‘Trạng Quỳnh’: Nhã Phương diễn xuất một màu, Trấn Thành tỏa sáng cứu cả bộ phim
Chọn đề tài dã sử khó nhằn khiến đạo diễn Đức Thịnh không khỏi bỡ ngỡ khi thực hiện “ Trạng Quỳnh”. May mắn thay, sự duyên dáng của Trấn Thành đã cứu phim một “bàn thua” trông thấy.
Các nhà làm phim điện ảnh Việt thường né tránh đề tài cổ trang bởi những khó khăn trong việc xây dựng bối cảnh, câu thoại, tạo hình của nhân vật. Kể từ Tấm Cám: Chuyện Chưa Kể cách đây 3 năm, Trạng Quỳnh là tác phẩm dã sử tiếp theo được Đức Thịnh đầu tư sản xuất.
Giống với người tiền nhiệm, bộ phim cũng được phóng tác từ những giai thoại dân gian chứ không bám sát lịch sử.
Trailer phim
Nội dung phim xoay quanh Quỳnh (Quốc Anh) – một anh chàng thông minh, tài giỏi nhưng chán ghét chốn quan trường tàn nhẫn. Do đó mà Quỳnh bỏ học rồi cùng anh bạn thân Xẩm (Trấn Thành) dùng tài trí để trêu chọc những kẻ nhà giàu hay ức hiếp người dân trong làng.
Trong một lần nghịch phá, anh vô tình gặp lại và đem lòng si mê Điềm (Nhã Phương) – con gái của người thầy Đoàn (Tùng Tuki) năm xưa. Thế nhưng, con cháu của chúa Trịnh là Trịnh Bá (Công Dương) cũng yêu thích và quyết tâm cưới nàng bằng được.
Gã dùng mưu kế hãm hại và bắt giam thầy Đoàn để gây áp lực cho Điềm. Được sự giúp sức của Quỳnh và Xẩm, cô khăn gói lên kinh thành báo quan giải oan cho cha. Thế nhưng, chuyến đi không hề yên bình khi Trịnh Bá tim đủ mọi cách truy sát họ.
Sáng tạo từ câu chuyện dân gian quen thuộc
Na ná với Tấm Cám: Chuyện Chưa Kể, Trạng Quỳnh là lời kể của chàng Xẩm về cuộc đời của người bạn thân. Vốn tính khù khờ, thích “chém gió”, câu chuyện của anh chàng một phần thật, chín phần ảo. Từ đây, Đức Thịnh dễ dàng phóng tác rất nhiều chi tiết mới lạ.
Do đó mà khi xem phim, khán giả đừng quá coi trọng yếu tố lịch sử vì… chẳng có gì đúng cả mà hãy hướng tới tính giải trí mà thôi. Trên thực tế, Trạng Quỳnh được lồng ghép khá nhiều màu sắc hiện đại từ lời thoại cho tới hành động của từng nhân vật như thả thính, bắn tim,…
Yếu tố hài cũng được xây dựng theo các mảng miếng quen thuộc. Song, đôi chỗ xử lý vẫn chưa mượt nên chẳng tạo được hiệu ứng cần thiết. Phim cũng không gây cười bùng nổ như Siêu Sao Siêu Ngố của Đức Thịnh hồi Tết năm ngoái.
Một điểm trừ khác của phim là phần kịch bản còn khá rời rạc và thiếu logic. Các tình tiết phim liên kết không mấy chặt chẽ, đơn cử như việc Quỳnh bị truy nã vẫn có thể đăng kí tham dự kì thi Hội tại kinh thành. Cách anh chàng giải quyết các rắc rối được thực hiện khá dễ dàng và còn mang nặng tính sắp đặt, nhất là màn thi đấu với sứ thần nước ngoài.
Bù lại, Trạng Quỳnh có phần bối quá xuất sắc, từ vùng núi non hoang sơ và hùng vĩ cho đến đại nội kinh thành Huế. Hình ảnh Quỳnh học thi bên cạnh Điềm trên chiếc bè nổi giữa dòng nước trong vắt hẳn là mơ ước của khá nhiều “F.A” thời nay.
Tác phẩm thường xuyên dùng những góc quay toàn cảnh để mang trọn được nét đẹp nước nhà lên màn ảnh rộng.
Trấn Thành là điểm sáng diễn xuất
Trong lần đầu lấn sân điện ảnh, Quốc Anh khó lòng làm tốt bởi được giao một vai diễn khá khó nhằn. Anh khá hiền lành và chưa thể hiện được sự thông minh, lém lỉnh của nhân vật Quỳnh. Nam diễn viên giống một quan Trạng “soái ca” hơn là kẻ thích bày mưu trêu chọc mọi người trong lịch sử.
Tài năng của anh chàng cũng chỉ được thể hiện một cách hời hợt qua vài tình tiết ít ỏi. Thời gian Quỳnh trừng trị quan tham thì ít mà đi theo tán tỉnh Điềm thì nhiều. Từ một kẻ chơi bời lêu lổng và chán ghét cường quyền, anh bỗng quay ngoắt 180 độ và trở thành người yêu nước thương dân chỉ vì… tình yêu.
Không chỉ tính cách thiếu thống nhất mà trong những cảnh nội tâm, người xem thấy rõ được sự đuối sức và gồng mình của Quốc Anh.
Nhã Phương thì vẫn là Nhã Phương của trước đây khi cứ xuất hiện là lại biểu cảm đau buồn và khóc lóc. Giống Quốc Anh, cô nàng cũng quá hiền và không diễn tả được hình ảnh một cô nàng tài sắc và cá tính.
Điềm lúc thì yểu điệu thục nữ, khi lại nổi hứng đốp chát khiến người xem không biết đường nào mà lần.
Tuyến phản diện Trịnh Bá cũng thiếu sự nhất quán trong tính cách. Đôi lúc, nhân vật này bỗng thay đổi để trở thành người giàu tình cảm rồi lại “ngựa quen đường cũ” ngay sau đó một cách khó hiểu. Dù rất cố gắng nhưng Công Dương không thể để lại điểm nhấn vì đất diễn quá ít ỏi.
May mắn thay, Trấn Thành lại là “phao cứu sinh” giúp phần diễn xuất khỏi “chết đuối”. Quỳnh và Xẩm được xây dựng theo hình mẫu đôi bạn thân điển hình theo phong cách buddy-cop (cặp đôi cảnh sát) trên màn ảnh rộng. Trái ngược với anh bạn thông minh và yếu đuối, Xẩm lại cực kì khỏe mạnh và… kém trí.
Tuy nhiên, anh chàng lại được thêm cái tính nói nhiều để bộc lộ “cái ngu” của mình cho cả thiên hạ. Đây đúng là sở trường của nam MC đình đám khi mang lại không ít tiếng cười cho khán giả bằng loạt câu thoại và hành động ngây ngô nhưng cũng vô cùng duyên dáng.
Trí tuệ của Quỳnh kết hợp cùng cơ bắp của Xẩm tạo nên những màn tung hứng vừa vụng về nhưng cũng cực kì hài hước.
Xuân Vũ
Theo Vietnamnet
Trạng Quỳnh Một mình "Xẩm" Trấn Thành có làm nên mùa xuân?
Trạng Quỳnh mang trong mình kì vọng sẽ nối tiếp thành tích phim Tết có doanh thu trăm tỷ như người anh em Siêu Sao Siêu Ngố ở mùa tết trước. Nhưng để lặp lại thành tích đó, NSX phải chật vật hơn rất nhiều.
Ngoài dưa hành bánh mứt và thời gian cho các gia đình đoàn viên, Tết còn là dịp nhà nhà kéo nhau ra rạp xem phim. Cũng vì vậy mà đây là thời điểm thị trường phim Việt sôi động nhất khi các nhà phát hành phim nhảy vào cạnh tranh ở thời điểm này. Ngay cả khi sự phát triển của các cụm rạp đã phần nào thay đổi thói quen của khán giả khi người Việt đã "chịu khó" ra rạp nhiều hơn chứ không phải Tết mới xem phim. Tuy nhiên không thể phủ nhận là người Việt vẫn thích đi xem phim vào ngày tết nhất. Trong ba cái tên Táo Quậy, Cua Lại Vợ Bầu và Trạng Quỳnh, thì bộ phim của đạo diễn Đỗ Đức Thịnh là Trạng Quỳnh gây chú ý hơn cả, vì là tác phẩm cổ trang dân gian duy nhất ra rạp đúng dịp Tết Nguyên Đán. Như dự đoán, Trạng Quỳnh là một bộ phim có nhiều điều để nói nhất mùa phim Tết năm nay.
Poster chính thức của Trạng Quỳnh.
Nắm chắc "tấm vé ưu tiên" từ khán giả khi họ phân vân "Tết này xem phim Việt gì?"
Trạng Quỳnh không phải là tác phẩm mang trong mình tư thế của người "khai sáng" dòng phim điện ảnh cổ trang, cũng không được quảng bá theo kiểu "người Việt xem phim Việt" như Ngô Thanh Vân trong Tấm Cám. Điểm rơi của Trạng Quỳnh vào đúng thời điểm "kết sổ" sau cơn sốt cổ trang của khán giả trong năm cũ bằng một tác phẩm điện ảnh chiếu Tết. Thị trường phim Tết từ trước đến nay luôn chiếm ưu thế bởi những đề tài hài hước lãng mạn. Riêng Trạng Quỳnh liều lĩnh chọn cho mình một ngách hẹp, vẫn là câu chuyện tình lãng mạn của Quỳnh (Trần Quốc Anh) và Điềm (Nhã Phương), cùng một nhân vật đảm nhận vai trò gây cười từ đầu đến cuối là Xẩm (Trấn Thành). Nhưng NSX đã khôn khéo cho đưa câu chuyện về thời quá khứ, cụ thể là giai đoạn Vua Lê - Chúa Trịnh (1545 - 1787), vẫn là tình cảm hài mà lại có bối cảnh cổ trang. Rõ ràng với sự tò mò, thích tìm hiểu món ăn lạ, đã vậy còn "trend", hợp thời, Trạng Quỳnh cầm chắc một "tấm vé ưu tiên" từ phía khán giả so với hai đối thủ còn lại.
So với hai đối thủ còn lại, Trạng Quỳnh được cả phần nhìn lẫn nội dung "nghe qua" có vẻ thú vị.
Và hơn hết, NSX của Trạng Quỳnh có quyền tự tin với đứa con tinh thần của họ vì thành tích trước đó của Siêu Sao Siêu Ngố. Một bộ phim sở hữu tuyến câu chuyện ai nhìn vào cũng biết cái kết, Trường Giang kiểu gì lại không hài hước, đã vậy còn có Sam xinh đẹp, phim cứ thế mà "trót lọt" để khán giả mạnh tay chi hầu bao để đưa Siêu Sao Siêu Ngố lên hàng "đại gia" trăm tỷ ngành phim ảnh. Trạng Quỳnh được đầu tư hơn đàn anh của mình, vậy ngại gì mà không kì vọng thành tích sẽ được lặp lại? Ngay cả với những khán giả chưa xem bộ phim, ai cũng từng nghĩ Trạng Quỳnh "tết này ăn chắc!"
Trạng Quỳnh mang trong mình gánh nặng không nhỏ từ đàn anh "đại gia trăm tỷ" Siêu Sao Siêu Ngố.
(Từ đây, bài viết có tiết lộ nội dung của bộ phim, cân nhắc kĩ trước khi đọc)
Câu chuyện tình yêu của Quỳnh và Điềm đơn giản nhưng càng xem càng thấy phức tạp?
Giống như bao motif chuyện tình thời phong kiến chúng ta sẽ đâu đó từng bắt gặp, một cậu học trò nghèo phải lòng con gái của thầy đồ, cùng thích cô gái xinh đẹp đó là một công tử nhà quyền thế. Không mạnh dạn chọn một hướng đi khác, NSX Trạng Quỳnh quyết tâm cải biên câu chuyện "biết rồi - khổ lắm - nói mãi" này bằng cách thay đổi mạnh tay công tử quyền quý kia. Trong phim, Trịnh Bá (Công Dương) đảm nhận tuyến vai của công tử con ông cháu cha của Chúa Trịnh. Gã ta vô cùng thích Điềm, nhưng cũng không phải là kiểu chung tình sắc son với nữ chính gì cho cam. Bằng chứng là gã ta đã ăn nằm với Thị Liễu (Khả Như), sau đó để Thị Liễu vu oan cái thai của mình là do bị thầy Đoàn (Tùng Yuki), cha của Điềm cưỡng bức. Trịnh Bá dùng thầy Đoàn để gây sức ép lên Điềm, buộc cô phải thành thân với hắn. Quỳnh, vốn cũng là một tên học trò "lêu lổng" bị thầy Đoàn đuổi học, lúc này Quỳnh lại ra sức bảo vệ Điềm, cùng người bạn thân của mình là Xẩm, cả ba đã có hành trình lên Kinh tìm lại công lí cho thầy Đoàn.
Việc thêm thắt cho câu chuyện tình tay ba vốn dĩ là điều cần thiết, nhưng cách mà NSX chạy đường dây cho câu chuyện lại vô cùng vụng. Nhất là lí do vì sao Điềm lại chọn về phe của Quỳnh, trong khi ngay cả Quỳnh cũng khá "vô lại" khi từng rình Điềm tắm?! Ở phương diện này rõ ràng NSX cần khắc hoạ, ít nhất là thêm thắt một vài chi tiết để khán giả kịp hình dung về tình cảm của Điềm dành cho Quỳnh để câu chuyện "logic" hơn.
Bên cạnh đó, việc "ham chi tiết" của NSX khi vừa muốn khai tuyến lãng mạn của Điềm và Quỳnh, vừa muốn khắc hoạ chân dung nhân vật Quỳnh tài trí hơn người, giúp sức cho nước Nam nở mày nở mặt với những kẻ ở phương Bắc đã khiến cho bộ phim dông dài không cần thiết. Câu chuyện cũng vì thế mà rời rạc như nhiều mảnh ghép vụng về của một bộ phim truyền hình cổ trang được chắp nối lại.
Vừa sa đà vào yếu tố lãng mạn, vừa muốn nói lên hình ảnh tài trí muốn cống hiến cho nước nhà, câu chuyện của Trạng Quỳnh trong phim trở nên không rõ ràng.
Nụ cười xuân "kém duyên" từ những chi tiết đồng tính - cưỡng bức, thậm chí cả tranh khoả thân của nữ nhân vật chính?
Việc sử dụng những tình tiết "đồng tính" nhằm gây cười cho khán giả từ lâu như là một đặc sản của không ít biên kịch lẫn đạo diễn Việt. Dù muốn hay không, thi thoảng để tăng thêm gia vị cho bộ phim của mình, những chi tiết đó được đưa vào với ý đồ trở thành điểm nhấn mới lạ trong phim. Trạng Quỳnh cũng áp dụng công thức chung này, thậm chí nếu áp dụng vừa phải sẽ còn được cho là sáng tạo bất ngờ vì hiếm có phim cổ trang nào đề cập đến vấn đề này. Ở giai đoạn phong kiến, người ta vẫn hay dùng cụm "đoạn tụ" để lí giải hành vi ân ái của hai nam nhân, dưới áp lực của Nho Giáo, hành vi này được cho là không đúng với chuẩn mực của xã hội. Việc NSX "mạnh tay" đặt để nhiều tình tiết thể hiện yếu tố đồng tính khiến khán giả đi từ "mới lạ" đến cảm giác "kì cục" khi được lạm dụng đến tận ba lần.
Vì sao NSX cố tình xây dựng cho thầy giáo Đoàn bị tội cưỡng bức mà không phải là một tội khác?
Đầu tiên là nhân vật Xẩm bị cưỡng bức bởi một tên côn đồ "đen hôi". Lần thứ hai cũng là Xẩm, lợi dụng việc thị vệ có ý định "đoạn tụ" mà trà trộn vào chuồng ngựa với Quỳnh. Lần thứ ba, cũng là lần phản cảm nhất khi Trịnh Bá bị Quỳnh phán có tội, hình phạt là thả ở chỗ có tên côn đồ từng có ý cưỡng bức Xẩm, cho hắn "hành hạ" 7 ngày liên tục đến mức hoá điên. Ước ao của Quỳnh và Điềm là có một xã hội công bằng, làm quan liêm khiết, nhưng khi đã lên làm quan, Quỳnh lại xử theo kiểu "ác cảm" cá nhân đối với Trịnh Bá, vậy hình ảnh một vị quan liêm khiết có thuyết phục người xem hay không?
Quỳnh luôn khát khao nói về một cuộc sống công bằng, nhưng khi lên làm quan, hành động xử Trịnh Bá cho tên vô lại cưỡng bức đến mức hoá điên lại vô cùng cảm tính, liệu đó có phải là phẩm chất của một vị quan tốt?
Chưa kể Trạng Quỳnh không chỉ có những tình tiết bỡn cợt về đồng tính mà còn thản nhiên cho hai nhân vật Quỳnh và Trịnh Bá bàn tán về... vòng một của Điềm. Đã vậy còn không quên minh hoạ bằng một bức tranh loã thể. Đồng ý là nhân vật Trịnh Bá là một tên công tử ăn chơi sa đoạ, nhưng việc công kích cơ thể của phụ nữ, nhất là vào thời phong kiến lại là một điều vô cùng nhục nhã và nhạy cảm. Ngay ở thời điểm hiện tại, việc phán xét cơ thể của người khác vẫn đang là chuyện vô cùng "kém duyên".
Chi tiết bức tranh cũng khiến không ít khán giả, đặc biệt là phái nữ cảm thấy NSX "tung miếng" khá kém duyên!
Với những gia đình có ý định dắt theo con nhỏ xem phim, cần thận trọng khi để các em tiếp nhận những phân cảnh nhạy cảm như thế này.
Dàn diễn viên Trạng Quỳnh: May mà có Trấn Thành!
Dàn diễn viên chính của bộ phim.
Năm 2019 có lẽ là năm hoạt động năng suất chưa từng thấy của ông xã Hari Won. Bên cạnh việc cầm trịch hàng loạt các gameshow nổi tiếng, Tết này Trấn Thành góp mặt trong cả hai dự án điện ảnh ra rạp ngay mùng một Tết. Nếu trong Cua Lại Vợ Bầu, Trấn Thành hoá thân thành thanh niên nghiêm túc tìm kiếm lại sự lãng mạn từ "cô vợ bầu" Ninh Dương Lan Ngọc, thì trong Trạng Quỳnh, nhân vật Xẩm như là một gói "combo" tổng hợp toàn bộ những hình tượng sân khấu mà Trấn Thành từng hoá thân. Dù ở trong phim nào, Trấn Thành vẫn "duyên" đủ dùng với khán giả. Tuy nhiên, riêng với trường hợp của Trạng Quỳnh, nhân vật Xẩm do anh đảm nhận đã cứu diễn xuất cả bộ phim.
Trấn Thành "gom đủ" sự nghiệp sân khấu của mình lên màn ảnh rộng.
Nhờ có Trấn Thành, bộ phim trở nên dễ chịu hơn trong mắt khán giả.
Trần Quốc Anh lần đầu chạm ngõ điện ảnh đã bộc lộ không ít điểm yếu. Điện ảnh không giống như đóng MV, mọi biểu cảm, dù là nhỏ nhất đều được khán giả nhìn thấy rõ. Ở vai Quỳnh lần này, Trần Quốc Anh thay vì mang đến một nhân vật trào lộng nhất nhì trong dân gian Việt Nam thì lại giống một hot boy bơi lội, xuyên không từ MV Rời Bỏ về niên đại Vua Lê Chúa Trịnh thì đúng hơn.
Trần Quốc Anh là điểm chết diễn xuất của bộ phim.
Nhã Phương diễn vẫn rất "Nhã Phương", hình ảnh của nữ diễn viên trước giờ như thế nào thì khi lên phim vẫn vậy. Sẽ rất khó nói là trong phim này, Nhã Phương diễn tốt hay dở, chỉ đơn giản là khán giả vẫn mong cô nàng bức phá hơn nữa. Tuy nhiên nếu tìm sự bức phá đó trong Trạng Quỳnh thì vẫn chưa có. Nhưng không thể phủ nhận vai Điềm do Nhã Phương diễn cũng có những nét đặc sắc riêng.
Nhã Phương tròn vai, nhưng khán giả vẫn kì vọng nhiều hơn ở cô.
Công Dương và Khả Như diễn ở mức tròn vai. Ngoại hình của Công Dương vô cùng sáng, phù hợp với tuyến vai phản diện ma mãnh trong phim, duy chỉ có cách nhả thoại là điểm yếu nhất của nam diễn viên. Riêng Khả Như, đây là một trường hợp khá đáng tiếc vì vai Thị Liễu là một nhân vật hay, vẫn còn khai thác được thêm nhiều nữa. Nếu có thêm đất diễn cho Thị Liễu thì cô nàng sẽ có cơ hội bộc lộ được nhiều khía cạnh của bản thân hơn.
Ngoại hình của nam diễn viên là một ưu thế khi vào vai Trịnh Bá.
Khả Như cần được khai thác thêm nữa vì Thị Liễu là một nhân vật hay.
Âm nhạc là điểm sáng nhất của bộ phim!
Về mặt nội dung, Trạng Quỳnh vẫn còn nhiều "lấn cấn" nhưng phần âm nhạc trong phim lại làm vô cùng chỉn chu. Bằng sự kết hợp nhuần nhị giữa âm thanh nhạc cụ dân tộc, thi thoảng có pha chút nhạc điện tử hiện đại, người xem sẽ phấn khích và bị cuốn vào câu chuyện ngay từ những phút đầu của Trạng Quỳnh.
Khung cảnh Việt Nam hiện lên trong MV OST "Trạng Quỳnh" - Chí Nam Nhi
Ở phương diện tạo hình, NSX cũng đã cố gắng hết sức trong mức có thể. Sẽ rất khó để đòi hỏi chất lượng phục trang tầm cỡ như Diên Hi Công Lược hay các bộ phim cổ trang nước bạn, vậy nên ở mức độ đầu tư kinh phí làm phim như ở nước ta hiện tại, Trạng Quỳnh xem như cũng đã chấp nhận được.
Tạm kết
Nếu cần xem một bộ phim có đề tài mới lạ vào dịp Tết Nguyên Đán, Trạng Quỳnh cũng không phải là một ý kiến tồi. Dù sao đi nữa, đây cũng là bộ phim duy nhất được NSX "cược" vào bối cảnh cổ trang và giai thoại dân gian nổi tiếng trong lòng người Việt. Tuy nhiên cần lưu ý phim dán nhãn C13 và có các tình tiết lạm dụng yếu tố "đồng tính" phản cảm.
Trailer "Trạng Quỳnh"
Theo Helino
"Cười té ghế" với màn chúc Tết bá đạo của Trấn Thành trong "Trạng Quỳnh" Lời chúc Tết bá đạo của Trấn Thành trong bộ phim "Trạng Quỳnh" khiến khán giả bật cười vì quá hài hước. Không những là bộ phim về nhân vật dân gian nổi tiếng được yêu thích nhất Việt Nam, bộ phim "Trạng Quỳnh" của đạo diễn trăm tỷ Đức Thịnh dự kiến công chiếu đúng Mùng 1 Tết còn khiến khán giả...