Trang bị, mặc áo phao khi đi đò: Quy định chỉ nằm trên giấy
Từ ngày 15.7, thông tư 15/2012/TT-BGTVT của Bộ GTVT quy định về trang bị và sử dụng áo phao cứu sinh, dụng cụ nổi cứu sinh cá nhân có hiệu lực. Tuy nhiên, các bến đò ở ngoại thành thủ đô vẫn phớt lờ quy định này.
Đò “mình trần” qua sông – thực trạng phổ biến ở các bến đò tại Hà Nội.
Những chuyến đò “mình trần” sang sông
Theo quy định tại thông tư 15, kể từ ngày 15.7, mọi hành khách, người lái phương tiện vận tải hành khách ngang sông phải mặc áo phao trong suốt hành trình của phương tiện từ lúc rời bến đến khi cập bến an toàn. Chủ phương tiện vận tải hành khách ngang sông phải có trách nhiệm trang bị áo phao và bảo đảm đủ về số lượng và chất lượng.
Người lái có trách nhiệm từ chối chở những hành khách không mặc áo phao theo hướng dẫn; đồng thời chịu trách nhiệm liên quan đến sự cố hoặc tai nạn xảy ra trong quá trình vận tải hành khách ngang sông khi hành khách không mặc áo phao.
Video đang HOT
Đối với hành khách, tuyệt đối tuân thủ sự hướng dẫn của thuyền viên, người lái phương tiện trong việc thực hiện quy định về mặc áo phao hoặc cầm (đeo) dụng cụ nổi cá nhân theo đúng quy cách trên phương tiện vận tải hành khách ngang sông trong suốt hành trình của phương tiện.
Quy định là thế, nhưng sáng 20.7, tại bến đò Trần Phú (phường Trần Phú, quận Hoàng Mai, HN), các hành khách đi đò đều không chấp hành việc mặc áo phao và chủ đò vẫn mặc nhiên chèo lái. Khi hỏi khách đi đò, nhiều người không hề hay biết là có quy định như vậy.
Thậm chí, hành khách Nguyễn Văn Hải (Hưng Yên) còn gạt đi: “Ôi dào, đoạn sông bé tí tẹo, vấn đề gì đâu. Mặc vào thêm bức. Với lại từ trước đến nay, có ai nhắc nhở mặc áo gì đâu”.
Tại bến đò Xâm Xuyên (Thường Tín, HN) nối với xã Tứ Dân (Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên), việc mặc áo phao chỉ mang tính đối phó nhiều hơn là ý thức để đảm bảo an toàn. Khi thấy bóng lực lượng chức năng, chủ đò mới nhắc khách phải giữ áo phao. Còn một chủ đò tên là Vĩnh – ở bến Trần Phú – cũng không hề biết quy định mới được ban hành. “Nay đi, mai nghỉ nên tôi cũng không hay. Mà luật thì luật, chứ về quê này thì ai cần biết đâu” – chủ đò Vĩnh cho hay.
Tình trạng cả chủ đò và khách không thực hiện mặc áo phao khi qua đò diễn ra phổ biến tại nhiều bến đò ngang khác: Bến Vân Phúc (Phúc Thọ, HN), bến Chu Minh (Ba Vì),… Theo lý giải của khách đò tại một số bến, vì áo phao quá cũ kỹ, bụi mốc…, nên họ từ chối không mặc.
Anh Nguyễn Công Lập – chủ đò bến Xâm Xuyên – thở dài: “Chúng tôi cũng biết sơ sơ có quy định phải mặc áo phao. Nhưng có nhắc cũng chẳng có ai chịu mặc đâu. Toàn bà con cả, nên cũng khó ép. Với lại cũng không mấy khi có công an kiểm tra nên đành để vậy”.
Vi phạm vẫn tràn lan
Mùa mưa bão đã cận kề, song cả chủ phương tiện và người đi đò đều chưa ý thức hết được mức độ nguy hiểm của việc không chấp hành quy định của Luật Giao thông đường thủy, khiến cho tình trạng vi phạm càng trở nên “ nóng” và tràn lan, đe dọa trực tiếp đến tính mạng của cả chủ lẫn khách.
Điển hình là bến đò Ngọc Thụy (quận Long Biên) đã ngang nhiên chở khách qua sông Đuống, dưới đường điện cao thế nhiều năm nay. Theo Phòng Cảnh sát giao thông đường thủy, từ tháng 10.2004, Sở GTVT ngừng giấy phép hoạt động bến này nhằm bảo đảm an toàn cho người tham gia giao thông, song một số chủ phương tiện làm ngơ vẫn chở khách.
Tại một số điểm sông thuộc huyện Đan Phượng, hằng ngày, người dân địa phương dùng những phương tiện thô sơ, thiếu an toàn như thuyền, mủng để đi.
Chị Nguyễn Thị Lan – một khách đi đò thường xuyên qua bến – nói với chúng tôi: “Nhiều khi đò đầy rất sợ, nhưng vì việc gấp, nên đành “nhắm mắt” qua sông thôi”.
Theo thống kê chưa đầy đủ của Cục Đăng kiểm VN, trên lưu vực 4 con sông chảy qua địa bàn Hà Nội hiện có khoảng hơn 40 bến đò ngang, 2 bến đò dọc vận chuyển hành khách, trong đó có đến hơn 20 bến hoạt động không phép với khoảng hơn 300 tàu thuyền đang hoạt động (?!).
Quy định trang bị và sử dụng áo phao cứu sinh… đã có hiệu lực, song nhiều người dân chưa hay biết, chủ đò thì thờ ơ, các cơ quan chức năng gần như buông lỏng. Nhiều vụ tai nạn thương tâm đã xảy ra…, nhưng kể cả khi có quy định buộc phải trang bị và sử dụng áo phao cứu sinh… thì quy định trên vẫn chỉ nằm trên giấy. Những bến đò không phép, những phương tiện không được kiểm định và thiếu phao cứu sinh… vẫn ngang nhiên tồn tại và hoạt động làm cho bài toán về an toàn giao thông đường thuỷ ngày càng thêm khó giải.
Theo Lao Động
TP.HCM: Đề nghị phạt nặng vi phạm giao thông ở ngoại thành
TPHCM cho rằng việc tiếp tục mở rộng áp dụng mức xử phạt cao đối với vi phạm giao thông trên toàn địa bàn, không phân biệt nội thành và ngoại thành là điều cần thiết.
Ngày 26/6, UBND TP.HCM đã trình văn bản kiến nghị Quốc hội và Chính phủ xem xét chấp thuận cho TP.HCM trong thời gian tới mở rộng việc áp dụng mức xử phạt cao trên toàn địa bàn TP, không phân biệt nội thành và ngoại thành với thời gian thí điểm kéo dài nhằm thực hiện hiệu quả mục tiêu kéo giảm tai nạn giao thông.
Trước đó, thành phố đã ban hành quy định phạm vi áp dụng thí điểm xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ đối với một số vi phạm trong khu vực nội thành theo Nghị định số 34/2010/NĐ-CP của Chính phủ. Thời gian xử phạt từ 20/5/2010 đến hết ngày 20/5/2013.
TP.HCM muốn xử chung một mức phạt vi phạm giao thông trên địa bàn, không phân biệt nội hay ngoại thành.
Theo đó, phạm vi áp dụng thí điểm bao gồm tuyến đường vành đai và toàn bộ các đường bên trong tuyến vành đai, ngoại trừ một số đường (hoặc đoạn đường) thuộc địa bàn huyện hoặc ngoài địa bàn TP
Cụ thể, các tuyến đường vành đai được xác định là: quốc lộ 1A (bắt đầu từ nút giao thông Thủ Đức) - đại lộ Nguyễn Văn Linh - đường dẫn vào cầu Phú Mỹ - cầu Phú Mỹ - đường vành đai phía Đông TP - đường Nguyễn Thị Định - xa lộ Hà Nội - nút giao thông Thủ Đức.
Tuy nhiên, một số tuyến đường hoặc đoạn đường nằm trong khu vực nói trên, nhưng thuộc địa bàn huyện thì không thuộc phạm vi áp dụng thực hiện xử phạt vi phạm hành chính đối với một số vi phạm trong khu vực nội, ngoại thành - theo tinh thần Nghị định 34.
Nhiều đoạn đường trên đại lộ Nguyễn Văn Linh thuộc địa bàn huyện Bình Chánh giáp ranh với địa bàn quận 8 và một số đoạn trên quốc lộ 1A thuộc địa bàn tỉnh Bình Dương giáp ranh với quận Thủ Đức cũng không bị xử lý với mức phạt nội thành.
Thành phố nhận thấy sau thời gian áp dụng thí điểm mức xử phạt cao trong khu vực nội đô, nhận thức của người dân trong việc chấp hành pháp luật về giao thông đã được nâng cao. Các hành vi lấn chiếm trái phép lòng đường, vỉa hè đã giảm đáng kể, góp phần giảm thiểu nguy cơ gây tai nạn và ùn tắc giao thông, bảo đảm trật tự an toàn giao thông và mỹ quan đô thị.
Chính vì vậy, thành phố cho rằng việc tiếp tục mở rộng áp dụng mức xử phạt cao trên toàn địa bàn, không phân biệt nội thành và ngoại thành là điều cần thiết.
Theo VietNamNet
Xâm nhập "cà phê sung sướng" ngoại thành Hà Nội Hiện nay, vùng ven quanh thành phố Hà Nội, tệ nạn mại dâm núp dưới hình thức quán cà phê đang ngày càng nhiều, để biết rõ về những mánh khoé làm ăn phi pháp này, chúng tôi đã thâm nhập vào những ổ tệ nạn này... Khung cảnh tối tăm, cộng với những bức tranh khêu gợi trên tường khiến nhiều khách...