Trang bị trên chiến hạm Mỹ tuần tra Biển Đông
Mỹ điều nhiều chiến hạm được trang bị hiện đại tới Biển Đông hồi tháng 4, giữa lúc Trung Quốc bị tố quấy nhiễu tàu khoan Malaysia.
Các chiến hạm được Mỹ cử tới khu vực Biển Đông tháng trước gồm tàu đổ bộ tấn công USS America, tuần dương hạm USS Bunker Hill và khu trục hạm USS Barry. Ngoài ra, hải quân Mỹ còn điều tới khu vực này tàu tác chiến ven biển USS Gabrielle Giffords, USS Montgomery cùng tàu vận tải USNS Cesar Chavez.
Đây được coi là lực lượng hiện đại nhất mà hải quân Mỹ có thể triển khai để duy trì hiện diện trên Biển Đông trong bối cảnh tàu Địa chất Hải dương 8 cùng các tàu hải cảnh, tàu cá Trung Quốc bị tố quấy nhiễu tàu khoan West Capella của Malaysia.
Hạm đội Thái Bình Dương của hải quân Mỹ được biên chế hai tàu sân bay năng lượng hạt nhân lớp Nimitz. Tuy nhiên, tàu USS Ronald Reagan đang neo tại cảng Yokosuka, Nhật Bản, trong khi tàu USS Theodore Roosevelt bị đình chỉ nhiệm vụ và neo tại Guam do Covid-19 bùng phát.
Khi không tàu sân bay nào của Mỹ có thể tuần tra trên Thái Bình Dương trong tháng 4-5, việc triển khai các chiến hạm nhỏ hơn tỏ ra hữu ích để duy trì hiện diện tại khu vực.
Tàu tác chiến ven biển USS Gabrielle Giffords sau đợt nâng cấp từ năm ngoái đã tăng đáng kể khả năng tấn công của mình, khi được trang bị Tên lửa Tấn công Hải quân (NSM) có khả năng tiêu diệt tàu chiến đối phương từ khoảng cách 100 hải lý.
Trực thăng CH-53E Super Stallion cất cánh từ tàu đổ bộ tấn công USS America, ngày 18/4. Ảnh: US Navy.
Tàu đổ bộ tấn công USS America không sở hữu máy phóng hơi nước, cáp hãm đà, máy bay cảnh báo sớm E-2D Hawkeye, không đoàn của chúng cũng có quy mô nhỏ hơn tàu sân bay lớp Nimitz. Tuy nhiên, năng lực tác chiến của tàu đổ bộ tấn công này vẫn rất đáng gờm, đặc biệt khi chúng được tàu ngầm hạt nhân, tuần dương hạm và khu trục hạm hộ tống.
Trong ảnh chụp ngày 18/4, tàu USS America hoạt động trên Biển Đông mang theo đơn vị không quân tiêu chuẩn của thủy quân lục chiến Mỹ gồm 12 trực thăng MV-22B, 6 tiêm kích tàng hình cất hạ cánh thẳng đứng (STOVL) F-35B, 4 trực thăng vận tải hạng nặng CH-53K, 7 trực thăng tấn công hoặc đa năng AH-1Z và UH-1Y, cùng hai trực thăng MH-60S phục vụ cứu hộ cứu nạn.
Từ tháng 10/2019, thủy quân lục chiến Mỹ bắt đầu thử nghiệm ý tưởng “tàu sân bay hạng nhẹ”, giúp tàu đổ bộ như USS America có thể vận hành tối đa 20-24 chiếc F-35B cùng hai chiếc MH-60 nếu không mang theo phi đội trực thăng gồm V-22, CH-53 và AH-1Z.
Video đang HOT
6 chiếc F-35B trên tàu USS America có thể chuyển đổi giữa hai chế độ chiến đấu là “tàng hình” và “quái thú”. F-35B về cơ bản là một cụm cảm biến có khả năng kết nối với mạng dữ liệu, chế độ tàng hình được sử dụng trong các nhiệm vụ chỉ huy, điều khiển, truyền thông qua máy tính, tác chiến điện tử, tình báo, giám sát và trinh sát (C5SIR). Khi hoạt động với chế độ tàng hình, F-35B mang theo 4 tên lửa không đối không tầm trung AIM-120 AMRAAM trong khoang vũ khí.
13 tiêm kích F-35B của phi đoàn tiêm kích tấn công số 22 của thủy quân lục chiến Mỹ trên boong tàu USS America tại phía đông Thái Bình Dương, tháng 10/2019. Ảnh: US Navy.
Khi cần tăng thêm hỏa lực, số F-35B sẽ chuyển sang chế độ “quái thú” và được lắp thêm các giá treo dưới cánh để mang thêm vũ khí. Với cấu hình “quái thú” đầy đủ, một chiếc F-35B có thể mang theo 8 tên lửa AIM-120 cùng hai tên lửa AIM-9 trên giá treo và trong khoang vũ khí.
Nếu toàn bộ 6 chiếc F-35B trên USS America được chuyển sang chế độ “quái thú”, chúng sẽ mang theo tổng cộng 60 tên lửa, gấp hơn hai lần khi hoạt động ở chế độ tàng hình. Phiên bản mới nhất AIM-120D có tầm bắn hơn 160 km và AIM-9X có tầm bắn 35 km.
Về chiến thuật, không đoàn trên USS America có thể kết hợp giữa chế độ tàng hình và quái thú khi triển khai số tiêm kích F-35B mang theo nếu cần phô diễn sức mạnh. Những chiếc F-35B mang đầy đủ vũ khí có thể tăng cường năng lực tác chiến cho mỗi đơn vị không quân của thủy quân lục chiến trong trường hợp tàu sân bay không có mặt, ví dụ như bị đình chỉ hoạt động vì nCoV xâm nhập.
Trung Quốc gần đây thực hiện một loạt hoạt động gây hấn ở Biển Đông trong bối cảnh các nước tập trung đối phó với Covid-19. Ngoài điều tàu khảo sát Địa chất Hải Dương 8 bám theo tàu khoan của Malaysia, đơn phương tuyên bố thành lập các đơn vị hành chính ở Biển Đông, đặt tên cho các thực thể và cấm đánh bắt cá. Tàu Trung Quốc cũng đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam.
Việt Nam và các nước kiên quyết phản đối các hành động phi pháp này của Trung Quốc. Mỹ cáo buộc Trung Quốc lợi dụng các nước đang mất tập trung vì Covid-19 “để mở rộng yêu sách bất hợp pháp ở Biển Đông”, kêu gọi Trung Quốc ngừng “hành vi bắt nạt”.
Nhóm tàu Trung Quốc hôm 15/5 rời khỏi khu vực khảo sát, hướng về Trung Quốc, ba ngày sau khi tàu khoan West Capella hoàn thành kế hoạch thăm dò và rời vùng biển này.
Mỹ cảm ơn Việt Nam cho tàu sân bay ghé thăm
Đô đốc John Aquilino biết ơn vì lòng hiếu khách của Việt Nam khi tiếp đón tàu sân bay Theodore Roosevelt, hy vọng hoạt động sẽ tiếp diễn.
"Tàu chiến Mỹ đã thăm cảng Việt Nam từ năm 2003 và USS Theodore Roosevelt là tàu sân bay thứ hai của Mỹ tới Việt Nam", Đô đốc John Aquilino, tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của hải quân Mỹ, nói trong cuộc họp báo qua điện thoại với phóng viên các nước ngày 6/3. "Chúng tôi muốn tiếp tục ủng hộ, xây dựng, phát triển và tăng cường quan hệ song phương cũng như một khía cạnh quan trọng của nó là các chuyến cập cảng".
Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ Aquilino trong họp báo tại Đà Nẵng ngày 5/3. Ảnh: Nguyễn Đông.
"Tôi muốn cảm ơn các đối tác Việt Nam vì đã tiếp đón tàu chúng tôi cập cảng. Tôi muốn cảm ơn họ vì lòng hiếu khách tuyệt vời, vì đã chia sẻ phong tục văn hóa với các thủy thủ của tôi, và chúng tôi mong đợi có thêm những sự kiện tương tự trong tương lai", Đô đốc Aquilino nói thêm.
Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt của hải quân Mỹ đến Đà Nẵng, bắt đầu chuyến thăm hữu nghị Việt Nam từ 5/3 đến 9/3. Tàu neo tại phao số 0, trong khi tàu tuần dương USS Bunker Hill cập cảng Tiên Sa. Chỉ huy và thuỷ thủ đoàn sẽ tham dự các hoạt động trao đổi chuyên môn kỹ thuật, giao lưu thể thao, cộng đồng tại Đà Nẵng. 5.000 thủy thủ sẽ luân phiên lên bờ tham quan.
Theo Đô đốc Aquilino, chuyến thăm lần này của tàu sân bay USS Theodore Roosevelt là một dấu mốc lớn nữa trong quan hệ song phương, thể hiện sự hợp tác và ủng hộ mạnh mẽ, liên tục của Mỹ với Việt Nam. "Mỹ ủng hộ Việt Nam trong nỗ lực bảo vệ độc lập, chủ quyền, thực thi các tuyên bố chủ quyền hợp pháp, tuân thủ luật pháp quốc tế", ông nói. "Các cam kết của hai bên, trong đó có chuyến cập cảng lần này, giúp duy trì mối quan hệ bền vững, ổn định, có thể dự đoán và dựa trên lợi ích, giá trị cùng sự tin tưởng lẫn nhau".
Aquilino cho hay Mỹ sẽ chuyển giao tàu tuần duyên lớp Hamilton thứ hai cho Việt Nam trong năm nay, nhằm giúp Việt Nam xây dựng năng lực về an ninh biển. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper tuyên bố việc chuyển giao này trong chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 11/2019.
Năm 2017, Tuần duyên Mỹ (USCG) đã bàn giao tàu tuần duyên tải trọng cao USCGC Morgenthau thuộc lớp Hamilton cho Cảnh sát biển Việt Nam, thông qua Chương trình bán trang bị quốc phòng dư thừa (EDA) của Mỹ. Tàu Morgenthau sau đó được biên chế vào Cảnh sát biển Việt Nam và đổi tên thành CSB 8020.
Trả lời câu hỏi của VnExpress về tương lai hợp tác hàng hải giữa Mỹ và Việt Nam, Đô đốc Aquilino cho hay ngoài chuyển giao trang bị, Mỹ còn hợp tác với Việt Nam trong nhiều lĩnh vực, gồm nhận thức về hàng hải, hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm hoạ, tìm kiếm cứu nạn... Tháng 7/2020, hai nước sẽ tiếp tục thực hiện chương trình Đối tác Thái Bình Dương, trong đó chia sẻ kinh nghiệm y tế, cứu trợ thảm hoạ.
Mỹ cũng dự kiến cung cấp cho Việt Nam các trang thiết bị quan trọng để xây dựng năng lực hành pháp trên biển như xuồng tuần tra Metal Shark và các mặt hàng khác theo yêu cầu của Việt Nam.
Theo Aquilino, chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở là cách tiếp cận cơ bản để đảm bảo tất cả các nước trong khu vực có thể thực hiện quyền của mình.
Đề cập kế hoạch tuần tra tự do hàng hải của hải quân Mỹ ở Biển Đông trong năm 2020, ông từ chối tiết lộ các chiến dịch cụ thể, nhưng cho biết Washington sẽ điều tàu, máy bay đến bất cứ nơi nào luật quốc tế cho phép, vào bất cứ thời gian nào.
Cùng tham gia cuộc họp qua điện thoại, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink cho biết Mỹ hợp tác chặt chẽ với Việt Nam và các nước trong ASEAN để cùng thúc đẩy lợi ích chung trong khu vực.
"Chúng ta cùng muốn thấy một khu vực dựa trên luật lệ, nơi tự do hàng hải, tự do hàng không được tôn trọng, thương mại không bị cản trở và tranh chấp được giải quyết hoà bình", Kritenbrink nói.
Nói đến việc Tổng thống Mỹ Donald Trump hoãn tổ chức Thượng đỉnh Mỹ - ASEAN khi Covid-19 diễn biến phức tạp, Đại sứ Kritenbrink cho rằng "đó là quyết định khó khăn", nhưng Washington đã nói rõ với các lãnh đạo ASEAN rằng Mỹ vẫn duy trì cam kết ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN và cùng các nước thành viên thúc đẩy lợi ích chung ở khu vực.
Tàu sân bay Mỹ USS Theodore Roosevelt đến Đà Nẵng hôm 5/3. Ảnh: Nguyễn Đông.
Khi Covid-19 đang bùng phát trên thế giới, Tư lệnh cho hay Mỹ thực hiện tất cả các biện pháp để đảm bảo các thuỷ thủ Mỹ và gia đình của họ khoẻ mạnh, đảm bảo hải quân Mỹ không lan truyền dịch về Mỹ hay tới bất cứ đối tác nào trong khu vực và bảo đảm duy trì sự sẵn sàng chiến đấu.
"Các hoạt động theo kế hoạch sẽ được xem xét theo từng trường hợp để đảm bảo các mục tiêu nói trên", Aquilino nói.
Khí tài của nhóm tàu sân bay đến Đà Nẵng Tuần dương hạm hộ tống tàu sân bay Mỹ thăm Việt Nam Lễ đón tàu sân bay ở cảng Tiên Sa 40
Việt Anh
Theo vnexpress.net
Đại dịch COVID-19 ngày 17/5: Thủy thủ USS Theodore Roosevelt tiếp tục mắc bệnh 8 thủy thủ trở lại tàu sân bay USS Theodore Roosevelt đã được xác nhận mắc COVID-19. Ngày 17/5, hơn 4,5 triệu người mắc COVID-19 trên toàn cầu, trong đó 310.000 người chết. Nhiều thủy thủ USS Theodore Roosevelt nhiễm virus 8 thủy thủ trở lại tàu sân bay USS Theodore Roosevelt đã được xác nhận mắc COVID-19. Các thủy thủ ban đầu...