khả năng miễn dịch cộng đồng này chỉ có thể đạt được ở một khu vực nhỏ và tồn tại trong thời gian ngắn.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), miễn dịch cộng đồng là tình trạng trong đó có một tỷ lệ nhất định người dân đạt được miễn dịch với một số bệnh truyền nhiễm (thông qua tiêm chủng hoặc đã mắc bệnh này trước đó).
Với Covid-19, chủ đề này vẫn còn nhiều tranh cãi bởi giới khoa học chưa đi đến đồng thuận về mốc đạt được miễn dịch cộng đồng. Không có con số nào để xác định bao nhiêu phần trăm dân số nhiễm bệnh thì một cộng đồng mới đạt được khả năng miễn dịch.
Nhiều nhà dịch tễ học tin rằng tỷ lệ đạt được miễn dịch cộng đồng đối với nCoV là khoảng 60% dân cư, Shahid Jameel, nhà virus học kiêm giám đốc điều hành Welcome Trust/DBT India Alliance, tổ chức từ thiện chuyên đầu tư vào xây dựng khoa học y sinh và nền tảng nghiên cứu y tế, cho hay.
Theo Jameel, các khu vực khác nhau ở Ấn Độ sẽ tiến gần tới ngưỡng miễn dịch cộng đồng ở những thời điểm không giống nhau.
Khả năng miễn dịch cộng đồng được xác định chủ yếu bởi việc có bao nhiêu cá nhân trong quần thể miễn dịch với một căn bệnh truyền nhiễm cụ thể. Điều này dẫn tới khả năng miễn dịch gián tiếp đối với những người khác trong cộng đồng chưa từng nhiễm bệnh hay phơi nhiễm, nhà virus học Upasana Ray giải thích.
Về cơ bản, miễn dịch cộng đồng có nghĩa là càng nhiều người trong cộng đồng dân cư nhiễm bệnh và phát triển khả năng miễn dịch thì những người khác trong cộng đồng càng có ít cơ hội nhiễm bệnh hơn.
Tranh cãi về miễn dịch cộng đồng ở Ấn Độ sục sôi sau báo cáo của Viện nghiên cứu Tata. Xét nghiệm huyết thanh cung cấp những ước tính về mức độ kháng thể chống lại các bệnh truyền nhiễm và được coi là tiêu chuẩn vàng để đo lường khả năng miễn dịch của cộng đồng dân cư sau khi mắc bệnh truyền nhiễm hoặc tiêm vaccine.
Nhà virus học Satyajit Rath lưu ý rằng xét nghiệm huyết thanh dương tính không nhất thiết chỉ ra rằng cơ thể đã có miễn dịch bảo vệ. Thêm vào đó, một số bằng chứng cho thấy phản ứng kháng thể có thể chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Trong trường hợp này, nhiều người sẽ nhanh chóng mất đi khả năng miễn dịch.
Mặt khác, theo Rath, những người mắc bệnh truyền nhiễm cũng phát triển các phản ứng miễn dịch tế bào T nhưng chỉ số này không được đo lường trong báo cáo của Viện nghiên cứu Tata.
Tế bào T, đóng vai trò trung tâm trong phản ứng miễn dịch, có thể tồn tại lâu hơn, nhưng chưa rõ mối quan hệ giữa nó với khả năng bảo vệ của cơ thể trước virus.
“Suy đoán của tôi là khi chúng ta nhiễm virus, chúng ta có khả năng miễn dịch phần nào, ít nhất trong vài tháng… Tôi nghĩ vẫn còn rất nhiều điều chưa biết và chúng ta không nên đi đến kết luận một cách quá dễ dàng”, Rath nói.
Nhà virus học Jameel cho rằng còn quá sớm để nói về miễn dịch cộng đồng với Covid-19 trên quy mô toàn quốc ở Ấn Độ, bởi có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng khác như mật độ dân số, tỷ lệ nhiễm virus và lây truyền bệnh. Chúng không giống nhau trên cả nước, thậm chí không giống nhau tại một bang hay một thành phố.
Ví dụ, không thể so sánh giữa thành phố Mumbai và Arunachal Pradesh. Ngay cả ở Mumbai, cũng không thể so sánh giữa những khu vực dân cư đông đúc như Dharavi với Nam Mumbai. Miễn dịch cộng đồng chỉ nên được hiểu trong khuôn khổ một cộng đồng dân cư, địa phương hoặc nhóm dân số nhất định, Jameel giải thích.
Ngoài ra, miễn dịch cộng đồng cũng phụ thuộc vào mức độ lây nhiễm của mầm bệnh, theo Upasana Ray. Nếu một virus có khả năng lây nhiễm cực nhanh nhưng ít gây bệnh, miễn dịch cộng đồng sẽ đạt được nhanh hơn.
Một nghiên cứu của Tây Ban Nha đăng trên tạp chí Lancet hồi đầu tháng 7 đặt ra nghi ngờ về tính khả thi của miễn dịch cộng đồng trong việc đẩy lùi Covid-19. Nghiên cứu trên 60.000 người ước tính chỉ 5% dân số Tây Ban Nha phát triển được kháng thể sau khi nhiễm virus.
COVID-19: Số ca mắc ở Nhật Bản tăng đột biến, Ấn Độ có hơn 900 người nhiễm bệnh
Nhật Bản đã ghi nhận ngày thứ 5 liên tiếp số ca nhiễm virus corona tăng đột biến, trong khi Ấn Độ có hơn 900 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua.
Số ca mắc nCoV ở Nhật Bản tăng đột biến
Bộ Y tế Nhật Bản đã ghi nhận 714 trường hợp nhiễm virus corona chủng mới và 4 trường hợp thiệt mạng vào hôm 11/4. Đây là ngày thứ năm liên tiếp Nhật Bản chứng kiến sự tăng vọt kỷ lục về số trường hợp nhiễm bệnh.
Đến nay, Nhật Bản ghi nhận tổng số 7.460 ca nhiễm, bao gồm 712 ca từ du thuyền Diamond Princess. Tổng số người chết vì virus ở Nhật Bản là 109.
Nhật Bản đã ghi nhận ngày thứ 5 liên tiếp số ca nhiễm virus corona tăng đột biến. (Ảnh: AA)
Tại Tokyo, hôm 11/4 ghi nhận kỷ lục số ca nhiễm bệnh với 197 trường hợp, nâng tổng số trường hợp nhiễm bệnh lên tới 1.902.
Hiệp hội y học cấp tính Nhật Bản và Hiệp hội y học khẩn cấp Nhật Bản, đã đưa ra cảnh báo chung về sự khủng hoảng thiếu thuốc cấp cứu, có thể dẫn đến sự sụp đổ của y học nói chung.
Bên cạnh đó, tuyên bố cũng cho hay, khẩu trang và áo khoác phẫu thuật bệnh viện đang ngày càng thiếu hụt tại Nhật Bản.
Ngày 7/4, Thủ tướng Abe Shinzo tuyên bố tình trạng khẩn cấp kéo dài 1 tháng đối với Tokyo và 6 khu vực khác ở Nhật Bản. Việc ban bố tình trạng khẩn cấp sẽ cho phép chính quyền nhiều công cụ hơn để buộc người dân phải ở nhà và các doanh nghiệp đóng cửa.
Ấn Độ có hơn 900 trường hợp nhiễm mới
Hôm 12/4, Bộ Y tế và Phúc lợi gia đình Ấn Độ đã báo cáo nước này có 910 trường hợp mới mắc COVID-19 và 34 trường hợp thiệt mạng trong 24 giờ qua.
Bộ Y tế và Phúc lợi gia đình Ấn Độ cho hay, đến nay nước này đã ghi nhận tổng cộng 8.356 ca nhiễm virus corona chủng mới, trong đó có 273 trường hợp thiệt mạng.
Ấn Độ ghi nhận tổng cộng 8.356 ca nhiễm virus corona churg mới. (Ảnh: Economictimes)
Theo Hội đồng nghiên cứu y tế Ấn Độ (ICMR), Ấn Độ đã thực hiện 17.143 mẫu xét nghiệm vào hôm 11/4.
Trước tình hình leo thang số ca nhiễm bệnh, 3 bang ở Ấn Độ gồm bang Maharashtra - nơi có số ca mắc COVID-19 cao nhất ở Ấn Độ, Punjab và Odisha đã gia hạn lệnh phong tỏa cho đến ngày 30/4.
Video: Mạnh thường quân nườm nượp chở gạo đến góp sức cho 'ATM gạo'
"Chúng tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc kéo dài thời gian phong tỏa. Điều này sẽ kéo dài ít nhất cho đến ngày 30/4. Tôi nhấn mạnh ít nhất là vì tất cả phụ thuộc vào kỷ luật xã hội của chúng ta", Văn phòng Thủ hiến bang Maharashtra, ông Uddhav Thackeray, cho biết.
Lệnh phong tỏa kéo dài 3 tuần do Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi công bố sẽ kết thúc vào ngày 14/4. Quyết định về việc có gia hạn lệnh phong tỏa toàn quốc tiếp hay không vẫn chưa được ông Narendra Modi đưa ra.
KÔNG ANH
Dân nghèo Ấn Độ túng quẫn, lo đói hơn mắc COVID-19 Việc phong tỏa đột ngột và nghiêm ngặt khiến những người nghèo ở Ấn Độ phải vật lộn với cuộc sống, với cái đói còn đáng sợ hơn cả virus. Lo đói hơn lo mắc COVID-19 Ram Vendran Ravidas, 42 tuổi làm nghề lái xe kéo được nhiều năm. Vào một ngày đẹp trời, nếu làm việc chăm chỉ, Ravidas có thể kiếm...