Trần Văn Khoa: Cộng đồng cùng hưởng lợi từ du lịch xanh
Khi còn ngồi trên giảng đường đại học, Trần Văn Khoa, sinh năm 1978 tại làng chài Phước Hải (Cửa Đại, TP.Hội An) đã ấp ủ ý tưởng phát triểndu lịch xanh và anh nghĩ “tại sao không để người dân làng chài cùng làm du lịch rồi hưởng lợi từ chính trên mảnh đất quê hương mình”.
Khởi nghiệp cùng nông dân
Tốt nghiệp Trường ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng ngành cử nhân biên phiên dịch tiếng Anh, Trần Văn Khoa về làm việc ở bộ phận chăm sóc khách hàng thuộc khách sạn Victoria – Hội An. Khoa cho rằng, đây là may mắn trong đời, bởi làm việc ở đây hai năm đã nắm bắt, học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm trong ngành khách sạn và du lịch.
Ở Hội An, ngay sát Cửa Đại có rừng dừa sinh thái 7 mẫu (thuộc thôn 2 và thôn 7 xã Cẩm Thanh) là một nơi rất đẹp bởi vì ở đây vô cùng yên tĩnh, có thể gọi là thiên đường cho du lịch sinh thái. Những ngày tháng tuổi thơ in đậm trong ký ức, cùng với dòng chảy thời gian, đất nước mở cửa, du khách tìm về với mong muốn được hòa mình, trải nghiệm cùng cuộc sống nhẹ nhàng của nông dân đã tạo cơ hội cho Khoa thể hiện bản lĩnh của người dân vùng sông – nước.
“Thật ra ý tưởng làm tour du lịch xanh Hội An Eco-Tour này từ khi Khoa còn đi học đại học năm 1999-2003″, Trần Văn Khoa hồi tưởng. Liên tiếp những tour “độc” do Khoa thiết kế đã làm cho du khách bốn phương đến Hội An cảm thấy hào hứng. Lần lượt các tour “Một ngày làm ngư dân ở Cửa Đại”, “Đi cày ruộng cùng nông dân”, hay “Trồng rau với nông dân ở làng rau Trà Quế”, rồi “Ngắm bình minh trên biển Cửa Đại và thăm rừng dừa 7 mẫu”… đã thực sự gây ấn tượng mạnh trong lòng du khách.
Theo Khoa: “Cái thú vị ở đây là ở chỗ mình đã thực sự giúp du khách hòa mình vào thiên nhiên, trải nghiệm thực sự với cuộc sống của bà con làng chài ở Cửa Đại và làng quê sinh thái ở Cẩm Thanh. Họ được tham gia vào công việc hằng ngày như đánh bắt cá, bơi thuyền thúng, nghe kể chuyện về bộ đội du kích trong rừng dừa nước hoặc tham gia công việc đồng áng của bà con nông dân như cày bừa, gieo sạ, tát nước, cấy lúa, thu hoạch, học nấu cơm, làm bánh xèo từ hạt gạo mà bà con nông dân trồng ra…”. Du khách sau khi đắm mình vào không gian tuyệt đẹp, xanh ngút của rừng dừa, còn gặp gỡ giao lưu với bà con ở địa phương, xem và thử tay nghề làm thủ công mỹ nghệ từ lá dừa nước và tre, cách làm tranh dừa để lợp nhà…
Giữ màu xanh để tạo sự bền vững
Khi bắt đầu khởi nghiệp, Trần Văn Khoa chỉ có 2 cái thuyền thúng chài được thuê từ người hàng xóm bên nhà. Dần dà, tích lũy, đến nay Khoa đang có 4 chiếc thuyền, trung bình 1 chiếc chở được từ 14 đến 50 khách. Riêng thúng chài Khoa có 50 cái, mới hơn, đẹp hơn và an toàn hơn. Từ một mình ôm đồm mọi việc, giờ số lượng nhân viên chính thức lên con số 25. Hoạt động ổn định, doanh thu hằng năm lên đến vài tỉ đồng. Con số này không lớn, song với một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch ở miền Trung, đây cũng là “thứ hiếm”.
Video đang HOT
Phát triển bền vững trong du lịch sinh thái đơn giản là không được bất chấp lợi ích để khai thác quá mức hay tàn phá môi trường, hoặc làm ảnh hưởng đến quyền lợi của cộng đồng dân cư xung quanh đó
Ra riêng với Hội An Eco-Tour, ban đầu cũng không tránh khỏi những khó khăn nhất định, song với cách nghĩ, cách làm táo bạo, thuộc diện “không đụng hàng” trong lĩnh vực dịch vụ du lịch lúc bấy giờ đã giúp thương hiệu “Hội An Eco-Tour” dần lan rộng. Với người dân ở làng, Trần Văn Khoa đã thực sự biết “dựa vào lòng dân” để phát triển. “Hội An Eco-Tour mang lại cho cộng đồng bà con ngư dân ở Cửa Đại, nông dân ở Cẩm Thanh, ở làng rau Trà Quế là khá lớn và bền vững về thu nhập. Hiện tại có hàng trăm hộ gia đình, hơn 1.000 nhân khẩu hưởng lợi trực tiếp và gián tiếp từ du lịch sinh thái” – Trần Văn Khoa cho biết. Tất cả những hộ dân này đều liên quan đến các tour du lịch hằng ngày của Hội An Eco-Tour như dẫn khách tham gia trồng rau ở Trà Quế; đánh rớ, kéo chài ở Cửa Đại; học bơi thuyền thúng chài với ngư dân; hoặc hỗ trợ du khách thử làm nông dân trồng lúa nước ở Cẩm Thanh…
“Trong điều kiện biến đổi khí hậu và kinh tế thị trường tác động không nhỏ đến đời sống của nông dân (mùa màng thất bát), ngư dân (giá xăng dầu tăng, thiên tai) dễ dẫn đến cảnh bán ruộng, bán thuyền. Bằng cách để người dân cùng tham gia vào công ty, cùng hưởng lợi từ dịch vụ du lịch cũng là cách để giúp người dân nông thôn ổn định kinh tế, trang trải đời sống gia đình” – Trần Văn Khoa nhẹ nhàng nói về sự hợp tác đôi bên cùng có lợi.
Đặc biệt, theo Khoa cái được lớn nhất không phải vì tiền mà ý thức của người dân về môi trường đã được nâng lên. Bà con đã biết và tích cực dọn dẹp môi trường xung quanh nhà họ, trên sông, trên biển tốt hơn. Họ đối xử thân thiện hơn với môi trường nơi chính mình đang sinh sống. Nói rồi Trần Văn Khoa tâm sự: “Thật ra, thuyết phục du khách đi lượm rác, làm sạch môi trường trên sông, biển dễ hơn gấp nhiều lần với bà con địa phương. Bởi đơn giản du khách họ ở các nước ý thức rất rõ về trách nhiệm với môi trường và họ xem đó là trách nhiệm phải làm khi mình đề xuất. Họ vô cùng thích thú và tự hào khi làm việc này với Hội An Eco-Tour ở trong rừng dừa. Họ tỉ mỉ thu nhặt từng cái chai, cái lọ, túi ni lông bỏ vào bao rồi gửi lên thuyền của công ty đem về chuyển đến xe thu gom rác”.
“Còn với bà con địa phương của mình, khi nhìn thấy dân Tây vớt rác, nhặt ve chai thì cũng phải tự hỏi là tại sao họ làm sạch cho quê hương mình, còn mình sống sờ sờ đây lại không tham gia những công việc đơn giản như thế. Có làm sạch môi trường thì du khách mới đến chơi, tham quan, nghỉ dưỡng rồi người dân mới có thu nhập từ dịch vụ…” – Trần Văn Khoa giải thích ý nghĩ và tâm lý người dân, cũng như cách vận động của mình để người nông dân tham gia bảo vệ môi trường.
Từ góc nhìn và thành công bước đầu của mình, Trần Văn Khoa bộc bạch: “Phát triển du lịch sinh thái mà không gắn kết với bảo vệ môi trường thì dễ dẫn đến phát triển du lịch không bền vững. Phát triển bền vững trong du lịch sinh thái đơn giản là không được bất chấp lợi ích để khai thác quá mức hay tàn phá môi trường, hoặc làm ảnh hưởng đến quyền lợi của cộng đồng dân cư xung quanh đó. Phải gìn giữ cảnh quan thật đẹp và phải thật sự để người dân tại địa phương đó có thu nhập từ du lịch thì mới có sự phát triển bền vững”.
Chuyên mục “ Sáng tạo vì Khát vọng Việt” giới thiệu chân dung những người bạn của Trung Nguyên, bất kể tuổi tác, thành phần, trong hay ngoài nước… Họ là những con người đang ngày đêm miệt mài sáng tạo trong các lĩnh vực chuyên môn, đóng góp trí não, tâm sức, truyền đi ngọn lửa khát vọng, tạo cảm hứng cho thanh niên Việt Nam, khơi dậy khát khao đua tranh với thế giới, dấn thân và sáng tạo vì một nước Việt hùng mạnh.
Theo TNO
Lâm Tấn Lợi: Phá chỗ dựa lưng để buộc mình làm việc
Còn nhớ, nhiều năm trước, cú đột phá để bảo vệ thương hiệu của ông chủ Võng xếp Duy Lợi bằng 2 vụ thắng kiện ngoạn mục ở Mỹ và Nhật đã tạo ra một tiếng vang. Lúc đó, được hỏi, ông nói: "Họ kiện mình nhiều cái vô lý như việc độc quyền cá ba sa thì cớ gì mình không dám bảo vệ sở hữu sản phẩm của mình trên đất của họ".
1. Nhắc lại câu chuyện này trong một dịp mới đây, ông Lợi nói rằng đó là những ngày khó khăn của ông. Nhà ở phải đi thuê, xưởng sản xuất cũng phải đi thuê, nhưng tinh thần của ông không hề nao núng khi quyết định đi kiện những người làm nhái sản phẩm của mình để bán ở nước ngoài.
Cầm xấp hồ sơ trong tay, ông gõ cửa Công ty luật Phạm và Liên Danh. Các luật sư như hiểu thấu tâm trạng của ông và vững tin vào phần thắng khi nghe ông trình bày. Vì vậy, họ đã dồn hết tâm lực cho hai vụ kiện này và chỉ cách nhau 1 năm trên đất Nhật và Mỹ, Võng xếp Duy Lợi liên tiếp thắng kiện.
"Là người thường xuyên nung nấu các ý tưởng sáng tạo để sản xuất các loại hàng gia dụng tiện ích cho người tiêu dùng, tôi rất ghét các cơ sở chuyên đi ăn cắp, làm nhái sản phẩm của người khác, không chỉ ở trong nước mà kể cả nước ngoài. Vì vậy đến nay, khi sáng tạo ra gần 20 sản phẩm tôi đều đi đăng ký độc quyền kiểu dáng", ông Lợi nói.
Ông Lâm Tấn Lợi - Ảnh: Diệp Đức Minh
Đến xưởng của Lâm Tấn Lợi, hồi ấy người ta thường thấy hình ảnh của một ông kỹ sư ăn mặc khá xuềnh xoàng, ngồi ở góc văn phòng với một mớ bản vẽ, các loại bút thước và một chiếc ghế không chỗ dựa lưng. Không ai dám chắc đó là ông chủ Lâm Tấn Lợi, còn ông thì cười, nói giật cục: "Phá cái chỗ dựa lưng ghế để buộc mình phải làm việc, suy nghĩ tạo ra các mẫu sản phẩm mới. Với lại, đêm khuya khỏi phải dựa lưng ngủ quên".
Phá cái chỗ dựa lưng ghế để buộc mình phải làm việc, suy nghĩ tạo ra các mẫu sản phẩm mới. Với lại, đêm khuya khỏi phải dựa lưng ngủ quên
Bây giờ thì ông đã có xưởng đàng hoàng, khang trang nhưng cũng phải thuê đất ở khu công nghiệp Tân Tạo. Còn nhớ lúc thuê được khu đất ưng ý để chuyển xưởng từ đường Phạm Thế Hiển (quận 8) về chỗ mới, Lâm Tấn Lợi như reo lên qua máy điện thoại: "Mình thuê đất được rồi, 50 năm. Đã có chỗ rộng rãi, thoáng mát hơn cho công nhân làm việc. Tin rằng công suất sẽ tăng lên".
Ông Lợi rất kiệm lời, và thường khi cần nói, ông nói với tinh thần rất... phản biện. Ví như có buổi sáng sớm mới 6 giờ, ông điện thoại la lên: "Nè ông, sáng nay có tờ báo giật tin trang nhất viết là Bắt giữ một tên cướp bao vây nhà dân. Rồi ông cười, hỏi: một tên mà làm sao bao vây được ta (!)". Lại mới đây, đọc báo thấy có cụm từ khá hài: Tình yêu thất lạc, ông điện thoại thắc mắc rằng "tình yêu thì làm sao mà thất lạc, có phải đồ vật đâu".
2. Tôi biết ông đã hơn 10 năm, sau lần viết một bài từ thiện đăng trên báo Thanh Niên về trường hợp một gia đình khá đặc biệt ở Tánh Linh (Bình Thuận). Gia đình này có 5 người con, nhưng cứ lớn lên đến tuổi thanh niên là lần lượt bị bại liệt rồi mất, mà không rõ nguyên do, không bệnh viện nào xác định được đó là bệnh gì. Gia cảnh nghèo khổ, khốn khó của người mẹ góa phải chống chọi với thực tế khi từng người con lần lượt ra đi đã lay động tấm lòng của ông chủ Duy Lợi. Sau đó, nhiều chuyến cùng đi Tánh Linh với ông để cứu giúp người nghèo, nhưng không lần nào ông nói điều gì với tư cách của nhà tài trợ. Khi đề nghị ông nói đôi lời, ông cười: "Mình làm thì được, nói chơi chơi thì được nhưng phát biểu thì chịu. Thôi khỏi đi".
Trên website của DNTN Duy Lợi, tôi tìm thấy một văn bản do Lâm Tấn Lợi ký gửi các công nhân của mình. Đó là văn bản kêu gọi mỗi người trích một ngày lương để hỗ trợ cho nạn nhân sóng thần Nhật Bản hồi tháng 3.2011.
"Mình làm từ thiện từ tiền túi thì mình quyết định, còn đây là trích lương của anh em công nhân, làm vậy để anh em thấy nghĩa cử của họ là rất đáng trân trọng", ông chia sẻ.
Không chỉ vậy, mỗi khi nghe tin đồng bào mình ở nơi đâu gặp phải cảnh hoạn nạn khốn cùng, ông Lợi cũng là người tiên phong làm việc thiện. Và hình ảnh của ông có lẽ khi xuất hiện trên các báo, đài cũng chủ yếu là hình ảnh của một tấm lòng, một tình nghĩa sâu nặng với người cùng khổ.
Một người quen Lâm Tấn Lợi kể câu chuyện: Trong một dịp tình cờ cùng đi ăn sáng, ăn xong ông Lợi đi tìm mua báo. Chủ sạp báo kêu giá tờ báo 5.000 đồng. Vốn là người thường xuyên mua báo hằng ngày, ông biết là giá báo sau khi đã có lời, mỗi tờ chỉ 3.000 đồng. Vậy là ông không chịu mua và cho rằng bán như vậy là không đúng, chủ sạp báo rất bực bội, xì xào. Nhưng vừa quay lại, thấy một bà cụ ăn xin chìa bàn tay trước mặt, ông liền rút 50.000 đồng ra cho, ngay trước mặt chủ sạp báo, rồi bỏ đi.
Chuyên mục Sáng tạo vì Khát vọng Việt giới thiệu chân dung những người bạn của Trung Nguyên, bất kể tuổi tác, thành phần, trong hay ngoài nước... Họ là những con người đang ngày đêm miệt mài sáng tạo trong các lĩnh vực chuyên môn, đóng góp trí não, tâm sức, truyền đi ngọn lửa khát vọng, tạo cảm hứng cho thanh niên Việt Nam, khơi dậy khát khao đua tranh với thế giới, dấn thân và sáng tạo vì một nước Việt hùng mạnh.
Theo TNO
Cứu được tàu cá cùng 4 ngư dân bị trôi dạt Ngày 6.11, Trực ban tác chiến Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng(BCH BĐBP) TP.Đà Nẵng cho biết tàu BP 081202 đã cứu được tàu cá ĐNa 90375 TS bị hỏng máy, trôi dạt cùng 4 ngư dân gần vùng biển Cù Lao Chàm. Trước đó, vào lúc 7 giờ 57 phút ngày 5.11, Đài Thông tin duyên hải (TTDH) TP.Đà Nẵng tiếp...