Trần Thị Chính cô thủ khoa làm nên điều kỳ diệu
Sáu tháng liên tục, Chính phải ngồi xe lăn và nhờ chiếc nạng bước đến trường nhưng điều kỳ diệu đã đến khi Chính đỗ thủ khoa đầu vào trường Đại học An Giang.
Cứ mỗi mùa tuyển sinh, trường Đại học An Giang lại vui mừng chào đón thêm lực lượng tân sinh viên tràn đầy sức trẻ, năng động và cầu tiến.
Trong số hơn 3000 sinh viên vừa trúng tuyển, hình ảnh Thủ khoa đầu vào của trường – em Trần Thị Chính (lớp DH16GT, ngành Giáo dục Tiểu học, khoa Sư phạm) đã tạo được ấn tượng mạnh mẽ bởi em đã lập nên “kỳ tích” từ trong gian khó và chiến thắng nghịch cảnh bằng ý chí “sắt thép” cộng hưởng tinh thần hiếu học.
Gia đình thuộc diện cận nghèo, bố của Chính qua đời trong một lần sạc bình bị điện giật. Năm đó, Chính vừa tròn 3 tuổi, còn em gái của Chính thì chưa giáp thôi nôi.
Suốt hơn 15 năm qua, mẹ em phải vất vả làm thuê làm mướn gồng gánh cả gia đình tại ấp Bình Khánh, xã Bình Phú, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang.
Bất kể mưa nắng, cả ngày mẹ phải lặn lội ngoài đồng làm cỏ, cấy lúa thuê hay ai kêu gì thì làm nấy để có tiền lo cho các con và bà ngoại, bà Chín (bạn thân của bà ngoại). Vì đã có tuổi nên hai bà thường đau yếu, chỉ có thể chăn nuôi gà vịt.
Mấy năm gần đây, cuộc sống ngày càng chật vật túng thiếu, mẹ em đành lên Bình Dương làm công nhân, dành dụm đồng lương ít ỏi gửi về lo cho cả gia đình.
Thủ khoa Trần Thị Chính vươn lên, khẳng định mình từ trong gian khó (Ảnh: Huỳnh Cam).
Sau năm bố mất, Chính về ở với nội rồi sang “ở nhờ” nhà cô ba (ấp Hòa Thanh, xã Châu Phong, thị xã Tân Châu).
Hàng ngày ngoài giờ đi học, em phụ cô ba bán hàng tạp hóa. Được cô ba cưu mang, thương yêu như con ruột, Chính có thêm động lực phấn đấu học tập để không phụ tấm lòng của người ơn. Thấu hiểu được hoàn cảnh gia đình mình nên Chính luôn tự cố gắng học tập.
Suốt 12 năm liền, Chính luôn là học sinh giỏi. Những năm phổ thông, Chính rất tích cực tham gia phong trào do Nhà trường tổ chức, luôn là học sinh gương mẫu trong học tập, vì thế em được lớp tín nhiệm bầu giữ chức lớp phó học tập, ủy viên Ban chấp hành Chi đoàn.
Thế nhưng, dường như số phận càng muốn thử thách Chính, tai nạn giao thông bất ngờ ập đến vào cuối học kỳ I năm lớp 12 khiến em bị gãy xương đùi phải và chấn thương đầu. Tưởng rằng con đường học tập của em đến đó là một dấu chấm kết tròn trĩnh…. Tình trạng sức khỏe hết sức nguy kịch, em phải nghỉ học cả tháng liền để điều trị.
Thời gian này, dù rất nóng lòng mong muốn được về quê chăm sóc con gái, nhưng mẹ của Chính vẫn phải ngày ngày tất bật làm thêm giờ, làm tăng ca để có thêm tiền gửi về lo cho con. Người mẹ ấy chỉ có thể tranh thủ thời gian ăn trưa, ăn tối gọi điện thoại về hỏi thăm tình trạng sức khỏe của con và cầu xin điều kỳ diệu sẽ đến, giúp con mình được tai qua nạn khỏi.
Video đang HOT
Trước hoàn cảnh khó khăn của Chính, thầy cô và bạn bè trường THPT Châu Phong đã tổ chức quyên góp tiền giúp đỡ cho Chính chạy chữa.
Sáu tháng liên tục, Chính phải ngồi xe lăn và nhờ chiếc nạng để tiếp sức cho từng bước đến trường, nhất là những ngày vất vả ôn thi tốt nghiệp.
Điều kỳ diệu và niềm vui đỗ thủ khoa đầu vào trường Đại học An Giang với số điểm 27,5 (trong đó Ngữ văn 8.25, Lịch sử 9.5, Địa lý 9.75) là quả ngọt thơm thảo mà Chính đã dành tặng cho gia đình và thầy cô trường THPT Châu Phong, Thị xã Tân Châu…
Chính chia sẻ phương pháp học để đạt điểm cao: “Một phần nhờ em kiên trì thực hiện đúng thời gian biểu học tập, sinh hoạt hàng ngày. Đầu tuần, em thường vạch ra cho mình kế hoạch học tập cụ thể từng ngày và nghiêm túc thực hiện.
Đến cuối tuần, em dành thời gian tổng kết, ôn tập bài. Với các môn khối C, em lập sơ đồ tư duy các mốc sự kiện tiêu biểu theo giai đoạn, thời gian…, nắm chắc các luận điểm quan trọng, chứ không học lan man.
Ngoài ra em cũng tranh thủ thời gian lên mạng, tìm thêm sách báo và học hỏi, trao đổi thêm với thầy cô, bạn bè để bổ sung vốn kiến thức… Phần còn lại, chắc là nhờ em may mắn…”.
Thầy Nguyễn Bình An – Giáo viên môn Ngữ văn, trường THPT Châu Phong cho biết: “Từ trước đến nay, em Chính được mọi người biết đến bởi tính cách vui vẻ, hòa đồng và chịu khó. Trong giờ học, em luôn tập trung, chăm chú theo bài giảng của thầy cô.
Bên cạnh đó, em còn là một học sinh năng động, có năng khiếu hùng biện và dẫn chương trình, em tham gia tích cực các phong trào đoàn thể của trường. Tinh thần giúp đỡ và chia sẻ với bạn bè của em ấy cũng rất đáng khen.
Thời gian em bị tai nạn giao thông, biết hoàn cảnh gia đình em khó khăn nên nhà trường đã vận động hỗ trợ, tạo điều kiện và động viên tinh thần để em vững chí đi đến cùng con đường học tập của mình. Giáo viên của trường rất vui mừng và tự hào khi biết tin em thi đỗ Thủ khoa vào Đại học An Giang.”
Nếu không được nghe chia sẻ từ Chính thì khó biết được trong xương đùi phải của em vẫn còn đang nẹp khớp xương nhân tạo bằng inox. Theo bác sĩ chuyên khoa thì phải phẫu thuật để lấy khớp xương nhân tạo ra sớm để tránh nhiễm trùng và di chứng về sau.
Hiện tại, Chính bước đi còn khập khiễng “chân thấp chân cao”, nhưng em không quan tâm nhiều đến dáng đi bất thường hay lần phẫu thuật tháo inox sắp tới sẽ ra sao, điều mà em quan tâm hàng đầu ngay lúc này là làm sao nhanh chóng thích nghi với môi trường Đại học, làm sao học tập đạt kết quả tốt,…để nhận được học bổng học tập, phần nào đỡ đần cho gia đình.
Thủ khoa Trần Thị Chính nhận học bổng từ trường Đại học An Giang và các nhà tài trợ trong Lễ khai giảng (Ảnh: Huỳnh Cam).
Điều mà Chính lo lắng và ái ngại nhất đó là thời gian tới em khó có thể tham gia phong trào văn nghệ thể thao vì sự thiếu linh hoạt của chân phải…
Mặc dù Chính di chuyển bất tiện, hễ đi nhiều thì chân đau, nhưng ngày ngày em vẫn đều đặn đến lớp, vẫn đạp xe ra bến xe và bưu điện để nhận hàng (quần áo) và đem giao cho khách. Công việc làm thêm vài tháng gần đây – bán hàng online đã đem đến nhiều trải nghiệm thú vị cho em và phần nào giúp em có thêm một khoản thu nhập nho nhỏ trang trải cho việc học.
Có thể nói, nội dung quyển sách “Tôi tài giỏi – Bạn cũng thế” của tác giả Adam Khoo đã cho Chính nhiều bài học bổ ích, nhiều suy nghĩ sâu sắc hơn về con đường thành công và sự vươn lên trong cuộc sống.
“Ai cũng muốn làm một điều gì đó rất lớn lao, nhưng lại không nhận ra rằng cuộc sống được tạo ra từ những điều rất nhỏ”, đó là câu nói mà Chính luôn khắc ghi, xem như là phương châm sống cho mình.
Khi được hỏi về ước mơ cho tương lai của mình, Chính bộc bạch: “Em nuôi ước mơ trở thành cô giáo từ nhỏ và gia đình luôn ủng hộ lựa chọn của em. Dẫu biết rằng, con đường phía trước còn nhiều chông gai, thử thách nhưng em sẽ cố gắng vượt qua và phấn đấu hết mình cho ước mơ sau này”.
Vượt qua bao gian khó để thi đỗ vào trường Đại học An Giang, em Trần Thị Chính đã đặt bước chân đầu tiên trên hành trình chinh phục ước mơ. Với tính cách vui vẻ, năng động và nghị lực cầu tiến của mình, tin rằng trong một tương lai gần nhất, ước mơ của em sẽ trở thành hiện thực…
Huỳnh Cam
Theo giaoduc
Nức lòng với cậu bé xương thủy tinh đạt 27,75 điểm khối A
Bị khuyết tật từ nhỏ, cậu bé xương thủy tinh Nguyễn Trọng Tín vẫn vượt khó học giỏi. Kỳ thi THPT quốc gia vừa qua, điểm thi 3 môn khối A của Tín đạt 27,75 điểm, trong đó Toán 8,75, Lý 9,5 và Hóa 9,5.
Mấy hôm nay, ngôi nhà nhỏ của vợ chồng ông Nguyễn Hoàng và bà Võ Thị Thìn ở thôn Phú Mỹ (xã Tam Phước, huyện Phú Ninh, Quảng Nam) đón nhiều người hàng xóm, bạn bè và thầy cô đến chúc mừng hai vợ chồng khi hay tin cháu Nguyễn Trung Tín đạt điểm cao trong kỳ thi vừa qua.
Cậu bé xương thủy tinh Nguyễn Trọng Tín học giỏi, đạt 27,75 điểm khối A.
Hỏi đường đến nhà, ai cũng biết cậu bé Tín học giỏi nhưng bị khuyết tật từ nhỏ và tận tình chỉ đường. Gặp Tín ở nhà, hỏi bố có nhà không, Tín bảo bố đi làm, chỉ có mẹ ở nhà. Bà Thìn đang tay thoăn thoắt vừa tráng bánh tráng (bánh đa) vừa trò chuyện với PV.
Bà kể, gia đình có 2 đứa con, anh của Tín đang học một trường Cao đẳng ở Đà Nẵng. Để có tiền cho con ăn học, hai vợ chồng bà Thìn phải bươn chải đủ nghề, ai kêu gì làm nấy. Chồng thì đang đi làm thợ hồ, còn bà thì mỗi ngày phải tráng bánh tráng đem bỏ mối. Một ngày phải tráng hết 10kg gạo mới đủ bán cho khách.
Kinh tế gia đình khó khăn lại gặp khó hơn khi mới sinh được vài tháng tuổi, gia đình phát hiện Tín bị bệnh xương thủy tinh, gia đình phải vay mượn khắp nơi để chạy chữa cho Tín nhưng căn bệnh quái ác không thể chữa được.
Công việc hàng ngày của bà Võ Thị Thìn - mẹ của Tín - là tráng bánh tráng đi bỏ cho khách hàng
"Lúc nhỏ, cháu nó cứ bị gãy chân, gãy tay suốt. Mỗi lần cháu bị nạn, hai vợ chồng phải bồng bế cháu xuống Tam Kỳ bó bột. Khổ trăm bề, giờ chân tay cháu không được lành lặn như người ta, đi đứng cũng khó khăn, muốn đi đâu cũng phải chở...", ngồi bên lò tráng bánh nóng hầm hập, bà Thìn quệt mồ hôi trên trán kể.
Đến tuổi đi học, thấy bạn bè trang lứa đến trường gia đình cũng cố cho cháu đi học. Nhưng để đến trường, bố mẹ phải thay nhau cõng hay chở đi chở về hàng ngày. Cứ như thế, suốt 12 năm học, khi thì bố phải cõng, khi thì chở bằng xe đạp thế mà cậu bé xương thủy tinh vẫn đứng đầu lớp.
Căn bệnh xương thủy tinh cũng không làm Tín chùn bước. Mỗi lần bị nạn, lại phải đi băng bột nhưng không vì thế mà việc học hành của Tín bị ảnh hưởng. Bằng chứng là trong 12 năm học phổ thông, Tín đều đạt danh hiệu học sinh giỏi toàn diện, được nhận nhiều bằng khen, giấy khen và học bổng của trường và các tổ chức, đoàn thể trao tặng vì nổ lực vượt khó. Riêng năm học lớp 12 ở trường THPT Trần Văn Dư vừa qua, tổng kết điểm Toán của Tín trên 9 phẩy, cao nhất toàn trường khiến mọi người đều nể phục.
PV Dân trí trò chuyện với mẹ của Tín
Bà Thìn kể, năm Tín học lớp 8, một tổ chức quốc tế đã đưa Tín đi Hàn Quốc chữa bệnh suốt ba tháng, từ đó căn bệnh xương thủy tinh của Tín mới tạm yên để cháu học hành. "Thấy cháu ham học nên vợ chồng tôi cũng vui lắm nhưng cũng lo lắm bởi không biết với bệnh tật của cháu thì sau này sẽ như thế nào. Dù sao vợ chồng tôi cũng cố gắng lo cho cháu học đến nơi đến chốn dù có khó khăn đến đâu", bà Thìn tâm sự.
Trong căn nhà cấp bốn phía trước là quán bán hàng và lò tráng bánh, bên trong một căn phòng sạch sẽ nhất được vợ chồng bà Thìn bố trí cho Tín để tiện việc học hành. "Còn vợ chồng tôi thì ngủ đâu cũng được, miễn cháu có chỗ học và ngủ cho đàng hoàn là được", bà Thìn nói.
Chúng tôi trò chuyện với Tín nhưng em rất ít lời. Tín bảo không thích kể lể về mình. Hỏi về ước mơ khi biết tin điểm thi của mình cao. Tín cho biết, em chọn trường ĐH Bách khoa TPHCM ngành Khoa học máy tính vì đây là ngành thích học và phù hợp với mình. Tín đã nộp hồ sơ vào trường và chờ kết quả.
Để chuẩn bị hành trang cho con vào ĐH, bà Thìn cho hay vợ chồng đã tính toán một người ở quê, một người vào TPHCM vừa làm vừa nuôi con. "Hoàn cảnh bắt buộc vậy chứ biết làm sao. Thôi thì vợ chồng tôi đành phải hy sinh để cho cháu được học hành. Có vất vả mấy cũng phải lo cho cháu thôi", bà Thìn tâm sự.
Trao đổi với PV Dân trí, thầy Võ Quang Tư - giáo viên chủ nhiệm lớp Tín - không khỏi tự hào khi một cậu học trò giỏi của mình lại có hoàn cảnh rất đặc biệt. Thầy Tư nói: "Tín là một học sinh giỏi và ngoan. Mặc dù hoàn cảnh khó khăn và bệnh tật nhưng em đã rất nỗ lực để vượt qua. Ngoài ra, Tín được bạn bè quý mến khi sẵn sàng giúp đỡ bạn cùng học tập. Tôi cũng như nhà trường rất tự hào về Tín".
Công Bính
Theo Dantri
Cô "thủ khoa kép" và mơ ước phát triển tiếng Đức tại Việt Nam Là thủ khoa kép chuyên ngành tiếng Đức, Đào Hải Hà cho biết sẽ tiếp tục học lên cao và thực hiện mơ ước giảng dạy phát triển tiếng Đức tại Việt Nam. Sinh ra và lớn lên trong gia đình quân nhân tại Hà Nội, sau 3 năm gắn bó với tiếng Đức tại trường THPT Chuyên ngoại ngữ (Đại học Ngoại...