Tranh cãi Huawei phủ bóng đàm phán thương mại Mỹ – Trung
Lập trường cứng rắn của Mỹ và Trung Quốc khiến các cuộc đàm phán thương mại diễn ra tại Washington trong 2 ngày 9 và 10-5 (giờ địa phương) khó có khả năng phá vỡ bế tắc.
Bầu không khí trước cuộc gặp càng nóng lên sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 8-5 cáo buộc Trung Quốc “phá vỡ thỏa thuận” trong các cuộc đàm phán thương mại với Washington. Chưa hết, ông Trump cảnh báo Bắc Kinh sẽ phải trả giá nếu không có thỏa thuận nào đạt được. Cùng ngày, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ thông báo Washington chính thức tăng thuế từ 10% lên 25% đối với khoảng 200 tỉ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc từ ngày 10-5, tức vào thời điểm hội đàm giữa Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc và giới chức Mỹ diễn ra.
Tỏ ra cứng rắn không kém, Bộ Thương mại Trung Quốc hôm 9-5 nhấn mạnh Bắc Kinh sẵn sàng trả đũa bằng những biện pháp cần thiết. Ông Wang Yong, Giám đốc Trung tâm Kinh tế Chính trị quốc tế tại Trường ĐH Bắc Kinh, nhận định trên tờ South China Morning Post ( Hồng Kông) việc đánh thuế trả đũa có thể không phải là lựa chọn tốt đối với Trung Quốc vì sẽ gây thiệt hại cho nỗ lực kích cầu tiêu dùng nội địa. “Thay vào đó, Trung Quốc có thể hạn chế mua hàng và ngừng mở cửa thị trường cho các công ty Mỹ” – ông Wang gợi ý và cho rằng những lĩnh vực nông nghiệp, tài chính, năng lượng, sản xuất của Mỹ sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nếu Bắc Kinh lựa chọn biện pháp này.
Bà Meng Wanzhou rời nhà riêng ở TP Vancouver – Canada hôm 8-5 Ảnh: Reuters
Vòng đàm phán thương mại Mỹ – Trung mới nhất còn bị phủ bóng bởi tranh cãi liên quan đến Tập đoàn Thiết bị viễn thông Huawei. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 8-5 cảnh báo sẽ dừng chia sẻ thông tin tình báo với Anh nếu nước này cho phép Huawei tham gia xây dựng một phần mạng 5G của mình. Washington lâu nay xem Huawei là mối đe dọa an ninh – một cáo buộc bị công ty Trung Quốc này bác bỏ.
Chưa hết, Washington còn đang tìm cách dẫn độ bà Meng Wanzhou, Giám đốc tài chính Huawei, từ Canada về Mỹ. Theo đài CNN, bà Meng và Huawei đang đối mặt một loạt cáo buộc tại Mỹ, như gian lận ngân hàng, đánh cắp bí mật thương mại và tránh né lệnh trừng phạt. Phía Huawei liên tục khẳng định không làm gì sai, đồng thời cho rằng vụ việc mang động cơ chính trị.
Bà Meng đã ra tòa ở Canada hôm 8-5 và các luật sư biện hộ cho biết sẽ nộp đơn xin miễn dẫn độ bà đến Mỹ khi trích dẫn những phát biểu bị xem là mang động cơ chính trị của ông Trump về vụ việc. Ông chủ Nhà Trắng từng tuyên bố có thể can thiệp vào trường hợp của bà Meng nếu điều đó giúp đạt thỏa thuận thương mại với Trung Quốc.
Video đang HOT
Xuân Mai
Theo nld.com.vn
Bắc Kinh "phản đòn", ông Trump tung chiêu thức mới
Hiện vẫn còn phải chờ xem liệu lời đe dọa của ông Trump có đem lại một thỏa thuận thương mại có lợi cho Mỹ hay không, hay lại khiến Bắc Kinh "phản pháo" bằng cách đẩy căng thẳng vào tình thế nguy kịch hơn.
Ngày hôm nay (9/5), Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc vẫn quay lại Mỹ để tiếp tục cuộc đàm phán còn dang dở, dù trước đó, bức điện ngoại giao được cho là "khắc tinh" với mọi nỗ lực đàm phán thương mại của hai bên, được gửi từ Bắc Kinh đã tới tay ông chủ Nhà Trắng. Bức thư cũng được cho là một trong những nguyên nhân thúc đẩy tuyên bố áp thuế từ 10% lên 25% của Tổng thống Trump.
Trong bối cảnh dự thảo Thỏa thuận thương mại dài gần 150 trang được cho là đã bị phía Trung Quốc thay đổi nhiều chỗ một cách có hệ thống, đi ngược lại những yêu cầu cốt lõi, vốn là nguyên nhân khiến Mỹ phát động cuộc chiến thương mại, quy mô đoàn đàm phán của Bắc Kinh cũng đã rút gọn, chuyến đi cũng ngắn hơn so với dự kiến, cuộc đàm phán dường như lại trở về những khó khăn ban đầu.
Liệu lời đe dọa của Tổng thống Trump có đem lại một thỏa thuận có lợi cho Mỹ. (Nguồn: Huffpost)
Không phải chiêu bài quen thuộc
Đây không phải lần đầu tiên Tổng thống Trump đưa ra những lời đe doạ như vậy trong một cuộc đàm phán thương mại và cũng không phải lần đầu tiên đối với Trung Quốc. Nhưng việc ông lại có thái độ quay ngoắt, trong khi vừa mới đây còn hoan hỉ thông báo sắp đạt được một thỏa thuận với Bắc Kinh đặt ra nhiều nghi vấn về mục đích thực sự.
Giới truyền thông Mỹ cho rằng, đây là phản ứng hiển nhiên của ông Trump trước cách hành xử không nhất quán của Trung Quốc. Trong quá trình đàm phán, Trung Quốc đã đồng ý thực hiện những cam kết đối với yêu cầu từ phía Mỹ, trong đó có hàng loạt vấn đề nổi cộm, như minh bạch hóa việc chính phủ trợ cấp cho doanh nghiệp để đảm bảo cạnh tranh; yêu cầu thay đổi mạnh mẽ trong các chính sách kinh tế, trong đó có việc bảo vệ sở hữu trí tuệ, chấm dứt yêu cầu chuyển giao công nghệ bắt buộc đối với các công ty Mỹ và chấm dứt tình trạng đánh cắp bí mật thương mại của Mỹ; bỏ trợ cấp công nghiệp; và tăng mua hàng hóa Mỹ.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, Bắc Kinh được cho là đã "trở cờ", quay ngoắt lại với các cam kết thay đổi quy định để giải quyết những bất đồng cốt lõi và đây cũng chính là lý do khiến ông Trump tức giận đến như vậy.
Trong khi đó, trên mặt trận đối nội, Tổng thống Trump đang phải đối mặt với áp lực từ nhiều phía và việc duy trì sức ép đối với Trung Quốc là một trong những vấn đề hiếm hoi mà ông nhận được sự đồng tình của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa. Thời gian qua, những tín hiệu tích cực từ bàn đàm phán với những thỏa thuận có lợi cho Mỹ luôn là những điểm cộng. Nhưng tới nay, khi mọi nỗ lực có khả năng đổ bể, ông Trump buộc phải "lên gân" với Bắc Kinh nhằm tiếp tục nhận được sự ủng hộ.
Xét trong bối cảnh đàm phán hiện nay, động thái của ông Trump được cho là để cảnh cáo Trung Quốc đã "trở mặt" và ông đã áp dụng chính sách "bên miệng hố chiến tranh", gia tăng sức ép, nhằm dồn đối phương vào đường cùng để giành lợi ích lớn nhất trong vòng đàm phán có thể gọi là cuối cùng. Đây cũng là cách mà ông từng áp dụng với các đối tác Mexico, Canada, châu Âu và Nhật Bản.
Giới phân tích cho rằng, điều này có thể làm gia tăng mức độ rủi ro cho đàm phán, nhưng sẽ không làm cho đàm phán đổ vỡ hoàn toàn, hoặc rơi vào cảnh "vô phương cứu chữa". Động thái cứng rắn này là nhằm buộc Bắc Kinh phải chịu "nhún", để nhanh chóng tiến tới một thỏa thuận, ít nhất là một thỏa thuận trên nguyên tắc, không đi vào chi tiết, trước khi hai bên tiếp tục đàm phán.
Hơn nữa, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cũng cho biết, nếu trong ngày 9/5, phía Trung Quốc đưa ra được một thỏa thuận cụ thể, hoặc đàm phán có kết quả tích cực thì sẽ kiến nghị lên Tổng thống Trump chưa thực hiện việc áp thuế trên.
Trước lời đe dọa của Tổng thống Trump, Bắc Kinh đưa ra phản ứng chính thức khá kín kẽ, thậm chí truyền thông Trung Quốc đã được yêu cầu không dẫn tin hay không nêu đậm nét về tuyên bố đánh thuế của ông Trump, mà chỉ trích dẫn thông tin từ các cơ quan chính thức. Phía Trung Quốc "bắn tin" muốn có một thỏa thuận, nhưng cũng sẵn sàng cho mọi kết quả khác và vẫn để ngỏ khả năng đàm phán.
Khả năng hóa giải xung đột?
Trên thực tế, dù Mỹ cho rằng đang chiếm lợi thế so với Bắc Kinh, phần lớn nền kinh tế đầu tàu thế giới này phụ thuộc vào khả năng tiếp cận thị trường của Trung Quốc về nguyên vật liệu, sản phẩm và thị trường. Vấn đề liệu vòng đàm phán lần này có thể giúp hóa giải cuộc chiến thương mại hay không lại phụ thuộc vào việc hai bên có thể giải quyết những bất đồng lớn, trong đó có cách thức mà một thỏa thuận thương mại sẽ được thực thi và thời điểm gỡ bỏ thuế quan.
Dù Bắc Kinh muốn Washington rút lại đòn thuế quan ngay sau khi đạt được thỏa thuận, Mỹ lại muốn duy trì đòn này trong một thời gian để đảm bảo Trung Quốc không "nuốt lời". Nỗi lo ám ảnh đến mức, Washington đã đề nghị tổ chức các cuộc gặp song phương hằng tháng, hằng quý và mỗi năm hai lần, chủ yếu để xử lý những tranh chấp gai góc nhất.
Theo chuyên gia Edward Alden của Hội đồng Quan hệ Quốc tế (Mỹ), ngoài việc ép Trung Quốc phải có các nhượng bộ thì cơ chế giám sát thực thi các cam kết mới chính là tâm điểm của cuộc thương lượng lần này. Việc đặt một cơ chế giám sát thực thi cam kết lên bàn đàm phán là một điều chưa từng thấy. Bởi theo thông lệ, các cuộc thương thuyết thường đưa ra một giải pháp xử lý các tranh chấp thông qua các cơ quan xét xử độc lập.
Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin và Đại diện thương mại Robert Lighthizer sau cuộc họp tại Bắc Kinh tuần trước. (Nguồn: Nytime)
Trong khi đó, giới nghị sĩ lưỡng đảng ở Mỹ cảnh báo ông Trump không rơi vào "bẫy kinh điển" của Trung Quốc khi ký kết thỏa thuận song sẽ không làm gì để hóa giải những rào cản lớn mà các công ty Mỹ gặp phải ở nước này. Phe Dân chủ ở Thượng viện tuyên bố: "Phải cứng rắn với Trung Quốc. Không nhượng bộ. Sức mạnh là cách duy nhất để chiến thắng". Lập luận của phía Mỹ luôn là Bắc Kinh có thể sửa đổi các điều luật nhằm làm hài lòng Mỹ, nhưng sau đó lại vin vào các quy định nhiêu khê khác để không thực hiện các cam kết của mình.
Trong vòng đàm phán lần thứ 10 tại Bắc Kinh tuần trước, Mỹ và Trung Quốc đã đề cập đến khả năng ký kết được thỏa thuận trong thời gian tới. Nhưng đến nay, cả hai bên đều không thể nói được điều gì. Thậm chí, giới quan sát cũng chẳng thể dự đoán được cuộc chiến này khi nào sẽ có hồi kết.
Dự kiến, nếu cuộc đàm phán không có những diễn biến bất lợi, nếu không có "bức thư" đó, nếu không có lời đe dọa của ông Trump, thì đoàn đàm phán của Trung Quốc đến Mỹ lần này sẽ rất đông, khoảng 100 người. Giờ thì quy mô và thời gian đều đã bị thu hẹp. Tuy nhiên, "thước đo phản ứng" của Bắc Kinh qua việc tiếp tục cử Phó Thủ tướng Lưu Hạc dẫn đầu đoàn đàm phán được cho là một sự nhún nhịn, dù là xuất phát từ nhu cầu của Trung Quốc hay áp lực từ Mỹ.
Theo Thegioi&VietNam
Vụ bắt con tin tại Pháp: Thủ phạm vẫn cố thủ, con tin 'an toàn' Nhà chức trách Pháp cho biết 4 phụ nữ đã được trả tự do "an toàn" sau khi bị một đối tượng vị thành niên có vũ trang bắt làm con tin trong 5 giờ tại một quán bar ở ngoại vi thành phố Toulouse. TP - Các quan chức thương mại Mỹ khẳng định lời đe dọa áp thuế mới đối với...