Trấn Thành: ‘Tôi chấp nhận cả sự nhục nhã để vươn lên’
Trấn Thành cho biết anh hay nghĩ khác số đông. Khi người ta cho là hay, là đẹp thì anh nghĩ ngược lại. Anh thích tạo sự khác biệt, nghĩ khác để tìm ra cái mới hơn.
- Anh vừa tổ chức thành công liveshow kỷ niệm 8 năm theo đuổi nghệ thuật. Anh muốn tổng kết lại quãng đường đi nhiều vinh quang nhưng cũng đầy thăng trầm của mình?
- Thông qua liveshow này, tôi cũng muốn khán giả thấy 8 năm qua tôi đã làm được gì, từ MC, đóng kịch đến ca hát, nhảy… Đó là một chặng đường gian nan, tôi đã cố gắng, nỗ lực và chấp nhận cả sự nhục nhã để vươn lên.
Diễn viên – MC Trấn Thành.
Video đang HOT
- Sự nhục nhã mà anh nói đến là gì?
- Tất cả những gì mọi người thấy ở tôi đôi khi chỉ là bề nổi, những hào nhoáng trên sân khấu. Mấy ai biết được tôi đã trải qua những gì để có được như hôm nay.Làm nghề MC giống như bác sĩ thẩm mỹ, chương trình dài quá thì nhà tổ chức bắt tôi cắt, ngắn quá thì bắt nối cho dài, làm cho người ta đẹp thì chưa chắc được khen nhưng làm cho người ta xấu thì bị kiện. Nếu hôm nào dẫn hay thì thôi, lỡ không hay thì chắc chắn sẽ bị khán giả phản ứng. Làm nghề MC khổ là vậy, người ta chỉ nhìn thấy cái được nhìn thấy nhưng không ai hiểu bên trong đang xảy ra chuyện gì, tại sao tôi lại làm như vậy!- Nghe đâu 8 tháng tuổi, Trấn Thành đã biết nói?
- Đó là một điều khá đặc biệt ở tôi. Khi nghe mẹ kể lại, tôi cũng… giật mình. Từ nhỏ, tôi đã nói rất nhiều và cảm thấy khoái chí mỗi khi nói ra những gì khiến cho người khác cười. Bây giờ, một ngày tôi nói trung bình khoảng 300.000 từ. Thậm chí, lúc ngủ tôi cũng hay nói mớ.- Trấn Thành từng bảo: “Tôi nghĩ khác những gì người khác nghĩ”, vì sao vậy?
- Tôi hay nghĩ khác số đông. Người ta cho là hay, là đẹp thì tôi nghĩ ngược lại. Vì tôi thích tạo sự khác biệt, nghĩ khác để tìm ra cái mới hơn.
- MC luôn gặp áp lực “nói sao cho đẹp lòng mọi người” như lời bài hát của nhạc sĩ Vũ Quốc Việt viết tặng những người bước chân vào nghề này. Trấn Thành chắc cũng bị áp lực bởi điều đó?
- Tôi khẳng định là chúng ta không bao giờ có thể làm đẹp lòng tất cả mọi người nên áp lực đó với tôi không còn hợp lý nữa. Tôi chỉ nghĩ làm sao cho “ít làm phật lòng mọi người nhất” thì đúng hơn.- Nhiều người nhận xét Trấn Thành là một MC có bản sắc riêng nhưng bản sắc ấy dường như cũng làm nên bởi sự “lanh” và “lố”. Anh có thấy đúng không?
- Tôi luôn thừa nhận tôi lố, lố cố tình. Tôi sống theo cảm xúc. Cảm xúc mách bảo điều gì thì tôi làm điều đó chứ không phải quá suy nghĩ, cân nhắc. Hơn nữa, tôi là nghệ sĩ có cảm xúc mạnh hơn người khác nên đôi khi biểu lộ cảm xúc hơi quá trên sân khấu, đâm ra lố. MC cũng là con người chứ đâu phải thần thánh mà không mắc lỗi? Trên sân khấu, dù cố gắng kiểm soát cảm xúc nhưng lâu lâu tôi cũng “trật đường ray”. Đó cũng được xem là tai nạn nghề nghiệp.
“Tôi hay nghĩ khác số đông. Người ta cho là hay, là đẹp thì tôi nghĩ ngược lại. Vì tôi thích tạo sự khác biệt, nghĩ khác để tìm ra cái mới hơn”.
- Người ta nói dẫn chương trình mà để “cái miệng đi trước cái đầu” thì chuyện “vạ miệng” là điều khó tránh?
- Tôi thấy mình đôi khi mới vô tình nói ra những điều mất kiểm soát chứ không phải là MC thường bị “vạ miệng”. Có nhiều người nói tôi là “cái miệng đi trước cái đầu” nhưng thật ra hoàn toàn không phải như vậy. Chẳng qua là khán giả chưa hiểu, chưa biết chấp nhận cách làm của tôi.Nghệ thuật cũng giống như món ăn tinh thần cho khán giả vậy. Tôi thích mình là “mắm” chứ không thích là “cơm”. Cơm dù là món quen thuộc, không bao giờ ngán, không thể thiếu với mọi người nhưng khi ăn xong rất khó để lại dư vị. Còn mắm sẽ có rất nhiều người ăn không được nhưng khi đã thích thì họ sẽ ghiền. Tôi thà làm một người không bình thường chứ không muốn làm một người an toàn, không có gì đó đặc biệt. Bởi nghệ sĩ mà không ai thương, không ai ghét thì rất chán. Tôi thà có 5 người thương, 5 người ghét còn hơn.- Trấn Thành thường ứng xử thế nào khi dư luận nay khen, mai chê; khán giả nay thương, mai ghét…?
- Tôi luôn thích những lời nhận xét thẳng thắn và chân thành. Tôi hay có thói quen vào Facebook cá nhân để đọc những lời góp ý khen chê của khán giả. Tất nhiên, tôi sẽ không quan tâm đến những lời không có văn hóa, nói bậy của một số người. Còn những khán giả khác, họ đưa ra lời phê bình, khen chê rất thiết thực.Tôi luôn lắng nghe nên khen hay chê, tôi đều nhận hết. Một người không biết lắng nghe sẽ không bao giờ giỏi được. Tất nhiên, chê ở đây là góp ý chân thành. Tôi không thích kiểu chê “dìm hàng”, không ghi nhận cái tốt của người khác mà chỉ cố tình vạch lá tìm sâu.- Nhiều người bước vào nghề này thường chọn lối đi an toàn, còn anh làm điều ngược lại. Có phải anh muốn mình nổi bật?
- Tôi thích cảm giác được té, ngã, thích đau vì nếu không trải qua cảm giác đau sẽ không bao giờ có ý thức “không cho phép mình đau nữa”. Nếu ai cứ sợ bị chê, sợ bị lố thì sẽ không tiến bộ được. Tôi xem đó là sự thử nghiệm, thử thách tự đặt ra cho mình để chinh phục những khán giả khó tính nhất.
Theo Người Lao Động