Trắng đêm lấy thân mình làm “mồi”… nhử muỗi
Để chống lại bệnh sốt rét, các nhân viên y tế phải thường xuyên đi bắt muỗi về để nghiên cứu. Cứ đều đặn mỗi tháng 2 lần, họ lại trắng đêm lấy thân mình làm “mồi” nhử muỗi.
Cả đêm ngồi bắt muỗi
Y sĩ Đặng Hoàng Thế lấy thân làm mồi nhử muỗi – Ảnh Vĩnh Thủy
Định kỳ, mỗi tháng y sĩ Đặng Hoàng Thế, Khoa Sốt rét – ký sinh trùng, côn trùng, Trung tâm Y tế (TTYT) dự phòng tỉnh Đồng Nai lại thực hiện công việc bắt muỗi để phục vụ nghiên cứu. Mỗi lần như vậy thường kéo dài 3 ngày 2 đêm. Trong 4 năm công tác tại TTYT dự phòng, anh Thế không nhớ nổi mình đã có bao nhiêu đêm thức trắng nhử muỗi như vậy.
Anh Thế kể, lúc mới về làm việc tại Khoa Sốt rét – ký sinh trùng, côn trùng vào năm 2011, nhân lực về lĩnh vực sốt rét còn ít nên hầu như tháng nào anh cũng phải đi săn muỗi vài lần. “Ngay lần đầu đi làm “mồi” cho muỗi ở khu rừng của huyện Vĩnh Cửu, tôi đã bị muỗi chích đến bị bệnh sốt rét. Có đêm làm việc, tôi bị cả hơn chục con muỗi Anopheles Dirus (loài muỗi truyền bệnh sốt rét hàng đầu) đốt” – Y sỹ Thế nhớ lại.
Theo chia sẻ của anh Thế, loại muỗi Anopheles rất thông minh, chúng không bị đánh lừa bởi bẫy ánh sáng, cách duy nhất để tìm hiểu chúng là lấy thân mình để nhử. Chúng chỉ hoạt động mạnh nhất vào buổi tối. Do vậy thời gian bắt muỗi của các nhân viên y tế thường bắt đầu từ 18h tối hôm trước đến sáng hôm sau. Trong thời gian phơi mình làm mồi cho muỗi, các nhân viên y tế không chỉ bị loài muỗi Anopheles “tích cực” đốt mà còn bị nhiều loài khác bu lại cắn, đốt…
Do chỉ chú trọng bắt muỗi gây bệnh sốt rét nên các loài muỗi khác chỉ có thể đuổi đi hoặc đập chết. Mỗi loài muỗi đều có khung giờ đốt người nhất định. Khi bắt muỗi Anopheles, cần phải xác định cấu trúc thành phần loài, ái tính, sự thay đổi véc tơ gây bệnh của muỗi. Có những loài muỗi truyền bệnh, năm trước bắt được nhưng năm sau lại không thấy xuất hiện.
Video đang HOT
“Bãi săn” của các thợ săn muỗi thường ở những nơi muỗi sinh sống nhiều như trong các cánh rừng, các chuồng gia súc (trâu, bò). Bởi vậy có không ít tình huống bi hài đã đến với những thợ săn này. “Ôi! Tôi bị bò đá hoài đấy. Lần đầu vào chuồng bò bắt muỗi, tôi không thể nào sờ vào được con bò để bắt muỗi. Đứng trước mặt nó, thấy nó cứ dúi đầu ra đằng trước nên tôi sợ nó húc. Thấy vậy, tôi chuyển xuống đứng ngay sau đuôi bò. Vậy là nó đá cho tôi một cái đau điếng, vỡ hết đồ nghề. Tối đó, kế hoạch bắt muỗi của tôi bị phá sản” – Y sĩ Thế hài hước kể.
Gây mê cho muỗi, mơ có loài muỗi mang tên… mình!
Sau khi bị bắt, muỗi được “gây mê” và nhốt vào các ống thủy tinh để phục vụ nghiên cứu – Ảnh Vĩnh Thủy
Làm công tác về phòng chống sốt rét từ năm 1985, điều dưỡng Nguyễn Đức Linh cũng đã gắn liền với công việc bắt muỗi từ nhiều năm. Tất cả các khu rừng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, điều dưỡng Linh đều đã từng đặt chân đến bắt muỗi. Theo điều dưỡng Linh, hầu như ai làm công việc đưa thân mình làm “mồi” cho muỗi đều bị bệnh sốt rét. Trước đây, mỗi lần vào rừng, nhân viên y tế, hay người dân đều phải uống thuốc phòng bệnh. Hiện nay, phương pháp này không còn hiệu quả, chỉ khi nào bắt đầu mắc bệnh mới uống thuốc điều trị.
“Nhiều lần ngồi ở bìa rừng, chúng tôi còn gặp cả thú rừng, gặp thú nhỏ thì đỡ, khi gặp thú lớn chúng tôi chỉ còn cách lánh nạn để chúng không làm hại đến mình. Trường hợp đi bắt muỗi ở chuồng gia súc thì bị trâu, bò đá như cơm bữa” – Điều dưỡng Linh kể.
Cũng theo anh Linh, để định loại được loài muỗi Anopheles (có đến 60 loài) phải giữ lại được chân, cánh và cánh phải xòe. Nếu để muỗi sống rồi di chuyển sẽ khiến muỗi không còn nguyên vẹn, khó xác định loài. Do đó sau khi bắt được muỗi, những thợ săn này phải gây mê cho muỗi nằm yên. Cứ làm việc 45 phút, họ phải ngừng lại để gây mê cho muỗi, “thuốc mê” của muỗi chính là… khói thuốc lá!.
Nhiều năm làm công tác bắt muỗi, điều dưỡng Linh cho rằng, chỉ yêu và đam mê với nghề thì mới làm được công việc này. Bởi việc bắt muỗi quá vất vả, đêm nào cũng phải thức đêm ngồi một mình giữa rừng hoặc vào chuồng gia súc. Ngoài ra, mỗi lần bị sốt rét, việc bị sút vài kg là bình thường.
Thế nhưng công việc “lạ đời” này cũng mang đến cho họ không ít niềm vui. “Một lần vào năm 2011, tôi bắt được một con muỗi hiếm. Sau khi phân tích, các bác sĩ của khoa cho biết, từ năm 2000 đến nay, đây là lần đầu thấy loài muỗi này xuất hiện lại. Nghe vậy, tôi vui mừng lắm, cứ như mình vừa bắt được một thứ quý giá. Tôi mơ ước một ngày nào đó sẽ có loài muỗi mang tên mình” – Y sĩ Thế nói.
Theo bác sĩ Nguyễn Thanh Tùng, Trưởng Khoa Sốt rét – ký sinh trùng, côn trùng TTYT dự phòng tỉnh Đồng Nai, khoảng 20 năm trở lại đây, bệnh sốt rét đã không còn là nỗi ám ảnh với người dân, ngành y tế nữa. Ngoài công sức phòng chống bệnh của ngành y tế, cộng đồng còn có sự góp sức không nhỏ của những nhân viên y tế chuyên đi làm “mồi” cho muỗi như y sĩ Thế, điều dưỡng Linh.
“Việc đi bắt muỗi là quy định về chuyên môn. Anh em làm công việc này khá vất vả do phải thức đêm để làm việc ở những nơi có mức độ lưu hành bệnh nhiều. Người làm “mồi” cho muỗi phải để trần, giơ chân ra cho muỗi đốt nên nguy cơ bị bệnh là rất cao… chỉ có thực tâm yêu cái nghề này mới gắn bó được” – Bác sĩ Tùng nhấn mạnh.
Trong nghiên cứu muỗi truyền bệnh sốt rét, các nhà khoa học về côn trùng đã thực hiện phương pháp điều tra bằng cách bắt muỗi ở chuồng gia súc, bìa rừng vào ban đêm để thu thập dữ liệu. Sau khi bắt muỗi, gây mê, họ sẽ phân tích để biết được: thành phần loài, đặc tính, ái tính (muỗi đốt người hoặc động vật hoặc cả 2), sự thay đổi của véc tơ truyền bệnh sốt rét,… Từ đó, họ sẽ có cách phòng bệnh sốt rét hiệu quả theo từng vùng nhất định.
Vĩnh Thủy
Theo Dantri
Công ty gỗ cháy dữ dội, công nhân lao vào biển lửa cứu tài sản
Khi ngọn lửa đang bùng lên dữ dội và cháy lan rộng, hàng chục công nhân vẫn lao vào vận chuyển tài sản ra bên ngoài...
Ngọn lửa thiêu rụi nhiều thiết bị tại kho sơn của công ty TNHH Minh Thành
Khoảng 14h ngày 27/6, tại kho sơn Công ty TNHH Minh Thành (chuyên sản xuất chế biến các mặt hàng gỗ) đóng tại KCN Thạnh Phú (huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) xảy ra cháy lớn. Do nhà xưởng chứa nhiều nguyên vật liệu dễ cháy nên ngọn lửa nhanh chóng bùng phát, lan rộng. Lúc này hàng trăm công nhân đang làm việc nháo nhào bỏ chạy.
Khi vụ hỏa hoạn xảy ra, lực lượng chữa cháy tại chỗ đã kéo vòi nước tiến hành dập lửa. Lúc này, nhiều đồ gỗ gần khu vực cháy có nguy cơ thành "mồi ngon" của lửa nên rất đông công nhân đã xông vào di dời ra ngoài. Hàng chục tấn hàng hóa đã được kịp thời đưa đến nơi an toàn.
Hàng trăm tấn hàng hóa đã được công nhân di chuyển đến vị trí an toàn
Sau khi nhận tin báo, cảnh sát PCCC tỉnh Đồng Nai đã huy động lực lượng cùng phương tiện chữa cháy đến hiện trường. Khoảng 1 giờ sau ngọn lửa đã cơ bản được khống chế. Hiện cơ quan chức năng đang tiến hành xác định nguyên nhân vụ cháy.
Đây đã là vụ cháy thứ 2 trong gần 3 ngày qua xảy ra tại các doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Trước đó, vào tối ngày 25/6, cũng đã xảy ra một vụ cháy lớn tại công ty TNHH bao bì Việt Long (KCN Nhơn Trạch 3, huyện Nhơn Trạch) thiêu rụi gần hàng ngàn m2 kho xưởng.
Vĩnh Thủy
Theo Dantri
"Đứt" viện trợ, cuộc chiến với HIV/AIDS nguy cơ "vỡ trận" Khoảng 80% kinh phí cho phòng chống HIV/AIDS ở Việt Nam là từ các nguồn viện trợ. Dự kiến năm 2017, viện trợ sẽ bị cắt hoàn toàn, ngân sách chống dịch không đảm bảo khiến căn bệnh thế kỷ đe dọa bùng phát trở lại tại Việt Nam. Hơn 300.000 người Việt Nam đã mắc HIV/AIDS Sau 25 năm kể từ ngày...