“Trăng hát” – Khoảng trời thu trong vắt của Phạm Thuỳ Dung
Sao Mai Phạm Thuỳ Dung gây ấn tượng với khán giả trong đêm nhạc “Trăng hát” về một giọng hát cao vút, lấp lánh qua những ca khúc kinh điển.
Ca sĩ Phạm Thuỳ Dung – Á quân dòng nhạc dân gian Sao Mai năm 2013 đánh dấu sự trở lại với sân khấu ca nhạc Việt Nam bằng live concert “Trăng hát” vào tối ngày 29/9 tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Đây được xem là bước ngoặt lớn trong sự nghiệp của cô ca sĩ xinh đẹp có giọng hát trong vắt thiên phú này.
“Trăng hát” là concert đánh dấu sinh nhật tuổi 30 và 9 năm sự nghiệp ca hát, đồng thời là mốc son quan trọng trên bước đường theo đuổi nghệ thuật cổ điển của Phạm Thuỳ Dung.
Không giống như nhiều ca sĩ khác, tận dụng bệ phóng là các giải thưởng để phát triển sự nghiệp âm nhạc, Phạm Thuỳ Dung lại lựa chọn cho mình con đường tiếp tục học hỏi, tích luỹ thêm kiến thức, kinh nghiệm để tự tin và vững bước trên con đường ca hát. Quãng thời gian đó, Phạm Thuỳ Dung đã nhận được sự hướng dẫn, ủng hộ hết mình của các thầy cô giáo như: NSND Quốc Hưng, nghệ sĩ Anh Thơ, NSND Thanh Hoa, nhà giáo nhân dân Hồ Mộ La, nghệ sĩ Thu Hằng, NSND Trung Kiên và sau này là cô giáo người Nga Lyubov Kazarnovskaya, một trong những nghệ sĩ opera hàng đầu thế giới.
Sau 6 năm miệt mài, công chúng, những người yêu mến Phạm Thuỳ Dung đã ghi nhận sự trưởng thành về giọng hát và độ đằm thắm trong cảm xúc của cô qua MV đầu tay “Tôi nhìn theo cánh chim bay” và live concert “Trăng hát” vừa qua.
Thuỳ Dung khiến khán giả bất ngờ khi là Á quân dòng nhạc dân gian Sao Mai 2013 nhưng Phạm Thuỳ Dung lại tổ chức live concert đầu tiên của mình bằng một chương trình thính phòng.
Là Á quân dòng nhạc dân gian Sao Mai 2013 nhưng Phạm Thuỳ Dung lại tổ chức live concert đầu tiên của mình bằng một chương trình thính phòng với những tác phẩm kinh điển của thế giới và Việt Nam đã khiến không ít khán giả bất ngờ. Để lý giải cho điều này, ca sĩ Thuỳ Dung chia sẻ: “6 năm qua là một chặng đường tôi miệt mài tu nghiệp để cải thiện khả năng của bản thân. Mặc dù là người xứ Nghệ, chất dân gian đã ngấm vào trong máu của tôi nhưng trong quá trình học tập tại Việt Nam và du học bên Nga, những thầy, cô giáo lại nhận xét giọng hát của tôi có chất thính phòng và trữ tình. Càng tìm hiểu và học hỏi, tôi lại càng yêu thích thính phòng cổ điển. Hơn nữa, tiếng hát nơi thánh đường thủa ấu thơ ở quê nhà dường như là mối nhân duyên định sẵn của tôi với âm nhạc cổ điển”.
Đồng hành cùng Thùy Dung trong “Trăng hát” là Dàn nhạc Giao hưởng Mặt Trời (SSO) do nhạc trưởng người Pháp Olivier Ochanine chỉ huy, cùng hai khách mời nổi tiếng là NSƯT Đăng Dương và Tùng Dương. Dưới bàn tay dàn dựng tài ba của nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng cùng dàn nhạc mang tầm quốc tế, live concert “Trăng hát” đã thổi một làn gió mới với những tiết mục ấn tượng làm tôn lên giọng ca Soprano cao vút của Phạm Thuỳ Dung như “Ave Maria” (Gounod), “Khúc hát nàng Solveig” (Nhạc: Edward Grieg, Lời việt: Phạm Duy), “Bài ca hy vọng” (Văn Ký), “Đất nước tình yêu” (Lệ Giang),…
Video đang HOT
Giọng hát trong veo của Thuỳ Dung hoà cùng giọng ca thính phòng nội lực Đăng Dương đã mang cảm xúc cho người nghe.
Bên cạnh đó, sự kết hợp với hai giọng ca nam với phong cách đối lập là Tùng Dương đậm chất dân gian đương đại và Đăng Dương nổi tiếng với dòng nhạc thính phòng đã tạo nên những màu sắc độc đáo. Đặc biệt, tại concert này, Phạm Thùy Dung cũng đã chọn biểu diễn những ca khúc mới được sáng tác theo kiểu “đo ni đóng giày” cho cô: “Tôi nhìn theo cánh chim bay”, “Mỗi sớm mai lại thêm bình yên”.
Đạo diễn âm nhạc của live concert – nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng, cho rằng “Trăng hát” là một cuộc sát hạch với Phạm Thuỳ Dung bởi vì hiện nay rất hiếm có ca sĩ nhạc thính phòng có cơ hội làm live concert với dàn nhạc giao hưởng đầy đủ. Quả thực, việc hát cùng dàn nhạc giao hưởng trong cả một live concert là áp lực rất lớn đối với bất kì ca sĩ nào. Điều đó không ngoại lệ với Phạm Thuỳ Dung. Khán giả yêu mến cô cũng có thể nhận thấy rõ thoáng bối rối của Thuỳ Dung trong tiết mục đầu tiên nhưng sau đó với bản lĩnh của mình, cô đã dần làm chủ được sân khấu, thoả mãn niềm đam mê theo đuổi dòng nhạc cổ điển vốn kén người nghe.
Hai phong cách khác biệt Tùng Dương và Thuỳ Dung trong cùng một tiết mục là một sư kết hợp độc đáo.
Liveshow “Trăng hát” được dàn dựng bố cục thành ba phần rõ ràng. Phần 1 gồm 4 ca khúc kinh điển của âm nhạc cổ điển thế giới. Phần 2, là những ca khúc đỉnh cao của âm nhạc Việt Nam được yêu thích qua nhiều thế hệ và phần 3 là sự giao thoa giữa các nền âm nhạc, các thời đại âm nhạc. gương mặt triển vọng của dòng nhạc thính phòng của Việt Nam hiện nay. Khán phòng Nhà hát Lớn như tràn ngập trong cảm xúc của âm nhạc.
Thầy giáo, NSND Trung Kiên, người đã từng dìu dắt Thuỳ Dung trong những ngày đầu, chia sẻ: “Tôi xúc động và thành công hôm nay là phần thưởng xứng đáng cho sự nỗ lực hết mình của Phạm Thuỳ Dung. Em đã trưởng thành lên rất nhiều và sự phát triển trong giọng hát của em mới là điều đáng nói. Trước đây, khi nhận Thuỳ Dung làm học trò, tôi thấy đầy rẫy những khó khăn bởi vì giọng hát Thuỳ Dung lên cao chưa tốt nhưng hôm nay Thuỳ Dung xử lý những nốt cao ngay cả trong những bản romance tốt hơn nhiều. Tôi hy vọng rằng em vẫn sẽ nuôi dưỡng niềm đam mê của mình để chinh phục những đỉnh cao mới”.
Có thể thấy rằng với Phạm Thuỳ Dung thì việc lựa chọn dòng nhạc thính phòng không chỉ là một thoáng “vui đùa” hay chỉ là một sự thử nghiệm mới mẻ từ dân gian sang dòng nhạc mới mà đó là niềm đam mê của cô và là con đường mà cô xác định sẽ theo đuổi lâu dài./.
Hạnh Lê – Ảnh: Hà Phương
Theo VOV.VN
Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng: "Khi tôi nhận lời làm "Trăng Hát", nhiều người cũng tò mò về lý do..."
Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng - một nghệ sỹ nổi danh cả về tài năng và độ khó tính coi live- concert "Trăng Hát" mà ông giữ vai trò Giám đốc Âm nhạc là một "cuộc sát hạch" với Phạm Thùy Dung - một gương mặt triển vọng của dòng nhạc thính phòng ở Việt Nam hiện nay.
Trước thềm live-concert"Trăng Hát" của ca sĩ Phạm Thùy Dung diễn ra vào tối 29/9 tại Nhà hát Lớn, phóng viên có cuộc trò chuyện với nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng về câu chuyện "Trăng Hát" cũng như những kỳ vọng của anh về tương lai của dòng nhạc thính phòng ở Việt Nam.
Lý do gì đã thuyết phục được anh (một nhạc sĩ "khó tính," thường "bắt tay" cộng tác với những ngôi sao đã khẳng định chỗ đứng) nhận lời làm Giám đốc âm nhạc cho live-concert "Trăng Hát" của Phạm Thùy Dung - một ca sĩ còn khá trẻ cả về tuổi đời và tuổi nghề?
Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng: Khi tôi nhận lời làm "Trăng Hát" cùng Phạm Thùy Dung, nhiều người cũng tò mò về lý do. Thực ra, tôi nghĩ, sự kết hợp này có lợi, là cơ hội tốt cho cả tôi và Phạm Thùy Dung.
Ở Việt Nam, rất hiếm có ca sĩ nhạc thính phòng làm live-concert với dàn nhạc giao hưởng đầy đủ như Phạm Thùy Dung. "Trăng Hát" mới là concert thứ ba làm được như vậy. Trước đó, nhạc Việt mới chỉ có "Mặt trời của tôi" của Đăng Dương và "Ánh trăng tình yêu" của Lan Anh. Còn phần lớn trong số đó chỉ làm liveshow với ban nhạc điện tử hay kết hợp với những ban nhạc của dòng nhạc nhẹ.Những âm thanh của ban nhạc nhẹ không lột tả được vẻ đẹp của nhạc thính phòng, không khai thác được chất riêng của nhạc thính phòng. Đây là một thiệt thòi với các ca sĩ thính phòng Việt Nam.
Tuy nhiên, cần thấy rõ, Đăng Dương và Lan Anh đều là những nghệ sỹ có kinh nghiệm lâu năm trên sân khấu, có chỗ đứng vững chắc ở "làng nhạc," tên tuổi được định vị rõ ràng trong lòng công chúng.
Ở chiều ngược lại, bắt tay cùng Phạm Thùy Dung làm "Trăng Hát" cũng là một cơ hội tốt. Bởi như đã nói, Việt Nam chưa có nhiều live-concert mà ở đó, ca sĩ hát cùng dàn nhạc giao hưởng đầy đủ để những nghệ sỹ sáng tác, chuyển soạn như tôi được "tung hoành ngang dọc." Hơn nữa, dàn nhạc xuất hiện trong "Trăng Hát" lại là Dàn nhạc giao hưởng Mặt Trời khiến tôi cảm thấy rất thích thú bởi đây một dàn nhạc đẳng cấp châu lục với vị nhạc trưởng tài năng người Pháp Olivier Ochanine.
Vậy, trong quá trình làm việc, anh có cảm nhận thế nào về ca sĩ Phạm Thùy Dung?
Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng: Khi nghe Phạm Thùy Dung hát, tôi nhận thấy chất giọng của cô ấy có nhiều ưu điểm. Cô ấy được học hành, đào tạo bài bản tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Thậm chí, Phạm Thùy Dung đã từng có thời gian đi nước ngoài học thanh nhạc.
Hơn nữa, quá trình tiếp xúc, làm việc, tôi thấy Phạm Thùy Dung không chỉ có tố chất của một nghệ sỹ mà còn là một con người rất dũng cảm, có nội lực mạnh mẽ.
Phạm Thùy Dung khác nhiều ca sĩ ở dòng thính phòng. Cô ấy có khả năng vượt qua mọi khó khăn của hoàn cảnh để tới đích. Nói khác đi, Phạm Thùy Dung có những ưu điểm mà một nghệ sỹ đích thực cần có.
Anh định nghĩa thế nào là một nghệ sỹ đích thực?
Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng: Đó phải là người có tố chất nghệ thuật, cá tính ở bên trong. Họ xác định rõ ràng họ muốn làm gì, muốn trở thành gì, chứ không phó thác bản thân mình để người khác tô vẽ lên. Ngược lại, họ có ý đồ rõ ràng, khát khao muốn thể hiện, có âm nhạc bên trong muốn giãi bày. Những nhạc sĩ, người làm nhạc như chúng tôi chỉ là những người hỗ trợ để làm rõ ra ý tưởng của họ.
Có một thực tế khá buồn rằng, ở Việt Nam hiện nay, khá hiếm ca sĩ thính phòng có được điều đó. Họ thường nghĩ, những người khác hát thế nào thì mình hát như thế; người khác học ở đâu thì mình cũng đến đó học; người đi trước đã làm ra sao thì mình cũng làm như vậy. Họ không có khát khao rằng mình phải có dấu ấn riêng, sự khác biệt. Nguyên nhân cũng có thể là vì ở sâu thẳm bên trong, họ không có gì khác biệt, tạo thành nét riêng.
Tuy nhiên, Phạm Thùy Dung lại khác. Cô ấy biết rõ mình muốn gì, quyết tâm thục hiện điều đó dù cô ấy luôn rất khiêm tốn, cầu thị. Tôi đánh giá cao ưu điểm này của Phạm Thùy Dung.
Họp báo liveconcert Trăng Hát của ca sĩ Phạm Thùy Dung
Như anh có chia sẻ, Phạm Thùy Dung là người có khả năng vượt qua mọi khó khăn của hoàn cảnh để tới đích. Vậy, những khó khăn mà cô ấy đang phải đối mặt trong quá trình chuẩn bị "Trăng Hát" cụ thể là gì?
Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng: Việc thực hiện một concert nhạc thính phòng ở Việt Nam không hề đơn giản. Khó khăn, thử thách nhân lên gấp nhiều lần khi cô ấy dũng cảm hát cùng một dàn nhạc giao hưởng tầm cỡ.
Hầu hết ca sĩ học ở trường ra đều chưa bao giờ hát với dàn nhạc giao hưởng. Kể cả những ngôi sao lớn như Đăng Dương, Lan Anh, mỗi năm cũng chỉ có vài lần hát cùng dàn nhạc giao hưởng. Vậy thì làm sao họ có kinh nghiệm làm việc với nhạc trưởng và dàn nhạc. Tôi đã từng ngồi dưới hàng ghế khán giả và chứng kiến không ít nghệ sỹ tên tuổi của Việt Nam gặp "tai nạn," sự cố trên sân khấu khi hát cùng dàn nhạc. Bởi lẽ, họ không có kinh nghiệm, không hiểu được ngôn ngữ từ đôi tay của nhạc trưởng, không hiểu ý nhạc trưởng, không quen âm sắc của dàn nhạc.
Khi học hát một thầy một trò với nhau hoặc khi hát với piano, nếu ca sĩ có lỡ sai nhịp thì piano vẫn có thể lượn theo được, hay khi ca sĩ ngân thêm chút thì piano cũng kéo theo được. Thế nhưng, hát live với dàn nhạc thì không có chuyện đó. Hàng chục nhạc công nhìn theo bản nhạc, mình có hát sai thì họ vẫn đánh đúng theo nhạc. Vậy là lệch nhau, sự cố xảy ra!
Phạm Thùy Dung còn trẻ cả về tuổi đời và tuổi nghề nhưng đã dũng cảm đặt mình vào thử thách này - hát live cùng Dàn nhạc giao hưởng Mặt Trời với 60 nhạc công.
CT
Theo congthuong
"Phạm Thùy Dung trong mắt tôi là một người khiêm tốn" Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng làm Giám đốc âm nhạc cho live-concert "Trăng Hát" của ca sĩ Phạm Thùy Dung Sau thành công với concert của ca sĩ Đăng Dương, ca sĩ Lan Anh, nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng lại rục rịch chuẩn bị làm Giám đốc âm nhạc cho live-concert "Trăng Hát" của ca sĩ Phạm Thùy Dung diễn ra ngày 29/9...