Tranh cãi khi WHO liên tục ca ngợi nỗ lực chống dịch của Bắc Kinh
Một số chuyên gia chất vấn liệu những lời ca ngợi của WHO trong những tuần đầu tiên của dịch có tạo ra cảm giác an toàn giả, dẫn tới sự lây lan của virus corona hay không.
Khi loại virus bí ẩn lây lan khắp Vũ Hán vào tháng trước, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhanh chóng gửi thông điệp: Trung Quốc đã kiểm soát được tình hình.
Và khi chủng virus corona mới đã xuất hiện hầu khắp Trung Quốc và lan sang các quốc gia khác, Tổng giám đốc của WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã hoan nghênh sự minh bạch trong phản ứng của Trung Quốc.
Ngay cả khi có bằng chứng cho thấy các quan chức Trung Quốc đã ngăn chặn những người lên tiếng và công bố không đầy đủ các ca nhiễm, ông Tedros đã dành thời gian để tán dương vai trò của Bắc Kinh.
Giờ đây – khi cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu đã diễn ra hơn một tháng và vẫn đang leo thang – có nhiều câu hỏi về việc liệu những lời ca ngợi của WHO trong những tuần đầu tiên có tạo ra cảm giác an toàn giả, thúc đẩy sự lây lan của virus hay không.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus. Ảnh: Reuters.
Cảm giác an toàn giả
“Chúng ta đã bị lừa dối”, Lawrence Gostin, giáo sư luật y tế toàn cầu tại Đại học Georgetown, người hỗ trợ kỹ thuật cho WHO, nói.
“Bản thân tôi và các chuyên gia y tế công cộng khác, dựa trên những gì Tổ chức Y tế Thế giới và Trung Quốc nói, đã trấn an công chúng rằng chuyện này không nghiêm trọng, rằng chúng ta có thể kiểm soát vấn đề này”, ông nói tiếp. “Chúng tôi đã mang đến cảm giác được bảo vệ giả”.
Ngày 9/2 ghi nhận mức tăng hàng ngày lớn nhất về số người chết do virus corona chủng mới – 91 ca tử vong – nâng tổng số người chết lên đến 910 người, gần như toàn bộ ở Trung Quốc. Con số này đã vượt xa tổng số 774 người tử vong trên toàn cầu vì Hội chứng Hô hấp Cấp tính Nặng (SARS) vào năm 2002-2003.
Quản lý sự bùng phát của một bệnh lây nhiễm mới chưa bao giờ là dễ dàng. Trong những giai đoạn có dịch bệnh, WHO – một cơ quan của Liên Hợp Quốc có trụ sở tại Geneva, Thụy Sỹ – phải làm việc với các quốc gia thành viên để có được thông tin và phối hợp ứng phó.
Các chuyên gia hiểu về các hoạt động của WHO, bao gồm các cố vấn hiện tại và trước đây, nhấn mạnh rằng chính sách ngoại giao cẩn trọng và sự ca ngợi công khai có thể khiến các quốc gia gặp khủng hoảng không thể đóng cửa với thế giới
Cơ quan này đã có những bài học quý giá từ dịch SARS năm 2002, mà Trung Quốc ban đầu đã cố gắng che đậy thông tin. Cơ quan này đang làm nhiều điều đúng đắn lần này, theo một số chuyên gia.
Tòa văn phòng của WHO tại Geneva, Thụy Sĩ. Ảnh: Reuters.
Song một số người lo ngại rằng việc WHO bám theo các con số và đánh giá của Trung Quốc trong giai đoạn đầu của dịch bệnh, cũng như sự khen ngợi liên tục của họ đối với Bắc Kinh, đang gây hoài nghi về mức độ đáng tin của cơ quan này trên phạm vi toàn cầu trong lúc họ cần đến điều đó nhất.
“Tôi lo lắng về việc liệu họ có thực sự đảm nhận vai trò lãnh đạo một cách hiệu quả hay không nếu xét trên phương diện phản ứng quốc tế”, Yanzhong Huang, thành viên cao cấp phụ trách vấn đề y tế toàn cầu tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại (CFR), cho biết.
“Người ta tin tưởng tổ chức này là người bảo vệ sức khỏe toàn cầu vì họ trung lập về chính trị và có chuyên môn”.
Một tuyên bố từ WHO cho biết “việc đảm bảo các đường liên lạc mở” là rất quan trọng trong nỗ lực kiểm soát dịch bệnh.
“Cho đến nay, 99% các trường hợp nhiễm bệnh vẫn là ở Trung Quốc”, tuyên bố nói thêm. “Chính phủ (Trung Quốc) đã cam kết làm việc với WHO, chia sẻ dữ liệu và nhiều công việc khác từ sớm. Chính phủ Trung Quốc đang đi đầu với phản ứng của họ ở tầm quốc gia và WHO đang làm hết sức để ủng hộ họ, vì lợi ích của người dân Trung Quốc và thế giới”.
WHO nói ông Tedros “hoan nghênh và mong đợi việc giám sát kỹ lưỡng nỗ lực ứng phó. Trọng tâm của mọi người phải được đặt vào việc chấm dứt dịch bệnh”.
Dịch bệnh đã làm 98 người tử vong ở Trung Quốc đại lục, tính đến hết ngày 9/2.
SARS đã thay đổi cách ứng phó ra sao?
Dịch SARS đã làm rung chuyển Trung Quốc và thay đổi cách WHO đối phó với các mối đe dọa.
Sau cuộc khủng hoảng, quy định mới yêu cầu WHO báo cáo các căn bệnh mới xuất hiện và trao cho tổ chức này quyền lực rộng lớn hơn để điều tra các mối đe dọa, bao gồm thông qua việc sử dụng các nguồn tin phi nhà nước như các nhóm xã hội dân sự.
Một trong các mục tiêu: ngăn chặn sự che đậy thông tin.
Vào cuối tháng 12, tin đồn về một loại virus bí ẩn bắt đầu lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc. Trung Quốc đã thông báo cho WHO vào ngày 31/12 rằng đang có các ca bệnh viêm phổi không rõ nguyên nhân ở Vũ Hán.
Dựa trên dữ liệu của Trung Quốc, WHO ngày 5/1 đưa ra tuyên bố rằng có 44 ca nhiễm và không có bằng chứng về sự lây truyền từ người sang người.
Song Washington Post đã sắp xếp lại các sự kiện, cho thấy đến ngày 5/1, một số nhà chức trách ở Vũ Hán đã biết rằng giới y tế đang thảo luận về sự lây lan của một chủng virus giống SARS. Vì việc này, một số bác sĩ đã bị bắt giữ và khiển trách.
Một phát hiện khác là việc các quan chức địa phương đã không thống kê đầy đủ số ca nhiễm.
“Cảm giác của tôi là có sự chậm trễ trong việc đưa thông tin từ Vũ Hán đến Bắc Kinh, ngay cả khi Bắc Kinh khá cởi mở về việc chia sẻ với WHO”, Mara Pillinger, cộng tác viên về chính sách và quản trị y tế toàn cầu tại Viện Luật Y tế Quốc gia và Toàn cầu O’Neil thuộc Đại học Georgetown.
David Heymann, giáo sư về bệnh truyền nhiễm tại Trường Vệ sinh và Y học Nhiệt đới London, Chủ nhiệm ủy ban tư vấn của WHO về các bệnh truyền nhiễm, ủng hộ cách phản ứng này.
“Rất khó để đánh giá khả năng lúc dịch bệnh mới bùng phát”, ông nói, chỉ ra những thất bại của Mỹ trong những ngày đầu của cuộc khủng hoảng AIDS cũng như sự chật vật của Canada trong việc phối hợp chính quyền tỉnh bang và liên bang trong dịch SARS.
Nhân viên mặc đồ bảo hộ thu thập thông tin chủ xe tại lối vào một bãi đỗ xe ở Bắc Kinh hôm 10/2. Ảnh: Reuters.
Jennifer Nuzzo, nhà dịch tễ học và học giả cao cấp tại Trung tâm An ninh Y tế Johns Hopkins, cho biết WHO đang làm tốt công việc trong hoàn cảnh ngặt nghèo.
Song bà lưu ý rằng dữ liệu dịch tễ học quan trọng mà các nhà nghiên cứu sử dụng để hiểu về một loại virus – thông tin về người bị bệnh và khi nào họ bị bệnh – được đưa ra ngoài Trung Quốc một cách chậm chạp.
“Một điều mà chúng ta nên chỉ trích WHO là việc khi họ đưa ra các báo cáo tình hình, về cơ bản họ thiếu đi dữ liệu từ Trung Quốc”, bà nói.
“Sẽ là hợp lý nếu đặt câu hỏi ‘Nếu bạn không có dữ liệu, thì là tại sao? Và bạn đang làm gì để giải quyết chuyện đó?”
Chậm trễ trong phản ứng
Vào cuối tháng 1, Trung Quốc đã chuyển từ phủ nhận sang hành động quyết liệt. Ngày 20/1, với 400 triệu người chuẩn bị đi lại trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, các quan chức đã xác nhận điều mà nhiều người nghi ngờ từ lâu: Virus có thể lây lan từ người sang người.
Chủ tịch Tập Cận Bình kêu gọi hành động nhanh chóng, minh bạch. “Cần phải tiết lộ thông tin về dịch bệnh kịp thời và tăng cường hợp tác quốc tế”, truyền thông nhà nước dẫn lời nhà lãnh đạo.
Nhà chức trách bắt đầu phong tỏa Vũ Hán, thành phố 11 triệu dân, hủy một số chuyến bay, tàu hỏa và tạm dừng giao thông công cộng.
Thành phố Vũ Hán, tâm điểm của dịch virus corona chủng mới. Ảnh: AFP/Getty.
Tại Geneva, hội đồng khẩn cấp được triệu tập để thảo luận về tình hình và quyết định xem có nên tuyên bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng gây quan ngại quốc tế (PHEIC) hay không.
Một tuyên bố như vậy báo hiệu khủng hoảng y tế “nghiêm trọng, bất thường hoặc bất ngờ” và “tạo ra nguy cơ về sức khỏe cộng đồng cho các quốc gia khác thông qua sự lây lan quốc tế”.
Ngày 22/1, ông Tedros đã hoan nghênh những nỗ lực gần đây của Trung Quốc. “Những gì họ đang làm là một biện pháp rất, rất mạnh mẽ, với cam kết toàn diện”, ông nói.
Nhận xét này gây ngạc nhiên cho các chuyên gia y tế công cộng vì lệnh cấm đi lại có thể tạo ra sự hoảng loạn và khiến mọi thứ trở nên khó khăn hơn cho lực lượng phản ứng khẩn cấp
Vào ngày 23/1, Trung Quốc tuyên bố rằng họ đã mở rộng việc cách ly sang các thành phố khác – và hàng triệu người nữa.
Sau đó cùng ngày, tại Geneva, WHO quyết định không tuyên bố PHEIC. Điều đó có nghĩa là không có chuyện kêu gọi hạn chế đi lại trong và ngoài Trung Quốc, ngay cả khi Bắc Kinh phong tỏa vùng trung tâm đất nước.
Khi được hỏi về việc các thành phố bị phong tỏa tại Trung Quốc, ông Tedros tỏ ra lưỡng lự.
“Suy cho cùng thì một quốc gia có chủ quyền có toàn quyền làm những gì họ cho là đúng”, ông nói và cho biết ông hy vọng thời gian “phong thành” không kéo dài.
Tại Trung Quốc, các quan chức ngày càng nói nhiều về những sai lầm. Trong một cuộc phỏng vấn ngày 27/1, Thị trưởng Vũ Hán Chu Tiên Vượng thừa nhận rằng thông tin nên được tiết lộ nhanh hơn.
Song trong chuyến công tác tới Bắc Kinh, ông Tedros đã dành lời khen cho các quan chức. Tân Hoa Xã đưa tin ông Tedros ca ngợi không chỉ việc ứng phó với dịch mà còn cả tính hiệu quả của “hệ thống Trung Quốc”.
Sau khi trở về từ Bắc Kinh, ông đã dành nhiều lời tán dương cho Trung Quốc và các lãnh đạo.
Ngày 30/1, WHO đã tuyên bố PHEIC, cuối cùng cũng thừa nhận nguy cơ bùng phát dịch bệnh ở các nước khác.
“Chính phủ Trung Quốc phải được khen ngợi vì những biện pháp phi thường mà họ đã thực hiện để ngăn chặn dịch bệnh”, ông Tedros nói và cho biết Trung Quốc đang thiết lập “một tiêu chuẩn mới” về ứng phó với dịch bệnh.
Nỗ lực cân bằng
Một số chuyên gia cho rằng những lời khen ngợi như vậy là một chiến lược hợp lý.
“WHO có nhiệm vụ cân bằng thực sự khó khăn”, Devi Sridhar, giáo sư sức khỏe cộng đồng toàn cầu tại Đại học Edinburgh, nói. “Nếu điều đó có nghĩa là ca ngợi Trung Quốc một cách công khai, thì đó là những gì ông ấy phải làm”.
Những người khác lo lắng rằng việc đó có thể làm lung lay niềm tin vào cơ quan của Liên Hợp Quốc.
Ông Tedros và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường trong một cuộc gặp tại Bắc Kinh năm 2017. Ảnh: Reuters.
Ca ngợi các nhà lãnh đạo Trung Quốc “không phải là ý tưởng tồi, nhưng bạn có muốn thực hiện việc đó một cách chuyên nghiệp và đáng tin cậy không”, chuyên gia Huang của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại nói.
Hiện tại, WHO dường như đang gắn bó với chiến lược này.
Tại cuộc họp báo hôm 6/2, ông Tedros một lần nữa được hỏi về Trung Quốc, bao gồm cái chết của một trong những bác sĩ ở Vũ Hán đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về virus, nhưng lại bị cảnh sát bắt giữ. (Sau đó, vị bác sĩ qua đời vì virus).
Ban đầu, ông nhường lời cho một đồng nghiệp, sau đó giành lấy cơ hội phát biểu, biện hộ cho cách ứng phó của Trung Quốc đối với dịch bệnh. “Xem xét thực tế thì rất khó để nói rằng Trung Quốc đã che đậy thông tin”.
Dùng xe bồn khử trùng toàn thành phố giữa tâm dịch virus corona
Chiến dịch khử trùng quy mô lớn đã được thực hiện tại thành phố Nghi Xương, tỉnh Hồ Bắc. Các tuyến đường chính, các khu dân cư và các chợ nông sản đồng loạt được phun thuốc.
Theo news.zing.vn
Quân đội TQ đến Vũ Hán trong chiến dịch y tế lớn nhất từ năm 2008
1.400 y bác sĩ quân đội sẽ làm việc tại bệnh viện dã chiến mới xây ở Vũ Hán trong chiến dịch huy động lực lượng y tế lớn nhất của PLA kể từ vụ động đất Tứ Xuyên năm 2008.
Một bệnh viện 1.000 giường ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, sẽ bắt đầu tiếp nhận bệnh nhân nhiễm virus corona chủng mới vào ngày 3/2, chưa đầy 10 ngày sau khi khởi công. Cơ sở mới được kỳ vọng giúp giảm nhẹ tình trạng quá tải ở các bệnh viện tại thành phố do số ca bệnh mới ngày càng tăng.
Đội ngũ y bác sĩ của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) sẽ tiếp quản Bệnh viện Hỏa Thần Sơn, với lực lượng khoảng 1.400 người, theo China Daily.
Trong khi đó, bệnh viện đặc biệt thứ hai, Lôi Thần Sơn, vẫn đang được xây dựng ở Vũ Hán. Quá trình xây dựng dự kiến hoàn thành vào ngày 5/2 và bệnh viện sẽ bắt đầu tiếp nhận bệnh nhân vào ngày hôm sau.
Bệnh viện Hỏa Thần Sơn, với diện tích sàn 25.000 m2, chủ yếu sẽ tiếp nhận các ca nhiễm virus đã được xác nhận. Đây là bản sao của Bệnh viện Tiểu Thang Sơn ở Bắc Kinh, được xây dựng trong 7 ngày tại vùng ngoại ô vào tháng 4/2003 để ứng phó với dịch SARS (hội chứng suy hô hấp cấp).
Viêc xây dựng Bệnh viện Hỏa Thần Sơn, ở ngoại ô Vũ Hán, chính thức bắt đầu hôm 25/1. Lúc cao điểm của dự án, hơn 4.000 công nhân và khoảng 1.000 máy móc và xe tải xây dựng có mặt trên công trường.
Một nhân viên y tế thuộc quân đội tại sân bay Thiên Hà ở Vũ Hán hôm 2/2. Ảnh: China Daily.
Phần lớn trong số 1.400 nhân viên y tế tại bệnh viện đến từ các bệnh viện do Lực lượng Hỗ trợ Hậu cần chung của PLA quản lý, cùng với những người khác từ Đại học Y Lục quân PLA, Đại học Y Hải quân PLA và Đại học Y Không quân PLA.
15 chuyên gia từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh PLA cũng như Học viện Quân y thuộc Học viện Khoa học Quân sự PLA sẽ tham gia tư vấn chuyên môn.
Đây là chiến dịch huy động lực lượng y tế lớn nhất của PLA kể từ trận động đất kinh hoàng ở tỉnh Tứ Xuyên vào tháng 5/2008. Nhiều người có kinh nghiệm trong việc xử lý các bệnh truyền nhiễm vì họ từng tham gia chống dịch SARS năm 2003 ở Trung Quốc và dịch Ebola ở Tây Phi năm 2014.
Để đảm bảo hoàn thành kịp thời, việc xây dựng bệnh viện đã được thực hiện theo ca 24 giờ một ngày. Các biện pháp kiểm soát và phòng ngừa bệnh nghiêm ngặt - như yêu cầu công nhân đeo khẩu trang và khử trùng toàn bộ công trường - đã được thi hành.
Quá trình xây dựng ở cả hai bệnh viện mới đã được phát trực tuyến mỗi ngày kể từ khi bắt đầu dự án.
Cũng trong ngày 2/2, Không quân Trung Quốc đã sử dụng 8 máy bay vận tải cỡ lớn để chở nhân viên y tế và nhu yếu phẩm đến Vũ Hán để hỗ trợ chống dịch. 8 máy bay, thuộc Chiến khu Trung bộ của PLA, đã hạ cánh xuống sân bay quốc tế Thiên Hà ở Vũ Hán với 795 nhân viên y tế từ lực lượng vũ trang và 58 tấn thiết bị và vật tư. Họ đến từ Thẩm Dương, Lan Châu, Quảng Châu và Nam Kinh.
Đây là hoạt động phi quân sự lớn nhất của phi đội vận tải thuộc Không quân Trung Quốc kể từ tháng 4/2010, khi nhiều máy bay được triển khai để hỗ trợ cứu nạn vụ động đất ở tỉnh Thanh Hải.
Theo news.zing.vn
Ước tính bom tấn: Đã có hơn 75.000 người nhiễm virus corona ở "ổ dịch" Vũ Hán? Tạp chí uy tín The Lancet hôm 31-1 công bố nghiên cứu cho thấy ước tính 75.815 người đã bị nhiễm virus corona ở TP Vũ Hán - Trung Quốc. The Lancet, một trong những tạp chí y khoa uy tín nhất thế giới, cho biết kể từ ngày 25-1 tới nay, 75.815 người đã bị nhiễm bệnh ở TP Vũ Hán, trong...