Tranh cãi quanh quy định đặt họ tên không vượt quá 25 chữ cái
Khá nhiều ý kiến tranh cãi về quy định họ, tên và chữ đệm của một người không được vượt quá 25 chữ cái…
Vào sáng ngày 12/5, trong phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Bộ trường Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã báo cáo kết quả lấy ý kiến nhân dân về việc góp ý dự thảo Bộ Luật dân sự (sửa đổi). Trong đó đáng chú ý là ý kiến đề xuất họ, tên và chữ đệm của công dân Việt Nam không được vượt quá 25 chữ cái.
Một số tên được đặt khá dài và theo “cảm hứng” của phụ huynh. (Hình minh họa)
Theo đó, dự thảo quy định về quyền đối với họ, tên và chữ đệm như sau: “Tên và chữ đệm của công dân Việt Nam và người không quốc tịch thường trú tại Việt Nam phải bằng tiếng Việt hoặc tiếng dân tộc khác của Việt Nam; không đặt tên bằng số, bằng một ký tự mà không phải là chữ. Họ, tên và chữ đệm của một người không được vượt quá 25 chữ cái”.
Lập luận đề nghị sửa đổi cho rằng việc đặt họ, tên và chữ đệm tuy là một quyền nhân thân của cá nhân, nhưng Nhà nước cũng cần đề ra những quy định cần thiết để định hướng cho việc cá nhân thực hiện quyền này.
Thực tiễn thi hành pháp luật ở Việt Nam thời gian qua cho thấy, việc đặt họ, tên và chữ đệm có nhiều trường hợp không phù hợp với tập quán, thuần phong mỹ tục của Việt Nam, như quá dài, không thuần Việt, mà cơ quan đăng ký hộ tịch phải đăng ký, không có lý do để từ chối…
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển khẳng định điều này là hợp lý vì thực tế có trường hợp đặt tên quá dài, có tên 30 đến 40 chữ cái, ảnh hưởng đến việc thể hiện trên hồ sơ , đưa vào danh mục và giao dịch.
Video đang HOT
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đề nghị ban soạn thảo cần cân nhắc thêm về quy định trên bởi trong Hiến pháp 2013 không có quy định nào khống chế nội dung này.
Theo Chủ nhiệm, không nên khống chế số chữ cái mà chỉ nên khuyến khích người dân đặt họ, tên và chữ đệm không quá dài vì điều này sẽ gây những phiền hà, rắc rối trong thực tế.
Trao đổi với báo Người đưa tin , Luật sư Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc công ty luật TNHH Quốc Tế Hồng Thái, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho rằng vẫn cần công nhận và giữ nguyên các tên đã đặt từ thời gian trước đây và cân nhắc xem quy định đề xuất họ, tên và chữ đệm của công dân Việt Nam không được vượt quá 25 chữ cái có quá cứng nhắc hay không vì “động chạm” đến quyền nhân thân trong Hiến pháp.
Đồng quan điểm Luật sư Lê Luân, Đoàn Luật sư Hà Nội khẳng định: “Việc đặt tên bằng cách quy định không cho quá 25 chữ cái rõ ràng là chưa thỏa đáng và có xu hướng vi hiến, trái luật”.
Luật sư Lê Luân và Luật sư Nguyễn Hồng Thái.
Luật sư Lê Luân phân tích, hiến pháp quy định mọi người đều có quyền về họ, tên trong đó bao gồm cả việc đặt tên, thay tên, đổi họ. Bộ luật Dân sự 2005 cũng đã có quy định này để đảm bảo quyền nhân thân của một con người và ở đó không bị hạn chế về kiểu tên, số lượng chữ, từ trong thành phần kết cấu nên tên và chỉ cần tên miễn là phát âm được bằng tiếng Việt là được.
Việc đặt tên kèm theo tiếng nước ngoài không ảnh hưởng đến thuấn phong mỹ tục hay bất kỳ người nào khác. Vì thuần phong mỹ tục chỉ đặt ra khi nó xâm hại hoặc đạo đức, hoặc hình ảnh quê hương, dân tộc.
“Ngay cả vợ, con của người có quốc tịch nước ngoài thì đương nhiên sẽ có tên nửa tây, nửa ta. Nhưng nước ngoài họ vẫn để cho tự do về việc này. Hoặc giống như những vùng dân tộc, tên rất khó đọc và khác tiếng Việt, nhưng vẫn phải tôn trọng vì đó là quyền và nó lại phù hợp với mỗi vùng miền, văn hóa và nguồn gốc của họ”, Luật sư Luân cho biết thêm.
Hiện vẫn có nhiều ý kiến tranh cãi xung quanh đề xuất này.
Việt Hương
Theo_Người Đưa Tin
Chính phủ đề xuất cho chuyển đổi giới tính
Sáng 12-5, Ủy ban Thường vụ QH họp cho ý kiến về dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi).
Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, BLDS hiện hành và dự thảo Bộ luật lấy ý kiến nhân dân chỉ quy định việc xác định lại giới tính mà không có quy định về chuyển đổi giới tính. Tuy nhiên, qua tổng hợp ý kiến nhân dân thì có hai loại ý kiến khác nhau về vấn đề chuyển đổi giới tính.
Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, dự thảo Bộ luật cần bổ sung quy định thể hiện chính sách chung của Nhà nước ta đối với việc chuyển đổi giới tính để làm cơ sở cho luật khác sẽ quy định cụ thể về điều kiện, trình tự, thủ tục cho phép việc chuyển đổi giới tính khi cần thiết, tạo điều kiện cho những người đã chuyển đổi giới tính ở nước ngoài về nước được cải chính hộ tịch và thực hiện các quyền nhân thân khác của mình; những người có nhu cầu và đủ điều kiện chuyển đổi giới tính phù hợp với xu thế chung của thế giới.
Trong khi đó, loại ý kiến thứ hai lại đề nghị không thừa nhận quyền này vì đây là vấn đề "phức tạp, nhạy cảm", có thể làm phát sinh nhiều hệ lụy chưa thể lường trước được đối với chính người có nhu cầu chuyển đổi giới tính và đối với xã hội.
Ông Cường cho biết, trên cơ sở ý kiến nhân dân, Chính phủ đã chỉ đạo bổ sung khoản 3 vào Điều 36 dự thảo Bộ luật với hai phương án như sau:
Điều 36. Quyền xác định lại giới tính
Phương án 1: "3. Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của Luật".
Phương án 2: "3. Nhà nước không thừa nhận việc chuyển đổi giới tính".
"Qua thảo luận Chính phủ thấy rằng, loại ý kiến thứ nhất là hợp lý"- Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết. Theo ông Cường, dù chưa có số liệu thống kê chính thức về những người đã chuyển đổi giới tính hoặc có nhu cầu chuyển đổi giới tính ở nước ta, nhưng được chuyển đổi giới tính là một nhu cầu có thật, đang ngày càng gia tăng.
"Do pháp luật Việt Nam chưa cho phép việc chuyển đổi giới tính, nên một số người đã ra nước ngoài thực hiện việc chuyển đổi giới tính, khi về nước không được cải chính hộ tịch và do đó gặp không ít khó khăn trong việc tiếp cận dịch vụ y tế để duy trì giới tính mới, cũng như trong cuộc sống, công tác và thực hiện các quyền dân sự khác có liên quan"- ông Cường cho hay.
Trong Báo cáo kết quả lấy ý kiến nhân dân của một số Bộ, ngành, địa phương và qua một số hội thảo, tọa đàm trên các phương tiện thông tin đại chúng, ý kiến của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực y, sinh học đến từ Bộ Y tế, Tổng hội Y dược học Việt Nam cho rằng đã đến lúc nên bổ sung quy định mang tính chất chính sách chung của Nhà nước ta về vấn đề này trong BLDS.
Đức Minh
Theo_PLO
9 năm nữa chị ve chai nhặt được 5 triệu yên mới được nhận tiền? Chị mua ve chai nhặt được 5 triệu yên cần phải chờ thêm 9 năm nữa mới có thể nhận được tiền, trong trường hợp không có ai tranh chấp và chứng minh được mình là chủ sở hữu là ý kiến của chuyên gia. Theo những tin tức mới nhất trên báo VTV, vụ việc người mua ve chai nhặt được 5...